"Nhưng một ngày vừa nắng lên khơi
Đời tôi hết làm thân cỏ cú"
Hàng tỷ tinh trùng chạy đua trong cuộc chiến, chúng đấu tranh và giành lấy sự sống để được làm người. Cuối cùng trong hàng tỷ tinh trùng đó chỉ duy nhất một con được lựa chọn và tạo nên chúng ta, những con Người.
Sự đấu tranh sinh tồn diễn ra từ khi chúng ta chưa có hình hài, chưa cất tiếng khóc chào đời cho đến khi chúng ta đã là những con người, bon chen, chật vật trong cuộc sống đầy khó khăn, rồi theo cùng cho đến giây phút cuối, nhắm mắt buông tay. Vì vậy sinh mạng con người là vô giá, sự sống là phải trả giá, phải đấu tranh mới có được. Không ai có quyền tước đoạt sinh mạng của người khác, nếu ai gây ra điều đó, họ phải trả giá vì tất cả những gì họ đã làm.
Trước khi được sinh ra không ai có thể biết tại sao tôi được sinh ra, tôi sẽ là ai và số phận tôi sẽ đi về đâu? Tất cả đều bình đẳng vì mỗi sinh mệnh đều đáng quý và thiêng liêng như nhau. Không ai có quyền điều khiên hay chi phối đến cuộc sống của người khác. “Tôi làm chủ số phận và tâm hồn của tôi”, đó là một câu châm ngôn mà tôi yêu thích. Nhưng có lẽ điều đó rất khó trở thành sự thật đối với người dân quê hương tôi. Khi đôi vai người dân chúng tôi hằn in những quang gánh nặng nề của cuộc sống.
Biết chia sẻ với những người đau khổ là một cách để vơi đi khổ đau của bản thân, và dường như người dân đen chúng tôi dùng cách đó để xoa dịu lẫn nhau, để cam chịu chấp nhận và cúi đầu trước những khó khăn của cuộc sống, không phải do bản thân mà do người khác tạo ra.
Các loại phí chất chồng, những thứ phí vô lý, ai cũng phải đóng, đó là hoàn cảnh chung.
Giá điện, giá nước, giá xăng giá ga, giá… giá, các loại giá gia tăng, lạm phát không được đẩy lùi mà còn bị đẩy mạnh, không có ai khổ hơn những người dân lao động.
Đi ra chợ, một mớ rau tăng gấp 3 4 lần so với trước, với cái mức lương tối thiểu đề ra hơn 1 triệu đồng một người, chưa nói đến thịt cá gà vịt, liệu có đủ nổi cho người dân nghèo ngày 3 bữa cơm rau? Không nói đến người nghèo, đơn cử là vợ của ngài Bộ trưởng, xe hơi đưa đón còn phải kêu lên vì giá cả leo thang. Nhưng người dân lao động gọi là cũng có của để ra để vào, cũng tím tái mặt mày.
Tôi tin rằng có vô vàn câu hỏi tại sao? Tại sao chúng tôi chật vật kiếm ăn ngày đêm, lao động cùng kiệt mà vẫn không đủ ăn? Tại sao tiền lại mất giá nhanh đến thế? Tại sao và tại sao?
Nhưng sau những câu hỏi tại sao đó thì người dân vẫn phải chấp nhận thỏa hiệp với những điều diễn ra. Và câu hỏi tại sao chúng ta phải chấp nhận và chiu đựng những điều đó thì thật ít người hỏi. Tại vì dường như trong mỗi người chúng ta thường tự trả lời: tại mình là dân đen.
Tại sao phải đóng phí bảo trì mới là yêu nước? Vậy những người dân nghèo không có nổi tiền đóng thì họ không có quyền được yêu thương đất nước đã sinh ra và nuôi lớn họ sao? Tất cả đều do lỗi của người dân, đi xe làm hỏng đường thì phải đóng phí bảo trì? Không quan tâm đến đủ loại thuế má, chi phí mà người dân phải đóng, mỗi ban ngành đòi hỏi riêng cho ngành mình phụ trách những loại phí riêng một cách vô lý. Và người dân là những người phải chịu đựng.
Để giảm ách tắc đường, bất chấp sự phản đối, đem dân ra làm thí điểm, họ vẫn cứ thực hiện, tiến hành những biện pháp không khả thi. Đổi giờ học, giờ làm gây ra nhiêu bất cập, bức xúc và khó khăn cho người dân, cuối cùng không đạt được hiệu quả mà còn để lại hậu quả. Kết quả là không có ai đứng ra lãnh nhận cái trách nhiệm ấy, còn hậu quả để lại thì chỉ có dân tự giải quyết.
Lỗi của dân, do dân và vì dân, vì người dân có thói quen đút tiền vào tay các y bác sĩ nên y đức mới xuống cấp trầm trọng, do người dân hối lộ công an, cảnh sát mới khiến họ tham ô, lũng đoạn.
Việc quát mắng, cư xử không tốt với bệnh nhân được lý giải rất đơn giản, vì quá tải, do người nhập viện quá đông và phải thông cảm. Không có một cách giải quyết nào tốt hơn là người dân phải đóng góp thêm viện phí. Nhưng tăng viện phí lên 2-6 lần mà chất lượng lại không thể bảo đảm cho người bệnh thì việc đóng thêm phí là giải quyết vấn đề gì?
Tôi thử tính nhẩm về con số viện phí mà thấy giật mình. Tôi nhớ khi bố tôi nằm tại phòng hồi sức đặc biệt tại viện, một ngày cả tiền thuốc là gần 10 triệu, bố tôi nằm 7 ngày là gần 70 triệu, tôi chưa tính đến tiền các lần mổ hay những chi phí không tên. Như vậy, nếu tăng lên 2 lần là 140 triệu, còn tăng lên 6 lần là 420 triệu. Có thể đó là ca nặng thì tốn nhiều tiền, nhưng đối với những ca nhẹ như khó thở, cách đây không lâu bà tôi nhập viện là gần 1 triệu đồng một ngày trong viện, tăng 2 là 2 triệu, tăng 6 là 6 triệu đồng một ngày. Con số nhân lên thật là kinh khủng, thử hỏi những người dân lao động họ phải làm bao nhiêu năm mới có đủ chi trả cho một lần vào viện? Cho nên người ta vẫn chua cay bảo nhau rằng, không có tiền thì đừng có đua đòi bệnh tật.
Mới đây báo chí có tin Đà Nẵng hỗn loạn vì người dân đổ xô nhau đến điểm đổi mũ bảo hiểm. Hình ảnh chen lấn, hỗn độn chỉ vì chiếc mũ bảo hiểm sau khi có thông tin sẽ xử phạt những chiếc mũ không đúng quy chuẩn, mà thị trường mũ nhái lại rầm rộ không được kiểm soát có đôi nét giống với xã hội xưa trong thời kỳ bao cấp. Mũ giả tràn lan khiến người dân không còn biết thật giả. Đáng lý ra trách nhiệm phải thuộc về khâu quản lý thị trường thì nay lỗi lại ở dân.
Người dân hoang mang tranh nhau đi giật mũ là một sự sợ hãi theo bản năng của con người khi mà họ phải chịu quá nhiều vấn đề tiêu cực. Cứ tưởng rằng mỗi khi vấn đề cũ qua đi thì khó khăn sẽ chấm dứt nhưng đó lại là sự bắt đầu cho những vất vả, thử thách kế tiếp.
Bản năng sợ hãi của con người đã hình thành ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Hợp tử tạo thành phôi thai, có tim thai rồi thành hình hài, nó bám chặt lấy bụng người mẹ, và khi sinh nở, thật khó khăn để bắt nó rời khỏi bụng mẹ. Tâm lý hoang mang và cố bám trụ lấy mẹ như bản năng sợ hãi bị bỏ rơi của con người. Chính vì vậy, trước sự sợ hãi của người khác chúng ta không nên lên án hay chê trách nhau, mà cần nắm tay nhau cùng vượt qua nó.
Cũng như việc tôi cùng bác Phục và chị Tuyền cùng nhau đứng đồng đơn tố cáo việc công an lạm quyền đánh chết dân. Lá đơn đó là sự chia sẻ của chúng tôi, những con người cùng chung hoàn cảnh, chúng tôi đã cùng nắm chặt tay để vượt qua nỗi sợ hãi, tìm đến công lý và sự thật. Nhưng không phải chỉ vì đứng cùng nhau chúng tôi mới có can đảm tìm đến sự thật, chúng tôi đứng bên nhau vì mỗi cá nhân đều hiểu rằng mình chỉ có thể tìm công lý khi mình biết cách vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân. Việc đi chung một con đường là một liều thuốc tinh thần tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi trong hành trình đi tìm công lý.
Việc công an đánh chết dân gần đây ngày càng nhiều và dường như nó không phải là chuyện hiếm có trong xã hội Việt Nam. Sau khi chúng tôi đưa đồng đơn tố cáo việc lạm quyền bạo hành của công an đối với dân lành, tình trạng đó vẫn liên tục tiếp diễn. Không tính mấy năm trở lại đây, chỉ tính từ 4 tháng đầu năm nay đã có khoảng 6 7 vụ người dân chết bất thường trong đồn công an, một tháng có đến 2 3 vụ nhưng cũng đều không được giải quyết thỏa đáng. Những câu trả lời về nguyên nhân chết thể hiện sự coi thường dư luận và mạng dân. Mạng sống của người dân như ngàn cân treo sợi tóc mỗi khi phải vào đồn công an, nơi mà đại diện cho việc thi hành luật pháp, người dân bị đánh chết bởi những người thực thi pháp luật. Sinh mạng vô giá của con người đang bị coi rẻ đến mức không thể rẻ hơn được nữa.
Tình trạng này chưa hề được ngăn chặn bằng một biện pháp nghiêm khắc nào thực sự. Hôm nay, báo Phapluatvn đưa tin về "Đề xuất bỏ pháp y công an cấp tỉnh" , chuyển sang ngành y tế. Tuy nhiên, ông Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương vẫn muốn giữ nguyên tổ chức như hiện nay để "đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm". Điều đáng buồn và đang lo là tội phạm nhiều khi cũng chính là công an trong cái vấn nạn "vào sinh ra tử" của đồn công an hiện nay.
Trước những bức xúc phẫn uất của người dân nó vẫn tiếp diễn và thậm chí diễn ra liên tục, nối tiếp nhau.
Tất cả những khổ đau, sợ hãi, lo toan, khó khăn và dồn nén, tại sao người dân đều phải gánh chịu hết?
Mỗi con người đều có quyền bình đẳng, được sống, được yêu thương và được chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Không ai có quyền tước đi quyền sống và điều khiển, dồn ép cuộc sống của người khác.
Điều này vẫn còn là một giấc mơ xa thăm thẳm, một thiên đường trong giấc mơ xanh.
Có một bài nhạc từ những năm tháng tôi chưa ra đời, tìm thấy trên internet mà sao như đang diễn tả cảm giác của chúng tôi ngày hôm nay:
"Trời sinh tôi ra làm thân cỏ cú
Trời sinh anh ra làm thân đại thụ
Nay anh vươn mình che lấp thân tôi
Nay anh đâm chồi để gặp thân tôi
Trời sinh tôi ra làm thân cỏ chỉ
Trời sinh anh ra làm thân tảng đá già
Nước mưa có đổ cũng không được bao nhiêu"
Tôi chọn nhan đề bài viết này để nói lên tâm trạng của mình và cũng để nói rằng:
"Nhưng một ngày vừa nắng lên khơi
Đời tôi hết làm thân cỏ cú"