Phạm Anh Tuấn (TuầnVietnam) - ...Không có một triết lý giáo dục rõ ràng và dứt khoát, nhưng những người làm sách giáo khoa vẫn nhận định chắc như đinh đóng cột rằng: "Đang ở giai đoạn kịch bản, nhưng việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, thực chất là một cuộc cải cách giáo dục, đang thu hút được sự chú ý của dư luận". Đang ở giai đoạn "kịch bản" mà đã biết là sẽ đổi mới toàn diện giáo dục?
*
Liệu với cách làm cải cách hoặc đổi mới giáo dục như từ trước tới nay ngành GD và ĐT đã tiến hành, có thể thuyết phục được xã hội tin rằng, sau năm 2015 giáo dục Việt Nam sẽ có bộ sách giáo khoa tốt không?
Dự án hay tiểu dự án?
Ngày 19 tháng 4 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức một hội thảo có tên "Thử nghiệm và đánh giá sách giáo khoa phổ thông sau 2015". Gạt sang một bên cái mốc "2015" có thể gắn với một cái mốc nào đó trong kế hoạch dài hạn của ngành giáo dục, những người quan tâm tới sách giáo khoa hoàn toàn có quyền đặt một vài câu hỏi mong được làm rõ về mục đích và ý nghĩa sâu xa của cuộc hội thảo này.
Câu hỏi thứ nhất, cuộc hội thảo này là một công việc có tính chất định kỳ của những người làm sách giáo khoa, hay nó nằm trong một tiểu dự án thuộc dự án được dự kiến sẽ có chi phí lên tới 70.000 tỉ đồng nhằm đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà? Hoặc nếu không thì là một dự án lớn khác, nếu có?
Câu hỏi thứ hai, chắc hẳn Bộ GD và ĐT hiện đã có trong tay một bộ sách giáo khoa hoàn toàn mới sắp được đem ra "thử nghiệm"? Và cuộc hội thảo này có mục đích bàn về phương pháp và các tiêu chí đánh giá bộ sách giáo khoa "mới toanh" này?
Tuy nhiên, như mọi lần, thật khó hi vọng nhận được các câu trả lời thỏa đáng từ những người làm sách giáo khoa của Bộ GD và ĐT.
Bởi lẽ những người làm sách giáo khoa chưa hề tiến hành một đánh giá thực sự khoa học và tỉ mỉ về bộ sách giáo khoa hiện đang dùng, như là kết quả của Chương trình cải cách có tên CT 2000.
Thứ hai, những người làm sách giáo khoa không có một nghiên cứu lý luận và thực nghiệm đi kèm để biết được chắc chắn họ sẽ làm gì trong đợt được họ gọi là "đổi mới toàn diện nền giáo dục" này.
Chính vì vậy, các nhà khoa học và toàn xã hội không thể có căn cứ để giám sát và kiểm tra công việc của họ, trong hiện tại lẫn trong tương lai sắp tới, như lẽ ra phải thế.
Sau năm 2015, Việt Nam sẽ có bộ sách giáo khoa tốt? Ảnh minh họa, nguồn: TPO
Liệu có tiếp tục duy ý chí?
Cho nên, cách có vẻ như dễ dàng nhất là những người làm sách giáo khoa cứ "lẳng lặng" làm và bất chấp tất cả.
Hãy nghe ông Nguyễn Hữu Chí, nguyên Vụ trưởng Vụ GD, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu: "Trước nay chúng ta thường đánh giá một cách... vu vơ và cảm tính, dựa theo ý người trên- lãnh đạo nói tốt là... tốt. Ở nước ta còn có sự cực đoan nữa là xảy ra "làn sóng" chửi bới sách giáo khoa không được dẫn dắt bằng khoa học" (theo báo Tiền Phong đưa tin ngày 19/4/2012).
Không rõ ông Nguyễn Hữu Chí có hàm ý gì khi phát biểu "hàm hồ" như vậy? Chỉ trong vòng chưa đầy sáu năm, nhiều nhóm các nhà khoa học và trí thức có thẩm quyền của đất nước, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, đã gửi các bản đề án cải cách giáo dục tới Bộ GD và ĐT , và đó là những bản đề án khoa học vạch rõ sự cần thiết và cách nào để cải tổ tận gốc triết lý giáo dục.
Đó đâu phải là "làn sóng chửi bới"?
Nay, không có một triết lý giáo dục rõ ràng và dứt khoát, nhưng những người làm sách giáo khoa vẫn nhận định chắc như đinh đóng cột rằng: "Đang ở giai đoạn kịch bản, nhưng việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, thực chất là một cuộc cải cách giáo dục, đang thu hút được sự chú ý của dư luận". Đang ở giai đoạn "kịch bản" mà đã biết là sẽ đổi mới toàn diện giáo dục?
Hãy nghe GS Đinh Quang Báo (nguyên Hiệu trưởng ĐHSP Hà Nội) phát biểu: "Đã có kịch bản được chuẩn bị kỹ, những người đang lao vào công việc chuẩn bị có niềm tin là cuộc cải cách lần này sẽ tiến bộ hơn".
Tuy nhiên, niềm tin ấy đạt được đến mức độ nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Giáo viên thể hiện được không; điều kiện cơ sở vật chất thực hành kém... Và quan trọng hơn tất cả là quản lý giáo dục. Nếu quản lý tốt thì chỉ cần cái bảng với viên phấn cũng làm... nên chuyện" (theo báo Tiền Phong đưa tin ngày 19/4/2012).
Quả thực, những phát biểu mù mờ và duy ý chí như trên, khiến những người quan tâm tới giáo dục đất nước không khỏi lấy làm lo ngại. Và liệu với cách làm cải cách hoặc đổi mới giáo dục như từ trước tới nay ngành GD và ĐT đã tiến hành, có thể thuyết phục được xã hội tin rằng, sau năm 2015 giáo dục Việt Nam sẽ có bộ sách giáo khoa tốt không?
Phạm Anh Tuấn