Văn Giang - Quyền lợi của "Bốn Nhà" - Dân Làm Báo

Văn Giang - Quyền lợi của "Bốn Nhà"

Nông Dân (Danlambao) - Khi vụ việc ở Văn Giang - Hưng Yên xảy ra, rất nhiều người liên tưởng đến vụ việc ở Tiên Lãng - Hải Phòng. Nhưng theo Nông dân tôi thì đây là hai vụ việc khác nhau quá lớn về quy mô và tầm ảnh hưởng.


a/ Vụ việc ở Tiên Lãng


Vụ Tiên Lãng là một gia đình nông dân trực tiếp chống lại quyết định thu hồi đất của chính quyền cấp huyện. Phản ứng của gia đình Đoàn Văn Vươn gây bất ngờ cho tất cả mọi người. Hiện nay sai, đúng của các bên để “pháp luật” sẽ phân xử, Nhưng cái “được” của vụ Tiên Lãng nhiều hơn “mất”.

Vụ việc đã chỉ ra sự bất cập của luật đất đai nói chung và sự thiếu khuyết các văn bản pháp quy về quản lý những bãi bồi cửa sông, ven biển nói riêng.

Các chủ đầm ở Tiên Lãng cùng các chủ đầm ở những vùng tương tự trong cả nước yên tâm hơn, hy vọng hơn sẽ có quy định chung để giúp họ đầu tư khai thác. Chỉ tính riêng ở Tiên Lãng đã có tới hàng ngàn ha, thì với cả nước là hàng vạn, chục vạn ha sẽ được khuất phục với ý chí lấn biển của người Nông dân.

Qua vụ Tiên Lãng mọi người đã thấy được sức mạnh của hệ thống truyền thông nói chung và các cơ quan báo chí nói riêng. Báo chí đã thể hiện vai trò thông tin, giám sát phản biện xã hội tích cực và hiệu quả. Lần đầu tiên các nhà báo không chấp nhận tiếp cận thông tin một cách thụ động do cơ quan, chính quyền địa phương cung cấp. Điều này đã làm cho lãnh đạo chính quyền các cấp của Hải Phòng lúng túng, do quá nhiều người phát ngôn, mỗi người nói một kiểu, phần lớn thiếu rõ ràng, không rành mạch, thái độ thiếu chân thành, ngôn ngữ không phù hợp. Nhưng qua vụ việc Lãnh đạo Hải Phòng đã tự tin hơn và trưởng thành hơn nhiều.

Kết luận của Thủ Tướng đã được người nông dân đón nhận, tin tưởng vào sự công tâm của Đảng và Chính phủ, đúng như một số báo đã đăng tải “Quyết định của Thủ tướng thật thấu tình, đạt lý”, “Rất đồng tình với kết luận của Thủ tướng”, “Cảm ơn Thủ tướng! Thật là một ngày hạnh phúc! Thủ tướng kết luận thật công minh”, “Khâm phục cách làm việc rất công tâm, hợp lòng dân của Thủ tướng”, tóm lại: Tất cả là “ Niềm vui vỡ òa”!.

b/ Văn Giang quyền lợi của “bốn nhà”

Vụ việc ở Văn Giang là tranh chấp giữa chủ đầu tư và một số người dân về bồi thường, giao đất và nhận bồi thường, nó tồn tại từ nhiều năm. Các bên đã nhiều lần gặp gỡ trao đổi, đấu lý … Cuối cùng tỉnh Hưng Yên đã hoàn thành “Việc hỗ trợ thi công và cưỡng chế giải phóng mặt bằng“, nhưng cái “mất” đã quá lớn với cả “bốn nhà”.

Với Chính quyền: Tất cả các cấp đã tham gia Bằng chứng là phải huy động một lực lượng quy mô lớn, lại được “Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ và đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh” cùng sự hỗ trợ của hàng ngàn cán bộ “của Bộ Công an và Công an tỉnh…”. Dù các báo (phải gạt nước mắt) không đưa tin hoặc đưa tin ít “liều lượng”, nhưng trong thời đại công nghệ này, chắc chắn nhiều người, có nhiều nguồn tin khác nhau để tìm hiểu sâu hơn vụ việc. Những hình ảnh, các đoạn video được chụp, được quay trực tiếp theo cá nhân Nông dân tôi đều đáng tin cậy. Ai có thể đem một lực lượng đông đảo công an để dàn dựng và tạo video clip giả?. Nếu “thế lực thù địch”, thế lực “phản động” thực hiện được điều này thì quá nguy hiểm, hơn nữa chính quyền trong sáng như gương “thế lực thù địch” sao mà bôi nhọ được?

“Dự án khu đô thị Văn Giang được phê duyệt và thực hiện từ năm 2004 theo công thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng". “Đất đai là sở hữu toàn dân”, ai cho phép chính quyền thực hiện cơ chế “đổi chác” đầy hiệu quả như thế này? Chỉ tính theo quy hoạch chi tiết của dự án, 500 ha đất được phân chia tỉ lệ sử dụng đất: 33,85% đất ở, đất thương mại chiếm 22,28%. Nếu mọi việc diễn ra thuận buồm xuôi gió, thì riêng giá thành phần đất nền thu được từ đất ở và đất thương mại đã là (33,85% +22,28%)x 500 = 280.65 ha. 280.65 ha x 10.000 (m2/1ha) x 10 triệuVND/1m2 = 28,065,000 triệu

Giá 10 triệu/ m2 lấy theo giá thấp nhất được chủ đầu tư đã chào bán. Vậy số tiền 25 tới 30 ngàn tỷ VND đi đâu, “đổi chác” có lợi cho dân, cho xã hội như thế nào?

Về tổng chi cho toàn bộ vào cơ sở hạ tầng của nhà đầu tư cam kết (cho các tuyến đường, cho cầu) vào mục đích công cộng cùng lắm là trên dưới 3 ngàn tỷ VND ( vì chưa công khai nên Nông dân tôi phải tự tính). Hơn 8 năm nay đã có phần nào được hoàn thành để đưa vào khai thác sử dụng?.

Đây là một dự án có quy mô tới 8,2 tỷ USD, nhưng tại sao UBND tỉnh Hưng Yên không công khai đấu thầu theo các quy định hiện hành. Hơn nữa tốc độ chấp nhận quá nhanh, bỏ qua việc thẩm định năng lực, cũng như lĩnh vực kinh doanh của chủ đầu tư?… Các câu hỏi này, không được trả lời thỏa đáng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Hưng Yên. Nó sẽ báo hiệu sự khó khăn trong việc mời chào đầu tư ở Hưng Yên với nhiều nhà đầu tư nghiêm túc khác. Đặc biệt quy mô của cưỡng chế, phương pháp cưỡng chế để lại trong lòng nhiều người dân, sự thất vọng với chính quyền các cấp. 

Việt Nam giai đoạn hiện nay cả nền kinh tế đình trệ, 100% doanh nghiệp bất động sản đều phải vay vốn từ nhiều nguồn để thực hiện, bao nhiêu dự án đang “há miệng chờ sung” từ các nguồn vốn FDI, ODA hoặc kênh Kiều Hối. Nhìn vào cách hành xử của chính quyền với bà con nông dân ở Văn Giang , cánh cửa vốn còn đang là khe cửa hẹp, đã thực sự bị bít lại. Đây là cái mất lớn nhất mà chính quyền tỉnh Hưng Yên không tính được.

Với Chủ đầu tư: Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (ở đây tôi gọi tắt là Việt Hưng), đang thực hiên một dự án tới 8,2 tỷ USD ( xấp xỉ 1/10 tổng thu nhập quốc dân Việt Nam trong một năm ). Chắc chắn Việt Hưng không có năng lực tài chính vô hạn, vì vậy phải huy động vốn từ nhiều nguồn, theo nhiều phương thức khác nhau. Việt Hưng và các cổ đông đã phải bỏ ra rất nhiều chi phí cho dự án này (tất nhiên nhiều chi phí không tên!), đang thực sự bức xúc vì dự án kéo dài, đã đánh mất nhiều cơ hội vàng. 

Nhưng một phương án kinh doanh muốn thành công, ngoài năng lực của nhà đầu tư, nó còn đòi hỏi phải hội tụ được các yếu tố cơ bản “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa”. Với vụ cưỡng chế này thì tương lai dự án này gần như đã phá sản và sẽ kéo theo nó là nhiều hệ lụy khác.

Nói về Thiên thời: Đó không phải là “ý trời”, mà là môi trường kinh tế xã hội u ám ở Việt Nam hiện nay, khó thấy có một tia hy vọng nào cho thị trường bất động sản. Việt Hưng sẽ tìm ra ai là bỏ tiền ra mua bất động sản Ecopark? Còn nhiều khách hàng nghe theo lời quảng cáo từ vài năm trước đã đặt tiền, họ sẽ phản ứng như thế nào? Chắc chắn tới nay Việt Hưng chưa có lời giải!. 


Địa lợi và Nhân hòa: Đúng vùng đất này đã và sẽ hội tụ nhiều mặt rất đắc địa về “Kinh tế”. Nhưng vụ cưỡng chế ngày 24/4 vừa qua đã xói mòn những niềm tin cuối cùng của người dân cả nước nói chung và người dân Văn Giang nói riêng. Mặt khác nhìn vào bản đồ khu đô thị này đang nằm kẹp giữa ba xã, Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao (nơi người dân không còn thiện cảm với Ecopark). Từ “Đắc địa” nó sẽ trở thành “Tử Địa” (Trừ khi phải “thành cao hào sâu” như một khu “tô giới” riêng).

Kinh doanh mà phải dựa vào mấy kẻ tiểu Nhân đắc chí, chỉ biết hoàn thành “Việc hỗ trợ thi công và cưỡng chế giải phóng mặt bằng“. Chính họ đã làm người dân vùng đất này căm dận sự thay đổi kiểu như vậy. Vậy thì “đầu cơ đất” ở đây đã khó, nói gì đến xây dựng cả một khu đô thị theo phương án được vẽ.

Bạn là ai? Bạn có vài tỷ VND để mua một căn hộ là nơi sinh sống cho gia đình mình, chắc chắn tiêu chí bạn chọn đầu tiên là sự ấm cúng, tiện lợi trong môi trường thân thiện để nghỉ ngơi sau những ngày lao động vất vả. Tôi chắc chắn ít người muốn ở cả đời ở một nơi, nửa rừng, nửa biển, nửa tây, nửa ta được tạo lên một cách gượng ép, cổ kim lẫn lộn, đến cây xanh đại thụ cũng bị “cưỡng chế” đem từ nơi khác đến, nhà cửa còn đè lên trên phần xương cốt người đã chết.. 

Hôm nay bạn chuyển về đó, thì sau bao nhiêu năm nữa nơi đây mới có những công trình tiện ích như trường học cho các con bạn, trung tâm y tế để chăm sóc sức khỏe… Tới khi nó có, Bạn có đảm bảo thu nhập luôn đủ để thụ hưởng các dịch vụ tiêu chuẩn “quốc tế” đó không? Hơn nữa với cách khai thác quản lý các khu đô thị và các chung cư cao tầng đã đi vào hoạt động hiện nay trên địa bàn Hà Nội đã thực sự an toàn và hết các bất cập chưa? Nói đâu xa, giữa khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) có tới hai nghĩa trang tồn tại từ khá lâu là Đức Giang và Quán Tình. Ở những nơi như thế này, khi Bạn mở cửa sổ hóng gió, nhưng lại phải nhìn xuống những ngôi mộ lạnh lẽo phía dưới. Nhất là vào ngày rằm, mùng một, hay dịp Tết, lễ thì ở đây sẽ nghi ngút khói hương. Con bạn được sinh ra và lớn lên ở môi trường này, có thể sau này nó sẽ hành nghề thầy cúng!

Với những người Nông dân: Phải thẳng thắn thừa nhận việc bồi thường ở đây, với các vùng nông thôn khác là niềm mơ ước. Theo thông tin nông dân tôi được biết ngoài tiền đền bù cho từng m2 theo đầu sào đã “lên tới” hơn 100 ngàn VND, ngoài ra mỗi hộ có đất bị thu hồi còn được nhận thêm tối thiểu 40m2 đất “dịch vụ” với đầy đủ giấy tờ hợp lệ, nếu bán được thì sẽ có một số tiền đáng kể. Thực tế ở đây (trước khi xảy ra cưỡng chế) có hơn 2/3 số hộ của ba xã đã “phải” nhận tiền bồi thường, chấp nhận phương án này. 

Có thể những người nông dân chúng tôi rất nghèo, nên những vấn đề va chạm đến nông thôn nhiều người lầm tưởng rằng có tiền, sẽ giải quyết được tất cả, nên họ không cần quan tâm đến thực tế.

Thứ nhất: Ngay như ở những xã ven đô này, trước đây nông dân chỉ mưu sinh bằng cây lúa giá trị kinh tế không cao. Với phong trào chuyển đổi vật nuôi, cây trồng do chính nhà nước phát động. Nhiều gia đình nơi đây đã tìm được hướng đi, đó là nghề trồng cây cảnh rất thích hợp với thổ nhưỡng địa phương. Từ đó những cành quất, cây vạn tuế, lộc vừng, si, … được người dân chăm sóc, tỉa tót, làm đẹp cho nhiều chợ hoa Hà Nội trong những ngày lễ truyền thống hoặc khi tết đến xuân về. Thực sự nhiều gia đình nông dân ở đây đã đổi đời bằng chính sức lao động và sự sáng tạo của họ.

Thứ hai: Với nông dân đôi khi nhiều tiền lại là một tai họa. Nhiều người có hàng tỷ đồng trong tay là ngập vốn. Xây nhà ư? Mua xe xịn nhất ư? Hay khệnh khạng sáng rượu, chiều bia như các đại gia? Tệ hại hơn nữa nông dân có tiền sẽ có rất nhiều “bạn bè, anh em chí cốt” mà không biết đẻ từ đâu ra! Nhưng nhanh chóng đưa họ vào các cuộc cờ bạc, đỏ đen và nhiều tệ nạn xã hội khác. Số tiền có được từ bồi thường đất, sẽ được phân tán rất nhanh, câu chuyện “ Ông lão đánh cá và con cá vàng” sẽ trở thành sự thật.

Vâng, chúng tôi thừa nhận, ở nông thôn đôi khi nhiều bản tính cỗ hữu của người nông dân, đang chi phối cách nghĩ, cách sống, cách ứng xử… từ nhiều thế hệ còn đang tồn tại. Các nhà đầu tư thường hứa hẹn sẽ ưu tiên tuyển dụng lao động người địa phương với những mức lương “mơ ước”. Nhưng với nông dân “Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm”. Vậy khi nào, bao giờ chúng tôi mới có tay nghề để đáp ứng được đòi hỏi của các công việc khác?, kể cả làm ô sin cũng khó, nói gì tới làm kinh doanh dịch vụ!

Khi xem một số cảnh cưỡng chế ở Văn Giang, tôi nhớ lại: Khi một lực lượng hùng hậu của công an thành phố Hải Phòng về xã Vinh Quang - Tiên Lãng trên nhiều ô tô hiện đại, Sang Trọng, để trấn áp một số người đang được coi là nghi phạm ở khu đầm gia đình Đoàn Văn Vươn. Tôi đã hỏi nhỏ một sỹ quan công an tuổi trung niên “Các chú Hùng Dũng thế, nhưng có biết bơi không? Đây là khu đầm nông sâu các chú chưa biết, nhưng nông dân thì biết, kể cả trời rét gần 10 độ thế này, ngâm mình dưới nước nửa ngày là việc bình thường”. 

Vâng, nông dân là thế, với dân tộc Việt Nam họ không phải là thế lực thù địch, họ không dễ để ai kích động, họ không muốn kể công. Nhưng với nhiều người không nên quên công cưu mang, đùm bọc hơn nữa là công sinh thành dưỡng dục của họ.

Nông Dân 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo