Bùi Văn Bồng - Mọi sự phát triển của đất nước hiện nay, kể cả vận mệnh đất nước trong bất kỳ tình huống nào cũng rất cần độ bền vững của cầu nối Đảng với Dân, Dân với Đảng. Thế nhưng, chỉ cần nhìn gần đây với những vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản,... với sự mượn tay công an “xuất binh” lực lượng lớn thẳng tay đàn áp nhân dân đã thể hiện rõ mặt yếu kém nghiêm trọng của Đảng, nhà nước, trực tiếp là hệ thống các cấp chính quyền từ xã lên huyện, tỉnh, thành phố hiện nay là không biết cầm quyền và không thực thi dân chủ theo đúng bản chất đã được coi là tốt đẹp của chế độ. Với đường lối đi theo chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trước những hành động và cách làm sai trái của công an như vậy, Đảng đã làm gì?
Khi được trưng cầu góp ý với Đảng khóa XI, ông Đỗ Hoài Nam, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, nói rất chân thành: “Cầm quyền vì dân và dựa vào dân, cầm quyền theo Hiến pháp và pháp luật, cầm quyền một cách khoa học, cầm quyền dân chủ sẽ tạo những nền tảng bền vững để Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền trường tồn. Nếu vi phạm nghiêm trọng thì Đảng sẽ mất vai trò cầm quyền và lãnh đạo…”.
Đảng lãnh đạo bằng văn kiện, nghị quyết, cái gốc là quan điểm,từ đó có phong cách, phương pháp, nhất là tư tưởng, phẩm chất, tác phong lãnh đạo. Quan điểm quần chúng của Đảng vừa là cơ sở, là cái nền tảng, vừa là nguồn chất liệu tạo ra quyền năng xuyên suốt, tạo ra sức phát triển và độ bền vững.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Đảng ta gắn bó với dân vì "Đảng là con nòi của nhân dân"; mục đích của Đảng là "Đoàn kết toàn dân phụng sự Tổ quốc". Sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân được thể hiện qua cả nét sinh hoạt rất đời thường. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói rằng, sức hấp dẫn của lý tưởng cộng sản, của chủ nghĩa xã hội chưa phải ở mức sống vật chất cao mà trước hết ở giá trị đạo đức của nó, ở phẩm chất của người cộng sản, nhất là ở người cộng sản cầm quyền. Bác cũng dặn "Đảng ta là Đảng cầm quyền, vì vậy mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Trong tư duy lý luận và thực tiễn của Bác, đảng viên Đảng Cộng sản trước hết phải có đạo đức. Với hai tiêu chuẩn chủ yếu về phẩm chất và năng lực là “hồng và chuyên”, thì chữ “hồng” Bác vẫn đặt lên trước. Về bản chất, đạo đức của Đảng Cộng sản Việt Nam là đạo đức của giai cấp công nhân kết hợp nhuần nhuyễn với tinh hoa đạo đức truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam, nó là sự thể hiện bản chất, tư cách, sứ mệnh cao cả và bổn phận của Đảng đối với nhân dân, Tổ quốc. Một trình tự vận hành theo hướng thuận phát là có đạo đức mới có văn minh. Cái gốc vẫn phải là đạo đức, xưa nay vẫn thế. Vì vậy, nên chăng Dự thảo Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ tới nên sắp xếp lại lần nữa: “Xây dựng xã hội văn minh, dân chủ, công bằng…”. Đặt câu, ký tự, hay cụm ngữ nghĩa trước hoặc sau đều mang những giá trị nhấn mạnh, cũng như tuân thủ quy luật nhân-quả, từ cái này mới có cái kia, từ việc này mới kết quả nọ... Đã là diễn đạt, hành văn, tất nhiên không thể coi nhẹ câu chữ, ngôn từ, cú pháp, trong phát biểu ở hội nghị, hội thảo, tọa đàm, nhất là trong soạn thảo Nghị quyết lãnh đạo của Đảng.
Nói về Đảng, theo tôi chưa có cụm ký tự nào hay hơn câu nói khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng ta là Đảng cầm quyền”. Đúng như thế, trong thực tế xã hội ở nước này nước nọ, do thể chế chính trị và thực trạng xã hội với những xu thế, quan điểm, xu hướng khác nhau, đặc điểm và bối cảnh cũng khác nhau, thường có đa nguyên đa đảng, có đảng cầm quyền bên cạnh những đảng không được cầm quyền. Các phe nhóm chính trị tập hợp thành đảng, do một người hoặc nhiều người đặt tên. Trong một quốc gia xuất hiện thể chế chính trị với nhiều đảng cùng cạnh tranh, giành quyền lực thì tất yếu phải có đảng cầm quyền. Đó là mô hình dân chủ mang tình phân quyền, cạnh tranh quốc nội, buộc đảng cầm quyền phải chứng minh để khẳng định được tính hơn hẳn các đảng khác. Và thực tế qua kết quả phiếu bầu thì cũng chỉ chọn được một đảng cầm quyền. Đảng nào có tỉ lệ phiếu bầu cao mới gọi là chính đảng, mới được đứng ra cầm quyền. Nhưng nhiệm kỳ sau, đảng đang cầm quyền ở nhiệm kỳ trước mà mất uy tín, tất nhiên bị lui về sau, buộc phải giao quyền cho đảng khác được cử tri tín nhiệm hơn. Đó là tập quyền qua sự phân quyền. Nếu không sẽ sinh ra những nghịch cảnh, vận hành trái chiểu, kiểu như: “Một nhà hai chủ bất hòa, hai vua một nước ắt là không yên”. Nước nào cũng vậy, dù duy nhất một đảng hay đa nguyên đa đảng thì cũng chỉ có một đảng cầm quyền chính sự. Trên thế giới từ xưa đến nay có nhiều dân tộc, quốc gia đa nguyên, đa đảng. Sát cạnh nước ta là Cam-pu-chia, một nước nhỏ mà (dường như) có gần một chục đảng cùng thi nhau tranh cử, tìm mọi cách đấu với nhau nhằm ra phân mạnh-yếu để được đứng lên cầm quyền. Vì thế, Đảng ta càng có trọng trách lớn trước vận mệnh dân tộc, trước nhân dân và lịch sử.
Từ lâu, trên báo chí, sách vở, tài liệu, chữ Đảng thường được viết hoa, khỏi cần thêm danh hai từ “Cộng sản” mà vẫn tròn nghĩa. Khi đọc Đảng - người ta vẫn nhận ra là Đảng Cộng sản. Vì chỉ có một, tạm phiên âm tiếng Anh là năm-bờ-oăn, số 1. Đó là duy nhất. Hơn 81 năm qua, duy nhất chỉ một Đảng cầm quyền và nếu như luôn luôn xứng đáng được dân tin yêu, bạn bè quốc tế ngưỡng vọng, thì các thế lực thù địch dù rất muốn cũng khó phá ngang. Rất mong Đảng ta có đủ năng lực, uy tín và sức mạnh như vậy.
Trong hai từ “cầm quyền”, trước hêt luận giải riêng về chữ “cầm”. Thông thường, trong tay mà cầm cái gì là phải cầm cho chắc. Cầm cái gì cũng phải cẩn thận, khéo léo và biết cách cầm mới khởi bị rơi, mất, thậm chí vỡ. Có câu: “Cầm vàng còn sợ vàng rơi”.Vàng là vật thể quý, khi đã cầm được vàng còn sợ rơi, huống gì cầm quyền là một thứ phi vật thể. Ở nước ta, từ trước khi giành độc lập dân tộc, ai giao cho Đảng được cầm quyền lãnh đạo? Chắc chắn là chỉ có nhân dân. Không ai khác, chỉ có nhân dân mới giao cho Đảng được cầm quyền. Lẽ dĩ nhiên, nhân dân đã giao quyền rồi, nhưng nếu Đảng không cầm được, cầm không vững, không biết cách cầm, hoặc để kẻ khác giật mất, thì lẽ đương nhiên là tự làm mất quyền. Nếu khi cần, người giao quyền lãnh đạo cho Đảng là nhân dân, thì nhân dân có đủ quyền để lấy lại khi đếb độ cần thiết. Thế nên từ xưa đến nay, các tư tưởng lớn, các nhà lãnh đạo kiệt xuất, các vĩ nhân, danh nhân có vốn kiến thức cao sâu thường khuyên rằng khi có quyền rồi phải biết đó là vinh dự gắn với trọng trách, phải biết phát huy và giữ vững quyền lực. Giành được quyền thì khó, nhưng khi đã có quyền mà để bị mất quyền thì không thê dễ gì lấy lại được. Bài học lịch sử đã rất nhiều, đã dày nhiều trang sử. Khi một thể chế chính trị không biết nắm quyền (cầm quyền), làm mất lòng dân, mất niềm tin thì sớm hay muộn cũng bị mất quyền, không một thế lực nào bênh che được khi sức dân như sức nước vỡ bờ. Quyền mất rồi thì thể chế chính trị cùng với những quan điểm, đường lối do đảng đó (thể chế đó) xây dưng lên, cho dù nhiều công phu, rất kỹ càng, nhiều kỳ vọng và đáng tự hào đến mấy rồi cũng rất dễ bị tiêu tan. Quy luật đó luôn luôn là tất yếu, không ai chối cãi. Suy cho cùng, được cầm quyền (tất nhiên không được độc quyền) là coi như nhận về tay vinh dự và niềm tin do Trời ban, Dân bầu. Vì thế, đã có quyền rồi thì làm bất cứ việc gì, tính toán kiểu nào cũng phải thuận đạo trời, phải được lòng dân, phải hết sức xứng đáng với trọng trách, với niềm tin mà nhân dân đã giao phó. Làm đầy tớ của nhân dân, nếu không được, thì cũng nên như bạn dân, không cậy quyền, cậy thế, “giải quyết khâu oai”, tự phong cho mình là “nhất xứ thiên hạ” để cho phép mình nghênh mạn đứng trên đầu nhân dân. Vi thế, khi Đảng đã cầm quyền thì phải thực thi ngay quyền dân chủ, mới xứng đáng câu: “Của dân, do dân, vì dân”.
Thực thi dân chủ không có gì cao siêu, khó hiểu mà tự chữ Dân đã rất bình dị, gần gũi. Nhờ biết sức mạnh vô cùng lớn lao của nhân dân, nên Đảng ta từ chỗ chỉ có vài người, lên vài chục người, vài trăm người, nay đã Đảng ta đã có đội ngũ rất đông đảo tới gần 2 triệu đảng viên. Từ chỗ phải ẩn nấp giữa đại ngàn hoang vu, phải nằm hầm bí mật, phải cải trang trà trộn trong dân, hơn 81 năm qua, nhất là từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công 1945, Đảng ta đã nhanh chóng trưởng thành xứng với câu thơ Tố Hữu ngợi ca: “Đảng ta Mác-Lê-nin vĩ đại…”. Nhờ biết đi vào lòng dân, biết cách tuyên truyền, thuyết phục, vận động nhân dân; nhờ biêt tổ chức để tạo dựng, củng cố được sức mạnh đoàn kết toàn dân, một sức mạnh tổng hợp vĩ đại, cho nên qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, có lúc tưởng như khó giữ được nền Độc lập dân tộc, dù qua biết bao khó khăn chồng chất do lạc hậu và đói nghèo, dù đã phải đổ bao máu xương, mồ hôi nước mắt, Đảng mới lãnh đạo toàn dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhờ nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, ta mới có nước Việt Nam hôm nay, một đất nước đang thực thi sự nghiệp đổi mới có hiệu quả, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trở thành một trong những nước đang có tiềm lực phát triển, vị thế trên trường Quốc tế ngày càng được vinh danh, bạn bè tin cậy và đánh giá cao.
Tất cả những thành tựu đó là nhờ nhân dân, do nhân dân và cũng theo mục đích vì nhân dân. Nếu Đảng cầm quyền mà buông lỏng vai trò lãnh đạo, xem nhẹ việc trong yếu là thực thi dân chủ, không giữ vững cấu nối Đảng với Dân, uy tín suy giảm lớn, thì đó là nguy cơ “tự diễn biến” mà mất quyền lãnh đạo, phải thấy chủ yếu vẫn do tự thấn và nội lực, đừng đổ hoàn toàn cho “Diễn biến hòa bình” của phe, phái chông đối nào. Thực chất, suy cho hết mọi lẽ, không có một thế lực thù địch nào, phe phái nào mà đang được nắm trong tay một lợi thế cùng nguồn sức mạnh là lòng dân như Đảng ta. Do đó, không xây dựng được một đảng mạnh, một đảng lãnh đạo xứng tầm thời đại xứng với truyền thông gian nan mà hào hùng, nhất là xứng với niềm tin mà nhân dân đã giao cho, thì đó là do chính “tự thân” đảng bị yếu, dẫn tới hết quyền năng đã có. Một điều dám chắc là khi Đảng ta được nhân dân nhiệt tình ủng hộ, một lòng hưởng ứng, thực sự được dân tin yêu, thì hoàn toàn những chi phối, kể cả những âm mưu, thủ đoạn của bất kỳ thế lực thù địch nào, của những ngoại lực mang tính khách quan nào cũng không thể phá được nội lực, khi bản thân nội lực đó có sức bền và đủ mạnh.
Tôi xin kể lại ba câu chuyện kỷ niệm nhỏ của chính mình, để mong thay thế cho những dẫn liệu nhằm lý giải sát hơn mối quan hệ Đảng với Dân, Dân với Đảng.
Chuyện thứ nhất: Mấy năm trước, tôi có dịp đi trong đoàn công tác của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến tỉnh Hậu Giang. Xe đưa Chủ tịch nước thăm công trình cầu Cái Tư trở về. Bỗng nhiên một bà già đội bát hương lên đầu chạy nhanh ra chặn trước mũi xe của Chủ tịch nước. May mà lái xe phanh kịp. Sau đó, theo chỉ đạo của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, tỉnh Hậu Giang đã điều tra giải quyết vụ oan ức này. Không ai khác, bà già đó chính là mẹ liệt sĩ đã đội bát hương kêu oan, vì nhà có đông con cháu, rất nghèo mà đất ruộng vườn bị nhà đầu tư, nhà thầu bồi thường quá rẻ, như bị ăn cướp…Bà già và mấy đứa chàu thưa kiện mấy nơi, nhưng chưa được giải quyết. Nghe nói có đoàn cán bộ Trung ương về thăm địa phương, bà phải nhảy ra kêu để mong được giúp.
Chuyện thứ hai: Năm 1981, dư luận báo chí nêu nhiều về những vấn đề bị coi là “lình sình” ở tỉnh Thanh Hóa, liên quan nhiều đến cá nhân ông Bí thư Tỉnh ủy Hà Trọng Hòa. Dạo đó, huyện Hậu Lộc tổ chức khánh thành trạm bơm ở vùng chiêm trũng, nơi có những xã nghèo. Lễ khánh thành tổ chức khá lớn, mời Bi thư Tỉnh ủy và nhiều cơ quan ban, ngành ở tỉnh về dự. Cuối buổi lễ, tôi nghe nói cái lễ này mà xã làm thịt 2 con bò và 4 con lợn mở tiệc mừng. Khi ông Hà Trọng Hòa và đoàn cán bộ tỉnh được Chủ tịch xã mời ăn liên hoan khánh thành trạm bơm, ông Hòa nhân lời. Thấy vậy, tôi đến bên ông Hòa nói nhỏ: “Chú ơi! Thanh Hóa đang có những dư luận không lành lặn gì, tỉnh đang bị mất mùa, sao liên hoan lớn vậy?”. Ông Hòa nói: “Thì huyện và xã cũng mừng vì xây xong trạm bơm cho vùng thủy lợi còn nhiều khó khăn”. Tôi nói: “Chú ăn được mấy miếng, dân lại nói là làm những 2 con bò, 4 con lợn tiếp ông Hà Trọng Hòa”. Chợt hiểu ra, ông Hòa bảo lái xe quay lại, về huyện ăn trưa. Nhưng con đường giữa cánh đồng còn hẹp, xe lùi không may bị trượt bánh vào mép bờ ruộng lúa nước. Mãi lúc lâu xe chưa thoát lầy. Trưa nắng chang chang, đợi lâu, ông Hòa thấy mệt đã ghé vào nhà ngôi nhà dân mái tranh vách đất cạnh đó. Chị chủ nhà pha cho ông Hòa cốc nước đường, lại thêm máy viên vitamin C. Chị nói: “Gớm, có cái trạm bơm con con, sao lễ lớn vậy?”. Sau đó xe được kéo lên. Ông Hòa vẫy tôi ngối chung xe, nói: “Cậu nói đúng, về là phải ròi. Đang nhiều chuyện ầm xì, không khéo chẳng phải đầu lại phải tai, thêm mang tiếng”.
Chuyện thứ ba: Một lần, tôi có trong đoàn cùng với lãnh đạo Trung ương và tỉnh đi thăm vùng đầu nguồn lũ tỉnh Đồng Tháp. Khi gặp nơi đường bị lũ dâng ngập, cả đoàn xe dài phải dừng lại. Tôi xuống xe. Thấy một ông nông dân ướt sũng quần áo do mưa lũ. Vườn cây trái nhà ông bị vỡ bờ bao, ngập sâu hơn nửa mét. Trong câu chuyện, bỗng nhiên ông nông dân hỏi tôi: “Chú có thường đi thế này không?”. Tôi nói: “Dạ, cũng thỉnh thoảng”. Ông nông dân nhìn dòng xe con xếp dài, nói: “Một ông lớn đi, sao theo lắm vậy? Sao họ rảnh vậy, công việc giao cho ai? Tui là dân, không dám nói, đi thế vừa mât công nhiều người, vừ tốn xăng xe của Nhà nước.
Thực tiễn đã chỉ ra rằng, không có một câu kinh điển nào, cũng như không có một lý luận biện chứng nào mà ngắn gọn, dễ nhớ, lại bao hàm đầy đủ ý nghĩa và có sức trương tồn vĩnh hằng như chân lý: “Lấy dân làm gôc”. Không ai khác, chính nhân dân là người thẩm định quang minh chính đại nhất và nhân dân đứng ra chọn lựa sáng suốt đảng chính trị, cũng như từng nhà chính trị. Ai thu phục được lòng dân thì người đó có sức mạnh vô biên. Ai làm mất lòng dân thì dù tài giỏi, có nội lực quyền năng đến mấy cũng thất bại. Với các phong trào cách mạng ai được dân ủng hộ mạnh mẽ thì người đó chiến thắng. Trong ba mẩu chuyện kỷ niệm trên đây, tôi vẫn ấn tượng câu chuyện hôm đi thăm thi công cầu Cái Tư (Hậu Giang). Tôi lại nghĩ về dư luận khá “nóng” mới đây khi có một đại biểu phát biểu trước Quốc hội là không nên có Luật Biểu tình. Lực lượng biểu tình đa số là dân chúng. Biểu tình không ngẫu nhiên mà có, chuyện gì cũng có nguyên nhân sâu xa, có gôc tích thì mới xảy ra, mới diễn biến. Người tham gia biểu tình cũng phải bức xúc lắm, nhất là quyền lợicủa họ bị mất, cuộc sống bị đe dọa thì họ mới bỏ công việc đi biểu tình. Trong mối quan hệ Đảng, chính quyền với nhân dân, khi xảy ra có chuyện biểu tình thì trước hết Đảng, chính quyền phải xem lại và tìm nguyên nhân.
Không có một xã hội nào, cho dù ưu việt đến mấy cũng không thể nói là không còn bất công, không còn oan khốc, không còn trái ngang, và cũng không bao giờ có được công bằng tuyệt đối. Xét cho cùng không có một đảng nào dám khẳng định là mọi đảng viên của đảng mình 100% đều tuyệt hảo. Nhiều nguyên nhân để dẫn tới làm sai. Mà đã làm sai, làm mất lòng dân, mất niềm tin của dân là vi phạm quy chế dân chủ, dùng quyền không đúng, xử sự và giải quyết không công bằng, thiếu văn minh, sinh ra bất đồng, có oan sai, có thắc mắc, kiện cáo. Việc lớn hơn nữa, đụng đến số đông ở mức nào đó thì sinh ra biểu tình.
Do sự phát triển đất nước theo xu hướng toàn cầu hóa và đặt trong bối cảnh phát triển thời @, thời bùng nổ thông tin. Bất cứ chuyện gì liên quan đến cuộc sống xã hội thì hầu như mọi người dân được biết rất nhanh. Trình độ dân trí ở nước ta đã nâng lên khá nhiều, cả bề rộng, chiều sâu và tầm mức. Cho nên, việc đặt ra là phải hết sức nhạy cảm, thường xuyên đổi mới tư duy, đổi mới trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước một cách toàn diện, khoa học, hiện đại hợp xu thế thời đại. Đây thực sự là yêu cầu cấp thiết. Muốn vậy, mỗi đảng viên phải biết tự đổi mới, thoát ra khỏi những lề cũ đã quá quen, những tác phong quan liêu, mệnh lênh, bệnh lý luận, bệnh hội trường, không sa vào những cách nói và làm giáo điều một chiều.
Nhìn thẳng vào sự thật để thấy thực tế đau lòng là tình trạng xa dân, vô cảm với dân… đang dần trở thành phổ biến. Thực trạng này giảm lòng tin vào Đảng. Đây là điều không được phép xem thường vì mất lòng tin của dân là mất dân; mất dân là mất Đảng, mất chế độ.
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đòi hỏi một hệ thống chính trị tôn trọng những quy luật khách quan của thị trường, quan tâm đến sự bình đẳng về cơ hội phát triển và nâng cao năng lực để đón bắt các cơ hội phát triển cho tất cả mọi người dân và mọi vùng của đất nước, gắn kết hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội, giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, tôn trọng sự bình đẳng và tạo cơ hội thuận lợi cho tất cả các chủ thể kinh tế đều phát triển, hợp tác. Nền kinh tế này cũng đòi hỏi một hệ thống chính trị không quan liêu, có quyết tâm chính trị và giải pháp hữu hiệu đẩy lùi tham nhũng, thất thoát và lãng phí các nguồn lực phát triển của xã hội.
Không nên sống và làm việc theo kiểu cầu an, giữ ghế, chờ lên cấp chức mà sợ mất lòng cấp trên và đồng cấp, sợ mất phiếu bầu, phiếu thăm dò uy tín. Động cơ sống như vậy dẫn tới thủ tiêu phê bình, tự phê bình, không dám nói, không dám làm, không biết tự chủ, tự tin, tự chịu trách nhiệm cá nhân khi thực thi nhiệm vụ. Muốn được nhân dân tin yêu, Đảng phải thường xuyên đấu tranh phê bình và tự phê bình, tăng cường làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết loại ra khỏi Đảng những kẻ tham nhũng, ăn cắp của công, kéo bè nhóm trục lợi, biến chính trường thành thương trường chợ đỏ chợ đen, không thực hành tiết kiệm, vô trách nhiệm làm thất thoát tài sản của Nhà nước, chiếm đoạt tài sản nhân dân. Khi có vụ việc cần điều tra, xác minh ngay, làm rõ và kiên quyết khai trừ những đảng viên biến chất chỉ lo chạy chức, chạy quyền, dùng nhiều thủ đoạn, mánh lới “cửa trước cửa sau”, cố leo cao trong nội bộ để được làm ủy viên này, chủ tịch kia, đại biểu nọ… Chiếm được ghế rồi thì chỉ lo vơ vét của công làm của tư, lợi dụng địa vị và quyền thế chức danh của mình mà buôn bán phát tài, bỏ việc công lo việc riêng, mục đích “vinh thân, phì gia, lừa thiên hạ”.
Một Đảng vững mạnh, trước hết phải vững từ chính bản thân sức mạnh nội lực của Đảng cầm quyền chân chính, tình huông nào cũng phải giữ vững được niềm tin với nhân dân. Khi người dân tin tưởng với một chính đảng cầm quyền vững mạnh, thực sự trong sạch, toàn tâm toàn ý vì dân, biết lo cho dân thì đó chính là thực chất ý nghĩa vinh quang của Đảng. Mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý cùng với đoàn thể tiếp sức phải luôn luôn giữ vững như kiềng ba chân, nếu để một bên lệch, thế vững bị mất đi. Đó là mối quan hệ tương hỗ, chi phối, tác động lẫn nhau, tạo lực và mở thế cho nhau. Cũng do vậy mới tạo ra được tổng lực làm cho “dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, dân chủ, công bằng”, kinh tế-văn hóa-xã hội phát triển, an ninh-quốc phòng vững mạnh, độc lập chủ quyền dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững lâu bền.
Bùi Văn Bồng