Bình Minh (Phapluatvn) - Quyết định của Tòa án cũng đồng thời khẳng định bà Khánh bị oan... Quyết định của Tòa cũng đồng nghĩa với việc những cơ quan khởi tố, truy tố bà Khánh có nguy cơ phải “đền” vì truy tố oan công dân hơn 4000 ngày. Có lẽ vì lý do này mà mà Tòa đã không để bà Khánh vô tội. Ngay sau khi xác định bà Khánh không phạm tội “trộm cắp tài sản”, Tòa đã gán cho bà tội danh mới là… “không tố giác tội phạm” đồng thời xử phạt bà Khánh 30 tháng tù.
*
Nhận định bị cáo không có tội nhưng TAND TP Hà Nội vẫn gán cho bị cáo cái tội mà họ không phạm để tránh bồi thường oan sai cho cơ quan truy tố.
Ngày 18/4/2012, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội sẽ mở phiên phúc thẩm để xét kháng cáo của bà Mai Thị Khánh, người bị truy tố oan về tội “trộm cắp tài sản” là cước viễn thông suốt từ năm 2000 đến nay.
Trước đó, ngày 4 và 5/10/2011, TAND TP Hà Nội đã lần thứ 2 xét xử sơ thẩm vụ án. Sau 11 năm điều tra, CQĐT và VKSNDTC đã không có đủ chứng cứ buộc tội bà Khánh là đồng phạm với Chan Bosco, một người Đài Loan quốc tịch Anh, trong việc lắp đặt trạm thu phát tín hiệu vệ tinh mặt đất tại khách sạn Hữu Nghị do Cty CP Hữu Nghị mà bà Khánh là chủ sở hữu. Theo tài liệu mà các luật sư công bố trong phiên tòa sơ thẩm thì hồ sơ vụ án chỉ là các tài liệu bào chữa và khẳng định bà Khánh không phạm tội.
Bản thân TAND TP Hà Nội cũng đã 6 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, một kỷ lục khó xô đổ trong lịch sử tố tụng Việt Nam. Trong Quyết định số 1183/TA-HS ngày 24/9/2002, Tòa còn khẳng định, những bị can được VKSNDTC đình chỉ điều tra có chứng cứ phạm tội rõ hơn, trong khi không đủ chứng cứ chứng minh bà Khánh biết việc Bosco phạm tội và đồng lõa với Bosco thực hiện tội phạm.
Vì lý do VKSNDTC không có thêm chứng cứ buộc tội nào mới theo yêu cầu điều tra bổ sung từ mà tòa yêu cầu từ năm 2002 nên tại phiên tòa ngày 4/10/2011, TAND TP Hà Nội đã tuyên bà Khánh không phạm tội “trộm cắp tài sản”, đặt dấu chấm hết cho lời buộc tội vô căn cứ của VKSNDTC kéo dài hơn 4000 ngày.
Quyết định của Tòa án cũng đồng thời khẳng định bà Khánh bị oan, quan điểm vốn đã được các luật sư đưa ra trong kiến nghị gửi CQĐT, VKS từ khi các cơ quan này khởi tố đối với bà Khánh, song không được xem xét. Quyết định của Tòa cũng đồng nghĩa với việc những cơ quan khởi tố, truy tố bà Khánh có nguy cơ phải “đền” vì truy tố oan công dân hơn 4000 ngày.
Có lẽ vì lý do này mà mà Tòa đã không để bà Khánh vô tội. Ngay sau khi xác định bà Khánh không phạm tội “trộm cắp tài sản”, Tòa đã gán cho bà tội danh mới là… “không tố giác tội phạm” đồng thời xử phạt bà Khánh 30 tháng tù. Cùng bị xử với bà Khánh là người phiên dịch của Chan Bosco, ông Bùi Ngọc Hải bị xử phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Việc gán tội của Tòa khiến dư luận bất ngờ vì sự vô lý, không có căn cứ pháp luật và mâu thuẫn với chính nhận định trước đó của Tòa. Tòa cho rằng, bà Khánh phạm tội “không tố giác tội phạm” là vì việc Bosco thuê phòng mà không sử dụng, cước viễn thông trong các phòng mà Bosco thuê rất nhiều và bất thường vì thế bà Khánh phải biết Bosco phạm tội trộm cắp cước viễn thông. Do đó, việc bà Khánh không tố giác Bosco là phạm tội không tố giác tội phạm.
Nhưng trước đó, chính Tòa cũng nhận định trong bản án rằng, bà Khánh không thể nhận biết được Bosco thuê phòng, lắp đặt ăng-ten, thuê bao điện thoại là để trộm cắp cước viễn thông; không có sự thỏa thuận ăn chia về việc trộm cắp tài sản.
Việc bà Khánh cho Bosco lắp đặt ăng ten parabol, thuê bao điện thoại lắp đặt tại phòng mà Bosco thuê là do Bosco lợi dụng làm công cụ để phạm tội. Những nhận định khách quan này đã đưa đến quyết định đúng đắn của Tòa khi xác định bà Khánh không đồng phạm trộm cước viễn thông. Đồng thời nhận định này khẳng định bà Khánh không phạm tội “không tố giác tội phạm” và việc Tòa kết án bà Khánh 30 tháng tù là gán tội oan.
Với những tồn tại của bản án sơ thẩm, thiết nghĩ Tòa án cấp phúc thẩm cần thiết phải sửa sai để đảm bảo pháp luật được thực thi một cách công bằng, tạo niềm tin cho nhân dân vào phán quyết của Tòa.
Luật sư Trần Văn Toàn, người bào chữa của bà Khánh phân tích: Thời điểm năm 2000, chỉ có một số ít các chuyên gia về viễn thông và vệ tinh, làm việc trong các cơ quan của Chính phủ mới có thể nhận biết và nắm bắt được kỹ thuật và công nghệ lập trạm vệ tinh và sử dụng trạm này. Do đó, về ý thức chủ quan, bà Khánh không biết có tội phạm xảy ra tại khách sạn do bà quản lý nên không thể tố giác được.
Theo Điều 22 và Điều 314, Bộ luật Hình sự, thì bà Khánh chỉ phạm tội “không tố giác tội phạm” nếu biết rõ việc Bosco đang phạm tội, nghĩa là bà Khánh phải biết Bosco thuê phòng, lắp đặt angten parabol thành trạm thu sóng vệ tinh và thực hiện việc “câu” điện thoại quốc tế.
Nhưng kết quả điều tra và các tài liệu, chứng cứ đã được Tòa án xem xet và khẳng định, bà Khánh không biết Bosco đang thực hiện những việc làm trái pháp luật này. Do đó, theo luật sư Trần Văn Toàn, việc gán cho bà Khánh tội “không tố giác tội phạm” là hoàn toàn trái pháp luật.