Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Tham nhũng không giảm, nghị quyết không thành công - Dân Làm Báo

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Tham nhũng không giảm, nghị quyết không thành công

Quốc Thanh (TuoiTre) - Ngay sau cuộc tiếp xúc cử tri TP.HCM chiều 2-5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc trao đổi riêng.

Một trong những nội dung nóng bỏng được cử tri nêu nhiều ý kiến là việc thực hiện nghị quyết trung ương 4 (khóa XI, 2010 - 2015) - “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” - có đạt kết quả như mong đợi hay không? Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói:

- Vấn đề nổi lên là tâm trạng chờ đợi xem những hành động cụ thể của các cấp ủy Đảng như thế nào? Công việc xây dựng Đảng có đúng, đạt, giống y hệt như mong muốn của nghị quyết trung ương 4 hay không? Chúng tôi cũng hiểu tại sao như vậy. Vì đã nhiều lần Đảng phát động xây dựng chỉnh đốn Đảng rồi. Mỗi lần như vậy đều có những kết quả nhất định. Nhưng nhìn chung những kết quả đạt được đó trong mỗi kỳ đại hội chưa đáp ứng được nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, hay nói cách khác là chưa đạt yêu cầu.

* Thưa Chủ tịch nước, nghị quyết trung ương 4 nói rõ phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật...”. Vậy đâu là những sự thật hiện nay cần nhìn rõ, nhìn đến tận cùng để có được sự chuyển biến rõ rệt?

- Vấn đề xây dựng Đảng là hết sức rộng lớn. Tuy nhiên, trước tình hình yếu kém về năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, trung ương đã xác định ba nội dung cấp bách và cho rằng đấy là những vấn đề cốt tử hiện nay. Theo đó, đầu tiên là phải chấn chỉnh cho được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đây là việc cơ bản, trọng tâm, then chốt nhất, cốt yếu nhất ở nghị quyết trung ương 4. Cái hồn hay xương sống của nghị quyết này là ở chỗ đó.

Đồng thời đi kèm theo đó là hai vấn đề khác, bổ khuyết cho nội dung trên. Đó là vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý các cấp; xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân.

Nhìn thẳng vào sự thật là phải nói đúng thực trạng hiện nay. Điều quan trọng hơn là phải nhận rõ nguyên nhân vì sao đã kéo dài lâu lắm rồi nhưng giải quyết không được, đặc biệt chú ý nguyên nhân chủ quan, không được đổ lỗi cho khách quan. Không nói tại, bị thế này, thế khác. Tại sao trong quản lý, lãnh đạo mà để như thế này và đã kéo dài trong nhiều năm tháng, nhiều khóa rồi, nên lần này cần được nói thật rõ. Nếu đổ lỗi cho khách quan là không đúng với tinh thần của nghị quyết trung ương 4.

Từng cá nhân phải tự liên hệ xem mình có khuyết điểm hay không. Nếu chỉ nói anh này, anh kia có khuyết điểm mà bản thân mình hay cấp mình chẳng có khuyết điểm gì là không được. Chúng ta đang nói đến “một bộ phận không nhỏ...” thì bộ phận này ở đâu phải được chỉ ra cụ thể. Nhóm lợi ích nằm ở đâu cũng phải được chỉ ra. Đó là nhìn thẳng vào sự thật, không được né tránh. Tư tưởng của nghị quyết trung ương 4 lần này đòi hỏi như vậy.

* Thưa Chủ tịch nước, nhiều ý kiến cho rằng có một sự thật tồn tại lâu nay cần được nhìn rõ, nhìn đến tận cùng, đó là sự thật che giấu những sự thật về tiêu cực, tham nhũng...

- Việc che giấu có nhiều lý do. Có thể do “bệnh thành tích”, tức là thành tích giả nhưng muốn biến thành thành tích thật nên phải báo cáo láo, hoặc thành tích của người khác nhưng nói đó là thành tích của mình... Nhưng điều nghiêm trọng hơn là vấn đề lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, có khi làm lệch lạc về chủ trương, chính sách, nên hết sức nguy hiểm. Lần đầu tiên trong văn kiện đã được Tổng bí thư cảnh báo vấn đề lợi ích nhóm, nên rất hệ trọng.

* Như vậy việc tẩy rửa những điều nhức nhối này sẽ được gắn kết như thế nào trong việc thực hiện nghị quyết trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”?

- Chống tham nhũng, lãng phí... thực chất cũng là xây dựng Đảng. Hai vấn đề này đều có mối quan hệ biện chứng với nhau. Chẳng hạn như nếu cuối nhiệm kỳ này, trung ương công bố rằng việc thực hiện nghị quyết trung ương 4 thật tốt, nhưng tham nhũng, lãng phí không giảm là không thành công. Chắc chắn là như thế. Hay nói rõ hơn, nếu như trung ương lãnh đạo chống tham nhũng, lãng phí trong nhiệm kỳ không làm giảm đi, không đẩy lùi được thì cũng có nghĩa nghị quyết trung ương 4 không thành công. Nếu không muốn nói là thất bại.

Do vậy, trung ương rất quan tâm thực hiện có hiệu quả nghị quyết trung ương 4, đồng thời cũng quan tâm thỏa đáng việc chống tham nhũng, lãng phí. Cử tri liên tục hỏi Ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng tới đây sẽ như thế nào? Đặt định nó ở đâu, mô hình tổ chức ra sao, làm thế nào để nâng cao hiệu quả hoạt động...? Đây là vấn đề sẽ được trung ương nghiêm túc thảo luận, bàn trong tháng 5-2012 và sẽ quyết định một cách rất cẩn thận.

QUỐC THANH thực hiện



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo