Vũ Thị Phương Anh - Báo chí cách mạng thì đã rõ. Chúng ta sắp đến ngày kỷ niệm “thành lập”
nền báo chí cách mạng rồi, 21/6 ấy. Trong nền báo chí cách mạng ấy, gần
đây có thêm một đặc điểm ngoài đặc điểm … cách mạng, đó là “lá cải”.
Đấy, tôi mới giải thích 2 cụm từ đầu trong tựa bài viết này rồi đó.
Nhưng lá cải thì có liên quan gì đến sông Hương nhỉ? À, có đấy. Các bạn đọc nữa đi rồi sẽ thấy.
Thế còn tập hạ là sao? Thì trước đây tôi đã viết về lá cải rồi, sông
Hương cũng viết rồi, nên những bài ấy là tập thượng, còn bài này là tập
hạ, nói theo văn “kiếm hiệp” í mà.
Lá cải, đúng hơn là báo lá cải, là báo chuyên viết về “cướp, hiếp,
giết”. Cái này chẳng riêng gì ở các nước tư bản thối nát, mà ở các nước
xã hội chủ nghĩa anh em như Trung Quốc, và tất nhiên là cả VN, đất nước
“môi hở răng lạnh” với người bạn vĩ đại 16 chữ vàng kia nữa, đều tồn
tại, và thậm chí phát triển tốt, cứ như đang mọc trên một mảnh đất màu
mỡ vậy.
Mà nó cũng chẳng phải là sự kiện của thời nay. Thời xưa (xưa là đối với
tôi thôi, tức hồi tôi còn bé, khoảng cách đây chừng 40 năm gì đó) thì
người ta gọi báo lá cải là loại báo chuyên viết về “xe cán chó, chó cắn
xe” (hình như thế) hoặc báo 4T hoặc 7T: tình-tiền-tù tội (4T)-tu-tự tử
(7T). Không hiểu Bộ 4T của nhà ta hiện nay có liên quan gì đến cái 4T
của báo lá cải thời xưa không ấy nhỉ, chắc là không vì báo chí truyền
thông của chế độ xã hội chủ nghĩa tươi đẹp của chúng ta làm sao lại có
thể liên quan gì đến báo chí phản động, đồi trụy của thời Mỹ-Ngụy cơ
chứ!
Nhân tiện, tôi cứ phân vân mãi không rõ Mỹ-Ngụy có nên viết hoa không;
Mỹ viết hoa thì còn được vì nay ta với Mỹ đã có quan hệ chính thức và có
vẻ cũng khá gần gũi rồi, hình như là để đối trọng với anh bạn vàng về
vụ biển Đông ấy, nhưng còn “ngụy” ư, chả lẽ lại viết hoa một cách tôn
trọng, cũng như ta hay viết hoa từ “Đảng” ấy à? Hừm …. Nhưng nếu không
viết hoa thì làm sao biết được tôi đang viết về một thời đại cụ thể, tức
là tên riêng, chứ không phải là từ “ngụy” với nghĩa phổ thông như trong
từ “ngụy quân tử”, “ngụy khoa học” nhỉ? Thôi thì cứ viết hoa vậy, một
phần vì tôi cũng là gốc Ngụy đây mà, tôn trọng nguồn gốc của mình dù nó
bị coi là xấu xa thì chắc cũng không ai trách? Nếu ai thấy tôi sai thì
bảo cho biết với nhé!
Tóm lại, lá cải, hay báo lá cải, thì đã rõ rồi, đâu đâu cũng có. Nhưng
chẳng hiểu làm sao mà mấy ngày gần đây, trong khi gần đến dịp kỷ niệm
ngày nhà báo (của nền báo chí cách mạng, tất nhiên) 21/6, thì các báo
cách mạng (còn gọi là lề phải, lề Đảng) bỗng chia nhau ra làm 2 phe mà
tố nhau là lá cải cứ tưng bừng hết cả lên. Chả hiểu ra làm sao nữa? Tóm
lại, ai là lá cải, ai không lá cải đây trời? Mà lá cải thì có gì xấu lắm
không nếu cả thế giới người ta đều có cả? Ăn thua là ở người đọc thôi
chứ, ai có gu thích ăn cải thì cứ ăn, ăn xong trúng độc mà chết thì …
đem chôn (chứ sao giờ, chả lẽ để thối ra đó), tôi vốn là người theo chủ
nghĩa “tự do” (liberalism) mà (chả biết có đúng đường lối của Đảng và
Nhà nước không nữa, chắc là không rồi vì tôi không phải Đảng viên, chẳng
có ai kèm cặp hướng dẫn gì sất, tội nghiệp thế!)
Ôi, thôi thì tố qua tố lại, hóa ra ai cũng là lá cải cả. Mà không lá
cải, thì viết cái giờ bây giờ? Cả mấy trăm tờ báo cứ nhai đi nhai lại
thông tin chính thống ra, thì có lẽ … khó mà bán được, mà cũng hơi oải
cho người viết báo vì không thể sáng tạo ra được chút nào hết. Sáng tạo
ư, mấy cái tin như Văn Giang hay Tiên Lãng mà viết không theo định
hướng, cứ đi mà sáng tạo đi, rồi kết cục như thế nào thì cứ chờ đi rồi
biết. Đấy có một anh nhà báo Hoàng Khương dám sáng tạo ra cách lấy thông
tin bằng cách “dưỡng liêm” cho cảnh sát giao thông – hình như thế, tôi
không nhớ rõ ạ – và bây giờ thì đã rơi vào tình trạng “Anh đi công tác ở trong/tu (=tù) dài dằng dặc có hòng mà ra”; tôi đang học làm thơ theo phong cách Bút Tre đấy mà.
Đấy, lá cải tập hạ nó là như thế đấy.
Còn sông Hương? Hừm …
“Sông Hương nước chảy lững lờ/Dưới sông là đĩ trên bờ là quan”,
chỉ cần đọc câu ca dao khốn nạn ấy thì sẽ biết sông Hương liên quan đến
lá cải như thế nào, phải không ạ? Tôi đang dùng từ “khốn nạn” theo
nghĩa miền Bắc chứ không phải nghĩa miền Nam đâu ạ, giống như trong câu
than trách “khốn nạn thân tôi” ấy. Câu thơ ấy có từ thời phong kiến thối
nát xa xưa nhưng đến nay hình như vẫn còn đúng, ai không tin thì đọc
bài “Văn học cách mạng, cô gái sông Hương và bà tiến sĩ” trên blog
này đi rồi sẽ rõ.
Nhưng xin nói ngoài lề một chút: hình như nãy giờ tôi dùng từ thối nát
hơi nhiều ấy nhỉ, chả hiểu làm sao nó quen miệng đi rồi, khéo mà người
đọc từ mấy cái nước tư bản “thối nát” như Anh, Mỹ và nhiều nước phát
triển hay phong kiến “thối nát” như mấy nước Bắc Âu nó giận, rồi thì nó
rút ra không ủng hộ, viện trợ cho VN nữa, thì mệt lắm. Cho nên, tôi tha
thiết kiến nghị Đảng và Nhà nước ta từ nay không nên dành riêng cụm từ
“thối nát” cho họ nữa; thì chúng ta cũng đã hiện đại hóa, theo kịp họ ở
một vài chỗ rồi đó, ví dụ như báo chí cách mạng lá cải (ngôn ngữ sáng
tạo của anh Huỳnh Ngọc Chênh), thì cũng đâu có kém gì họ ở mảng “hiếp,
cướp, giết” này đâu, thế chả lẽ ta cũng thối nát sao, phải không nào?
Quay lại vụ sông Hương. Ở tập thượng, tôi đã có nhắc đến một bà tiến sĩ
quan chức của Hội Phụ nữ đã nhục mạ những “cô gái sông Hương” (xin lỗi
Huế, đẹp và thơ với giòng sông Hương, tôi đang dùng sông Hương ở đây
theo nghĩa ám chỉ ạ, lẽ ra không nên như thế nhưng không biết làm sao để
thay đổi). Nay, ở tập hạ, mọi việc có khá hơn một chút – không, nói
đúng hơn là khá hơn nhiều chút mới phải.
Khá hơn như thế nào? À, gần đây có vụ cô người mẫu sông Hồng, chị em với
cô gái sông Hương, ừ thì hình như cô ấy ở miền Bắc thì phải, và chắc
chắn có tên là Hồng Hà, bị báo chí cách mạng lá cải của ta đập tơi tả.
Đến nỗi mà trong kỳ họp quốc hội các nghị viên của nước CHXHCNVN ta đã
phải nhắc tới vụ mua bán dâm trên nghị trường trang nghiêm thế.
Và có một vị đại biểu đáng kính, không, đáng kính thật ấy ạ, cũng cũng
thuộc cái cơ quan to nhất của các chị em – tức là Hội Phụ nữ ấy – đã có
một phát biểu nghe rất hay, rất sáng tạo, sinh động và chắc chắn là rất
cách mạng – theo nghĩa thông thường của từ này, là khác hẳn, thậm chí
ngược lại với những gì đang có. Phát biểu ấy, theo nhà văn Đào Tấn trên
blog của ông, là (trích nguyên văn, không đạo văn đâu nhé):
Chiều qua, ĐB QH Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Phú Yên
đứng trên nghị trường đề nghị “”Nếu người bán dâm phải vào cơ sở chữa
bệnh thì cũng nên đưa người mua dâm vào. Bởi không có cơ sở nào nói rằng
người bán dâm thì bị bệnh mà người mua dâm thì không”. Quốc hội nghe
câu này liền cười ồ tán thưởng.
(Link bài của NV Đào Tấn: http://daotuanddk.wordpress.com/2012/06/01/quyen-lam-suc-vat-cua-con-bo-quyen-lam-nguoi-cua-cao-thai-son/; hay lắm, đọc đi các bạn ạ.)
Đã chưa, cách mạng chưa? Ừ, có thế chứ. Mà bà Kim Chi nói đúng quá rồi còn gì, phải không?
Đấy, tóm lại là, sau khi viết xong thì tôi thấy cái “tập hạ” này của tôi
hay hơn tập thượng rất nhiều. Hay, vì có ánh sáng cuối đường hầm. Thì
có bà đại biểu quốc hội, lại thuộc Hội Phụ nữ, cái hội … cũ kỹ cổ hủ,
nay lại có phát biểu dí dỏm sáng tạo và cách mạng như thế, chẳng phải là
đáng mừng hay sao?
Cho nên, lá cải thì đã sao, hãy cứ cho người ta tự do nói – dù chỉ mới
tự do nói về các chuyện thuộc loại cướp, hiếp, giết hay 4T, 7T gì đó,
rồi thì trăm hoa đua nở, trăm người đua nghĩ, thế nào cũng sẽ nảy ra
nhiều ý tốt cho xã hội, và sẽ phát sinh ra một xã hội dân sự, lành mạnh.
Chứ, “nếu cứ bắt người ta nghĩ theo ý mình, rồi thì đến một ngày kia, tất cả mọi loài hoa cúc đều nở ra cúc vạn thọ cả”, thì chán chết. Câu trích dẫn này hình như là của Cụ Phan Khôi thì phải, người cũng đã viết câu ca dao … ba phải rất nổi tiếng: “Làm
chi cũng chẳng làm chi/dẫu có hề gì cũng chẳng làm sao/Làm sao cũng
chẳng làm sao/dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi/Làm chi cũng chẳng làm
chi …”
Làm chi – ví dụ như viết clog (!), viết (c)lách như thế này – cũng có làm chi lắm đấy chứ, phải không Cụ Phan Khôi kính mến ơi?
Vũ Thị Phương Anh
Vũ Thị Phương Anh