Tamnhin.net - Tập thể Vinalines khi đó mất đoàn kết, cần thay một vị trí chủ chốt. Vì vậy việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Hàng hải nhằm cứu Vinalines, giải quyết mâu thuẫn nội bộ. Liệu có giống đưa ra đề án thu phí bảo trì đường bộ và phí phương tiện giao thông để chống ùn tắc giao thông không nhỉ?
Bộ trưởng Đinh La Thăng chúc mừng ông Dương Chí Dũng (ngoài cùng bên phải) khi nhậm chức. Ảnh: Cục Hàng hải
Ngoài ra, tập thể Vinalines khi đó có thể nói là mất đoàn kết cần thay một vị trí chủ chốt.
Ngày 30/5, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng lý giải về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải từ vị trí Chủ tịch HĐQT Vinalines.
Tại sao ông Dương Chí Dũng (Chủ tịch Vinalines) được bổ nhiệm làm Cục trưởng Hàng hải trong khi đơn vị này đang bị thanh tra?
Việc thanh tra Vinalines là theo kế hoạch chứ không phải thanh tra đột xuất do có dấu hiệu sai phạm. Hiện, không có quy định là đơn vị đang bị thanh tra thì tạm dừng điều động, bổ nhiệm cán bộ. Ngoài ra, tập thể Vinalines khi đó có thể nói là mất đoàn kết cần thay một vị trí chủ chốt. Do đó, việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Hàng Hải nhằm cứu Vinalines, giải quyết mâu thuẫn, đẩy mạnh chiến lược biển và quá trình tái cơ cấu tập đoàn. Nếu không giải quyết vấn đề nội bộ thì sẽ cản trở sự phát triển, nhất là trong bối cảnh ngành vận tải đứng trước khủng hoảng.
Như vậy vấn đề dư luận quan tâm là Ngài Bộ trưởng thực hiện việc bổ nhiệm Ông Dũng(hiện là tội phạm truy nã ) vào vị trí Cục trưởng Cục Hàng Hải để cứu Vinalines và để giải quyết mâu thuẫn nội bộ của cơ quan này liệu có giống với việc Ngài đưa ra đề án thu phí bảo trì đương bộ và phí phương tiện giao thông để giải quyết ùn tắc giao thông đô thị không nhỉ ? Về vấn đề cơ cấu và tổ chức và đề bạt cán bộ (có thẩm định hồ sơ không) và như vậy có quá đơn giản không ?
Từ tháng 9/2011, Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông có chủ trương phải đưa ông Dũng ra khỏi vị trí Chủ tịch Vinalines càng sớm càng tốt. Sau hơn một tháng động viên thì ông Dũng mới đồng ý. Tuy nhiên, thời gian thực hiện quy trình thủ tục, bổ nhiệm quá lâu, từ tháng 10/2011 (xin chủ trương) đến tháng 2/2012 (có quyết định) là gần 5 tháng. Nếu tôi có toàn quyền quyết định, thì không để đến lúc giáp kết luận thanh tra rồi mới điều chuyển, gây hiểu lầm và phản cảm trong dư luận.
Tôi xin khẳng định, tôi không sai quy trình, thủ tục khi quyết định bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng. Thực tế, sau khi chuyển ông Dũng đi thì bộ máy Vinalines hoạt động tốt hơn.
Trước thời điểm bổ nhiệm ông Dũng, Bộ Giao thông từng nhận được cảnh báo gì từ cơ quan điều tra, thanh tra?
Trong quá trình tiến hành quy trình bổ nhiệm, Bộ Giao thông không nhận được bất kỳ thông tin nào từ thanh tra hay đơn thư khiếu nại về sai phạm của ông Dũng. Chỉ đến ngày 16/2/2012 (10 ngày sau khi có quyết định bổ nhiệm ông Dũng) thì lãnh đạo bộ và Vinalines mới được mời sang để thông qua dự thảo kết luận thanh tra. Đây là lần đầu tiên tôi biết về kết quả thanh tra.
Khi biết tin cơ quan điều tra khởi tố ông Dương Chí Dũng - người vừa được bổ nhiệm Cục trưởng Hàng hải - cảm xúc của ông lúc đó thế nào?
Khi nhận tin ông Dũng bị khởi tố, tôi đang công tác nước ngoài. Ban đầu tôi hết sức ngỡ ngàng và sốc bởi sáng 14/5 ông Dũng vẫn phát biểu tại cuộc họp của bộ với thái độ khá bình thản. Ngay trong ngày 18/5, tôi gọi điện cho các thứ trưởng yêu cầu họp lãnh đạo Bộ để có giải pháp xử lý trước mắt, đó là đình chỉ công tác, sinh hoạt Đảng của ông Dũng, cử lãnh đạo xuống làm việc với Vinalines để ổn định tư tưởng cán bộ, xuống gia đình để động viên và kêu gọi ông Dũng ra đầu thú.
Ông đánh giá thế nào về năng lực, đạo đức của ông Dương Chí Dũng?
Trước khi về Bộ Giao thông, tôi chỉ biết ông Dũng qua sinh hoạt tại cơ quan Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương. Cuối năm 2010, ông Dũng còn được bầu vào Thường vụ đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương. Đây là cách đánh giá chính thống của tổ chức, còn khi làm quy trình bổ nhiệm thì tập thể nhận xét, đánh giá trên hồ sơ của tổ chức.
Ngoài ra, tôi thấy ông Dũng có khả năng hùng biện tốt. Thậm chí ngày 14/5/2012, khi họp về tái cơ cấu doanh nghiệp, ông Dũng vẫn còn đứng dậy phê phán Vinalines gay gắt gần một giờ.
Từ vụ bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng gây dư luận không tốt, cá nhân ông rút ra những bài học gì?
Trước hết, tôi khẳng định việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng là đúng, thực chất là cho ông Dũng thôi chức Chủ tịch Vinalines. Lúc đó làm gì có thông tin, có cơ sở để chỉ cho ông Dũng thôi chức mà không bổ nhiệm một chức vụ mới. Vị trí ông Dũng bị điều đi (Cục trưởng) về cấp bổ nhiệm và chức vụ Đảng là thấp hơn. Chức cũ của ông Dũng do Thủ tướng bổ nhiệm còn chức mới chỉ do Bộ trưởng bổ nhiệm.
Tuy nhiên, qua vụ việc này tôi phải rút kinh nghiệm sâu sắc là phải chủ động báo cáo, thông tin đầy đủ, kịp thời cho các cơ quan liên quan và công luận để tránh gây hiểu lầm và bức xúc trong dư luận xã hội.
Vì sao báo cáo kiểm toán nhà nước báo cáo các năm từ 2007 đến 20010 Vinalines đều làm ăn tốt và có lãi, nhưng kết luận Thanh tra Chính phủ lại nói lỗ?
Bắt đầu từ 2008 xuất hiện khủng hoảng kinh tế thế giới và Việt Nam đương nhiên cũng bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp Việt Nam bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đều bị ảnh hưởng.
Đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp đóng tàu và vận tải biển bị ảnh hưởng lớn nhất, cước vận tải giảm từ 60 đến 90%. Trước tình hình đó một số các doanh nghiệp vận tải biển, trong đó có Vinalines đã báo cáo và được Bộ Tài chính cho phép giãn khấu hao và chênh lệch tỉ giá cho nên căn cứ vào quyết định của Bộ Tài Chính như vậy thì Vinalines đã hạch toán và kết quả là trong các năm đều có lãi.
Cụ thể năm 2007 lãi 943 tỷ đồng, 2008 lãi 1.212 tỷ, 2009 lãi 342 tỷ đồng, 2010 lãi 114 tỷ. Nhưng tôi không hiểu sao thanh tra lại không căn cứ vào văn bản của Bộ Tài Chính để có kết luận phù hợp.
Trước thực trạng thua lỗ, khó khăn tại Vinalines, ông có đề xuất gì với Chính phủ để vực dậy tập đoàn này?
Theo tôi, Vinalines sẽ tập trung vào 3 mảng chính là vận tải biển, kinh doanh cảng biển và dịch vụ cảng. Ngoài ra, tập đoàn sẽ thoái vốn ở các đơn vị kinh doanh ngoài ngành, tái cơ cấu công ty mẹ ở Vinalines, đưa xuống còn 40 đầu mối, thay vì 80 như hiện nay. Trong thời gian này, công ty con nào có điều kiện có thể cổ phần hóa, còn công ty mẹ sẽ cổ phần hóa trong thời gian sớm nhất, trước năm 2015.
Việc bổ nhiệm cán bộ Bộ, ngành hiện này về quy trình thủ tục hầu hết đều đúng nguyên tắc, nhưng cán bộ khi được bổ nhiêm vẫn chưa đáp ứng được công việc, hoặc có những sai phạm. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?
Quản lý nhà nước, bổ nhiệm sử dụng cán bộ thì phải theo quy trình, quy định về công tác cán bộ của Đảng của Nhà nước.
Tập thể lãnh đạo có xem xét nhiều lần đánh giá từ dưới cơ sở đến các cơ quan liên quan. và mình tôi không thể quyết định được. Nếu tôi có quyền quyết định tôi đã quyết định anh Dũng từ Vinalines lên Bộ ngay từ tháng 9/2011, vì nói gì thì nói anh là bí thư Đảng uỷ đơn vị anh để mất đoàn kết ở Vinalines là anh phải chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng đánh giá như thế nào khi các Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc bổ nhiệm Cục trưởng Dương Chí Dũng là bất bình thường?
Đó là quyền của các Đại biểu Quốc hội, tôi hoàn toàn trân trọng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, mỗi người có một cách tiếp cận và đánh giá khác nhau. Việc bổ nhiệm ông Dũng đã theo đúng quy trình quy định của Đảng, Nhà nước. Tôi không thấy có gì bất bình thường.
Uy tín của Bộ trưởng và Bộ GTVT sẽ ảnh hưởng và xấu đi không sau vụ việc này?
Ông Dũng vi phạm khi đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines từ năm 2007, sai phạm khi đang đương chức ở Tổng Công ty cách đây 5 năm chứ không phải là ở vị trí Cục trưởng Cục Hàng hải.
Cá nhân Bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm gì?
Việc ký quyết định bổ nhiệm có sai không? Sai Bộ trưởng mới chịu trách nhiệm. Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu tôi sai!
Như vậy là lỗi tại ai và ai lỗi vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát ? Hay là vì lỗi tập thể này có mâu thuẫn nội bộ ?
PV (tổng hợp)
*
“Bộ trưởng bổ nhiệm đúng, vậy lỗi thuộc về ai?”
Nguyễn Dũng (ìnonet) - Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 31/5, Đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh –Ủy viên thường trực UB Pháp luật đặt vấn đề: Nếu Bộ trưởng Đinh La Thăng đúng trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng, vậy cuối cùng thì lỗi thuộc về ai?
PV: - Mới đây Bộ trưởng Bộ GTVT đã lên tiếng lý giải việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải trên một số tờ báo. Cá nhân ông suy nghĩ gì về những phát biểu đó?
ĐBQH Ngô Văn Minh: - Tôi cho rằng có một số vấn đề thỏa đáng, nhưng có những cái chưa chắc được chấp nhận.
Báo cáo kiểm toán nhà nước bảo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) 3 năm liên tiếp lãi, nhưng Thanh tra Chính phủ bảo lỗ. Bộ trưởng Đinh La Thăng tỏ ra khó hiểu khi Thanh tra Chính phủ không xem xét văn bản của kiểm toán nhà nước. Tôi không biết các kết luận chính xác đến đâu.
Tuy nhiên thông thường trước khi kết luận, thanh tra sẽ đưa cho anh xem kết luận và giải trình góp ý. Nếu thấy không đúng anh phải nói ngay từ đầu. Tại sau đến tận hôm nay, sau nhiều ngày có kết luận anh lại nói như vậy? Vấn đề này cần phải làm rõ.
-Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng việc ông Dương Chí Dũng điều chuyển sang làm Cục trưởng chính là hạ cấp. Ông có đồng tình với quan điểm này?
-Cục là nơi quản lý nhà nước và hoạch định chính sách. Tại sao bổ nhiệm như vậy lại là hạ cấp? Điều chuyển về vị trí thấp hay cao phải nói là có kỷ luật hay không? Nếu tôi được điều động đến nơi khác mà bị coi như hạ cấp, chính tôi phải là người đầu tiên thắc mắc tôi có phạm lỗi gì? Vì nếu tôi không bị kỷ luật gì thì tại sao phải giáng chức tôi? Chức vụ thấp hơn – đó có phải là hình thức kỷ luật không thì anh phải nói rõ.
-Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng hoàn toàn đúng quy trình. Ông nghĩ sao về việc này?
-Có thể hiểu rằng quy trình bổ nhiệm cán bộ đúng, nhưng việc lựa chọn con người là hoàn toàn sai. Mặt khác sau quy trình đó, anh đã thực hiện đúng quy trình chưa?
Về mặt quy trình phải làm từ dưới lên trên. Nhưng có lẽ về quy trình còn vấn đề gì đây vẫn chưa được sáng tỏ. Bộ trưởng cho biết, ông Dũng được bầu vào thường vụ Đảng uỷ khối DN trung ương, được nhận xét là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cái đó cũng cần phải xem xét. Chẳng lẽ đây lại là lỗi của cả hệ thống? Vô hình chung Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ trách nhiệm thuộc về Đảng ủy khối?
Riêng chuyện mất đoàn kết, rút người đi để giải quyết vấn đề thật không ổn. Lẽ ra khi xảy ra mất đoàn kết, phải ngồi lại tìm hiểu nguyên nhân xem trách nhiệm thuộc về ai để xử lý kiểm điểm. Chủ tịch HĐQT gây mất đoàn kết hay việc này do cấp dưới bè phái, chống đối lại cấp trên? Không thể nói rút ông Dũng đi để "giải cứu Vinalines". Người dân khó chấp nhận với lập luận này.
-Nhưng Bộ trưởng Đinh La Thăng đã khẳng định “nếu sai tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm”?
-Như tôi đã đề cập có thể việc bổ nhiệm trên là đúng quy trình. Nhưng một vụ việc, dù chỉ mới manh nha trong dư luận thôi, anh cần xem xét để làm sáng tỏ rồi mới thực hiện công việc tổ chức cán bộ. Tôi đồng ý quan điểm đánh giá một con người phải xem xét một cách toàn diện. Vậy việc này Bộ trưởng đã xem xét một cách toàn diện chưa? Tại sao lại đưa ra quyết định như vậy, dân sẽ thắc mắc và không đồng tình.
Vấn đề đặt ra là nếu Bộ trưởng đúng thì trách nhiệm thuộc về ai? Hay trách nhiệm đang thuộc về chỗ nào đó mà không thuộc về Bộ trưởng? Ông Dương Chí Dũng đã được đánh giá tốt, được bầu chọn vào thường vụ Đảng uỷ khối DN trung ương như Bộ trưởng nói thì lỗi từ đâu đó chứ không phải ở Bộ Giao thông.
-Vậy ai phải chịu trách nhiệm khi ông Dương Chí Dũng sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng như ngày hôm nay?
-Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, ngày hôm nay (31/5) là hết hạn báo cáo của hai Bộ Nội vụ và Bộ GTVT về vụ việc này. Tôi hi vọng sau báo cáo giải trình của hai Bộ, việc này sẽ rõ hơn.
http://www.infonet.vn/doi-song/bo-truong-bo-nhiem-dung-vay-loi-thuoc-ve-ai/a22108.html
*
*
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: "Không giống như Bộ trưởng Thăng nói..."
(GDVN) - Trái với phát biểu của Bộ trưởng Đinh La Thăng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc khẳng định: "Điều chuyển Dương Chí Dũng từ Vinalines sang làm Cục trưởng không phải là hạ cấp mà là ngang cấp".
Chiều 31/5, trao đổi với Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Thang Văn Phúc – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói: “Việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng sang Cục Hàng hải là một sự luân chuyển cán bộ thôi chứ không phải là đề bạt gì cả. Sự luân chuyển này bình thường thì không có vấn đề gì nhưng khi có những bê bối của Vinalines thì các việc làm trước đó đều là không ổn cả.
Ông Phúc phân tích: “Ở đây, công tác cán bộ chưa được chặt chẽ, các cơ quan thực hiện giám sát cũng như quản lý Vinalines để xảy ra tình trạng kéo dài như vậy thực sự là có khiếm khuyết: việc mua ụ nổi quá tuổi quy định, sửa chữa tốn kém, có sự phê duyệt theo quy trình của nhà nước của bao nhiêu các đơn vị chứ ông Dũng làm sao tùy tiện có thể làm được việc đó.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc
Vấn đề chính ở đây là sự quản lý từ nhiều cơ quan thẩm định từ Bộ Tài Chính cho đến Bộ GTVT, Văn phòng Chính phủ… Nếu quy trình thẩm định được tuân thủ theo đúng quy định thì chẳng bao giờ có vấn đề.
Bây giờ ai sai thì phải chịu trách nhiệm. Lãnh đạo của Vinalines mà trước hết là Hội đồng thành viên phải chịu trách nhiệm. Cũng qua sự việc của Vinalines, chúng ta phải rút kinh nghiệm từ những vụ việc xảy ra vừa qua như Vinashin, Tập đoàn Điện lực… để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra”.
Trước đó, trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 30/5, Bộ trưởng Đinh La Thăng có nói về việc Bổ nhiệm ông Dũng: “Việc bổ nhiệm ông Dũng là hạ một cấp vì Chủ tịch Hội đồng thành viên là do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và thẩm định của các ban Đảng trung ương có liên quan. Còn bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng hải là do Bộ trưởng Bộ GTVT bổ nhiệm”.
Đưa ra ý kiến về vấn đề bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng, khác với ý kiến của Bộ trưởng Thăng, ông Phúc nói: “Thực ra cũng không phải là chuyện hạ một cấp vì cũng ngang cấp thôi: một bên là Vinalines có nhiệm vụ kinh doanh một bên là Cục Hàng hải Việt Nam có nhiệm vụ về quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng hải. Đó là sự điều chỉnh và sắp xếp lại nhân sự.
Lỗi vể công tác nhân sự của ta đang là những nút thắt trong việc tuyển chọn, bổ nhiệm, cơ chế cho đúng người, đúng việc, đúng tầm. Đó là những vấn đề vẫn còn ở phía trước. Phải xem lỗ hổng ở chỗ nào để còn rút kinh nghiệm cho quá trình hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước trong kinh tế thị trường và hội nhập, nâng cao hiệu quả của công tác tổ chức- cán bộ. Phải chọn những người có tâm, có tài, trung thành và tận tuỵ bảo vệ lợi ích của quốc gia”.
Xem thêm: