Vụ 21 ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt giữ: Ngày đêm trông ngóng người thân - Dân Làm Báo

Vụ 21 ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt giữ: Ngày đêm trông ngóng người thân

Tấn Thành (Đại Đoàn Kết) - Trở lại đảo Lý Sơn dưới cái nắng chói chang đầu mùa, chúng tôi tìm đến nhà của 21 ngư dân và chủ tàu bị phía Trung Quốc bắt giữ, tính đến nay đã một tháng mười ngày nhưng họ vẫn chưa được thả về. Tại đây chúng tôi được chứng kiến cảnh chủ tàu Lê Vinh cùng vợ thẫn thờ với nỗi lo về nợ nần và mất tàu, chứng kiến những người vợ bồng con nhỏ ngày ngày ngó ra Biển Đông với nỗi trông chờ tuyệt vọng. Xót lòng khi nghe những đứa trẻ hỏi mẹ: "Má ơi sao ba chẳng thấy về!”...

"Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm!”

Ngày 10-4, chúng tôi có mặt tại thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn- Quảng Ngãi, người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng khi tàu cá QNg- 66074 TS của ông Trần Hiền và tàu QNg- 66101 TS của ông Lê Vinh cùng 21 ngư dân bị bắt giữ khi đang đánh bắt thủy hải sản trên chính vùng biển của Việt Nam. Người dân huyện đảo vô cùng bất bình, bởi bà con của họ không chỉ bị cướp tàu thuyền, ngư lưới cụ, hải sản đánh bắt được mà còn bị bắt giữ người trái phép. Những người vợ, người con có chồng, có cha bị bắt đang sống trong nỗi khó khăn, lo lắng và nỗi mong chờ, thế nhưng 21 ngư dân vẫn bặt vô âm tín.

Trong căn nhà nhỏ, chị Bùi Thị Vân (46 tuổi) vợ của thuyền viên Trần Tư, khuôn mặt đầy nỗi lo âu cho biết: "Nhà tôi có 2 vợ chồng và 4 người con, tất cả trông vào những chuyến đi biển của anh, giờ đây chưa thấy anh về tôi lo quá, không biết họ có đánh đập chồng tôi không. Anh ấy mà không về một mình tôi làm sao mà gánh vác nổi chuyện gia đình, khổ quá bà con ơi!”. Thế rồi chị khóc, những người phụ nữ ngồi bên cạnh cũng có tâm trạng giống như chị cùng nức nở khóc! Chị Nguyễn Thị Bông (42 tuổi), vợ của thuyền viên Nguyễn Dư, ở xã đảo Anh Bình, nhà chị cũng có 6 nhân khẩu, cuộc sống tất cả đều trông chờ vào những chuyến đi biển của chồng. "Không biết đến bao giờ họ mới thả anh và mọi người cùng về, những ngày qua tôi lo mất ăn, mất ngủ chú ơi. Tại sao mình làm ăn trên biển của mình mà họ lại bắt người, lại thu cả miếng cơm của những ngư dân nghèo như chúng tôi!” – chị Bông nói.

Những người thân của 21 ngư dân đang ngày đêm mong ngóng tàu và người trở về

Ôm con nhỏ hết đứng ở hiên nhà trông ra biển, chị lại bồng con ra bãi biển ngó về phía xa xôi, thi thoảng đứa con nhỏ lại khóc và bi bô hỏi mẹ: "Mẹ ơi! Ba ở đâu mà chẳng thấy về!” Nghe con hỏi chị lại khóc nức nở - chị là chị Lê Thị Hậu, vợ của thuyền viên Nguyễn Lợi.

Không chỉ có chị Vân, chị Bông, chị Hậu mà nơi đây còn có chị Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Thị Mai Trang, chị Ánh, chị Nhỏ và rất nhiều người khác nữa, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ có một tâm trạng chung đó là nỗi lo lắng cho số phận những người thân và ngày đêm đang trông ngóng mong chồng trở về nhà với vợ, với con.

Thương con dâu đang ôm con mới sinh chưa đầy một tháng, thương cho số phận của những người vợ bị phía Trung quốc bắt giữ, bà Đinh Thị Hợi, mẹ thuyền trưởng Trần Hiền tâm sự trong nỗi buồn: "Nghề biển có lắm hiểm nguy, hết sóng gió, bão táp giờ lại đến Trung Quốc bắt người và thu tài sản. Ông bà nói có sai: "lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm mà”. Nhìn chúng nó thẫn thờ ngóng chồng tôi thấy mà đau dứt ruột nhưng biết làm sao đây!”.

Quyết không nộp tiền chuộc

Tiếp chúng tôi trong căn nhà đơn sơ, ông Lê Vinh, chủ tàu cá QNg- 66101 TS tâm sự: "Tôi đã quá nhiều lần bị Trung Quốc bắt tàu, bắt người, tịch thu ngư lưới cụ và hải sản. Ông lần lượt giở cho chúng tôi xem những giấy tờ ông bị phía Trung Quốc bắt nộp phạt. Khi được hỏi, lần này phía Trung Quốc lại đòi nộp 70 nghìn Nhân dân tệ, ông có nộp phạt không? Ông Vinh thẳng thắng nói: "Nhất quyết tôi không nộp. Vì có tiền đâu mà nộp, hơn nữa mình làm ăn trên hải phận của mình, họ bắt đã vô lý mà nộp lại càng vô lý hơn. Nộp rồi họ lại bắt, chẳng lẽ suốt đời mình phải nộp mãi hay sao. Còn chúng tôi nhất quyết không từ bỏ biển, bởi nơi ấy là Tổ quốc của chúng ta. Bao đời nay cha ông đã để lại thì chúng ta và con cháu ta sau này vẫn mãi mãi bám biển ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam mình. Nên tôi quyết tâm không chấp nhận nộp phạt nữa”.

Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết, UBND huyện đã có văn bản báo cáo sự việc 2 tàu cá bị Trung Quốc bắt giữ lên UBND tỉnh Quảng Ngãi để đề nghị Bộ Ngoại giao can thiệp, nhằm bảo vệ ngư dân. "Chúng tôi khẳng định ngư dân đang đánh bắt hải sản trên vùng biển của ta. Vì vậy, địa phương đã liên hệ với gia đình các ngư dân kiên quyết không nộp 70.000 nhân dân tệ và yêu cầu phía Trung Quốc sớm thả người và trả lại tài sản cho ngư dân Lý Sơn”. Trong khi đó, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Việc Trung Quốc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam đang hoạt động nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện các ngư dân và tàu cá nói trên, chấm dứt việc bắt giữ, cản trở ngư dân Việt Nam tại các vùng biển của Việt Nam. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp Đại Sứ quán Trung Quốc trao công hàm nêu rõ lập trường của Việt Nam và đang tiếp tục đấu tranh để giải quyết vụ việc, bảo đảm lợi ích chính đáng của ngư dân Việt Nam.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo