Đinh Tấn Lực - VPCP vừa cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mặc dù đang bận trăm công ngàn việc, cả đối nội lẫn đối ngoại, cả tham nhũng lẫn chống tham nhũng, cả thế lực thù địch ngoại lẫn thế lực bảo hiểm ghế, cả Vihajico lẫn EcoPark, vân vân lẫn vân vân… mà vẫn phải nhín dành thì giờ riêng để theo dõi sít sao mọi động thái cùng tình hình và mức độ bức xúc trong xã hội. Gần nhất là vụ việc nghiêm trọng vượt ngoài khuôn khổ pháp luật của nhà nước mới vừa xảy ra tại thư viện Viện Hán Nôm.
Theo lời tường thuật của lãnh đạo các cơ quan chức năng ngay tại khu vực phường Trung Liệt và đặc biệt là của phóng viên năng nổ Hoàng Linh thuộc báo Cựu Chiến Binh (CCB), VPCP được biết là vào ngày 18-5-2012, để chuẩn bị dâng công mừng ngày đại lễ đón chào sinh nhật người Cha Già cả nước, sáu CCB thuộc diện thương binh nặng (ký lẫn mùi) gồm các ông Hoàng Đức Đồng, Nguyễn Sĩ Duyên, Nguyễn Tất Hùng, Chu Vinh Quang, Nguyễn Vinh Công và Quản Văn Khang đã cùng hăm hở đến Viện Hán Nôm để yêu cầu ông Nguyễn Xuân Diện ngừng ngay những hoạt động phản đối dự án Điện Hạt Nhân hoành tráng mà Chính Phủ đang tiến hành, đặc biệt yêu cầu ông Diện ngưng ngay mọi nỗ lực ngăn cản tuyến viện trợ của Nhật Bản đối với dự án này.
Đó là những CCB nhiệt tình và dễ bảo mà như ông Quản Văn Khang từng bức xúc tự giới thiệu (qua ngòi bút biên tập kỳ tài của Hoàng Linh): “Chúng tôi là những thương binh, những người đã đổ máu và nước mắt, đã bỏ lại một phần cơ thể của mình lại chiến trường để bảo vệ Tổ quốc, mong muốn đem lại hòa bình cho đất nước, cho nhân dân. Nay dân mình còn nghèo, một số nơi đồng bào còn không có điện để dùng vậy mà khi chính phủ Nhật đồng ý viện trợ cho Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân phục vụ cho nhân dân thì lại có những người chống phá”.
Động cơ chính của những thương binh cần thêm điện và cực lực bảo vệ nguồn viện trợ cho dự án điện hạt nhân chỉ có vậy. Cộng với tinh thần cương quyết, triệt để và rốt ráo chấp hành lệnh cấp trên của những người từng phục vụ trong quân đội nhân dân, họ đã liên hiệp đặt vấn đề, liên tục nhớ nhà châm điếu thuốc, liên thanh đệm tiếng lòng nhớ mẹ, và liên hoàn tác chiến trong việc thuyết phục ông Diện từ bỏ ý định gửi thư cho đại sứ Nhật Bản, bắt trớn cho việc từ bỏ luôn cả những ý định chống đối khác, kể cả ý định chống đối tiến trình Hán hóa Việt Nam.
Kết quả bước đầu là ông Diện buộc phải đồng ý gỡ khỏi blog những bài phản biện điện hạt nhân dự trù gửi cho các giới chức Nhật Bản. Tuy nhiên, đã xảy ra ngay tại bên ngoài thư viện Viện Hán Nôm bấy giờ là vụ việc CCB Chu Vinh Quang có việc cần ra ngoài thì bị một phụ nữ tát tai, mặc dù CCB Quang không hề cố tình kiêu binh chớt nhã hay xàm sở điều gì, từ lời nói cho tới hành động, đặc biệt là không thấy có một đoạn video clip nào minh chứng là người phụ nữ đó phản ứng tự vệ hay tự trọng. Qua đó, kết luận sơ khởi của công an Trung Liệt là CCB Quang hoàn toàn bị tát tai rất oan, ngay trước mặt tiền một cơ quan nhà nước đầy thẩm quyền.
Bản thân Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng là một thương binh nặng (ký lẫn lời), do đó, cái tát tai oan ức nói trên được coi là của toàn thể thương binh (dễ vỡ – xin nhẹ tay), không loại trừ thương binh Thủ Tướng, nên thấy cần phải vào cuộc. Thủ tướng chỉ đạo vụ việc này cần phải được làm cho rõ ngọn ngành, đặc biệt truy động cơ của cái tát tai đầy ấn tượng đó, Không để mang tiếng ăn cướp gõ trống hay kiêu binh ăn vạ, và phải nhanh chóng báo cáo toàn bộ vụ việc cho Thủ Tướng trong thời gian sớm nhất có thể. UBND và thành ủy Hà Nội, cùng các bộ phận an ninh thủ đô chiếu nhiệm vụ thi hành.
19-5-2012 – kỷ niệm ngày oan nghiệt