Dân Pleiku (Danlambao) - “Đơn” là cái từ quá quen thuộc với người dân Việt Nam, ai lớn lên đời người cũng phải trải qua mấy bận “đơn”. Lúc nhỏ thì đơn xin đi học, lớn lên thì đơn xin cấp phép nầy nọ. Nghèo đến mức đi ở trọ cũng phải làm đơn xin tạm trú. Do cái cơ chế hiện nay, cho nên nói đến đơn người ta nghĩ ngay đến chuyện dùng nó để đi xin xỏ.
Nhưng đơn đâu chỉ là xin xỏ, vẫn còn có loại đơn dùng để “cho” nữa đấy. Nhị cử như là “đơn giá” của Nhà nước và “đơn thuốc” của bác sĩ.
“Đơn giá” là đặt trưng cơ bản của nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu như kinh tế thị trường có nhiều từ ngữ về giá cả như: giá bán, giá mua, giá chào hàng, giá cạnh tranh, giá khởi điểm… thì kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa có một từ ngữ là “đơn giá”. Đơn giá được hiểu là giá do Nhà nước cho phép các doanh nghiệp Nhà nước độc quyền thực hiện mua bán trên thị trường. Cho nên “đơn giá” thuộc họ đơn cho chứ không phải đơn xin.
*
Giông sét của cơn mưa đầu mùa chiều hôm trước đã đánh cháy cái cầu chì trạm biến áp của dân trồng cà phê thuộc huyện Ia Grai tỉnh Gia Lai. Dân nhờ ngành điện thay cầu chì mới, ngành điện đáp ứng nhanh chóng kịp thời nhưng “đơn giá” sửa chữa thì cao ngất. Cái cầu chì Tuấn Ân có giá thị trường là 700.000 đồng, cộng thêm hai dây chì có giá vài chục ngàn đồng nữa, đó là phần vật tư, còn phần nhân công thì một công nhân đứng dưới đất, một công nhân trèo lên trụ điện thay mới cái cầu chì bị sét đánh cháy mất chừng 15 phút thời gian, thế nhưng hóa đơn sửa chữa của ngành điện đưa ra là 5.500.000 đồng.
Cái giá cao ngất ấy được nhân viên ngành điện giải thích là do “đơn giá” của Nhà nước.
Ai mà không chấp nhận “đơn giá” Nhà nước của ngành điện thì chịu mất điện chứ không thể kêu ai khác ngoài ngành điện sửa chữa rẻ hơn được.
*
Y học cũng có từ “đơn thuốc” là thuộc dòng dõi đơn cho chứ không phải đơn xin. Bác sĩ cho đơn thuốc đúng thì bớt bệnh, cho đơn thuốc sai thì chết bệnh.
Và đơn giá cũng như đơn thuốc, Nhà nước cho đơn giá sai thì sớm muộn nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa cũng sẽ bị chết mà thôi.