Nguyễn Văn Mỹ (TBKTSG) - Nếu có ai hỏi: “Ở Việt Nam, nơi nào khổ nhất?”. Tôi sẽ trả lời ngay: “Xã An Bình - còn gọi là đảo Bé, thuộc huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi”. Có lẽ đây là xã duy nhất ở Việt Nam không có nguồn nước ngọt và chưa có điện. Xã nhỏ, chỉ 112 hộ dân với khoảng 500 người, sống bằng nghề đánh cá và trồng tỏi.
Chỉ khi trời mưa mới có nước ngọt. Vào mùa nắng, dân đảo Bé phải mua nước ngọt từ đảo Lớn chở sang, mỗi mét khối hơn 200.000 đồng. Đảo Bé có nhiều cảnh đẹp. Tôi đưa du khách đến đảo Bé mấy lần và cứ bị ám ảnh cảnh các cô gái ra tắm biển rồi về nhà lau hoặc tráng lại nước ngọt!
Vừa rồi một người dân đảo Bé báo tin cho tôi: “Sắp hết khổ vì nước rồi chú ơi!”. Ngày 4-5 vừa qua, Công ty Doosan Vina (Hàn Quốc) đã khởi công xây nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt cho dân đảo Bé. Rồi đây mỗi nhà sẽ được hơn 400 lít nước ngọt một ngày, tha hồ tắm rửa, giặt giũ, chẳng thua dân thị xã.
Tổng công trình trị giá hơn 20 tỉ đồng (tương đương 1 triệu đô la Mỹ), bao gồm nhà máy, hồ chứa nước biển, hồ chứa nước ngọt, hệ thống ống dẫn nước biển vào, dẫn nước ngọt ra và đến các trung tâm phân phối theo công nghệ thẩm thấu ngược. Hai doanh nghiệp Hàn Quốc còn tặng đảo Bé hai máy phát điện công suất 128 kWh, đủ cho cả xã dùng dư dả. Dân đảo Bé nói: “May nhờ người Hàn Quốc”. Tôi nghe mà cay xè sống mũi. Mừng thì mừng thật nhưng tủi thân. Nếu không có người Hàn Quốc, dân đảo Bé còn khổ đến bao giờ? Mảnh đất tiền tiêu của tổ quốc trước biển Đông dậy sóng mà phải nhờ cậy người nước ngoài quan tâm vậy sao? Đất nước còn nghèo nhưng chẳng lẽ không có 20 tỉ đồng cho dân đảo Bé thoát khổ?
Lại nghĩ đến những con số hàng trăm ngàn tỉ đồng mà các tập đoàn, công ty nhà nước để thất thoát, thua lỗ, những lễ hội hoành tráng mà ớn lạnh. Phải chi Nhà nước tiết kiệm để đầu tư cho các xã nghèo vùng sâu vùng xa, biên giới và xã đảo tiền tiêu của tổ quốc. Trong khả năng của mình, người Việt phải giúp người Việt trước rồi mới mong thiên hạ chung tay góp sức sau, chứ không thể là ngược lại.
Nguyễn Văn Mỹ