BBC - Sau khi có tin, phiên tòa xét xử ba blogger về tội tuyên truyền chống Nhà nước cuối cùng đã bị hoãn không biết đến bao giờ, gia đình ông Nguyễn Văn Hải nói sẽ khiếu nại lên tòa.
Ba cây bút trong Câu lạc bộ báo chí tự do là Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Phan Thanh Hải (Anh Ba Sài Gòn) và Tạ Phong Tần, lúc đầu được dự kiến sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 15/5 tới tại Tòa án thành phố Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý là việc ra quyết định xử và hoãn xử chỉ cách nhau có vài tiếng đồng hồ làm tất cả những người liên quan đều bất ngờ.
Chỉ trong một ngày
Luật sư bào chữa vẫn chưa gặp được bà Tạ Phong Tần |
BBC Việt ngữ đã trao đổi với luật sư Nguyễn Quốc Đạt thuộc Văn phòng luật sư La Bàn, người bào chữa đồng thời cho cả ông Nguyễn Văn Hải và bà Tạ Phong Tần để tìm hiểu về vấn đề này.
Luật sư Đạt kể lại rằng trong buổi sáng thứ Sáu ngày 4/5 ông và các luật sư có liên quan khác nhận được quyết định của Tòa án thành phố Hồ Chí Minh đưa vụ án này ra xét xử thì ngay trong buổi chiều hôm đó tòa lại thông báo hoãn xử.
Ông Đạt cho biết viên thư ký tòa án đã gọi điện thoại cho các luật sư xin thu hồi lại các quyết định xét xử đã giao lúc sáng.
“Các luật sư có đặt vấn đề lý do thu hồi thì được trả lời là dời ngày xét xử sang ngày khác,” ông kể và cho biết viên thư ký tòa không giải thích gì thêm.
Ông nói việc hoãn xử chỉ được nói bằng miệng chứ không hề có bất cứ văn bản gì yêu cầu thu hồi quyết định hay thông báo dời ngày xét xử.
Ông Đạt cũng không hiểu tại sao tòa án lại ‘có quyết định cập rập như vậy’ trong khi ‘hoàn toàn có thể ra một thông báo khác’ thay thế cho thông báo mở phiên tòa.
“Luật có quy định nếu có lý do chính đáng thì thẩm phán có thể quyết định hoãn phiên tòa,” ông nói.
Thông thường khi thông báo hoãn xử thì tòa án sẽ nêu lý do tại sao, theo luật sư Đạt. Các lý do hoãn xử thường là do các luật sư của nguyên đơn, bị cáo, bị can hay người có quyền và nghĩa vụ liên quan xin hoãn hoặc do quá trình xem xét hồ sơ vụ án cần thêm thời gian, ông cho biết.
Cả ba blogger đang đợi ngày ra tòa về tội tuyên truyền chống nhà nước |
Ông dẫn luật quy định rằng trong vòng 15 ngày kể ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì phải mở phiên tòa, còn trong vụ án ‘đặc biệt nghiêm trọng’ như vụ này thì thời hạn mở phiên tòa là 30 ngày.
Do đó, nếu sau 30 ngày mà tòa vẫn chưa xét xử thì các bị cáo và luật sư có quyền khiếu nại.
Tư thế sẵn sàng
Ông cho biết cho đến giờ phía tòa án vẫn chưa ra thông báo ngày giờ dời phiên tòa.
Theo kinh nghiệm của luật sư Đạt thì ông chưa từng gặp qua trường hợp như thế này mặc dù cũng có khi luật sư vừa ra đến tòa thì tòa tuyên bố hoãn xử.
Ba blogger này đã bị bắt giam trong một thời gian dài. Có lúc tung tích họ còn không được biết rõ. Mãi đến gần đây thì mới có quyết định đưa họ ra xét xử.
Việc bắt giữ họ đã khiến chính phủ Việt Nam bị nhiều chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền và tự do báo chí.
“Tinh thần là các luật sư chuẩn bị sẵn sàng tâm lý vì phiên tòa có thể sẽ diễn ra bất cứ lúc nào,” luật sư Đạt nói.
“Có luật sư cũng hoang mang là không biết lần sau lịch xét xử có cho các luật sư đủ thời gian chuẩn bị hay không,” ông nói và cho biết theo đúng quy trình thì các luật sư phải có ít nhất 10 ngày chuẩn bị trước khi phiên tòa diễn ra.
Bà Dương Thị Tân, người vợ đã ly dị của ông Nguyễn Văn Hải, cũng khẳng định với BBC Việt ngữ rằng cho đến giờ bà và các con cũng chưa nhận được thông báo gì của tòa án về các quyết định mở phiên xử và hoãn phiên xử.
Bà cho biết bà đang nhờ luật sư thảo đơn khiếu nại về vấn đề này cũng như yêu cầu cho bà được tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
“Nếu họ nại ra lý do tôi và ông Hải đã ly hôn thì tôi sẽ đặt vấn đề tại sao họ vào nhà tôi đập phá khám xét và thu giữ các đồ đạc cá nhân của tôi đem đi,” bà nói.
Không gặp được thân chủ
Chưa từng có ai thoát tội khi bị cáo buộc về An ninh quốc gia theo Bộ luật hình sự
Luật sư Nguyễn Quốc Đạt cho biết cũng trong ngày 4/5 khi ông nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử thì đồng thời ông cũng nhận được giấy chứng nhận là luật sư bào chữa cho Tạ Phong Tần.
Trong buổi chiều ngày 4/5 ông có lên trại giam xin gặp thân chủ thì được hẹn là chiều thứ Ba ngày 8/5.
Sau khi từ trại giam trở về ngày 8/5, ông cho BBC Việt ngữ biết là trại giam lại tiếp tục hẹn ông đến tuần sau.
“Họ không từ chối cho gặp mà hẹn lý do rất khéo léo là điều tra viên đi vắng, đi công tác nên không có ai thụ lý để làm việc với luật sư được,” ông nói.
Ông nói ông muốn gặp Tạ Phong Tần để tìm hiểu vấn đề ăn ở sinh hoạt của bà trong trại giam để xem bên ngoài có thể đáp ứng những gì theo yêu cầu của trại và tìm hiểu quan điểm của bà về bản cáo trạng của Viện kiểm sát để ông làm căn cứ bào chữa theo đúng tinh thần của pháp luật.
Ông cho biết do quy định của điều 88 Bộ luật hình sự về tội ‘Tuyên truyên chống nhà nước’ là quy định ‘rất chung chung’ cho nên ông sẽ bào chữa bằng cách viện dẫn nhiều nguồn luật khác nhau như luật về công nghệ thông tin, quyền tự do lập hội, tự do báo chí cũng như các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
“Dù có tự tin và khách quan đến mấy thì tôi nghĩ xác suất này không cao lắm,” ông trả lời khi được hỏi về khả năng bào chữa thành công cho bà Tần.
Theo kinh nghiệm của ông thì ông chưa thấy ‘vụ án nào của chương an ninh quốc gia mà thân chủ được vô tội.’