Bài học Hòa Bình - Dân Làm Báo

Bài học Hòa Bình

Đào TuấnCái nghèo kỷ lục, nghèo không ngóc đầu lên nổi và tình trạng thất nghiệp, không có việc làm đang là một trong những vấn đề xã hội bức xúc nhất ở nông thôn Việt Nam. Đây là hậu quả trực tiếp khi “Chúng ta” đã lấy đi một diện tích đất rất lớn, tước đi cái “cần câu cơm” của nông dân, khiến quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương bị phá vỡ, người nông dân phải nhường đất đai, ruộng vườn, nhà cửa, di dời đến nơi tha phương cầu thực, nhưng đời sống ngày một khó khăn do thiếu đất sản xuất và những bất cập trong công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư...

*

10 năm trước, ngày 6-12-2002, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của QH, Đại biểu QH Bùi Thị Bình nói về “bài học Hòa Bình” như là một điển hình cho tình trạng “mang con bỏ chợ”: “Công trình hoàn thành cả (mấy) chục năm nay mà hậu quả xã hội vẫn còn đeo đẳng”. Người phụ nữ dân tộc Mường này hẳn đã rất đau lòng khi nói ra trước Quốc hội câu truyền miệng của người Hòa Bình “Chạy vì nước nhưng không có nước, chạy vì điện mà không có điện”.

10 năm sau, ngày 13-6-2012, “bài học Hòa Bình” một lần nữa lại được nhắc lại khi Đại biểu QH Nguyễn Thái Học (Phú Yên) công bố tỷ lệ hộ nghèo ở khu tái định cư thủy điện Hòa Bình. 40 năm kể từ khi hòn đá đầu tiên được ném xuống Sông Đà, tỷ lệ hộ nghèo không giảm mà đang tăng, từ 34% năm 2007, lên đến 49%, chưa tính đến 30% hộ cận nghèo. Đó là tình trạng mà Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh năm ngoái từng thừa nhận: 94% hộ khu TĐC làm nông nghiệp nhưng đất sản xuất ít nên hàng năm người dân vẫn phải vay tiền ngân hàng để mua lương thực. Do: “Không có quy hoạch khu tái định cư”, “Di dân theo kiểu chuyển vén” (ở tạm, chạy theo) và “Không ổn định cuộc sống cho bà con”.

Vấn đề không chỉ là Hòa Bình, khi ở Phú Yên nơi có nhiều công trình thủy điện, tỷ lệ hộ nghèo trên 60%, có xã trên 80%. Hay điển hình là khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ với tỷ lệ hộ nghèo đạt đỉnh 89,58%.

Vấn đề càng không phải chỉ là tái định cư thủy điện. Trong 5 năm qua, thống kê ở 20 tỉnh, thành phố đã có 298.093 lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, nhưng chỉ có 177.894 lao động có việc làm. Theo Bộ NN&PTNT việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp đã tác động đến đời sống của trên 627.000 gia đình, 95.000 lao động, 2,5 triệu nhân khẩu nông nghiệp. Trung bình mỗi hộ bị thu hồi đất ở có 1,5 lao động không có việc làm, mỗi ha đất nông nghiệp bị thu hồi có tới 13 lao động mất việc làm phải chuyển đổi nghề nghiệp.

Cái nghèo kỷ lục, nghèo không ngóc đầu lên nổi và tình trạng thất nghiệp, không có việc làm đang là một trong những vấn đề xã hội bức xúc nhất ở nông thôn Việt Nam.

Đây là hậu quả trực tiếp khi “Chúng ta” đã lấy đi một diện tích đất rất lớn, tước đi cái “cần câu cơm” của nông dân, khiến quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương bị phá vỡ, người nông dân phải nhường đất đai, ruộng vườn, nhà cửa, di dời đến nơi tha phương cầu thực, nhưng đời sống ngày một khó khăn do thiếu đất sản xuất và những bất cập trong công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư.

Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ QH đưa ra một thực tế gây bức xúc. Đó là chênh lệch quá lớn giữa giá bồi thường khi thu hồi đất và giá bán nhà đầu tư bán trên thị trường. Một ví dụ là trong khi đền bù cho dân với giá từ 4.000 đến 13.500 đồng/m2, thì nhà đầu tư sau khi chuyển đổi đã bán với giá từ 30 – 50 triệu đồng/m2. “Một ngàn lần chênh lệch” có vẻ là lý do thuyết phục nhất cho tình trạng 70% khiếu tố là về đất đai.

Nhưng sau khi thu hồi của dân, đất đai đã được sử dụng thế nào?

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy cả nước có 267 KCN với tổng diện tích 72.000ha và 650 cụm công nghiệp tốn 28.000ha đất. Tuy nhiên, có tới hơn 50% diện tích đến giờ vẫn bỏ hoang. Thêm vào đó là tình trạng 365.000ha đất bỏ hoang hóa, cấp sai đối tượng, chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng sai mục đích và vô số các dự án bị “treo” xuyên thế kỷ của 10.796 tổ chức, cá nhân trên toàn quốc.

Thưa các vị đại biểu QH, kể từ hôm 6-12-2002 , khi “bài học Hòa Bình” được phát biểu một cách cay đắng, như một tiếng kèn báo động trước QH, các vị đã làm gì thêm để giúp người Hòa Bình giảm nghèo?

Thưa “Chúng ta”, đã gần 40 năm qua, chúng ta đã làm gì? Để giúp những người dân Hòa Bình nói riêng và nông dân mất đất nói riêng không rơi vào đói nghèo.

Tại phiên chất vấn về đất đai, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Tiền Giang) đã đặt một câu hỏi “chính xác đến từng centimet”: 70% đơn thư khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực đất đai. Tại sao kết quả giải quyết của ta đạt được rất cao, trên 90%, mà người dân vẫn còn khiếu nại nhiều? liệu các giải pháp ta đưa ra như thế có vấn đề không?

Chỉ tiếc là câu hỏi “giải pháp có vấn đề” đã không được trả lời. Vì thế, có thể 10 năm sau, “bài học Hòa Bình” sẽ vẫn còn được nhắc lại, chỉ có điều, sẽ ở trên diện rộng hơn rất nhiều.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo