Thanh Tường (Đại Đoàn Kết) - Hẳn nhiều người chưa thể quên một câu hỏi thẳng thắn của phóng viên Đại Đoàn kết khi hỏi trực tiếp Bộ trưởng Bộ GTVT tại phiên họp báo thường kỳ tháng 3 - 2012 vừa qua của Văn phòng Chính phủ. Câu hỏi đại ý là: Trong rất nhiều những giải pháp mà Quốc hội và Chính phủ đưa ra, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, chống ùn tắc giao thông, tại sao Bộ GTVT lại chú ý nhiều đến giải pháp thu tiền của dân. Có phải vì thu tiền là biện pháp dễ dàng nhất để giải được bài toán giao thông bức xúc hiện nay? Ngay sau đó, nhiều cơ quan báo chí đã dẫn lại câu hỏi này và đưa ra những bình luận riêng, nhưng vẫn gặp nhau ở điểm chung là ngành GTVT đã chưa thực sự vì dân, đã chọn những giải pháp không đúng thời điểm, đã "vô cảm” với túi tiền đang rất eo hẹp của dân, thu tiền của dân rồi liệu có đảm bảo cho họ được thụ hưởng hạ tầng giao thông tương xứng với số tiền họ đã bỏ ra không...
Ấy thế mà sau đó, lãnh đạo Bộ GTVT khi trực tiếp trả lời tại phiên giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về thực trạng vi phạm hành chính và các giải pháp khắc phục trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ (diễn ra ngày 24/4) lại tiếp tục đưa ra một số giải pháp liên quan đến... thu tiền. Phí bảo trì đường bộ, phí hạn chế lưu hành phương tiện giao thông cá nhân, phí vào nội đô giờ cao điểm, ký quỹ tham gia giao thông... rõ ràng là xoay quanh "đồng tiền hai mặt”, là "bình mới rượu cũ”, là bài "quản không được thì cấm” mà nhiều cơ quan quản lý nhà nước vẫn thường dùng... Lãnh đạo Bộ nói: "Bộ Giao thông Vận tải thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia là thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc và giảm tai nạn giai thông, trong đó có giải pháp về thu phí”. Về ý kiến này có nhiều quan điểm, góc nhìn khác nhau. Chẳng hạn Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh nêu: "Hiện nay là thời điểm kinh tế khó khăn, vì vậy cần cân nhắc thời điểm thu và mức thu thế nào để đạt được sự đồng thuận xã hội”. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) bình luận: "Ngành giao thông nói tất cả các giải pháp là để phục vụ nhu cầu của nhân dân, còn người dân thì nói là tôi trả tiền cho tất cả. Tôi cho rằng làm chính sách thì phải nghĩ thế nào để đỡ thu tiền dân, chẳng hạn như tìm cách kêu gọi đầu tư thế nào, chứ không chỉ có mỗi cách là thu tiền của dân”. Đại biểu Dương Trung Quốc bình luận rằng trong 1,9 triệu ôtô, chỉ có 600.000 xe "biển trắng”, chính sách dường như chỉ hướng vào số xe này. "Đừng nghĩ đến chuyện hạn chế xe cá nhân. Một đất nước gần trăm triệu dân mà mới có 1,9 triệu xe hơi thì không ăn thua gì” - ông Quốc nói. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên nói: "Đất nước đã nghèo nhưng ngành nào cũng đòi tiền. Sao không tìm những cách ít tiền hơn mà vẫn mang lại hiệu quả?”. Không úp mở gì nữa, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội thẳng thắn: "Bộ trưởng đề nghị tăng mức tiền phạt, tăng phí, tăng đầu tư cho ngành giao thông, nhưng chưa thấy Bộ trưởng nói đến giải pháp tăng trách nhiệm của các cán bộ ngành giao thông. Làm sao để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hạn chế tiêu cực trong lực lượng?”...
Cần khẳng định một điều chắc chắn rằng dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam luôn có truyền thống và sẵn sàng đồng cam cộng khổ, chung lưng đấu cật vì sự phát triển và trường tồn của đất nước. Trước sau như vậy. Nếu chỉ nghĩ đến "kế sách” thu tiền của dân, thì sẽ không ổn. Như phương án đổi giờ học, giờ làm cũng vậy, dù không mấy liên quan đến tiền nong, nhưng đã đi qua cái sự "ồn ào” được dăm bữa nửa tháng đầu rồi đâu lại vào đấy. Bất cứ một người dân nào cũng có quyền hỏi: Tôi đóng tiền, liệu tôi có được hưởng hạ tầng giao thông tương xứng với số tiền mà tôi đã bỏ ra, liệu tôi có phải tiếp tục chịu đựng cảnh kẹt xe, bụi khói, tiếng ồn và những hiểm nguy luôn rình rập? Đó là chưa nói, chuyện "tiền đóng, gạo góp” ở thời buổi hiện đang rất khó khăn như bây giờ, không hề là việc dễ.
Cái đích mà Bộ GTVT viện dẫn cho việc thu các loại phí là để giải quyết tình trạng tắc đường kẹt xe, để giảm thiểu tai nạn giao thông. Nhưng phí chồng lên phí cao như vậy sẽ giải quyết được tắc đường, kẹt xe hay không thì... hạ hồi phân giải. Mà kể cả sau này, tình trạng tắc đường, kẹt xe vẫn y như cũ, liệu có quan chức nào trong Bộ GT-VT bị mất chức vì đã đưa ra mức thu các loại phí?. Lâu nay, tắc đường, kẹt xe đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện”, tình trạng tai nạn giao thông cũng vậy, rồi cầu đường nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng..., mà đã có quan chức lớn nào trong ngành giao thông bị mất chức vì những nguyên nhân đó đâu. Thành ra phí cao cứ việc thu, còn giải quyết được tắc đường hay không thì cũng chẳng hề hấn gì.
Dân mong muốn các ngành hữu quan đừng "vô cảm” với túi tiền của dân.