Trung hậu, đảm đang - Dân Làm Báo

Trung hậu, đảm đang


Không gì khủng khiếp bằng chiến tranh! 

Người ta nói thế cả tỉ lần, và tôi chỉ nhắc lại: Đúng, không gì khủng khiếp bằng chiến tranh! 

Ngoài vô số mạng người bị giết và cả núi của cải vật chất bị phá hủy, chiến tranh còn làm méo mó cuộc sống tự nhiên của con người. Câu chuyên tôi kể dưới đây là một thí dụ.


Không ai biết chính xác lão từ đâu tới và tên là gì, chỉ thấy người ta gọi là Lão Xẩm, hoặc đôi khi Lão Xẩm Chột. Xẩm là gọi theo nghề, vì lão chỉ biết có mỗi nghề duy nhất là hát xẩm để kiếm sống. Còn Chột là vì lão mù. Mù mà được gọi là chột vì lúc mới xuất hiện ở vùng này, người ta tưởng lão chỉ chột nhưng giả vờ mù. Chẳng bao giờ lão chịu bỏ cặp kính tròn đen xịt khỏi mắt nên người ta nhầm. Sau thấy lão mù thật cũng chẳng ai đổi lại thành Lão Mù, phần vì đã quen, phần vì với một người ở địa vị lão, Mù hay Chột thì cũng vậy, không quan trọng. 

Khác những người hát xẩm xưa nay ta thường gặp, lão to khỏe, thậm chí phốp pháp. Chỉ nước da lão đen trũi, có thể vốn trời sinh ra thế, cũng có thể do phơi nắng suốt ngày và ít tắm rửa. Lão chẳng già chút nào, cùng lắm hơn bốn mươi một tí. Chữ “lão” ở đây rõ ràng không vì tuổi tác mà đơn thuần là cách gọi nhằm biểu thị thái độ. 

Lão Chột sống trong chiếc miếu hoang trên gò đất cao ngay sát sông Cấm. 

Tối nay, như những buổi tối mùa hè nóng nực khác, Lão lại trải chiếu trước nhà, ngồi ngoảnh mặt về phía sông hóng mát. Lúc nào cũng vậy, cứ ở nhà là lão chỉ mặc độc chiếc quần cộc vừa ngắn lại vừa rách, để lộ cả cái mà người ta phải luôn che giấu. Nhưng lão thì không cần, vì biết chẳng có ai nhìn. “Càng mát!” lão nghĩ, nhiều khi còn cố tình cho cả ra ngoài. 

Gió nhẹ hây hây thổi. Không nhìn thấy nhưng lão biết đêm nay trăng đẹp. Trời tước của lão đôi mắt. Bù lại sự thua thiệt ấy, trời cho lão đôi tai rất thính và khả năng đoán hiểu sự việc cực kỳ nhanh nhạy. Lão sống được chính nhờ những khả năng có một không hai ấy. Chẳng hạn lúc này lão biết chắc chắn mấy cô gái làng bên đang tắm truồng dưới sông. Ngay trước mặt lão, một người đàn ông khỏe mạnh, lại giữa lúc khao khát cái chuyện ấy nhất mới khổ. 

Việc này xẩy ra hầu như vào tất cả các buổi tối mùa hè. Lúc đầu lão cáu lắm, coi mình bị xúc phạm ghê gớm. “Bọn này láo thật, cứ như mình là khúc gỗ không bằng!” Khi nghe các cô cười bảo nhau “Cởi hết ra chúng mày ơi, Lão Chột không nhìn thấy đâu mà sợ”, lão giận dữ cho hết của quí của lão ra ngoài quần, dứ dứ nó về phía các cô, lẩm bẩm: “Đây không nhìn được nhưng làm được đấy. Làm khỏe nữa là khác. Đứa nào giỏi, muốn thử cứ lên đây". Tất nhiên chẳng ai lên. Nhiều hôm lúc về có cô còn tinh nghịch ném viên sỏi vào nhà lão rồi khúc khích cười, không biết cười gì. Cả những lúc như thế, lão cũng chẳng chịu che giấu cái ấy của lão. "Để mặc chúng nhìn, khối đứa lại chẳng thèm rỏ dãi". 

Dần dần rồi lão cũng quen, nhưng vẫn ấm ức chịu cảnh trớ trêu ấy. Không biết làm gì khác, lão đem rượu ra uống, dù chẳng là người nghiện ngập. Rồi lão nghêu ngao hát, xuyên tạc những câu ca dao bình dị thành những lời tục tĩu lão phịa ra để xả bớt cái ham muốn đang anh ách dưới bụng. 

Một tối nọ, cũng trong hoàn cảnh tương tự, khi đêm đã khuya và dưới sông không còn tiếng nước té, tiếng cười nói hồn nhiên của các cô gái nông thôn tắm truồng, lão bỗng nghe có tiếng động khẽ. Tiếng chân người. Tai lão rất thính. Lão biết chắc là tiếng chân người, dù lúc ấy đầu còn chếnh choáng hơi men và đang thiu thiu ngủ. "Ai nhỉ?" lão tự hỏi, có ý đề phòng. Thực ra, lão chẳng có gì cho kẻ gian lấy trộm. Bản thân lão cũng không thuộc loại người khác có thể mưu giết. Thế mà lão vẫn thấy lo. 

Hình như có tiếng bước chân đang tiến lại gần, rất gần. "Ai đấy?" lão hỏi to. Im lặng. Lão hỏi lần nữa. Vẫn im lặng. Lão đứng dậy, và đang lúc quờ quạng định vào nhà lấy chiếc gậy thì tay lão bỗng chạm phải cái gì đấy âm ấm, mềm mềm, tròn tròn. 

Ngực đàn bà! Lão nhận ra ngay điều ấy. Theo bản năng, lão vội rụt tay lại, định kêu lên nhưng cũng liền lúc ấy lão kịp trấn tĩnh. Và như sợ để mất cái vừa có được, lão chìa tay về phía trước. Vẫn cái vật âm ấm, mềm mềm, tròn tròn ấy. Lão thầm ngạc nhiên vì sao người đàn bà bí ẩn kia không bỏ chạy, không kêu lên hoặc làm cử chỉ chống trả nào đấy, mà cứ để bàn tay thô kệch của lão, lúc đầu một rồi sau hai, tự do mân mê hết đôi vú để trần, đôi vai, chiếc cổ, vành eo bụng và còn xuống thấp hơn nữa. 

Như trong cơn mơ, lão ngây ngất mơn trớn khắp cơ thể lõa lồ của người đàn bà, chỉ trừ khuôn mặt, là nơi bàn tay tham lam của lão bị những ngón tay thon dài gạt ra không cho chạm tới. Chẳng cần. Lão biết phải làm gì trong trường hợp này và đã làm điều ấy không gặp chút chống cự nào. "Làm tốt nữa là đằng khác" như có lần lão từng dọa các cô gái. Suốt thời gian việc ấy xẩy ra, người kia luôn im lặng. Lão cũng chẳng nói gì vì sợ có thể lời nói sẽ làm hỏng mọi chuyện. 

Xong, người kia vội vùng dậy bỏ đi rất nhanh, hình như chạy. Còn lão thì vẫn tồng ngồng nằm dưới ánh trăng. Mọi việc diễn ra quá bất ngờ, khiến lão đớ người hồi lâu, không biết nên nghĩ thế nào. "Hay mình đang mơ?" lão tự hỏi, tay sờ xuống bộ hạ, thấy không mặc quần và còn ươn ướt... 

Lâu lắm lão mới được nếm lại mùi vị đàn bà. Suốt đêm ấy lão không sao ngủ được, tự đặt cho mình hàng trăm câu hỏi mà cuối cùng chẳng thể trả lời rành mạch được câu nào. Lão nằm ngửa, hướng đôi mắt mù lên bầu trời mà lão đoán có rất nhiều sao, những ngôi sao tuyệt đẹp. Lão thích thú tận hưởng giây phút hạnh phúc bỗng dưng trời mang đến ban thưởng cho lão. 

Sáng dậy, để kiếm cái ăn, lão lại vác nhị xuống chợ như mọi ngày. 

Hai hôm sau, người đàn bà ấy lại đến. Vẫn cơ thể lõa lồ âm ấm ấy. Vẫn sự im lặng ấy. Vẫn bàn tay tham lam của lão ve vuốt khắp người và vẫn lặp lại chuyện ấy. Khác chăng, lần này lão bình tĩnh hơn, đủ bình tĩnh để kéo dài thêm những giây phút hạnh phúc của lão. Rồi sau đó người đàn bà ấy lại vội vã lặng lẽ bỏ chạy khỏi nhà lão như trước. 

Từ hôm ấy đêm nào lão cũng chờ, nhưng đúng một tháng sau người đàn bà mới xuất hiện để tự nguyện trao thân cho lão, đúng ba lần, mỗi lần cách một ngày, rồi biệt tăm cho tới hầu như cùng ngày của tháng tiếp. 

Việc này lặp đi lặp lại trong bốn tháng liền, như theo lịch vạch sẵn. Lão lấy làm ngạc nhiên nhưng không dám hỏi, vì dù không nói ra lời, hai người như đã thỏa thuận sẽ luôn giữ im lặng. Cuối cùng lão cũng lờ mờ đoán hiểu. Lão biết sau kỳ kinh nguyệt có một quãng thời gian nào đấy người đàn bà không thụ thai được. Người kia đã chọn đúng lúc ấy để đến với lão. Nhưng người ấy là ai và vì sao chọn lão thì lão chịu không hiểu nổi. Linh cảm sắc bén của lão cũng đành bất lực. 

Qua bàn tay vuốt ve, trừ khuôn mặt, lão biết người này không còn trẻ, ít nhất phải ngoài ba mươi, thậm chí còn hơn. Điều này chẳng làm lão bận tâm. Cái thực sự lão lo lắng là đáng lẽ theo lịch, người ấy đã phải đến tuần trước nhưng lão chờ mãi vẫn không thấy. Lão biết có chuyện không bình thường đã xẩy ra. Lão buồn. Linh tính báo có lẽ người đàn bà bí ẩn kia sẽ không bao giờ đến nữa, nhưng lão hy vọng và vẫn chờ. Đêm nào lão cũng chờ... 

Một tối nọ, đã khuya, lão ra ngồi ỉa cạnh một trong những bụi cây um tùm mọc bên sông. Vốn bụng không tốt lắm nên đêm nào lão cũng một vài lần phải làm cái việc chẳng mấy thú vị ấy. Đoạn sông ở đây nước sâu, chảy xiết và mạnh, cách khá xa chỗ sông bồi nơi các cô gái làng bên thường đến tắm. Mặc dù dạn dĩ và sẵn sàng để phụ nữ nhìn thấy “cái ấy” của mình không chút ngượng ngùng, nhưng để người khác bắt gặp trong tư thế ngồi ỉa thì lão chẳng muốn chút nào. Vì thế lão mới chui vào bụi rậm, bất chấp mối nguy hiểm có thể vô ý rơi xuống sông chết đuối. 

Khác với mọi lần, lần này lão phải ngồi khá lâu, cố gắng khá vất vả mà không sao trút bỏ được cái muốn trút bỏ. Đang khi nhăn nhó khổ sở, lão bỗng nghe có tiếng động khẽ. Tiếng chân người. "Không lẽ cô ấy?" lão lo lắng nghĩ. Ngay sau đó bỗng có tiếng kêu thất thanh: 

- Đừng! Chị Tâm! Đừng, chị đừng nhảy xuống sông! 

Đó là tiếng một cô gái, như giọng trẻ con mới lớn. Lão Chột lặng người, nín thở, quên cả cái việc bức bách đang làm. Tiếp đến lão nghe có tiếng chân vội vã chạy ngang và dừng lại ở một bụi cây khác cách đấy không xa. 

- Sao chị làm thế? Em van chị. Chị tưởng em không biết chị đang muốn tự tử sao? Mấy ngày nay em luôn theo dõi chị. Em biết. Em biết hết mọi chuyện. Biết từ lâu rồi cơ... 

Có tiếng người khóc tấm tức. 

- Em nói em biết, biết hết mọi chuyện? - người định tự tử cuối cùng lên tiếng, vừa khóc vừa nói khe khẽ, nhưng vốn thính tai nên lão Chột nghe được. 

- Vâng. Em biết chuyện mấy tháng nay chị đi lại với lão Chột. Em chồng, chị dâu mà. Và bây giờ chị có bầu. Chị xấu hổ. Chị muốn tự tử. Em biết hết nhưng không nói, vì em hiểu chị, em thương chị. Có điều em không hiểu tại sao chị chọn lão ấy chứ không phải người khác. 

- Vì lão mù, không biết chị là ai. 

- Nhưng sao chị cứ phải chết? 

Lại có tiếng khóc. Lần này to và lâu hơn. 

- Em biết hết, còn hỏi làm gì nữa. Em nghĩ làm sao chị có thể sống nổi khi chị, vợ bộ đội ở chiến trường, một cán bộ xã, một điển hình "trung hậu đảm đang" của toàn huyện, mà lại chửa hoang? Vác cái bụng to vượt mặt mà nhìn thẳng vào mắt mọi người được sao? Không, em thương chị thì cứ để chị chết. Chị xấu hổ lắm. Nhục nhã lắm. Chị có tội với anh trai em, với mẹ, với em. Với tất cả mọi người. Chị chẳng cán bộ, chẳng điển hình gì hết. Người ta bắt thì chị phải thế. Chị chỉ là một mụ đàn, hơn thế, trời còn bắt thèm muốn tình cảm hơn những mụ đàn bà khác. Chị đã cố, rất cố mà không giữ được. Khốn khổ thân chị. Chị có muốn thế đâu, nhưng không sao cưỡng lại được, em hiểu không?... 

- Em hiểu. Em cũng là đàn bà mà. Nhưng chị không được chết, vì cái chết của chị sẽ vô nghĩa. Chị vẫn mang tiếng xấu... 

- Đúng, nhưng dẫu sao chị sẽ không phải nghe người ta kiểm điểm, không phải chịu những cái nhìn khinh bỉ. Em cứ để chị chết. Chị quyết rồi. Chị nhờ em chăm sóc mẹ thay chị, sau này xin lỗi anh trai hộ chị. Có thể anh ấy sẽ tha thứ. Nếu không cũng chẳng sao. Cứ nói là chị rất yêu anh ấy, nhưng chị là người yếu đuối và đã không cưỡng lại được con quỉ tội lỗi trong người chị... 

- Không. Không bao giờ! Chị phải về với em. Về ngay bây giờ! - Cô gái cao giọng một cách dứt khoát. - Sáng mai em và chị sẽ lên thành phố. Em có đứa bạn người nhà là bác sĩ ở đấy. Nó sẽ giúp chị thoát khỏi cái thai kia. Em thề suốt đời giữ kín chuyện này. Nào đi! Chị đi về nhà với em. Không lôi thôi gì nữa! 

Im lặng một chốc, rồi có tiếng dằng co. Cuối cùng lão Chột nghe tiếng chân hai người đi ngang qua chỗ lão ngồi. Cô em chồng đi trước, kéo bà chị dâu đi theo. Mãi lúc sau, lão mới dám đứng dậy đi vào nhà, bàng hoàng đến mức quên cả cái của nợ kia trong bụng. 

Hai ngày sau, khi đang hát ngoài chợ huyện, lão Chột nghe người ta kháo nhau chuyện chị Tâm, người làng Thượng, cán bộ phụ nữ xã Phú Đoài, đi tắm đêm cùng cô em chồng, không may sẩy chân rơi xuống chỗ nước xoáy chết đuối. Cô em chồng thấy mà chẳng thể làm gì vì không biết bơi. Khi cô gọi được người đến cứu thì không thấy xác chị đâu nữa. 

PS. Chồng người đàn bà tội nghiệp ấy hy sinh trong đợt tổng tiến công Tết Mậu Thân 68, một năm trước khi chị chết, nhưng mãi cuối năm 70 gia đình mới nhận được giấy báo tử. Cô em chồng can ngăn chị ngày nào hiện là một chuyên viên kinh tế của một bộ quan trọng ở Hà Nội. Vì là người cùng làng, chúng tôi thường gặp nhau, và mãi gần đây cô mới kể tôi nghe chuyện này. Hiện ở phòng truyền thống xã còn treo tấm bằng khen trung hậu đảm đang Hội phụ nữ huyện tặng chị dâu cô, đề ngày 30 tháng Năm năm 1967. 

Hà Nội, 2000 
(Trích từ tập”Thái Bá Tân – 90 truyện ngắn”, NXB Văn Hóa, Thông Tin, 2007)



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo