Tàu hải quân Mỹ lại cập cảng Đà Nẵng, Philippines phản đối Trung Quốc gây hấn tại Biển Đông, Philippines muốn cùng TQ ra tòa quốc tế, Nga "bị lôi kéo vào xung đột Biển Đông".
Tàu hải quân Mỹ lại cập cảng Đà Nẵng
BBC - Ba tàu chiến của hải quân Hoa Kỳ sẽ tham gia chương trình hoạt động chung kéo dài 5 ngày với hải quân Việt Nam vào tuần tới.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho hay trong thông cáo ra hôm thứ Ba 17/4 rằng hoạt động chung này "nhấn mạnh mối quan hệ ngày càng gần gũi hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam".
Chương trình được gọi dưới tên "hoạt động trao đổi" sẽ diễn ra từ ngày thứ Tư 23/4 tới thứ Sáu 27/4 tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng.
Về phía hải quân Hoa Kỳ, các đơn vị tham gia hoạt động chung lần này là chiến hạm USS Blue Ridge thuộc loại chủ lực của Hạm đội 7, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Chafee và tàu cứu hộ USNS Safeguard.
Tư lệnh Hạm đội 7, Phó Đô đốc Scott Swift, và Tư lệnh Lực lượng Hậu cần Tây Thái Bình Dương, Chuẩn Đô đốc Tom Carney, cũng sẽ có mặt tại Việt Nam đợt này.
Thông cáo của sứ quán Hoa Kỳ nhấn mạnh chương trình giữa hải quân hai bên "sẽ tập trung vào các sự kiện phi tác chiến và trao đổi kỹ năng trong các lĩnh vực điều khiển và bảo trì tàu".
Đại diện hải quân Việt Nam sẽ được mời lên tàu Hoa Kỳ để quan sát "huấn luyện kiểm soát thảm họa và huấn luyện lặn, cứu hộ, và y học dưới nước".
'Phi tác chiến'
Vài năm gần đây, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, hàng năm tàu chiến Mỹ đều có các chuyến cập cảng Việt Nam và hoạt động chung cùng hải quân Việt Nam.
Đây được cho là một phần trong chính sách quay lại chú trọng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên các kênh chính thống của Việt Nam tỏ ra e dè khi nói tới các hoạt động chung giữa quân đội hai nước, có lẽ một phần lý do là không muốn gây ảnh hưởng tới quan hệ với các nước thứ ba.
Hai bên cũng nhấn mạnh khía cạnh 'phi tác chiến' của các chương trình hợp tác.
Hoạt động chung quy mô lớn nhất giữa hải quân hai bên có lẽ là chương trình "kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao" Việt Nam-Hoa Kỳ vào tháng 8/2010.
Năm ngoái, vào tháng Bảy, Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã có chương trình 'tập luyện hải quân' kéo dài một tuần tại Đà Nẵng.
Quan chức và tướng lĩnh quân đội Việt Nam từng được mời ra thăm hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ neo đậu ở hải phận quốc tế trong Biển Đông.
Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo Hoa Kỳ không nên 'can dự' vào tình hình khu vực.
*
Philippines phản đối Trung Quốc gây hấn tại Biển Đông
Biểu tình trước cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại trung tâm tài chính Makati, Manila, đòi Trung Quốc rút khỏi khu vực bãi đá Scarborough, 16/04/2012. - REUTERS/Romeo Ranoco
Anh Vũ (RFI) - Hôm nay 17/04/2012, Philippines thông báo đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Manila lên trao công hàm phản đối việc Trung Quốc đưa tàu và máy bay cản trở một tàu Philippines đang làm nhiệm vụ nghiên cứu khảo cổ trong vùng tranh chấp trên Biển Đông.
Công hàm phản đối của chính phủ Philippines liên quan đến sự cố mới xảy ra tại khu vực Bãi đá ngầm Scarborough. Hồi đầu tháng, tại khu vực này cũng đã xảy ra va chạm giữa tàu chiến Philippines với tàu hải giám Trung Quốc .
AFP dẫn lời phát ngôn viên bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez nói:« Chúng tôi đã trao công hàm phản đối chiều hôm qua (16/04) » cho đại sứ Trung Quốc tại Manila. Đồng thời, ông cũng cho biết đây chỉ là một trong nhiều hoạt động gây rối và xâm nhập bất hợp pháp của phía Trung Quốc vào vùng biển của Philippines trong thời gian gần đây. Theo ông Raul Hernandez, tàu khảo cổ Saranggani đang hoạt động nghiên cứu khoa học tại vùng biển cách bờ tây đảo Luzon của Philippines 230 km thì bị tàu chiến và máy bay của Trung Quốc đến uy hiếp, quấy rối. Ông khẳng định, trên tàu chỉ có các nhà khoa học, trong đó có 9 người mang quốc tịch Pháp, làm việc trong vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines.
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố: « Những việc làm như vậy của Trung Quốc là vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Philippines ». Manila yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay việc quấy rối các tàu Philippines đang hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Ông cũng cho biết thêm là chiếc tàu nghiên cứu khảo cổ của Philippines hiện vẫn tiếp tục họat động tại khu vực Bãi đá ngầm Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham).
Đáp lại, phát ngôn viên sứ quán Trung Quốc tại Manila ra thông cáo khẳng định đảo Scarborough, mà họ gọi là đảo Hoàng Nham, thuộc chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu tàu Saranggani « rút ngay khỏi khu vực này ».
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc muốn tỏ rõ chủ quyền của mình trong nhiều khu vực có tranh chấp bằng những hành động gây hấn, quấy rối các tàu của các nước như Việt Nam, Philippines đang họat động nghiên cứu khoa học hay thăm dò khai thác dầu khí trong các vùng biển của mình. Gần đây, ngày 08/04, căng thẳng lại có nguy cơ bùng phát khi Philippines phát hiện 8 tầu đánh cá Trung Quốc gần đảo Scarborough, tầu chiến của hải quân Philippines đã được triển khai đến ngăn chặn. Ngay lập tức, Trung Quốc cũng điều ba tàu hải giám đến bao vây tàu chiến Philippines. Để làm dịu căng thẳng, tuần trước, Manila đã cho rút tàu chiến về và thay bằng các tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển.
*
Philippines muốn cùng TQ ra tòa quốc tế
BBC - Philippines sắp đề nghị Trung Quốc chấp nhận đưa tranh chấp lãnh thổ tại một bãi đá ngầm ở Biển Đông ra tòa quốc tế.
Manila có động thái này trong bối cảnh mỗi bên cáo buộc phía bên kia xâm nhập trái phép chủ quyền.
Tàu hải giám của TQ đã chặn tàu Philippines bắt tàu cá vào khu vực Bãi Scraborough.
Cả Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố nhận có chủ quyền tại Bãi Scarborough, bãi đá không có người ở, mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham, nằm cách bờ biển gần nhất của Philippines 203 km.
Khủng hoảng ngoại giao xảy ra từ hôm 8/4 khi Philippines nói họ phát hiện tám tàu cá Trung Quốc đánh bắt gần bãi này.
Tàu chiến Philippines đã có mặt tại khu có tranh chấp trong lúc Trung Quốc điều các tàu hải giám tới để đối đầu.
'Mời bạn ra tòa'
"Khi theo đuổi một giải pháp hòa bình của cho bãi Scarborough, chúng tôi hoàn toàn có ý định khiêm nhường mời các người bạn Trung Quốc cùng chúng tôi ra Toà án quốc tế về Luật Biển," Ngoại trưởng Albert del Rosario cho biết trong một tuyên bố.
"Mục đích của bước này là để xác định xem bên nào trong chúng ta có chủ quyền trên vùng nước quanh Bãi ngầm Scarborough, nơi tàu Trung Quốc hiện đang tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines. "
Bắc Kinh vẫn chưa bình luận về lời mời của Manila nhưng nhiều khả năng sẽ không đồng ý.
Vào tuần này người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân tuyên bố "đảo Hoàng Nham là lãnh thổ truyền thống của Trung Quốc".
Ông này nói nguyên nhân dẫn đến vụ đối đầu là vì "Philippines đến quấy nhiễu ngư dân tàu đánh cá Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền Trung Quốc".
Trong một diễn biến khác, hàng ngàn lính Mỹ hiện đang tập trận chung với Philippines kể từ hôm ngày 16/4 vào khi hai quốc gia này đang tìm cách củng cố liên minh quân sự trông bối cảnh có lo ngại trước sự lớn mạnh của Trung Quốc.
Cuộc tập trận mang tên Balikatan (Vai kề vai) này là một hoạt động thường niên của hai nước và sẽ tiếp diễn tới ngày 27/4.
Năm nay cuộc tập trận này được tổ chức ở Palawan, gần vùng Biển Đông mà cả Trung Quốc và Philippines cùng tuyên bố chủ quyền.
Ngoài Philippines và Trung Quốc, còn bốn quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, cũng tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.
*
Nga "bị lôi kéo vào xung đột Biển Đông"
Thứ Ba, 17/04/2012 22:36
Lục San (Baomoi.com) - Nước Nga đang bị lôi kéo vào cuộc xung đột xung quanh khu vực biển Đông vốn giàu khoáng sản và tài nguyên sinh vật biển
Đó là nhận định của báo Kommersant số ra ngày 17-4 khi đánh giá tình hình tại khu vực tranh chấp kể trên. Trong tuần này đã bắt đầu diễn ra cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines. Sau đó, hải quân Nga và Trung Quốc cũng sẽ tổ chức cuộc tập trận ngay tại khu vực diễn ra cuộc tập trận Mỹ - Philippines.
Cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines đang diễn ra trong bối cảnh tranh cãi giữa Trung Quốc và Philippines xung quanh khu vực Scarborough vẫn chưa lắng dịu. Cả Mỹ và Philippines đều khẳng định cuộc tập trận chung Balitakan 2012 đều không liên quan đến tình hình hiện nay và không hề nhằm mục đích đe dọa hoặc khiêu khích nước nào. Thế nhưng, theo báo Kommersant, những tuyên bố như vậy không trấn an được Bắc Kinh, một phần bởi vì Mỹ đã có kế hoạch tăng cường lực lượng ở khu vực châu Á.
Trên boong tàu khu trục Varyag của Nga. Ảnh: NEXT NAVY
Theo chiến lược phòng thủ mới của Mỹ đã được Tổng thống Barack Obama công bố hồi đầu năm, Mỹ sẽ tiến hành việc thay đổi vị trí đồn trú các lực lượng của mình trên thế giới. Theo đó, Mỹ sẽ rút bớt quân ở các nước châu Âu, đồng thời tăng cường hệ thống phòng thủ lá chắn tên lửa trên biên giới Liên minh châu Âu (EU) cũng như khu vực Trung Đông.
Bên cạnh đó, tái lập sức mạnh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một điểm chiến lược quân sự riêng biệt của Mỹ. Về vấn đề này, các chuyên gia Nga nhận định rằng Trung Quốc phản ứng trước việc Mỹ triển khai lực lượng ở châu Á một cách quyết liệt hơn cả sự phản đối của Nga đối với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu.
Trong bối cảnh đó, Nga hiện đang bị lôi kéo vào cuộc xung đột trong khu vực này. Cuộc tập trận Balitakan giữa Mỹ và Philippines sẽ kéo dài đến ngày 27-4. Trước khi cuộc tập trận này kết thúc, cuộc tập trận chung giữa hải quân Nga và Trung Quốc cũng sẽ bắt đầu diễn ra, từ ngày 22 đến 29-4, với tên gọi “Tương tác trên biển - 2012”.
Bốn tàu chiến Nga thuộc hạm đội Thái Bình Dương, gồm tàu khu trục Varyag có trang bị tên lửa hướng dẫn và 3 chiến hạm lớn của hải quân Nga, sẽ tham gia cuộc tập trận kể trên ở Hoàng Hải cùng với hải quân Trung Quốc. Ngoài ra, còn có sự tham gia của một số tàu hộ tống, máy bay chiến đấu, trực thăng của Nga. Tổng cộng có hơn 20 tàu chiến và tàu hỗ trợ của Nga và Trung Quốc tham gia tập trận lần này. Theo hãng tin RIA Novosti, kể từ năm 2005 đến nay, Trung Quốc và Nga đã thực hiện một số cuộc tập trận chung trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
Nga tập trận gần biên giới Nhật
Người
phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, đại tá Vladimir Drik, cho biết khoảng 40
máy bay ném bom chiến lược Nga đã bắt đầu tham gia cuộc tập trận trong 5
ngày, từ 16-4, trong vùng lãnh hải của Nga gần biên giới Nhật Bản.
Cuộc
tập trận không quân tầm xa này bao gồm các hoạt động ném bom, phóng tên
lửa đầu đạn hạt nhân tầm thấp ở phạm vi thử nghiệm, kết hợp với tuần
tra và bài tập tiếp nhiên liệu trên không. Cụ thể: Khoảng 30 máy bay ném
bom chiến lược Tu-95MS Bear, 10 máy bay ném bom Tu-22M3 Backfire và 2
máy bay chở nhiên liệu Il-78 tham gia cuộc tập trận quy mô này.
Theo hãng tin RIA Novosti, phía Nhật đã từng tỏ ra lo ngại khi các máy bay chiến đấu của Nga hiện diện gần bờ biển nước này.
|
Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc
Nhiều
người dân Philippines đã biểu tình phản đối Trung Quốc vào sáng 16-4
trước Đại sứ quán Trung Quốc ở trung tâm tài chính Makati, phía Đông
thành phố.
Họ mang theo các
biểu ngữ có nội dung: “Trung Quốc, hãy chấm dứt đánh bắt trộm trong
vùng biển Philippines”. Cuộc biểu tình bắt nguồn từ việc các tàu và máy
bay Trung Quốc đã quấy nhiễu tàu khảo cổ M/Y Saranggani của Philippines
khi tàu này đang nghiên cứu khoa học ở bãi đá ngầm. Bãi đá ngầm
Scarborough, Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham, cách bờ Tây của đảo Luzon
của Philippines 230 km. Cả Philippines và Trung Quốc đều tuyên bố chủ
quyền đối với bãi đá này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul
Hernandez cho biết: “Những người biểu tình đã gửi bản kháng nghị cho
Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila vào chiều 16-4”.
Huệ Bình
|