Phạm Trần - Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã không bỏ lỡ cơ hội, trong chuyến thăm Cuba để tuyên truyền cho nhiều “món hàng đặc sản” chính trị, kinh tế, xã hội và ngọai giao của Việt Nam, nhưng liệu người Cuba có biết đó tòan là “hàng dổm” không ?
Trong diễn văn có nội dung “quảng cáo” và “truyền đạo” ngày 09/04 (2012) tại Trường Đảng cao cấp Nico Lopez, Trọng nói : “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng chúng tôi, là thành quả lý luận quan trọng qua hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới.
Theo nhận thức của chúng tôi, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường. Nó là một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa (vì chúng tôi còn đang trong thời kỳ quá độ).” (Tài liệu do Thông tấn xã Việt Nam, TTXVN, phổ biến)
NHỮNG ĐIỀU KHÔNG THẬT
Vậy chủ trương kinh tế mà Trọng tự nhận “made in Vietnam” này đã giúp ích gì cho 86 triệu người dân, hay chỉ nuôi béo những cán bộ, đảng viên có chức có quyền; nuôi dưỡng hai lực lượng Quân đội và Cộng an để bảo đảm an tòan cho Lãnh đạo và cho đảng ?
Nhưng trước hết, hãy thử đặt lên bàn mổ để “phanh thây xẻ thịt” ý tưởng của Trọng xem Lãnh đạo đảng CSVN muốn nói gì trong câu “Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa (vì chúng tôi còn đang trong thời kỳ quá độ) “ ?
Ô hay, vậy “qúa độ” để đi đâu, xã hội Chủ nghĩa nào ? Nếu chủ trương kinh tế của Việt Nam, sau 25 năm được gọi là “đổi mới” từ Đại hội đảng VI đưa Nguyễn Văn Linh lên cầm quyền Tổng Bí thư năm 1986 mà đến năm 2012 của thời Nguyễn Phú Trọng nhà nước Việt Nam vẫn còn nò mẫm “định hướng” thì đến bao nhiêu năm nữa, hay mấy chục năm nữa mới tìm ra được “ánh sáng cuối đường hầm” để tiến đến “kinh tế “đúng hiệu con nai vàng” của Xã hội chủ nghĩa tương lai, hay chẳng bao giờ có được?
Vậy có cần bàn xem có nền “kinh tế thị trường” trong Xã hội chủ nghĩa không, hay đảng CSVN đã “mượn cái đầu heo “kinh tế thị trường” của chủ nghĩa Tự bản để “nấu thành nồi cháo ăn thử” xem có cần thêm nếm gì nữa rồi mới hô hóan lên : Đích thực nó đây rồi, không cần “qúa độ” nữa?
Chuyện ỡm ờ của Tổng Bí thư Trọng “đi hàng hai” không dám thừa nhận đang làm Kinh tế theo Tư bản có phải chỉ cốt che mặt cho đỡ xấu hổ của Lãnh tụ Cộng sản hay Trọng muốn “tung hỏa mù” để hù họa các đồng chí Cuba ?
Cách nào chăng nữa thì hẳn Trọng chưa quên Tổng Bí thư đảng Lê Duẩn từng khoe tại Đại hội đảng năm 1976 như thế này: “Thật vậy, không thể nào có thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nếu không có miền Bắc xã hội chủ nghĩa, suốt mười sáu năm qua, luôn luôn cùng một lúc phải làm hai nhiệm vụ chiến lược. Đặc biệt từ năm 1965, khi Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thì miền Bắc đã dốc vào chiến tranh cứu nước và giữ nước toàn bộ sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa, và đã làm tròn một cách xuất sắc nghĩa vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước, xứng đáng là pháo đài vô địch của chủ nghĩa xã hội.” (Trích Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, ngày 14 tháng 12 năm 1976.)
Cũng tại Đại hội tòan quốc kỳ IV, đảng đã hô hào: “Đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới ở nước ta là:
Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt; đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hoá mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; xoá bỏ chế độ người bóc lột người, xoá bỏ nghèo nàn và lạc hậu; không ngừng đề cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội; xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.”(Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 20 tháng 12 năm 1976)
Như thế thì có phải trước 1975 miền Bắc đã là “pháo đài vô địch của chủ nghĩa xã hội” rồi, sau khi chiếm được miền Nam, thống nhất đất nước thì đảng đưa “chuyên chính vô sản” vào Nam để san bình địa nền kinh tế tự do trù phú của miền Nam khiến cả nước chết đói trong 10 năm mà vẫn còn muốn đưa cả nước “qúa độ lên xã hội chủ nghĩa”, nhưng để làm gì?
Vậy khỏang cách 36 năm giữa thời kỳ “qúa độ” năm 1976 đến chuyện “chúng tôi còn đang trong thời kỳ quá độ “ của Nguyễn Phú Trọng nói ở Cuba ngày 09/04 (2012) có chỗ nào tréo cẳng ngỗng không?
Do những chuyện không minh bạch này của Lãnh đạo Việt Nam mà có thể các viên chức đảng Cộng sản Cuba đã bị mê hoặc khi họ không biết Trọng đã sao chép lại gần như nguyên văn nhiều đọan của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) để rao hàng.
Trọng bảo: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.”
Cương lĩnh viết: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.”
Một tỷ dụ khác, Trọng nói với người Cuba: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế; kinh tế hỗn hợp, đa sở hữu, nhất là các doanh nghiệp cổ phần ngày càng phát triển; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.”
Đọan này cũng viết trong Cương lĩnh 2011: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.”
Ngòai ra, Trọng cũng “rất tự nhiên” khi hăng say khoe : “Để thực hiện được mục tiêu đó, chúng tôi phải: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội;
Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất; Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.”
Không biết có viên chức Cuba nào đã bảo nhau “biết rồi khổ lắm nói mãi” không, nhưng những điều Trọng “giảng giải” lại cũng chỉ lấy ra từ Bản Cương lĩnh, nguyên văn từng Điều:
“Một là, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Hai là, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ba là, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Bốn là, bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Năm là, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Sáu là, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất.
Bảy là, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Tám là, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.”
THỰC TẾ NHƯ THẾ NÀO?
Trong những câu nói của Trọng với người Cuba, có lời khoe: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ”, nhưng Việt Nam đã qua 7 đời Tổng Bí thư từ sau 1975, tổng cộng là 37 năm, trong số có 25 năm “đổi mới” làm kinh tế thị trường và cho phép đảng viên được “làm giầu”, nhưng chính sách kinh tế do nhà nước chủ quản chỉ làm giầu cho thiểu số, kể cả đảng viên và dòng họ những kẻ có chức có quyền.
Đại đa số trong số 86 triệu dân vẫn nghèo, có nhiều thành phần nghèo cùng cực và nghèo thường xuyên, nhất là hai lực lượng “giai cấp công nhân” và “nhân dân lao động” mà Trọng và đảng CSVN từ lâu vẫn không hết lời ca ngợi là thành phần nồng cốt đã dựng lên Đảng, nhưng để cho đảng lãnh đạo?
Sự cách biệt giầu-nghèo giữa thành phố và nông thôn vì vậy ngày càng dãn ra, có nơi đến 9/1. Người dân tộc ở nhiều tỉnh vùng cao, vùng sâu dọc biên giới Việt-Tầu và Việt-Lào bị thiếu ăn thường xuyên từ 50 đến 70%. Dân vùng hải đảo cũng lâm cảnh tương tự.
Trọng cũng khoe với Cuba : “Tỷ lệ người nghèo trung bình mỗi năm giảm từ 2 - 3% và cứ 10 năm giảm còn một nửa; giảm từ 75% năm 1986 xuống còn 9,5% năm 2010.”
Tuy nhiên, theo bản tin trên Website “Zing” thì : “ Không phải ai cũng biết rằng, tình trạng đói nghèo của Việt Nam tăng lên 2,1 % từ đợt lạm phát cao năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo hiện nay đã lên tới 22,11% (theo số liệu cung cấp bởi chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền và đói nghèo Magdalena Sepulveda). Trong đó, hàng triệu hộ gia đình hàng ngày phải đối mặt với hoàn cảnh thiếu đói.
Sơn La là một trong những địa phương có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất nước, chiếm tới trên 30 %. Các hộ này đa phần là bà con dân tộc thiếu số, sinh sống tại các bản nghèo sát biên giới hoặc các vùng hẻo lánh.”
Ngòai ra người dân Việt Nam, sống với đảng Cộng sản không được làm chủ điều gì. Ngay cả bản thân mình cũng có thể bị nhà nước lục xét, tra hỏi bất cứ lúc nào và không cần phải có lý do, dù Luật không cho phép nhân viên chính phủ làm như thế.
Đất đai, theo Hiến pháp thì thuộc về tòan dân mà Nhà nước lại dành quyền qủa lý, có tòan quyền phân chia, buôn bán, tịch thu, cưỡng chế thì người dân chỉ còn “cái quần lót”. Các vụ khiếu kiện đất đai ở Việt Nam đang tăng nhanh với số trên 50%, kể từ sau vụ cưỡng chế đất có nổ súng tự vệ của gia đình ông Đòan Văn Vươn ở Huyện Tiên Lãng, Hải Phòng ngày 05/01/2012.
Nhưng Trọng vẫn có thể nói dối với các đảng viên cao cấp Cuba rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam; Đảng ra đời, tồn tại và phát triển là vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Khi Đảng cầm quyền, lãnh đạo cả dân tộc, được toàn dân thừa nhận là đội tiên phong lãnh đạo của mình và do đó Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam.”
Hỡi dân tộc Cuba, các người có biết rằng nhân dân Việt Nam chưa bao giờ bỏ phiếu dành quyền lãnh đạo đất nước cho đảng CSVN. Từ Hồ Chí Minh cho đến đám hậu duệ về sau đều tự phong cho mình chức trọng quyền cao và nắm trọn trong tay mọi quyền của dân, dù Hiến pháp không có điều nào trao quyền cho đảng, mặc dù Điều 4 Hiến pháp 1992 có nói đảng là “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Nhưng tất cả 4 Bản Hiến pháp từ 1946 đều do đảng CSVN viết ra để cho Quốc hội của đảng thông qua. Người dân Việt Nam chưa một lần được trưng cầu ý kiến mà vẫn phải “ngậm miệng bồ hòn” để thi hành!
Người dân Việt Nam sống trong chế độ Cộng sản đã bị đảng “nhét chữ vào mồm” từ năm 1946 mà không ai dám cưỡng lại, nhưng nhân dân Cuba đã bị lừa khi Trọng nói với họ rằng: “Mới đây, tại Đại hội toàn quốc lần thứ XI (tháng 01-2011) trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), chúng tôi một lần nữa khẳng định: "Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử".
Người Cuba đâu biết rằng điều được gọi là “khát vọng” ấy là của riêng những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam chứ chưa chắc đã là sự đồng thuận của trên 3 triệu đảng viên, nói chi đến con số lớn lao 83 triệu người còn lại.
Bởi vì chưa bao giờ đảng dám tổ chức hỏi ý dân xem họ có còn muốn đảng cai trị nữa không.
Dân Việt Nam ở trong nước cũng chẳng có bất cứ quyền tự do nào, dù Hiến pháp quy định mọi quyền như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo thờ phượng, lập hội, hội họp, nghiệp đòan, làm chủ ruộng vườn v.v…
Vậy mà Trọng vẫn còn can đảm mánh mung khoe những điều không thật với người Cuba rằng: “Pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân."
Các viên chức đảng còn trắng trợn không chấp nhận đa nguyên chính trị, không cho tư nhân ra báo và cấm báo chí, dù tất cả là của đảng, không được chỉ trích, phê bình lãnh đạo!
Như thế là độc tài cai trị, độc đảng cầm quyền, nhưng Trọng vẫn nói với người Cuba như đi vào “vườn không nhà trống” rằng: “Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam. Chúng tôi chủ trương không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.”
Vấn đề này thì người Cuba biết rất rõ. Hòan cảnh của họ sống với chế độ Cộng sản Fidel Castro từ năm 1959 cũng không hơn gì số phận hẩm hiu của người Việt Nam phải sống trong vòng đai kìm kẹp của chế độ CSVN từ 1954 ở miền Bắc và tòan cõi Việt Nam từ sau ngày 30/04/1975.
Thứ “dân chủ” mà Trọng khoe với cán bộ Cộng sản Cuba làm gì có trong bản chất của xã hội chủ nghĩa đối với tòan dân.
Nếu người dân Việt Nam có dân chủ thì làm gì còn đảng và nhà nước Cộng sản ? Nếu Nguyễn Phú Trọng không tin thì thử tổ chức trưng cầu dân ý có giám sát quốc tế và tự do thử coi đảng được tín nhiệm mấy phần trăm?
Đảng CSVN cũng chưa bao giờ dám tổ chức bầu cử, ứng cử tự do mà không qua “chiếc vó lọc nước” của Mặt trận Tổ Quốc, tổ chức ngọai vi của đảng thành lập ra để tập trung kiểm soát các tổ chức chính trị, xã hội làm theo lệnh đảng.
Ngòai nhiều điều nói khống về tính ưu việt của chế độ như đã thu hẹp tình trạng giầu nghèo và đói nghèo trong xã hội, Trọng còn khoe: “Mức tăng trưởng trung bình đạt 7 - 8% mỗi năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng gấp gần 11 lần; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không chỉ đã đảm bảo được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 80% GDP (Gross Domestic Product, Tổng sản lượng quốc gia). Xuất khẩu cũng tăng mạnh, đạt xấp xỉ 100 tỉ USD năm 2011. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, đăng ký đạt gần 200 tỉ USD vào cuối năm 2011.”
Sự thật thì mức phát triển chỉ còn khỏang 5% từ cuối năm 2011. Mức thu họach của người dân không theo kịp đà lạm phát đang tăng nhanh khỏang 20%. Giá hàng hóa, nhất là các hàng thực dụng như lương thực tăng mỗi ngày khiến dân lao động, công chức và công nhân khốn đốn.
Riêng quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Cộng thì theo báo chí Việt Nam cho biết : Tính đến năm 2011 thì Trung Cộng đã có 842 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 4,3 tỷ USD, đứng thứ 14 trong tổng số 96 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Trong khi đó Việt Nam chỉ có 10 dự án đầu tư sang Trung Quốc với tổng vốn đăng ký là 13 triệu USD chủ yếu tập trung trong lĩnh vực dịch vụ.
Ngòai ra trị gía bằng tiền số hàng hóa Việt Nam “nhập siêu” từ Trung Cộng mỗi năm trên 10 tỷ dollars và số tiền Việt Nam mắc nợ với Trung Hoa hiện nay ước vào khỏang trên 1 tỷ dollars.
Tình trạng kinh tế của “xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được Lãnh đạo tự diễn là “ưu việt” đang lâm nguy cũng đã bị Trọng giấu nhẹm với người Cuba.
Theo bài viết của Báo Đại Đòan Kết (ĐĐK) của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam ngày 02/04/2012 thì đã có : “79.000 doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, dẫn đến phá sản trong năm 2011. Đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm! Lo ngại tình trạng này sẽ khốc liệt hơn trong thời gian tới khi 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng 57% so với cùng kỳ. Đi cùng những số liệu "xám xịt” này là tình trạng thu hẹp sản xuất, giảm vốn đầu tư, giảm công ăn việc làm.”
Báo này đặ câu họi : Liệu đang có hay không dấu hiệu của thiểu phát?
ĐĐK viết tiếp: “Tại đầu tàu kinh tế TP. Hồ Chí Minh, trong quý 1, có 931 doanh nghiệp khóa mã số thuế để hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,8% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, cũng có 5.012 doanh nghiệp gửi thông báo ngừng hoạt động. Tại thủ đô Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Tứ cho biết, chắc chắn số doanh nghiệp xin giải thể sẽ tiếp tục tăng. Đáng lo ngại là nhiều doanh nghiệp đã "chết” rồi nhưng vẫn chưa "khai tử”.
Nguyên nhân được chỉ ra, các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, đặc biệt trong việc tiếp cận nguồn vốn thị trường, dẫn đến hoạt động đình trệ hoặc phải ngưng sản xuất. Thực tế cũng cho thấy đang hình thành một số dấu hiệu bất ổn của nền kinh tế, mà nổi bật là ở khu vực doanh nghiệp trong nước, nợ nần chồng chất, hàng tồn kho lớn, kéo theo tình trạng chiếm dụng tiền thuế làm vốn kinh doanh, chiếm dụng vốn.
Theo Tổng cục Thống kê trọn quý I/2012, GDP tăng trưởng đạt 4% - thấp hơn so cùng kỳ nhiều năm trước. Chỉ số công nghiệp cộng dồn so với cùng kỳ từ tháng 7-12/2011 và 3 tháng đầu năm 2012 đi xuống một cách đều đặn, trong đó nhiều ngành có tỷ trọng đóng góp trong tổng giá trị sản xuất cao thì lại tăng trưởng âm. Không ít doanh nghiệp chuyển từ sản xuất chuyển qua làm thương mại, lấy ngắn nuôi dài, hoạt động cầm chừng. Bên cạnh đó, dù lãi suất tín dụng đã giảm 1 – 1,5% so với đầu năm nhưng tăng trưởng tín dụng lại thấp. Từ các số liệu này khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại, suy thoái của năm 2008 đang trở lại?”
Bên cạnh đó, theo Phóng viên Mạnh Đức của Thời Báo kinh tế Việt nam ngày 3/4/012 thì : “ Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và đầu tư), tính đến 1/3/2012, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 34,9% so với cùng thời điểm năm 2011. Trong khi đó, chỉ số tiêu thụ chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ.
Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng khá cao là: chế biến và bảo quản rau quả tăng 87,2%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 62,7%; sản xuất sắt, thép tăng 59,1%; sản xuất các sản phẩm thuốc lá, thuốc lào tăng 58%; sản xuất xi măng vôi, vữa tăng 55%; sản xuất xe có động cơ tăng 38,7%. Đây cũng là những ngành có chỉ số tồn kho liên tục tăng cao trong những tháng gần đây.
Giải thích nguyên nhân tồn kho tăng cao, các chuyên gia kinh tế cho rằng, do năng lực tiêu dùng (sức mua) suy giảm đã tác động tiêu cực đến hệ thống sản xuất và phân phối sản phẩm. Điều đáng báo động là chỉ số hàng tồn kho liên tục tăng cao trong nhiều tháng nay đang cho thấy thị trường hàng hóa đang bị tắc nghẽn, hàng sản xuất ra không bán được.”
Đó là bức tranh kinh tế rất xấu của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2012, nhưng làm sao mà người Cuba biết được khi họ chỉ được nghe những lời rao hàng dổm của Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng CSVN.
Rõ ràng là người đứng đầu đảng CSVN đã bôi đen mặt Việt Nam khi đem chuông đi đánh xứ người.
(04/012)