Trọng Nghĩa (RFI) - Vào lúc tàu của Philippines và Trung Quốc vẫn gờm nhau tại vùng bãi đá ngầm Scarbrough, một chiếc tàu ngầm tấn công Mỹ thuộc loại tối tân nhất, đã ghé cảng Philippines từ hôm 13/05/2012 vừa qua. Phía Philippines đã lập tức xác định, đây là một chuyến ghé cảng thông thường, nhưng giới quan sát đã gắn liền sự kiện này với tình hình căng thẳng Trung Quốc-Philippines.
Theo trung tá Omar Tonsay, phát ngôn viên Hải quân Philippines, vào hôm qua, chiếc tầu ngầm Mỹ USS North Carolina, đã cập bên cảng Subic Freeport vào Chủ nhật vừa qua, theo một kế hoạch “tu bổ thường xuyên”, và sẽ rời cảng ngày 19/05 sắp tới. Theo viên sĩ quan này, sự kiện đó “không liên quan gì” đến tranh chấp chủ quyền trên bãi đá ngầm Scarborough giữa Bắc Kinh và Manila từ hơn một tháng nay.
Thế nhưng, giới phân tích cho rằng, không phải là ngẫu nhiên mà chiếc USS North Carolina của Mỹ lại ghé Subic, một hải cảng nhìn ra phía bãi Scarborough, chỉ cách đấy 145 hải lý về phía tây. Dụng tâm của Hoa Kỳ được cho là nhằm hai mục tiêu, vừa trấn an Philippines đang phải chịu sức ép của Trung Quốc trong vụ tranh chấp chủ quyền trên bãi Scarborough, vừa cho thấy là Hoa Kỳ vẫn đang theo dõi kỹ căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines về chủ quyền trên bãi đá ngầm Scarborough.
Tàu ngầm tấn công của Mỹ USS North Carolina (SSN777) @U.S. Navy |
Trong một bản thông cáo, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, chuyến ghé Philippines của chiếc USS North Carolina là một phần trong kế hoạch triển khai tàu chiến tại vùng Tây Thái Bình Dương. Còn theo thuyền trưởng Richard Rhinehart, chỉ huy chiếc tàu ngầm, thì họ rất tự hào về những đóng góp gần đây vào việc thực hiện một phần “cam kết của Mỹ nhằm duy trì tự do hàng hải, hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Theo thông tin từ phía Mỹ, USS Carolina là tàu ngầm thứ tư thuộc lớp Virginia - lớp mới nhất của hải quân Mỹ - chạy bằng năng lượng hạt nhân, được thiết kế để hoạt động tàng hình, triển khai nhanh nhạy và có khả năng lặn lâu dài ở các vùng duyên hải cũng như sâu dưới đáy đại dương.
Tình hình căng thẳng Manila-Bắc Kinh liên quan đến chủ quyền trên bãi Scarborough đã nêu bật sự yếu kém quá mức của Philippines về phương diện quân sự, vốn chủ yếu dựa vào Hoa Kỳ.
Tình hình sắp tới đây có thể khác. Phát biểu vào hôm nay với một đài phát thanh Philippines, tổng thống Benigno Aquino cho biết là nước ông có thể bỏ ra khoảng 1,6 tỷ đô la để mua hai phi đội phản lực cơ. Điểm đáng nói là ông không loại trừ việc đặt mua từ một nước ‘tiến bộ’ khác, chứ không nhất thiết là từ Hoa Kỳ.
Theo tổng thống Aquino, nguồn cung cấp có thể đến từ châu Âu, “hay là một nơi gần” Philippines. Một phi đội máy bay gồm từ 16 đến 24 chiếc.