BBC - Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nói "phát triển quan hệ hữu nghị láng giềng tốt đẹp và bền vững với Trung Quốc luôn là chủ trương nhất quán và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam".
Chiều ngày 16/4 tại Bắc Kinh, phái đoàn quân sự Việt Nam do Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đã hội đàm với phía Trung Quốc do Thượng tướng Trần Bỉnh Đức, Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân (GPND) Trung Quốc làm Trưởng đoàn.
Tường thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam cho hay Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ nhắc lại mối quan hệ "láng giềng núi liền núi, sông liền sông" được vun đắp từ hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ của Việt Nam.
Ông nhấn mạnh Việt Nam "luôn ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và hiệu quả của Đảng, Chính phủ, nhân dân và Quân GPND Trung Quốc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày nay".
Ông nói mối quan hệ hữu nghị "có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với cả hai nước, cũng như đối với hoà bình, ổn định và phát triển chung của khu vực".
"Phát triển quan hệ hữu nghị láng giềng tốt đẹp và bền vững với Trung Quốc luôn là chủ trương nhất quán và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam," Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ khẳng định.
'Không để lợi dụng'
Quanh chủ đề nóng là tranh chấp Biển Đông, Đài Tiếng nói Việt Nam nói "hai bên nhất trí Quân đội phải là lực lượng gương mẫu đi đầu triển khai thực hiện nghiêm túc các Thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, trong đó có 'Thỏa thuận về những nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển'".
"Hai bên lưu ý, cần cảnh giác không để các thế lực thù địch lợi dụng kích động chia rẽ mối quan hệ đoàn kết và lợi ích chiến lược lâu dài của hai nước Việt Nam và Trung Quốc, gây mất ổn định chính trị ở mỗi nước," tường thuật của phía Việt Nam nhấn mạnh.
Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam mùa hè năm ngoái bị truyền thông Việt Nam gọi là "vừa chia rẽ, phá hoại quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, vừa thực hiện chiến lược xóa bỏ chế độ chính trị, xóa bỏ Nhà nước CHXHCN Việt Nam", theo báo Quân đội Nhân dân trong một bài tháng Tám năm ngoái.
Chính quyền Việt Nam xem các cuộc biểu tình chống Trung Quốc là nhằm 'mục đích xấu'
Còn một vài tiếng nói không chính thức ở Việt Nam như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh từ Hà Nội phê phán chính phủ hiện nay "cấm làm mọi điều mà Trung Quốc không muốn".
Ông nói trong một bài đăng trên mạng hôm nay: "Dư luận trong nhân dân cho rằng hoặc những người có trách nhiệm của chúng ta không nhận thức rõ bản chất và mưu mô thâm hiểm của nhà cầm quyền Trung Quốc, bị họ phỉnh phờ ru ngủ; hoặc là sợ Trung Quốc không tự tin và không tin ở dân tộc mình; hoặc là có người thân Trung Quốc, thần phục họ, mặc họ muốn làm gì thì làm; và hoặc là có người vì lẽ gì đó mà ngọng miệng."
Có một chi tiết nữa là Thông Tấn xã Việt Nam dẫn lời Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ nói "Việt Nam kiên quyết không chấp nhận chế độ đa nguyên, đa đảng, việc sửa đổi hiến pháp sắp tới sẽ vẫn khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam".
Hôm 13/4, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đã gặp Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, người được dự đoán sắp trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.
Ông Tập nói vận mệnh hai nước liên quan chặt chẽ với nhau và lưu ý ông Tỵ rằng Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điểm chung như mô hình xã hội giống nhau và cùng chia sẻ lý tưởng.
Ông Tập nhấn mạnh các nhân tố này là lợi thế đặc biệt để hai nước thúc đẩy hợp tác thực tế và là tiền đề để giải quyết thỏa đáng các bất đồng giữa hai nước.
Chuyến thăm của phái đoàn quân sự cấp cao Việt Nam được xem là nỗ lực hàn gắn rạn nứt sau những cãi vã gần đây về Biển Đông.
Một trong những vấn đề gây quan tâm là việc Trung Quốc còn đang cầm giữ 21 ngư dân Việt Nam.
Việc này đã khiến cả Phó Thủ tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải trực tiếp yêu cầu Trung Quốc sớm thả vô điều kiện nhưng Bắc Kinh chưa có phản ứng.