Đó là lời tuyên bố của đồng chí đảng ta - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Huy Thanh. Nếu (lỡ) mà đồng chí Chánh văn phòng khẳng định được 2 người trong clip bị đánh không phải là 2 phóng viên (cũng của đảng ta) thì... có tới 4 người bị công an đảng ta đánh cho te tua!!! Trong khi đó, nói với BBC, báo Người Lao Động, nhà báo Nguyễn Ngọc Năm khẳng định hai ông chính là những người bị tấn công trong một video loan tải trên mạng Internet gần đây.
*
Thế Dũng (NLĐO) - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Huy Thanh đã lên tiếng như vậy vào ngày 9-5. Ông Thanh cho rằng hiện chưa có bằng chứng hay nhân chứng khẳng định 2 nhà báo VOV chính là 2 người bị đánh trong clip đang phát tán trên mạng vì hình ảnh quay quá xa và mờ.
Ngày 9-5, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, đồng thời là Người phát ngôn của UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Huy Thanh đã có gặp gỡ báo chí để trao đổi về vụ việc 2 nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long - Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) - bị lực lượng cưỡng chế thu hồi đất tại dự án Khu đô thị Thương mại và du lịch Văn Giang (Huyện Văn Giang, Hưng Yên) đánh vào sáng 24-4 vừa qua.
Ông Bùi Huy Thanh cho biết, sau khi nhận được đơn từ lãnh đạo của VOV về việc 2 nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long phản ánh việc bị lực lượng cưỡng chế tại Văn Giang đánh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thông đã chỉ đạo, các ban ngành liên quan tổ chức một cuộc làm việc vào ngày 16-5 tới đây để nghe các bên liên quan trình bày toàn bộ sự việc, cung cấp các bằng chứng liên quan...
“Trên cơ sở đó, tỉnh Hưng Yên sẽ xem xét và nếu sự việc xảy ra đúng như những gì 2 nhà báo trình bày, chắc chắn tỉnh sẽ xử lý nghiêm các cá nhân liên quan, dù đó là cán bộ, chiến sĩ công an hay dân quân tự vệ” - ông Thanh cam kết.
Theo ông Bùi Huy Thanh, hiện phía cơ quan chức năng chưa thể đưa ra kết luận về vụ việc vì chỉ mới nhận được tường trình một phía, từ các nhà báo. “Chưa có bằng chứng hay nhân chứng khẳng định 2 nhà báo VOV chính là 2 người bị đánh trong clip đang phát tán trên mạng vì hình ảnh quay quá xa và mờ không thể nhìn rõ mặt người bị đánh và người đánh. Tuy nhiên, dù là người dân hay nhà báo bị đánh thì hình trong clip cũng rất phản cảm” - ông Thanh nhìn nhận.
Ông Thanh cho biết, trong buổi làm việc 16-5 tới đây, để có căn cứ và xử lý một cách công bằng những cán bộ, chiến sỹ liên quan tới vụ việc, rất cần các nhà báo VOV cung cấp hình ảnh gốc của clip này để cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên xem xét và xử lý theo luật định.
Trước đó, trao đổi với Báo Người Lao Động ngày 8-5, 2 nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long đã xác nhận bị một số công an đánh tại Nhà văn hoá thôn 1, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang ngày 24-4 vừa qua.
“Trên mạng Internet lan truyền một clip về cảnh 2 thanh niên mặc áo sơ mi, đội mũ bảo hiểm bị những người mặc thường phục đeo băng đỏ và cả sắc phục công an đánh chính là chúng tôi. Clip đó phản ánh đúng những gì xảy ra với chúng tôi vào sáng 24-4 tại xã Xuân Quan. Không có sự dàn dựng hay giả tạo nào trong đó cả” – 2 nhà báo Năm và Long cùng xác nhận.
Theo nhà báo Hán Phi Long, khi anh được người dân đưa về trạm xá, máu đang chảy đầy mặt. Nhân viên y tế xác định anh bị rách môi ngoài, dập môi trong, vùng mặt phù nề với kích thước 4x4cm, ngực phải đau tức.
“May mắn là khi đó cả hai anh em đều đội mũ bảo hiểm không thì không biết hậu quả đến đâu vì họ dùng dùi cui đánh” – nhà báo Long nói. Sau sự cố ngày 24-4, anh Long phải nghỉ gần 2 tuần để chữa trị vết thương và mới quay trở lại làm việc vào ngày 7-5.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm cho biết, thoạt tiên anh thấy một người đeo băng đỏ giật máy ảnh của nhà báo Long và khoảng gần chục người dùng dùi cui, gậy vụt vào người, liên tiếp đấm đá anh Long.
“Thấy Long ôm bụng gục xuống, tôi chạy lại phía lực lượng cưỡng chế và hét lên nhiều lần: “Chúng tôi là nhà báo đang làm nhiệm vụ, sao các anh lại đánh chúng tôi?”. Nhưng những người này không những không nghe mà còn vặn hai tay tôi về phía sau, dùng gậy, dùi cui đánh vào người, đấm đá vào mặt, vào ngực và chửi thề…” – nhà báo Nguyễn Ngọc Năm thuật lại.
Lãnh đạo Trung tâm Tin – VOV ngày 3-5 đã có văn bản gửi Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đề nghị làm rõ vụ việc 2 nhà báo Nguyễn Văn Năm và Hán Phi Long bị đánh ở Xuân Quan, Văn Giang ngày 24-4. Liên Chi hội nhà báo VOV đã có văn bản gửi Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị can thiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên. Ngày 8-5, VOV đã có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và truyền thông về vụ việc này.
*
Và... cũng không riêng gì đồng chí đảng ta - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Huy Thanh tuyên bố chưa thể khẳng định như vậy, Hội Nhà báo Việt Nam nói phía Hội chưa chính thức khẳng định hai người bị đánh trong video clip có phải là hai phóng viên VOV hay không.
'Chờ xác định danh tính người trong clip'
Hội Nhà báo Việt Nam nói phía Hội chưa chính thức khẳng định hai người bị đánh trong video clip có phải là hai phóng viên VOV hay không.
Đại diện của hội này đã có một cuộc gặp với Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên vào hôm thứ Tư 9/5.
Đoàn của Hội Nhà báo Việt Nam đã về tỉnh Hưng Yên để yêu cầu làm rõ cáo buộc hai nhà báo của Đại Tiếng nói Việt Nam (VOV) bị công an đánh đập trong vụ cưỡng chế ở Văn Giang hôm 24/4.
Ông Bùi Huy Thanh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên, nói tại cuộc gặp rằng chưa thể khẳng định hình ảnh trong một video clip công bố trên mạng là cảnh hai ông Hán Phi Long và Nguyễn Ngọc Năm bị đánh.
Ý kiến của ông Bùi Huy Thanh cũng được truyền đạt lại cho báo chí trong nước hôm nay.
Ông Thanh được dẫn lời nói thêm: “"Chưa thể khẳng định người bị đánh trong clip là hai nhà báo nhưng rõ ràng hình ảnh công an đánh người là quá phản cảm.”
Một nguồn tin từ Hội Nhà báo thừa nhận vì “chưa có băng gốc” nên hội cũng chưa thể chính thức khẳng định đó là hai nhà báo của VOV.
Được biết tỉnh Hưng Yên hứa sẽ có thêm một cuộc gặp ngày 16/5 để cập nhật kết quả điều tra.
Cũng trong ngày 9/5, báo Việt Nam đưa tin Văn phòng Chủ tịch nước của ông Trương Tấn Sang đã có một buổi gặp riêng với đại diện của UBND tỉnh Hưng Yên để bàn về vụ Văn Giang.
‘Theo Luật quy định’
Theo tường trình của nhà báo Hán Phi Long, được báo trong nước đăng lại, ông đã nói với công an Hưng Yên sau khi bị đánh rằng ông có mặt ở hiện trường “là hoàn toàn phù hợp và đúng theo Luật quy định”.
Ông cũng phân trần việc chụp ảnh khi vụ cưỡng chế rầm rộ đang diễn ra: “Khi đó tôi thấy phía người dân có những hành vi rất quá khích, ném gạch đá, chai xăng về phía lực lượng cưỡng chế, nhưng tôi thấy họ rất nhẫn nhịn chịu đựng mà không có phản ứng gì.”
“Tôi chụp ảnh để làm tư liệu về việc người dân có những hành vi vi phạm nghiêm trọng để làm tư liệu khi cần thiết.”
Dù phê phán người dân, nhưng ông Long cho biết một số “bà cụ” đã giúp ông đi đến trạm xá để băng bó.
Ông nói với một báo trong nước: “Chính nhân dân là người cứu chúng tôi.”
Trong khi đó, nói với BBC, nhà báo Nguyễn Ngọc Năm khẳng định hai ông chính là những người bị tấn công trong một video loan tải trên mạng Internet gần đây.