Một lịch sử không nguyên vẹn
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không tránh được cảm giác ngần ngại khi lang thang đến những nơi gọi là “di tích lịch sử cách mạng”. Dẫu biết rằng di tích hay lịch sử nào cũng không tránh khỏi những thêu dệt, thêm thắt. Nhưng những di tích cách mạng này thì còn mới mẻ quá, những chi tiết phụ họa chung quanh nó chưa phủ đủ một lớp bụi thời gian mà ta gọi là huyền sử. Mà huyền sử viết vội thì như gia vị nêm quá non hoặc quá già, không hề làm tôn vẻ duyên dáng của món ăn, nếu không nói là chỉ làm ta chán nản và nghi hoặc.
Sự ngụy tạo danh nhân đốt kho xăng Lê Văn Tám là một ví dụ điển hình. May thay, ông Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Tuyên truyền thời ấy đã đủ lương thiện để nhắn gởi với hậu thế về tác phẩm dàn đựng của mình.
Tôi đã đến Côn đảo với tâm thế như vậy.
Có rất nhiều cây bàng cổ thụ và phượng đỏ ở Côn Đảo (ảnh: Dr. Nikonian)
Đi Côn đảo mà không đến thăm mộ Võ thị Sáu thì thật là thiếu sót. Là người Việt Nam, không ai không biết đến nhân vật lịch sử này. Một thiếu nữ chết trẻ, khi lòng còn phơi phới lý tưởng, đầy khí tiết… Quả là nguồn cảm hứng vô tận cho cả các sử gia hàn lâm lẫn tín ngưỡng dân gian đậm chất folklore dân dã. Người dân tin chị Sáu hiển linh, thành tâm cầu xin người thiếu nữ ấy phù hộ độ trì cho những chuyến ra khơi của họ. Tín ngưỡng này, hoàn toàn không khác với nguyên tắc tính nữ trong Phật giáo khi tôn thờ Phật bà Quan âm Nam Hải, hay trong công giáo khi kêu cầu “Ave Maris Stella” (lạy Mẹ là ngôi sao sáng), hay khi ngư dân khấn vái bà Thiên Hậu để dẫn đường cho người đi biển.
Do đó, tôi đã đến ngôi mộ của Võ thị Sáu, dù không với niềm tin mang tính tín ngưỡng, nhưng như một cách thế chạm tay vào lịch sử theo kiểu folklore của đất nước mình.
Nghĩa trang Hàng Dương (ảnh: Dr. Nikonian)
Người ta đến viếng mộ Võ thị Sáu, không chỉ với lòng kính trọng một người làm cách mạng, mà còn bằng tâm thế của một tín đồ hành hương để xin ơn, cầu phúc. Người ta tin rằng giờ thiêng để viếng mộ cô Sáu là giấc đứng ngọ, xin gì cũng được. Ngược lại, đến để nghiêng mình trước vong linh tử sĩ thì giờ nào cũng OK (?). Các hướng dẫn viên du lịch tại Côn đảo rất rành rẽ nguyên tắc giờ giấc này để đưa khách đến viếng nghĩa trang Hàng Dương.
Rất nhiều hoa, nến, nhang đèn mà những người hành hương đặt xuống ngôi mộ này. Không chỉ vậy, người ta còn dâng cúng người liệt nữ đồng trinh khá nhiều gương lược. Cách người dân biểu hiện lòng thành kính với liệt nữ quả không chút khoa trương như những buổi lễ truy điệu ồn ào. Đó là cách mà người dân Việt Nam bộc lộ lòng thương mến một “người con gái Viêt Nam da vàng”, nằm xuống nơi đây vì lý tưởng của mình.
Gương lược trước mộ Võ thị Sáu (ảnh: Dr. Nikonian)
Không chỉ có người viếng mộ, thiếu tá Tăng Tư, tỉnh trưởng Côn Sơn năm 1964, cũng đã công khai và chính thức đặt một bia mộ ghi “Liệt nữ Võ thị Sáu – Sinh năm 1933 tại Bà Rịa. Từ trần ngày 23-12-1952” nơi đây. Người lập bia rõ ràng đã không câu nệ chiến tuyến khi tỏ lòng kính trọng gương tiết liệt của đối phương.
Tấm bia do trung tá Tăng Tư lập trước mộ chị Võ thị Sáu (ảnh: Dr. Nikonian)
Tấm bia của thiếu tá Tăng Tư nay vẫn còn, được bọc trong lồng kính với lời chú thích rõ ràng về xuất xứ. Tuy nhiên, tôi lại nghe một cách giải thích khác về sự tích tấm bia này. Theo lời cô thuyết minh trong bảo tàng, vợ chồng ông Tăng Tư dựng bia vì sợ cô Sáu báo oán, trả thù, hay để xin ơn cô Sáu… gì gì đó. Người ta đang cố gắng làm cho mọi người phải tin rằng, phàm là sĩ quan “ngụy”, thì không thể cư xử có văn hoá, mã thượng với người bên kia chiến tuyến. Người ta không hiểu rằng, khi phủ nhận hành vi quân tử của ông tỉnh trưởng, họ cũng đã vô tình hạ thấp tầm một liệt nữ, xứng đáng cho ông Tăng Tư kính trọng.
Chỉ với một tấm bia thôi, lịch sử đã bị diễn đạt một cách vụng về như vậy.
Nhưng khó có thể trách cứ người dân về những huyền thoại mộc mạc nhưng khó tin của họ. Người dân không phải là sử gia, không có bổn phận ghi chép trung thực, nguyên bản những sự kiện lịch sử. Người dân luôn có những phương cách rất riêng để lưu truyền lòng tôn kính của mình đối với những người vị quốc vong thân như chị Võ thị Sáu. Không nên cười cợt hay trách cứ họ về cách họ tin và bày tỏ lòng tin đó.
Saint-Saens và các liệt sĩ tiền bối
Ngược lại, thật đáng trách khi lang thang qua những trục đường lớn nơi đây, tôi chỉ thấy những tên đường mang tên những người Cộng sản như TP, LD, NVL, TĐT… Như thể lao tù nơi đây chỉ có người cộng sản. Như thể nơi đây hoàn toàn không in dấu chân, không thấm mồ hôi và máu của những chí sĩ sáng chói như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Thận Duật, Ngô Đức Kế, Lê văn Huân, Tiểu La Nguyễn Thành, Nguyễn Quyền, Trần Hoành, Nguyễn văn Tường…
Bảo tàng cách mạng Côn Đảo, chỉ dành một góc khiêm tốn để trưng bày di ảnh của các tiền bối này.
Không lẽ những tấm lòng son ấy, không đáng để tôn vinh một cách tương xứng vì lòng ái quốc của họ không mang dấu búa liềm?
Trình bày và cắt xén lịch sử như thế, thật thô bạo và vô ơn.
Một căn bệnh chung khi định vị du lịch của nhiều đô thị Việt Nam là sự lãng quên đầy cố ý những dấu vết Tây phương, vốn dĩ đã là một phần rất đặc sắc của các đô thị này. Ở Nha Trang, người ta đã từng phế bỏ rất oan uổng dấu vết của BS Yersin với viện Pasteur Nha Trang. Cũng như với Đà lạt, người ta tôn vinh văn hoá bản địa của người Lát theo công thức cồng chiêng + rượu cần, mà quên bẵng vai trò khai phá của BS Yersin và những giá trị văn hoá, kiến trúc khác vốn dĩ là hồn cốt của Đà Lạt như Lycee Yersin, nhà thờ Domaine de Marie, các biệt thự Pháp… Ở Huế, rất ít người nhắc nhở đến vai trò của linh mục Cardière với Hội Đô thành hiếu cổ (Association des Amis du Vieux Hué – AAVH)…
Có lẽ từ một mặc cảm tự ti cố hữu, người ta đã thù ghét dấu vết văn hoá của phương Tây một cách vô thức. Và đã biến nền du lịch Việt Nam thành tật nguyền một cách tội nghiệp.
Côn Đảo không phải là ngoại lệ. Không mấy ai được giới thiệu Côn Đảo như một chốn dừng chân của Camille Saint-Saens, một thiên tài âm nhạc của nhân loại. Saint-Saens đã đến và lưu trú tại đây vào tháng 3.1895, ẩn danh dưới cái tên Sannois theo lời mời của Louis Jacquet, giám đốc nhà ngục Poulo-Condore, và của Armand Rousseau, toàn quyền Đông Dương. Từ nhà khách Côn Sơn (Maisson de passanger) hay Công quán thời Mỹ, Saint-Saens đã sáng tác phần lớn bản giao hưởng Brunehilda, lấy cảm hứng từ những âm thanh xủng xoảng ghê rợn chốn lao tù và từ tiếng đàn nhị thê lương của một người tù vô danh nào đó.
Nhà lưu niệm Saint Saens hoang tàn, bụi bặm (ảnh: Dr. Nikonian)
Cảm kích trước thiên tài, viên chúa ngục Jacquet đã dựng một tấm bảng đồng trước nhà Công quán như sau:
DANS CETTE MAISON VÉCUT LE GRAND COMPOSITEUR CAMILLE SAINT -SAENS DU 20 MARS AU 19 AVRIL 1895 IL Y ACHEVA L’OPÉRA BRUNEHILDA (Tại ngôi nhà này, nhà soạn nhạc vĩ đại Camille Saint-Saens đã lưu trú từ ngày 20.3 đến 19.4.1895 để hoàn tất vở nhạc kịch Brunehilda)
Tấm bảng đồng lịch sử ấy, vẫn còn nguyên vẹn đến năm 1975 và sau đó bị ai tháo dỡ mang đi mất (?). Mà sá gì, đã từng có ý kiến giải toả luôn cả ngôi nhà Công quán này, may mà dừng được.
Công quán, nay là nhà lưu niệm Camille Saint Saens (ảnh: Dr. Nikonian)
Tuy nhiên, các giá trị văn hoá mà Saint-Saens đã khai sinh từ Côn Đảo không phải là tấm bảng hay ngôi nhà, mà là từ những lời đẹp đẽ và nhân bản mà người nghệ sĩ để lại trong bức thư gởi viên giám ngục, vốn cũng là một cầm thủ piano:
“…Phong cảnh Côn Đảo thật tuyệt vời. Những nơi đã qua, tôi chưa thấy ở đâu như thế…Cũng có thể vì tôi đến đây với tâm tình bè bạn. Và tôi đã hoàn tất vở opéra Brunehilda mà bạn tôi giao phó. Tôi hài lòng. …
Tiếc rằng tôi không biết nhiều về con người, về nền văn hóa và nhất là nền âm nhạc xứ này. Nhưng những cái tôi cảm nhận được đã khiến tôi tin tưởng rằng âm nhạc của họ đã phản ánh trung thực tính cách và tâm hồn nhân hậu, trong sáng và phong phú của họ. Họ đang đau khổ biết chừng nào. …
Anh xem đó, con người chúng ta đã thay đổi nhiều quá! Hay đã làm đảo lộn hết rồi chăng. Cái gì đã khiến chúng ta gây ra nhiều tội ác đến thế ở trên mảnh đất này, trên hòn đảo này? Đương nhiên không phải vì cuộc sống của mỗi chúng ta, càng không phải nền văn minh của ta. Còn cách nào cứu vãn được không? …
Là một người yêu nhạc, tôi tin chắc rằng: ở đâu Cái Đẹp được tôn trọng thì ở đó Tội Ác bị đẩy lùi, ở đó chẳng cần đến luật pháp”
Ngày nay, bên cạnh các nhà tù được phục dựng, nghĩa trang Hàng Dương được tu bổ chu đáo, bảo tàng Côn đảo luôn nườm nượp khách viếng thăm và tiếng thuyết minh liên tục, ngôi nhà mang hơi thở của Saint-Saens vẫn còn đó, nhưng vắng lặng, đầy bụi bặm đến tội nghiệp.
Bên cạnh những nấm mồ của người cộng sản, xin hãy để cho hậu thế cũng được nghiêng mình trước anh linh của những chí sĩ khác không cùng ý thức hệ. Cũng như được ngả nón trước âm nhạc và di cảo của Saint-Saens.
Vì họ đã và đang là một phần di sản văn hoá không thể thiếu của Côn Đảo, bên cạnh khuôn mặt ghê rợn của tội ác và ngục tù.
Và vì một lịch sử bị kiểm duyệt, đã đánh mất những bài học tự thân của chính lịch sử đó.
Có nên nhìn lịch sử đằng sau song sắt? (Ảnh chụp qua cổng trại tù Phú Hải, Côn Đảo - Dr Nikonian)