Lê Đỗ Huy (VietnamNet) - Vì sao xã hội hôm nay được xem là có bằng cấp cao hơn một xã hội Việt Nam chỉ có 5% biết chữ trước kia, nhưng lại có văn hoá “lùn đi” (tỉ lệ phạm tội, số vụ trọng án trong giới trẻ ngày một cao hơn …), và lớp trẻ bị xem là đang sống vô hồn hơn?
Khi uy tín là…
Những nhà giàu chiều con vô độ, bé thì đánh osin, lớn lên dùng vũ lực để đạt mục tiêu, đều được cha mẹ xử êm bằng tiền, nếu có hệ lụy. Lớn lên, có cậu ấm thuê côn đồ giải quyết tranh chấp ngay trong trường.
Cũng có con nhà nghèo muốn lấp khoảng cách giàu nghèo ngày một sâu thẳm hôm nay bằng bạo lực, hoặc gặp cảnh cùng quẫn phải phạm pháp.
Lảng vảng những bầy đàn ma giáo, ma cô tìm mọi cách xô đẩy đầu xanh vào vòng nghiện ngập, sa đọa. Các đầu gấu như có sức “cuốn hút” hơn, nhiều kẻ theo đóm ăn tàn đang lao vào vòng xoáy một lối sống không làm ra bao nhiêu, nhưng ăn tàn phá hại. Thói quen ăn nhậu giúp tạo ra các “hội”, trước mắt bênh vực nhau trong các va chạm trong sinh hoạt cộng đồng, rồi đến các tranh chấp dân sự…. Về lâu dài, hình thành một thứ lực lượng hậu bị cho các băng nhóm “giang hồ đời mới”.
Đang ngấm ngầm một quan niệm, kể cả trong một số người có tuổi, rằng để sống được hôm nay, cần biết cả cách vi phạm “nhẹ” một số chuẩn mực về pháp lý, đạo đức và các giá trị dân sự, và tuân thủ luật chơi “phường hội”?
Nỗi oan Thị Kính đang bước ra ngoài trang văn học. Những Năm Sài Gòn đời mới cấu kết với “ông cò”. Để loại bỏ doanh nghiệp cạnh tranh, chuyện ai đó thuê côn đồ đánh người chồng thành thương, rồi đâm xe cướp mạng sống người vợ sẽ không gây quá ngạc nhiên hay căm phẫn (?).
Nhiều lúc thấy những tình cảnh đã “hình sự” lắm, nhưng rồi các cơ quan chức năng chỉ vào cuộc khi đã có … tử thi. Người dân vẫn e rằng cách xử án của các vụ Lê Văn Luyện, vụ đốt nhà báo… đã xử đúng, xử hết tội phạm? Ở hiền liệu có gặp lành, xử thế độc ác có bị xử án đích đáng? Những hồi chuông báo động sẽ chẳng thấu tai ai?
Tham khảo
Năm vừa rồi, chúng ta đã kinh ngạc vì người dân Nhật, chịu không biết bao nhiêu tai ách dồn dập, cả khách quan lẫn chủ quan, vẫn không hề oán hận, nổi khùng.
Tấm gương đùm bọc, tôn trọng đạo lý và pháp luật trong đại nạn của người Nhật làm cả thế giới khâm phục. Một đồng nghiệp của tôi có cơ hội được hỏi một người Nhật là dân xứ hoa đào được giáo dục bởi những giá trị nào?
Câu trả lời không hề chứa những khái niệm sành điệu như “kỹ năng sống”, mà chỉ là: kính già, nhường trẻ, làm điều thiện, tránh điều ác, trung thực, dũng cảm… Không lẽ các thế hệ người Việt không từng được giáo dục như thế?
Nhưng Nhật Bản và cả Hàn quốc hẳn vẫn là những tấm gương gìn giữ gia phong, truyền thống trong trào lưu Tây hóa. Vậy hẳn là họ vẫn không ngừng thay đổi, và kiến tạo trên nền truyền thống những giá trị mới để phát triển.
Sự khác biệt của bộ máy tam quyền phân lập với cách hình thái xã hội khác là hệ thống chấp pháp - tòa án hoạt động độc lập.
Vì thế với các nước phương tây, pháp luật gần như là sự công bằng. Còn với người dân của xã hội truyền thống Khổng giáo, và cả với hình thái xã hội cận xô viết, xét xử vẫn phải có tình, có lý. Công lý không thể xa vời khỏi luân thường, đạo lý. Xử lý va chạm về giao thông ở phương Tây hoàn toàn là việc của cảnh sát, còn ở Việt Nam, vẫn có thể khuyến khích hai bên hoà giải, tự dàn xếp.
Để song hành đạo lý Á Đông và hệ thống pháp lý kiểu phương Tây, “trái tim nóng, đầu lạnh, tay sạch” hẳn vẫn giúp kiến tạo hệ thống giá trị mới cho một xã hội thuần nông trên đường chuyển đổi nền kinh tế, khó hội đủ đức – tài đối phó với mặt trái của xã hội tiêu thụ.
Các kỹ năng sống của cậu bé mũi dài Buratinô chống Mèo mù, Cáo thọt hôm nay vẫn có thể nhập khẩu để tham khảo. Nhưng sự phúc hậu, và tinh thần khắc phục khó khăn, thấm đẫm huyết quản Việt bao đời, chẳng hạn, không thể để cho mai một, bởi tâm lý hưởng lạc và một lối sống ma giáo, thói làm luật…
Hiền dữ đâu phải vì tính sẵn
Từ xưa có lệ họp đại gia đình “đóng cửa bảo nhau”. Thời bao cấp, mỗi người đều thuộc một đoàn thể xã hội nào đó, và đều có thể được Hội, Đoàn, Đội… của mình nhắc nhở, thường không đao to búa lớn, về những lệch lạc mới chớm, trong mắt cộng đồng. Hôm nay, đã vang dội hơn những phàn nàn rằng sự tắc trách kiểu “trọng cung hơn trọng chứng”, và những tiêu cực, đang làm một số kẻ sát nhân thoát tội, và đẩy cả những người lương thiện vào tù.
Trong định hướng tiền xanh, bạc tệ, ông bà vẫn thủ thỉ, “đừng xanh như lá, bạc như vôi”… Cha anh nhắc lại vai trò Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên một thời hoa lửa.
Mỗi lần đi qua những toà Học viện thanh niên, Trường Đội… hoành tráng, tôi cảm thấy chúng như thứ “thảm bay” bồng bềnh, chỉ giúp ai đó thượng đài danh vọng.
Dính lấy “nền cũ lâu đài” về phương pháp, mất sinh khí, chúng không kiếm được chỗ đứng trong lòng thanh thiều niên, nhi đồng, không còn là người hướng dẫn, người bảo vệ cho tuổi đầu xanh. (Phản) văn hoá “băng nhóm” đang lấn át văn hoá của đoàn thể quần chúng.
Khăn quàng thắm vai em…
Công nghệ giáo dục Việt không thể chỉ là những điều răn kiểu: “không được đánh bạn”, “không được đánh học trò”. Mà phải làm sao để trẻ em (sẽ thành người lớn về sau) không nghĩ đến việc dùng bạo lực như một công cụ để giải quyết tranh chấp, càng không phải là công cụ để “thể hiện mình”, hay tệ hơn, để (đánh học trò, đánh bạn) để xả stress.
Muốn vậy không nên chỉ hô hào: “dùng sức mạnh của hệ thống chính trị”, mà, ít nhất, cần không để các tổ chức đoàn thanh niên, đội thiếu niên biến thành những “thánh đường” chỉ thu hút được những ai ưa “bề nổi”, và cả những “sư hổ mang”… Cần khởi động lại những cơ chế một thời đã khiến các đội viên thiếu niên, đoàn viên thanh niên thực sự, không chỉ không đánh nhau, mà còn biết đoàn kết các bạn. Để gương mẫu, chứ không phải là “đầu gấu”, mới là uy tín trong thanh thiếu niên.