Châu Đình An (Danlambao) - Con người sống sót và tồn tại cho đến bây giờ do bởi lòng nhân, vì thế ta thấy chữ “nhân” được sắp đứng đầu của các bài học dạy chúng ta. Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín.
Thiếu lòng nhân ta sẽ có một khoảng trống lớn về lòng vị tha, và cuộc sống của kẻ không có lòng nhân sẽ là một cuộc sống như bóng tối không hề có ánh sáng.
Hôm nay, trang Blog tôi chia sẻ với bạn về lòng nhân mà tôi tình cờ đọc được. Anh sinh viên Jason Loose tuổi ngoài 20, đang ngồi cùng ăn ‘french fries’, uống nước và trò chuyện với một bà lão ăn xin tại một góc phố ở Nam Kinh. Anh đã mua tặng bà lão vô gia cư ở Nam Kinh, Trung Quốc, một gói khoai tây chiên, chia phần nước của mình, rồi ngồi nói chuyện với bà.
Giản dị, bình thường, nhưng lòng nhân của anh sinh viên Mỹ khi du lịch Trung Hoa đã cho người ta nhìn thấy lòng nhân của anh, và hình ảnh đơn sơ này đã được một người nào đó chụp được đưa lên trang mạng FaceBook, và trang Blog của anh đã có hơn 9,000 người vào chia sẻ ái mộ.
Anh sinh viên Mỹ với lòng nhân đơn sơ gây xúc động nơi người xem hình rót nước cho người hành khất bên lề đường ở Trung Hoa |
Câu chuyện lòng nhân của anh sinh viên Mỹ vừa nêu cho tôi nghĩ đến cuộc nội chiến Hoa kỳ vào năm 1861 đến năm 1865. Dù cuộc chiến 4 năm. Đây vẫn là cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử Mỹ, đưa đến cái chết vào khoảng 750,000 binh sĩ và số thương vong dân sự không xác định. Nhà viết sử John Huddleston cho rằng số người chết vào khoảng 10% toàn bộ số đàn ông miền Bắc Mỹ từ 20 đến 45 tuổi, và 30% đàn ông da trắng miền Nam trong độ tuổi từ 18 đến 40 tuổi.
Ngay khi miền Bắc Hoa Kỳ chiến thắng miền Nam, chính quyền Liên Bang Hoa Kỳ khi dành lại quyền kiểm soát đã thể hiện lòng nhân, tha thứ, thương yêu, nâng đỡ các binh sĩ miền Nam, và nếu bạn đến thăm nghĩa trang liệt sĩ Hoa Kỳ ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, bạn sẽ thấy căn nhà của Đại tướng Robert Lee được giữ nguyên trạng và làm nơi thăm viếng cho dân chúng Mỹ, quân sử Hoa Kỳ cũng nhìn nhận ông là một biểu tượng cao đẹp, cho dù ông lãnh đạo binh sĩ miền Nam thua trận miền Bắc. Do đâu mà ông được nhìn nhận? Cho bởi lòng nhân của ông, của người thắng trận lẫn người bại trận. Khi tranh cãi dẫn đến xung khắc và tột cùng là chiến tranh, cuối cùng kết thúc sự thắng bại, và còn lại là lòng nhân để con người sống sót và tồn tại.
Gia đình tôi thăm viếng nghĩa trang Liệt Sĩ Hoa Kỳ, phía sau là nhà tưởng niệm của Đại Tướng Robert Lee, vị đại tướng lãnh đạo quân đội miền Nam nước Mỹ thua trận quân đội miền Bắc. |
Tôi nghĩ đến đất nước tôi. Đất nước Việt Nam yêu quí và cuộc chiến đẫm máu giữa hai miền Nam Bắc trong 20 năm trời tang thương, nghiệt ngã. Cuối cùng kết thúc vào 30 tháng Tư năm 1975 với sự thắng trận của đội quân miền Bắc. Nhưng lãnh đạo miền Bắc đã không hề có lòng nhân, hằng ngàn các trại tập trung mệnh danh cải tạo mọc ra. Hằng trăm ngàn người trong quân đội, cán bộ, chính quyền miền Nam bị lùa vào trại tập trung, bị đối xử tàn bạo, bị đày đọa đau khổ từ thể chất đến tinh thần.
Tôi mới 21 tuổi lúc năm 1975, và cũng đã bị đưa vào trại tập trung mệnh danh cải tạo vào tháng 7 năm 1975. Nơi tôi bị giam là trại “cải tạo” mang tên Sông Cái, nằm trong lãnh thổ tỉnh Ninh Thuận. Tôi bị giam chung với nhiều các bác quân cán chính VNCH, từ xã trưởng đến phó Tỉnh Trưởng, từ chuẩn uý đến đại tá, từ các vị tu sĩ tuyên uý bên Tin Lành, Phật Giáo, Công Giáo trong một trại giam khắc nghiệt.
Nhớ lại lần ban quản giáo bắt đội vệ sinh 12 người có tôi, phải xuống hầm cầu xí để hốt phân. Với khoảng 700 con người bị giam nhốt trong điều kiện chật hẹp, việc đi đại tiện của 700 con người trong một cái hầm dài, được tù nhân đào, và dùng thân cây dầu, một loại cây nhiều ở rừng Sông Pha, làm thành cái chòi ngồi ỉa, và chỉ 2 tháng là phân đầy tràn.
Mùa nào cũng nóng bức ngột ngạt ở sát cánh rừng Sông Pha, duy chỉ có mùa Đông tháng 1 là lạnh đến cắt da. Vì trẻ tuổi, tôi “được” chỉ định xuống hầm phân, đứng bên trên là một anh trẻ khác dùng dây thừng thắt một cái gàu thả xuống. Hầm phân người đặc sệt bên trên, nhưng lỏng bỏng bên dưới, giấy chùi chìm lẫn trong phân. Mùi hôi thối của cầu xí không nói thì bạn cũng đã biết, nhưng khi chân tôi dẫm trên mặt phân, thì ôi thôi! mùi hôi thối bốc lên “nồng nàn” pha lẫn ruồi nhặng bay vù vù như muốn tấn công tôi, vì ngay cả ruồi, chúng nó tưởng là tôi dành phần “cứt” của chúng nó.
Trời tháng Hè ở Việt Nam trong cánh rừng Sông Pha nóng điên tiết, mồ hôi tôi chảy ròng ròng pha lẫn với phân dính đầy tay khi nhấn gàu và vốc nắm phân cho vào gàu. Lại thêm hàng ngàn con dòi trắng lúc nhúc bò trên cánh tay tôi, chúng nó bò lên gáy, lên cổ, lên mặt, tôi phải đưa tay quẹt đám dòi ra, và cứ thế khoảng 10 phút sau là khuôn mặt và tóc tai tôi dính đầy phân. Tôi có cảm tưởng mất thính giác luôn, chẳng còn ngửi thấy mùi hôi thối như ban đầu. Các bạn tù cũng như tôi, chúng tôi đứng dưới hầm phân của trại cải tạo, nhìn nhau như con vật. Vì hình hài chẳng còn ra con người.
Trở lại câu chuyện đang nói về lòng nhân, nếu chính quyền miền Bắc có lòng nhân thì sẽ không có cảnh tượng như tôi vừa kể, vì sẽ không có trại tập trung, cuộc chiến đã kết thúc và con người cần bắt tay để xây dựng đất nước. Nhưng tiếc thay, đất nước đã mất đi cơ hội ngàn năm một thuở cho việc xây dựng lại từ hoang tàn đổ nát sau chiến tranh. Các bạn sẽ cho rằng cộng sản làm gì có lòng nhân, và đúng như thế. Chủ nghĩa cộng sản đã biến con người trở thành vô cảm.
Tôi đã có dịp đi thăm nghĩa trang liệt sĩ Hoa Kỳ. Một nghĩa trang đúng nghĩa an nghỉ nghìn thu với ngàn ngàn nấm mộ nằm trên những bãi cỏ xanh mướt, được chăm sóc, gìn giữ không một cọng rác. Bên cạnh những nấm mộ của các cuộc chiến tranh Nam Bắc Triều Tiên, cuộc chiến tranh Việt Nam. Những nấm mộ của các binh sĩ hai miền Nam Bắc nước Mỹ đánh nhau, giết nhau nằm bên nhau thân ái không còn thù hận. Họ đã thể hiện lòng nhân khi còn sống, và khi nằm xuống, họ thanh thản với nhau trong cõi vĩnh hằng.
Nghĩa trang Liệt Sĩ Hoa Kỳ là bài học lịch sử thiết thực, ý nghĩa. Chính quyền và người dân Mỹ học được bài học đau thương này, và họ nhất định sẽ không bao giờ để xảy ra nữa. Hằng năm, các em học sinh được các “tua” đi thăm nghĩa trang, để học hỏi lịch sử của cha ông họ, và học được trên hết là lòng nhân.
Các cán bộ CSVN đến Hoa Kỳ, hãy ghé thăm nghĩa trang liệt sĩ Hoa Kỳ để nhìn lại, soi bóng mình, soi bóng lịch sử, để học một bài học lớn.
Đã 37 năm trôi qua sau ngày hai miền Nam Bắc là một. Đảng cầm quyền CSVN đã đánh mất nhiều cơ hội hàn gắn vết thương tâm hồn của con người trong đất nước chúng ta, và hiện nay vẫn tiếp diễn những đàn áp người dân vì quyền tư hữu đất đai, vì quyền nêu ý nghĩ xây dựng đất nước theo chính kiến của riêng mình.
Nghĩ đến đây, chuyện lớn vừa kể. Nghĩ đến đây chuyện nhỏ vừa nêu. Câu chuyện nhỏ hôm nay học được từ anh sinh viên Mỹ với lòng nhân đơn sơ, nhưng hiệu quả to lớn.
Mỗi ngày từ nhiều chuyện “nhân” nhỏ, sẽ “nhân” thành chuyện nhân lớn.
Châu Đình An