Đôi điều về bài “Có nên tồn tại lăng ông Hồ” - Dân Làm Báo

Đôi điều về bài “Có nên tồn tại lăng ông Hồ”

Thăng Long (Danlambao) - “Thông điệp” của bài viết “Có nên tồn tại…” là rất rõ ràng & dễ hiểu chứ không phải là một bài luận văn về lịch sử, nhưng tiếc thay có không ít “phản hồi” của bạn đọc lại bị lạc đề hoặc sa đà vào việc “nói móc” nhau thậm chí dùng những ngôn từ “quá mức cần thiết” hay tệ hơn là lại đi ví Lăng ông Hồ như cái… thật là điều không nên đối với một người đã khuất. Bởi vì nếu cứ như vậy thì chúng ta tự “đánh đồng” mình giống như cộng sản mất rồi (khi xưa vẫn ra rả “chửi” anh, em ông Diệm dù họ đã chết)…

Như chúng ta cũng đã biết, những lời đồn thổi, những “dị bản” lịch sử thì rất nhiều. Nhưng Chính Sử thì chỉ có một! Vấn đề là chúng ta “xét” lịch sử bằng “nhãn quan” nào, với quan điểm nào: chính trị hóa lịch sử, giai cấp hóa lịch sử hay tôn trọng lịch sử vốn có của thời đại “làm nên” chính nó một cách trung thực & khách quan? Cho nên nếu ta “xét” lịch sử với “nhãn quan” hay quan điểm nào thì kết quả tất yếu sẽ là “đáp số” của chính quan điểm ấy “nhãn quan” ấy! 

Vậy nếu cứ mỗi người một quan điểm mỗi người lại có một “nhãn quan” khác nhau của “riêng mình” thì liệu có còn là lịch sử nữa không?

Lớp hậu sinh chúng ta lấy tư cách gì mà lại dám “đứng” ngoài, thậm chí “đứng trên” cả lịch sử để mà phán xét Tiền nhân? 

Tại sao lại không thể ngược lại là hãy “ở trong” chính hoàn cảnh lịch sử ấy để có cách nhìn khách quan hơn, thấu tình đạt lý hơn?

Trong bài viết nêu trên, tác giả không có tham vọng cải chính hay bênh vực cho bất cứ nhân vật lịch sử nào mà chỉ đòi hỏi một sự công bằng cho đúng với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của Dân tộc ta cũng như mong muốn nhà nước này nên tôn trọng ý nguyện của người đã khuất & cũng nhằm giảm bớt sự tốn kém không đem lại lợi ích thiết thực cho đại chúng Nhân dân mà chỉ phục vụ ý đồ chính trị của tầng lớp thống trị mà thôi… Chính vì thế khi nêu dẫn chứng đảng bảo: “Vua Gia Long cõng rắn cắn gà nhà” thì câu hỏi ngược lại là bản thân ông Hồ & đảng của ông (hay các đồng chí của ông) đã đem cái chủ nghĩa ngoại lai Mác-lê áp đặt lên Dân tộc ta gây nên bao cảnh điêu tàn, khổ đau & chết chóc, kinh tế kiệt quệ cho Nhân Dân ta đến tận ngày hôm nay có phải cũng là “cõng rắn cắn gà nhà” không? Thế mà không phải là sự đòi hỏi cho lẽ công bằng sao? 

Đó là còn quên chưa tính đến vì cái chủ nghĩa ngoại lai ấy mà đã tạo nên một cuộc chiến tranh ý thức hệ - huynh đệ tương tàn suốt 20 năm, từ 1954 đến 1975 với hơn 3 triệu người Việt giết & bị giết lẫn nhau…(tóm lại việc nhận xét hay bình chú về các nhân vật lịch sử đòi hỏi nhiều công phu sưu tầm & rất nhiều giấy mực chứ ở một bài viết ngắn không thể chuyển tải hết được).

Nhân có bạn thắc mắc về công, tội… của Vua Gia Long triều Nguyễn cũng như công của các Chúa Nguyễn & đặc biệt là về Quang trung Nguyễn Huệ. v. v…Tôi có thể “trích lược” ngắn gọn như sau: Bắt đầu từ Chúa Nguyễn Hoàng (Chúa Tiên) vì muốn thoát khỏi sự kìm chế, hãm hại của anh rể là Trịnh Kiểm đang thâu tóm quyền hành sau cái chết của cha là Thượng phụ thái sư Hưng quốc công chưởng nội - ngoại sự Nguyễn Kim (ông được phong tước do có công giúp nhà Lê trung hưng đánh dẹp nhà Mạc cướp ngôi) & thể theo lời khuyên của Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, năm 1558 (Mậu ngọ) ông vào trấn thủ Thuận Hóa lúc đó đã 34 tuổi, những năm đầu ông đóng dinh trại ở xã Ái Tử - huyện Đăng Xương (nay là huyện Triệu Phong-tỉnh Quảng Trị) trong 40 năm đầu ông chú ý việc khai khẩn, lập ấp phát triển kinh tế thịnh vượng & nộp “thuế” cho Vua Lê đầy đủ… trải qua 5 đời Chúa, đến đời thứ 6 là Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) là vị Chúa văn, võ xong toàn & cũng là đời Chúa mở mang bờ cõi xuống phía nam nhiều nhất (một phần cũng nhờ thời kỳ này cuộc chiến Trịnh - Nguyễn tạm ngừng được 30 năm) như năm 1697 đặt ra phủ Bình Thuận (gồm Phan Rang, Phan Rí Trở về phía tây) sau đó là Phủ Gia Định (là đất Thủy Chân Lạp, đất phong vương của hoàng tử xứ Cămpuchia cũ)… năm 1708 Chúa sai Mạc Cửu làm tổng binh giữ trấn Hà Tiên.

Đời thứ 8 là Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) vào năm Giáp Tý (1744) bắt đầu xưng Vương (là quốc vương tự phong - vì không có sắc chỉ của vua Lê cũng như nhà Thanh) & năm 1754 cho xây dựng thêm hàng loạt cung điện theo qui mô tương xứng với bậc đế vương ở kinh đô Phú Xuân (Huế)…

Đời thứ 9 là Chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) “bị” lên ngôi lúc mới có 12 tuổi (là con thứ 16 của quốc vương Nguyễn Phúc Khoát) do quyền thần là Trương Phúc Loan vì muốn khuynh loát lộng hành nên không làm theo di chúc của quốc vương là cho thế tử Phúc Luân nối ngôi (lúc đó đã ngoài 30 tuổi, về sau bị giết) mà lại đưa Phúc Thuần lên để dễ bề lấn lướt (trong khi các quan đại thần, các tướng giỏi & trung thành lần lượt qua đời vì già yếu & bị hãm hại) chính trong thời gian này đất nước (nhà Nguyễn) bắt đầu loạn lạc, nạn mua quan bán tước sưu cao, thuế nặng lộng hành… Dân tình oán than, chán ghét giữa lúc đó được sự ủng hộ của đông đảo Nhân Dân anh, em nhà tây sơn do Nguyễn Nhạc cầm đầu nổi lên khởi nghĩa ở đất Qui Nhơn, họa vô đơn chí năm 1774 quân Trịnh lại đem quân vào đánh. Cả hai cánh quân Trịnh-Tây Sơn đều nêu cao khẩu hiệu (lấy cớ) diệt quyền thần Trương Phúc Loan phò Hoàng Tôn Dương-là con trai của thế tử Nhà Nguyễn-đã chết(lại lấy cớ). Trước tình hình đó Tôn thất nhà Nguyễn lập mưu bắt Trương Phúc Loan nộp cho quân Trịnh (tất nhiên là lúc này quân của Phúc Loan đã bị “liên quân” đánh cho tan tác). Nhà Trịnh chiếm được kinh đô Phú Xuân & đặt quan cai trị Thuận Hóa (trong số này có Cụ Bảng Lê Quí Đôn). Nhà Tây sơn hòa hoãn với quân Trịnh để rảnh tay tiến đánh quân nhà Nguyễn vào tận miền Long Xuyên ngày nay, Vương Nguyễn chết trận lúc mới có 24 tuổi…

Từ những dữ liệu lịch sử trên, bằng suy nghĩ thật khách quan & tôn trọng sự thật lịch sử, chúng ta thấy ngay rằng đây chính là sự oan khuất của Nhà Nguyễn, trong khi Vương mới có 12 tuổi cái tuổi còn ham chơi, nghịch ngợm cha thì mới mất xung quanh trung thần chẳng còn ai thì bị “quyền thần” khuynh loát là điều tất yếu (mà lại vẫn mang danh là nhà Nguyễn để làm những điều gian ác-thà là cướp hẳn ngôi thì nhà Nguyễn sẽ không bị mang tiếng). Ta lấy ví dụ ngày nay: có ai lại muốn người giúp việc (dân gian gọi là ôsin) lộng hành lấn át, khống chế cả chủ không? Câu trả lời chắc chắn là không!

Vậy thì gần 250 năm trước Nhà Nguyễn cũng thế thôi, chẳng qua là bất khả kháng… Lẽ ra nếu hiểu được điều đó thì nhà Tây Sơn phải quay lại đánh đuổi quân Trịnh chứ không phải hòa hoãn với họ vì quân Trịnh chính là kẻ xâm lược vì thời đó Vua Lê đã phong tước cho các chúa Nguyễn & giao chấn nhậm phương nam (từ sông Gianh trở vào) còn trở ra là do chúa Trịnh cai quản - dù Vua Lê cũng chỉ là hư vị nhưng cả hai nhà Trịnh - Nguyễn & kể cả nhà Tây sơn sau này cũng vẫn phải dựa vào để lấy cái sự “chính danh”.

Ta không thể nào “trách” được nhà Tây sơn vì sự việc xảy ra từ gần 250 năm trước, không thể lấy suy nghĩ của hôm nay áp đặt lên suy nghĩ của thời đó. Theo lịch sử thì nguyên nhân chính của cuộc khởi nghĩa Tây sơn là năm 1771 Nguyễn Nhạc làm Biện lại (thu thuế) trong vùng do lấy tiền thuế thu được đem đánh bạc thua sạch, sợ nhà cầm quyền truy bắt Nhạc bỏ trốn cùng hai em vào núi Thượng Đạo - ấp Tây sơn xưng hùng khởi nghĩa, may đúng dịp Trương Phúc Loan mượn danh nhà Nguyễn làm nhiều điều thất đức nên nhà Tây sơn mới được Nhân Dân ủng hộ mà làm nên cơ nghiệp, tuy ngắn ngủi nhưng cũng có những chiến công lẫy lừng là đại phá quân Thanh ngày mùng 7 tháng giêng năm 1789.

Trong chế độ phong kiến, ta đã thấy rằng mọi cuộc khởi nghĩa hay chiến tranh vùng, miền xảy ra thì người chiến thắng luôn luôn lên làm Vua, điều đó là dễ hiểu & bình thường. Chỉ có điều bất thường là ở những chế độ cộng sản thì khi chiến thắng là họ cũng lên làm Vua nhưng là “vua tập thể” với chiêu lừa mị cho có vẻ dân chủ là đảng cử - nhưng Dân “phải” bầu...

Như vậy nhà Nguyễn với 8 đời Chúa (không tính đời thứ 9 hữu danh vô thực) đã có công mở mang bờ cõi, Vua Gia Long - Nguyễn Ánh đã có công Thống nhất đất nước & dành độc lập cho Dân tộc từ năm 1802 đến 1883 (tất nhiên sự độc lập đó cũng chỉ là tương đối, giống như ngày nay đảng & nhà nước ta có phụ thuộc vào “người anh em” Trung cộng hay không thì ai mà chẳng biết?) sau đó bắt đầu từ đời vua ba ngày Dục Đức(1883) đến đời vua Bảo Đại(1926-1945) là thời kỳ thuộc Pháp. Lịch sử vốn có là như vậy, chúng ta phải chấp nhận, không thể khác được vì như thế mới là lịch sử…


Thăng Long
danlambaovn.blogspot.com


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo