Phản bác lại bài viết của Kim Ngọc "Lợi dụng trợ giúp nhân đạo để kích động" - Dân Làm Báo

Phản bác lại bài viết của Kim Ngọc "Lợi dụng trợ giúp nhân đạo để kích động"

Trần Thị Nga Thưa bạn Kim Ngọc tôi vẫn biết Xuất Khẩu lao động là chủ trương lớn của đảng và nhà nước Việt Nam, và tôi còn biết đi kèm với chủ trương đó là việc Đảng nhân danh Nhà Nước tiếp tay bao che cho các Cty môi giới lừa tiền, bóc lột tiền lương và sức lao động của người lao động, bỏ rơi người lao động khi họ gặp hoạn nạn. Tôi sẽ kể cho bạn nghe những bằng chứng mà nhân chứng và vật chứng hiện đang có mặt tại VN.

1. Bản thân tôi là nạn nhân của chủ trương xuất khẩu lao động, và tôi chính là nạn nhân đã bị đảng và nhà nước VN bỏ rơi khi tôi gặp nạn, lúc đó Cảnh sát, Đại Biểu Quốc Hội và Bộ lao động Đài Loan đã trực tiếp liên hệ và gửi công văn yêu cầu Văn phòng đại diện VN tại ĐL đứng ra cùng chính phủ ĐL giúp đỡ giải quyết vấn nạn của tôi theo những điều khoản mà hai nước đã ký kết với nhau, nhưng tuyệt nhiên chính phủ VN không hề có động thái gì.

2. Tôi cũng giám khẳng định với bạn một điều là khi Xuất khẩu lao động là chủ trương lớn của đảng và nhà nước, nhưng đảng và nhà nước lại không có chủ trương lớn để giúp người gặp nạn thì chủ trương đó trở thành chủ trương gì? Phải chăng đấy là chủ trương đem con bỏ chợ chỉ cần tiền thuế của người lao động?

Bạn hãy hỏi tất cả các nạn nhân và nhân viên của đảng và nhà nước xem khi những nạn nhân kêu cứu nhờ sự giúp đỡ của đảng và nhà nước họ đã nhận được gì? Có khi nào nhân viên của đảng và nhà nước dùng tâm tình và trách nhiệm của họ cứu giúp người gặp nạn trong đêm không?. Còn bản thân tôi đã từng nhiều lần nửa đêm một thân một mình với đôi chân khập khiểng (vì mới bị tai nạn) đến sào huyệt của Cty môi giới cứu giúp người lao động đang bị giam cầm. Có một vụ đặc biệt mà suốt đời tôi và người nạn nhân đó sẽ không thể quên được.

Đó là một đêm khi chuẩn bị đi ngủ tôi nhận được điện thoại của một lao động nói là anh đã bị môi giới nhốt trong phòng kín 3 ngày rồi, điện thoại bị thu giữ nhưng may mắn là trong hành lý của anh có chiếc điện thoại của người bạn gửi cất hộ lên anh đã dùng để gọi cầu cứu Cục lao động 02 ngày nay mà vẫn chưa được giải cứu. Vì không biết địa chỉ tôi lần theo sự mô tả của anh mà tìm đến, tới nơi tôi đã phải giả dạng cô gái lẳng lơ để tiếp cận hỏi thăm người bảo vệ, thì người này cho biết ở trong phòng có tấm biển Cách Ly, bên trong kín mít hôi thối, bị khóa cửa ngoài kia là một thanh niên VN đang bị nhốt. Tôi hỏi anh ta có được đi ra ngoài không? Người bảo vệ nói không. Môi giới giao cho anh ta canh giữ việc sống chết của người thanh niên đó thế nào không liên quan tới anh ta.

Thấy sự việc hết sức nghiêm trọng tôi đã giúp anh gọi điện báo cảnh sát đến giải cứu anh, vài phút sau cảnh sát đến, môi giới ra nói những điều không đúng sự thật về tôi và anh, còn ngôn ngữ của tôi và anh có hạn lên tôi và anh đã bị cảnh sát bắt vào đồn. Tại đồn cảnh sát tôi đã phải đấu tranh với Môi giới rất nhiều thì cảnh sát mới hiểu ra sự việc rằng tôi là người đến giúp giải cứu anh. Cảnh sát đã làm thủ tục điều tra và đưa hồ sơ lên tòa án. Vài tháng sau vụ án của anh đã được xét xử và anh là người thắng kiện.

3. Còn Văn phòng đại diện VN tại ĐL đã làm gì khi nhận Giấy Ủy quyền của nạn nhân Nguyễn Thị Vân rồi để đấy mặc nạn nhân ròng rã chờ đợi suốt 05 năm với kết quả nhận được vẫn là O vì họ không làm gì.

4. Cty môi giới AIC và Văn phòng đại diện VN tại ĐL đã làm gì với giấy ủy quyền của nạn nhân Dương Văn Việt bị tai nạn chảy máu lão để rồi nạn nhân đã bị mất toàn bộ các khoản tiền bảo hiểm vì MG và VP đại diện VN không giúp để quá thời hạn. 

5. Chính phủ và Môi giới nói gì trong vụ chị Nguyễn Thị Huấn quê Bắc Giang đi qua Cty môi giới là Đài Tiếng Nói Việt Nam với mức phí là 5.700USD. Làm việc tại Viện dưỡng lão 06 tháng tổng tiền lương chị nhận được là 600USD với thời gian làm việc là 24/24 tiếng 1 ngày, lúc ăn, ngủ cũng phải trông bệnh nhân. Không được bước chân ra khỏi cửa viện dưỡng lão, không được điện thoại, không được gặp gỡ người bên ngoài. Trước khi sang ĐL chị có mang theo điện thoại, nhờ được người thân của một bệnh nhân mua cho cái thẻ điện thoại chị điện cho cục lao động nhờ giúp đỡ thì bị chủ thuê phát hiện, đánh đập, cướp điện thoại. Vì bỏ chạy theo phản xạ của con người khi bị bách hại chị đã chạy lên sân thượng của tầng 07. Môi giới và chủ thuê gọi cảnh sát đến giải cứu. Chỉ khi người của cục lao động đến chị Huấn mới tin tưởng để vào làm việc. Sau đó Môi giới và chủ thuê đã đưa chị đến nhà thương điên nói là chị bị điên, bệnh viện kết luận chị không điên mà chị bị áp bức lên mới thế.

Chủ thuê, môi giới, cục lao động, nhân viên xã hội của bệnh viện cùng chị làm việc thỏa thuận, chị về VN Cty môi giới Việt Nam là Đài Tiếng Nói Việt Nam sẽ trả lại chị 4.300USD với giấy tờ ký kết đóng dấu đoàng hoàng. Khi về VN tôi và chị đã phải nhiều lần đến Đài tiếng nói Việt Nam và gửi đơn đến Cục quản lý lao động ngoài nước xin giúp đỡ để thanh lý hợp đồng lấy lại tiền theo thỏa thuận thì ĐTNVN đã đòi trừ hết khoản này khoản nọ và chỉ trả lại chị 500USD. 

Không chấp nhận sự bất công trắng trợn như thế cuối cùng tôi đã nói “nếu ở Việt Nam không giải quyết được việc này thì tôi sẽ nhờ chính phủ Đài Loan can thiệp, vì ĐL là đất nước pháp trị họ sẽ bảo vệ quyền lợi của người bị hại” và đứng lên đi về. Nghe thấy thế giám đốc CT môi giới đã mời chúng tôi ngồi lại và lập tức trả tiền theo thỏa thuận.

Trên đây tôi chỉ đưa ra cho bạn Kim Ngọc một số vụ việc để bạn và quý độc giả tham khảo về Chủ trương xuất khẩu lao động của Đảng và nhà nước ra sao? Khi hoạn nạn người lao động gọi điện đến đường dây nóng của Đảng và nhà nước có được trả lời và giúp đỡ không? Bạn hãy thử gọi đi, hãy hỏi các nạn nhân đi rồi hãy viết bài.

Bạn lên nhớ người lao động cũng là con người họ không phải con vật hoặc đồ vật để mà xuất khẩu rồi bị bóc lột, bị bỏ rơi khi hoạn nạn.

Việc giúp người hoạn nạn bởi lòng nhân đạo của cá nhân hoặc tổ chức mà họ không hưởng những đồng lương từ tiền thuế của nhân dân, của người lao động như nhân viên của Đảng của Nhà Nước thì Đảng và nhà nước phải mang ơn họ chứ tại sao lại chụp mũ họ là Phản Động.


*

Phòng, chống "diễn biến hòa bình" - 
Lợi dụng trợ giúp nhân đạo để kích động

QĐND - Xuất khẩu lao động là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, những năm gần đây đã xảy ra một số vụ việc tranh chấp giữa lao động Việt Nam ở nước ngoài với chủ sử dụng lao động. Hầu hết các sự việc trên, được các cơ quan chức năng của Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các đối tác, chủ sử dụng lao động nước sở tại giải quyết ổn thỏa

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như không có chuyện một vài tổ chức phản động ở nước ngoài đã lợi dụng những tranh chấp đó để chống phá Việt Nam. Một trong những vụ việc điển hình cho thấy rõ sự giật dây, tiếp sức của các tổ chức phản động là vụ đình công của 167 lao động Việt Nam ở Jordan trước đây. Trong vụ việc này, những bức xúc của người lao động Việt Nam đối với chủ doanh nghiệp đã bị Nguyễn Đình Thắng - kẻ cầm đầu cái gọi là Ủy ban Cứu trợ thuyền nhân (Boat People SOS) ở Mỹ và cũng là người sáng lập tổ chức Liên minh Bài trừ nô lệ mới ở châu Á - Mỹ (CAMSA) can thiệp. Dùng chiêu thức "bảo vệ quyền lợi" hay "trợ giúp nhân đạo" làm tấm bình phong, lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật ở nước sở tại của người lao động Việt Nam, Nguyễn Đình Thắng đã kích động, lôi kéo họ đình công, bỏ việc về nước... Sau đó thông qua một số cơ quan báo chí ở nước ngoài, Nguyễn Đình Thắng tung tin tuyên truyền xuyên tạc chính sách xuất khẩu lao động của Việt Nam, kích động người lao động ở các quốc gia khác chống phá quan hệ hợp tác lao động và quan hệ hữu nghị giữa nước Việt Nam với các nước. Thâm độc hơn, Nguyễn Đình Thắng còn vu cáo rằng, Nhà nước Việt Nam “buôn người” thông qua hình thức xuất khẩu lao động... Việc này đều nằm trong ý đồ của các thế lực thù địch chống phá Việt Nam. Ngoài mục đích trên, Nguyễn Đình Thắng còn lợi dụng chính những sự việc ấy để vận động cộng đồng người Việt ở nước ngoài "quyên góp" tiền "ủng hộ lao động Việt Nam", nhưng thực chất là lòe bịp, lừa tiền của đồng bào ở hải ngoại vào mục đích vụ lợi cá nhân... Vẫn bằng chiêu thức ấy, thời gian gần đây Nguyễn Đình Thắng đã đến Ma-lai-xi-a tiếp cận công nhân Việt Nam nhằm thực hiện ý đồ tương tự. 

Nhìn nhận khách quan về những sự việc trên có thể thấy rõ, ngoài sự kích động, lôi kéo của các tổ chức phản động, để xảy ra tình trạng trên có trách nhiệm của các doanh nghiệp được giao tổ chức đưa lao động ra nước ngoài. Cùng với các biện pháp đấu tranh ngăn chặn những hành động can thiệp, phản bác những luận điệu sai trái, bịa đặt của các thế lực thù địch, vấn đề đáng quan tâm hiện nay với chúng ta là cần phải coi trọng việc giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức công dân, tinh thần tự tôn dân tộc đối với người lao động khi ra nước ngoài làm việc. Mặt khác, cần kịp thời thông tin, cảnh báo đến người lao động những âm mưu thủ đoạn của các tổ chức phản động để không mắc mưu, tiếp tay cho chúng. Khi sự việc xảy ra, cần chủ động phối hợp với nước sở tại, kịp thời hỗ trợ người lao động không để kẻ xấu tiếp cận, kích động, lôi kéo đình công, gây rối... 

Kim Ngọc



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo