Trần Phong (Danlambao) - Tôi vừa đọc bài viết "Nguồn gốc từ y tá lên thủ tướng" của tác giả Thăng Long cùng các “còm” kèm theo. Nhìn chung là bài viết khá khách quan, các phân tích dễ hiểu, lôgích và thuyết phục. Tuy nhiên cũng vẫn còn đôi chỗ chưa được rõ lắm đã gây ra thắc mắc cho người đọc... Vì đây là thể loại “điều tra” nên nó được “mở” cho mọi người cùng tham gia ý kiến như ý tác giả đã viết ngay từ đầu là “chúng ta cùng phân tích...”
- Đây không phải là việc đi “bới móc” đời tư của các nhân vật có mặt trong bài viết nêu trên mà là muốn nêu bật lên điều mà ai cũng hiểu (nhưng đôi khi lại không để ý khi đọc bài viết) là:
- Ở trong chế độ độc tài đảng trị thì không có chỗ dành cho những nhân tài và có đức độ thật sự đứng trong hàng ngũ lãnh đạo một cách công khai, minh bạch thông qua lá phiếu bầu thực sự dân chủ! Ngược lại những vị trí đó chỉ được dành riêng cho các loại “con ông, cháu cha” một cách mờ ám đến bất thường mà thôi, chẳng khác gì thời phong kiến mà chính cái đảng này xúi Dân vùng lên đánh đổ nó, nhưng đau đớn lại là ở chỗ chúng nó dùng chính kiểu phong kiến đó để quay lại cai trị Dân ta.
Chúng ta hãy nhớ lại, vào năm ngoái khi nghe tin thằng “em chả tân thời” bên xứ nhân sâm, đùng một phát được lão bố “ấn” vào vai cặp quân hàm đại tướng mà chưa đi lính được lấy một giờ, còn hiện thời đã là lãnh đạo tối cao ngang hàng với các “bô lão” lãnh tụ các nước. Khi chúng ta còn chưa hết bàng hoàng vì “ngạc nhiên chưa?” thì ở ngay trong “xứ thiên đường” VN ta hàng loại cậu ấm, cô chiêu “thái tử đỏ” như: Nông Quốc Tuấn, Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Minh Triết… cũng được các “vua cha” trong hội “vua tập thể” đưa lên tham gia chính trường hay thương trường như Nguyễn Thanh Phượng, Tô Linh Hương... nào cũng có kém gì?.
Câu hỏi phải được đặt ra là, những cái tên nêu trên có phải là do họ giỏi nhất, xuất sắc nhất nước VN này hay không? Mà giả dụ cứ cho là họ được như vậy đi thì nếu như không phải là con của các vị “vua tập thể” đó thì liệu họ có lên nhanh như thế được không?
Thật ra để trả lời câu hỏi đó là không khó, huống hồ là các bậc cha, chú của chúng nếu không có những ông nội “vô danh” đứng đằng sau thì cũng làm gì mà lên làm lãnh đạo đảng và nhà nước nhanh đến khó tin như chúng được!? Tất nhiên là ngoài diện “con vua-cháu chúa” ra thì con cán bộ thường cũng có khi leo lên được những chức vụ “ngon ăn” nhưng đó lại phải là cái loại lưu manh chính trị, thượng đội, hạ đạp tham nhũng, tống tiền dùng tiền mua quan bán tước… như dạng Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải, Vũ Huy Hoàng v.v… Còn con nhà bình dân cho dù có học thật giỏi, thậm chí có điều kiện du học ở các trường danh tiếng về thì cũng chỉ có thể vào được mấy công ty nước ngoài với mức lương xứng đáng với sở học, nếu như không có tiền để chạy vào các cơ quan nhà nước mà sau này còn có cửa “hái ra tiền”.
Vậy thì chúng ta có thể chấp nhận được cái loại “con vua-cháu chúa” và loại lưu manh chính trị làm lãnh đạo đất nước, lãnh đạo mình mãi được không?.
Trước khi đi vào phần chính liên quan đến bài viết của tác giả Thăng Long tôi xin kể câu chuyện sau: Cách đây mấy năm, tôi cùng một đoàn chuyên viên của một bộ vào công tác ở các tỉnh miền tây Nam Bộ. Hôm ghé ăn trưa ở một quán trong thị xã (bây giờ đã lên thành phố rồi), nhân có mấy người bàn tán về chuyện trong chiến tranh sao lại có nhiều trẻ không rõ lý lịch về cha hoặc mẹ, rồi người thì bảo có thể họ chết do bom đạn, kẻ thì cãi có khi họ hy sinh trong chiến đấu… Ngồi gần tôi có anh Tư... trước làm tuyên huấn tỉnh ủy trong chiến tranh, anh đã về nghỉ hưu lâu rồi nhưng mỗi lần có chuyện gì với Dân thì tỉnh vẫn hay mời anh giúp đỡ, vì anh rất có uy tín, đi đến xã nào anh cũng có người quen, nói chung là anh được Nhân Dân rất quí mến và tin tưởng... Thấy mọi người cứ tranh luận mãi, anh mới thủng thẳng: “Tao nói tụi bay nghe, hồi trước tụi tao nằm hầm có khi cả tháng là chuyện thường. Có hôm con gái hay cháu gái chủ nhà vừa mang cơm xuống chưa kịp chui lên thì tụi lính ập vô lùng xục, có trường hợp tụi nó đóng quân vài ngày, thậm chí cả tuần lễ trong vườn nhà ngay trên nóc hầm, lại có lúc ngay trong nhà gần cửa hầm thì làm sao dám lên? Thế là hai chú, cháu đành chịu trận ở dưới, vài ngày sau chịu hết thấu thì cái gì đến sẽ phải đến thôi, bấy giờ là giữa một thằng đàn ông và một con đàn bà chứ còn chú, cháu cái mẹ gì? Vậy là thi thoảng làng xóm bỗng thấy con hai, con ba tự dưng ểnh bụng ra mà chẳng hiểu do đâu, cứ đồn thổi loạn cả lên…” Tôi tin lời kể của anh tư hôm đó là sự thật vì nó cũng quá là đời thường.
Trở lại với bài viết của tác giả Thăng Long. Trước hết là trường hợp năm sinh của 3 Dũng (công khai là năm 1949). Có nhiều người không tin vì cho rằng chẳng qua là cố tình khai sớm hơn cho không khớp với thời gian ông Nguyễn Chí Thanh vào hoạt động ở khu bốn cũ, tức là phải sau năm 1950 (để che giấu) vì họ vẫn tin là Dũng là con ông Thanh. Tôi nhận thấy điều này là vô lý ở chỗ:
Thứ nhất là thời gian đó việc thông tin liên lạc để giúp ông “chỉ đạo” cho “bà vợ” khai lệch năm sinh (tức là phải trước năm 1950) cho 3 Dũng nhằm che giấu sự thật là bất khả thi, hoặc là dặn dò trước khi mẹ 3 Dũng quay về Nam thì lại quá thận trọng đến khó tin trong hoàn cảnh chiến tranh chưa biết sống chết thế nào?
Thứ hai là nếu quả thật 3 Dũng là con ông Thanh thì cũng đâu đến nỗi phải che giấu năm sinh quá kín kẽ như vậy vì bản thân ông Thanh cũng không phải là nhân vật được “thần thánh hóa” như ông Hồ (nên Tổng Nông mới phải khai lệch năm sinh là trước ngày ông Hồ về nước)?
Thứ ba là thời gian chiến tranh ác liệt, 3 Dũng và các cán bộ trực tiếp cũng không chắc đã biết gã là con của ông Thanh (mà lời đồn cũng chỉ là mới sau này) vì thế việc giữ nguyên năm sinh đã khai (1949) là khả dĩ tin được, mà như vậy thì lại càng chắc chắn 3 Dũng không phải là con của ông Thanh.
Còn trong trường hợp nếu sự thật 3 Dũng sinh sau năm 1950 (nếu thật sự là con ông Thanh) thì có lẽ gã không dại gì mà không khai lại như Trần Đại Quang từ 1950 đã chữa lại năm sinh thành 1956 để có thể kéo dài thời gian tại chức?
Chúng ta phân tích thêm là để cho hết nhẽ, chứ “cộng” lại với những phân tích của tác giả Thăng Long trong bài đã dẫn thì hoàn toàn có cơ sở để tin rằng 3 Dũng không phải là con ông Thanh! Và chắc là trong bài viết tác giả chỉ muốn nhấn mạnh về thời gian vào khu bốn cũ để không làm độc giả rối mắt vì thực ra sau đó là vào khoảng cuối năm 1964 đầu năm 1965 ông Thanh mới vào Nam hoạt động, nhưng thế thì không lẽ 3 Dũng sinh sau năm 1965?! Thắc mắc như vậy thật là quá vớ vẩn, phải không?.
Trường hợp cho rằng cha của 3 Dũng là cận vệ (hay đồng chí) của Lê Đức Anh & Võ Văn Kiệt đã hy sinh tính mạng để bảo vệ hai người cũng thật khó tin, bởi lẽ:
- Tại sao trong lý lịch 3 Dũng chỉ khai chung chung cha là liệt sĩ mà không có tên, tuổi cụ thể hoặc không khai? Trong khi nếu đúng như vậy thì là cán bộ cách mạng chứ đâu phải là “phản động”? (điều này bạn vào cổng thông tin chính phủ xem, không biết đến giờ này họ có “bổ xung” hay không thì chưa rõ)
- Còn nếu cho rằng hai ông Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt “trả ơn cứu mạng” thì cũng rất khó tin đối với những người cộng sản, vì gương bà địa chủ Nguyễn Thị Năm bị bắn đầu tiên (để làm gương) trong cải cách ruộng đất vẫn còn đó! Rồi mới đây 3 Dũng bỏ tù Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, một nhà đấu tranh dân chủ bất chấp là con của một công thần của chế độ cũng là để “làm gương” đó thôi? Vả lại tin đồn này chỉ đến sau khi 3 Dũng viết bài báo (đăng trên Tuổi trẻ-tp.HCM) ngay sau đám tang ông Kiệt, nhan đề “Nhớ Anh Sáu Dân”.
Mấy năm gần đây cũng xuất hiện một bài báo “nâng bi” 3 Dũng, kể về việc gã tìm gặp người đồng đội cũ đã cứu gã thoát chết, cảm ơn vài câu và trao gói quà… rồi thôi không thấy nhắc đến nữa, nó cũng giống như cái trò PR của mấy thằng bồi bút dùng tờ báo lá cải rác rưởi tận bên Đức để “bầu” 3 Dũng làm “nhân vật của năm” mà thôi.
Một câu hỏi nữa cũng không phải là không có lý là:
- Nếu cho rằng 3 Dũng là con của Lê Đức Anh thì tại sao Lê Mạnh Hà mãi đến bây giờ mới “lẹt đẹt” leo được lên chức phó chủ tịch Tp mang tên ông Hồ?
Trả lời cho câu hỏi này, chúng ta lại phải cùng quay ngược thời gian về hơn 20 năm trước. Vào thời điểm đó lực lượng “bảo thủ” và giáo điều (điển hình là Đỗ Mười, Nguyễn Đức Bình…) ở trong đảng vẫn còn rất đông đảo, trong khi lực lượng “thực dụng” không nhiều và cũng mới ở giai đoạn manh nha, lại không phải ở trong cùng một khối đông đảo như bây giờ thì làm sao mà ông Lê Đức Anh dám công khai đưa con mình (mà ai cũng biết) vào diện “cơ cấu” được? Và lại càng không dám trắng trợn đến mức công khai kiểu như đưa mấy đứa con mới tý tuổi đầu ti toe lên làm “ông nọ, bà kia” như Dũng, như Rứa bây giờ?. Hơn nữa, lúc đó Lê Mạnh Hà cũng còn ít tuổi, chiến công lại chẳng có gì ở vào thời điểm những cuộc chiến tranh cũng chưa phải đã là quá khứ xa xôi, cho nên cách khôn ngoan nhất là “đưa” thằng con “của đồng chí Nguyễn Chí Thanh” lên, như vậy vừa được tiếng là “uống nước nhớ nguồn” lại có cơ đổ vấy cho người đã chết, cũng như được tiếng là vô tư và khách quan. Hơn nữa xét về chiến công trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, chống Khơ me đỏ thì quả thật 3 Dũng cũng có huân chương đầy mình thế thì “trung ương” mà không “ủng hộ” thì mới là chuyện lạ (đó là chưa tính đến sự đi đêm của “vua cha” dành cho thằng con vẫn phải ở “trong bóng tối”).
Tôi bỗng nhớ lại thời gian đó, ở cơ quan tôi mọi người thì thầm cứ như buôn bạc giả, mắt thì dán chặt vào một tờ giấy khổ A4… đó chính là cái “tài liệu của một đồng chí lão thành cách mạng, trước khi chết tiết lộ chuyện 3 Dũng chính là con của Nguyễn Chí Thanh…” đúng như tác giả Thăng Long dẫn chứng! Mà cũng chẳng ai biết được nó từ đâu ra, làm sao mà nó lại “lọt” vào các cơ quan được như thế, lạ thật, không thể giải thích được! Một điều quan trọng nữa là bản thân những đứa con của các vị “vua-chúa” đó cũng cần phải có tư chất hay khả năng chính trị, nếu lại là loại lưu manh chính trị nữa thì lại càng tốt (khác với ngày nay là “vua cha” chỉ cần “bế lên” cho ngồi trên ghế là xong…). Với 3 Dũng thì gã có thừa tất cả những điều đó, trong khi Lê Mạnh Hà thì lại chỉ giỏi về chuyên môn thuần túy (những ai từng tiếp xúc, từng làm việc gần Lê Mạnh Hà sẽ cảm nhận được điều đó) và chính điều này đã giải thích tại sao ông Võ Văn Kiệt mặc dù có thừa khả năng “sắp xếp” nhưng tất cả những người con của ông lại chỉ đều thành danh trên thương trường chứ không có ai thành danh trên chính trường cả! mặc dù, để nịnh ông Kiệt “bên dưới” cũng mấy lần tính “đẩy” họ lên một chức vụ nào đó trong chính quyền (Phan Thanh Nam một dạo suýt nữa thì ra làm phó cho Trương Tấn Sang, khi ông ta làm chủ tịch thành phố, nhưng sau P.T.N từ chối?)… Mặt khác cũng có thể những cá nhân đó “không thích” bon chen chính trị, mà chỉ thích đi vào con đường kinh doanh, ví dụ như con trai cựu tổng bí thư Lê Duẩn chẳng hạn…
Thời gian sau này, khi đã lui về như một “thái thượng hoàng”, tuy quyền lực không còn được như trước, nhưng cái uy cũng như chỗ dựa khá vững chắc là con trai 3 Dũng cũng làm cho tiếng nói của Lê Đức Anh khá là có trọng lượng (tuy rằng không phải trên mọi phương diện như trước đây), nhất là vào nhiệm kỳ hai của 3 Dũng sau khi “thoát chết” từ vụ Vinashin và vài vụ nữa, 3 Dũng củng cố lại quyền lực đồng thời “đẩy” ông em lẫn thằng con cho mỗi đứa vào một ghế là điều có thể giải thích được.
Vài năm trước cũng có một luồng thông tin cho rằng sở dĩ Lê Mạnh Hà “lên” chậm là do không được lòng ông bố vì đã ra mặt phản đối khi ông Lê Đức Anh lấy người vợ thứ ba (Lê Mạnh Hà là con bà hai), cũng tựa như trường hợp Nông Quốc Tuấn phản đối cha lấy vợ mới khi bà cả chết mới được hơn một năm khiến hai cha con to tiếng…
Cũng theo nguồn tin trên thì cha, con Lê Đức Anh cũng chỉ mới “làm lành” độ dăm năm nay sau chuyến về thăm quê nội. Thật ra, xét cho cũng thì mâu thuẫn đó (nếu có) cũng không mấy ảnh hưởng tới con đường hoạn lộ của Lê Mạnh Hà bằng chính những điều như vừa phân tích ở trên…
Xâu chuỗi tất cả các sự kiện và tính lôgích của nó, cũng như tác giả Thăng Long, tôi cũng tin rằng 3 Dũng chính là con của Lê Đức Anh.! Tiện đây, cũng nói sơ qua về cuộc chiến chống Khơ me đỏ, tôi cũng đồng ý với tác giả là việc đánh chúng là điều phải làm và không cần bàn cãi, nhưng vấn đề là cách đánh như thế nào để đỡ tốn xương máu nhất, đó mới là tầm nhìn của một vị tướng tài, còn có bạn đi ví với cuộc chiến chống Mỹ thì quả là quá khập khiểng bởi vì tính chất của hai cuộc chiến cũng như địa thế, địa hình và địa chính trị thời bấy giờ là hoàn toàn khác nhau. Để diễn giải thì phải cần một dịp khác không phải nằm trong chủ đề chính của bài viết này…