Trần Mạnh Hảo (Danlambao) - Mùa hè là mùa con cuốc kêu thảm thiết. Truyện xưa kể rằng Thục đế mất nước đau buồn quá, hóa thành chim cuốc, đêm đêm gọi hồn nước bời bời: cuốc, cuốc. Có người kể khác: chim cuốc xưa vốn là hoàng tử yêu nàng công chúa thi ca, có lời thề rằng, chàng tuyệt đối chỉ được yêu thơ, nếu chàng ngoại tình văn xuôi, nàng sẽ hóa thành con cóc. Hoàng tử phạm lời nguyền đem lòng trăng hoa với văn xuôi, công chúa tức quá biến thành con cóc xấu xí. Hoàng tử ân hận, đau khổ quá bèn biến thành con cuốc đêm ngày kêu liên tục : cóc, cóc, cóc...
Mùa hè này, ông Đỗ Quyên sau khi hoàn tất một công trình nghiên cứu văn học với tầm thế giới mang tên “Thi pháp Nguyễn Quang Thiều” như một nhà “Thiều học” lờn nhất nước, từ Canada, chắc chắn ông sẽ bay qua Thái Bình Dương để kịp có mặt trong ngày hội thảo “Nguyễn Quang Thiều trong hành trình hiện đại hóa thi ca Việt Nam” do Viện văn học tổ chức khá rầm rộ tại Hà Nội vào ngày 28-6-2012 trong tiếng cuốc kêu cóc cóc xác cả mùa hè.
Chúng tôi (TMH) xin mạn phép thử giải mã bản tham luận rất tù lù mù này của ông Đỗ Quyên - một bản tham luận được coi như cái đinh của cuộc hội thảo. Trong một tiểu tiêu đề, Đỗ Quyên đưa ra một mệnh để chủ coi như một phát hiện khoa học với thơ Nguyễn Quang Thiều, rằng thơ ông Thiều không thể dùng sự hiểu (nhận thức) mà tiếp cận được, mà cần phải có người đứng bên giải mã dùm cho : “Nguyễn Quang Thiều như là một đối tượng thuộc dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị”. “Nguyễn Quang Thiều trong dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị”
“Trong các tiền đề chính của dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị mà hai bài trước đã nêu và minh họa ở hàng loạt tác giả, thơ Nguyễn Quang Thiều là sáng tác “có vấn đề”, gây ám ảnh và âm ỉ, sự hiểu và cảm cần con-mắt-thứ-ba.
Như là một sáng tác, đấy cũng không phải là văn-học-khó tự thân, mà là loại sáng tác văn học khó phân trong văn giới, khó bình giá giữa dư luận”
Cứ theo những dòng trích lời ông Quyên trên, ta thấy:
Một là thơ ông Thiều viết ra cốt để không cho ai hiểu, trừ những nhà “Thiều học” cỡ ông Quyên, ông Nguyễn Chí Hoan, ông TS.Chu Văn Sơn... Cho nên mỗi lần thơ ông Thiều in ra (ví dụ in 1000 cuốn đi) thì phải có một nghìn ông Đỗ Quyên kèm bên cho người mua cần phải mua thêm một nhà “Thiều học” ví như ông Quyên để đem về nhà, đặng nhờ các ông đứng túc trực bên mỗi dòng thơ ông Thiều để GIẢI THÍCH GIÁ TRỊ cho người đọc hiểu được ông Thiều đang tả con cá hay con chim.
Thưa ông Đỗ Quyên, quan hệ giữa tác phẩm và tác giả kiểu phương pháp luận hai người mù tiếp cận phải nhờ ông sáng mắt là Đỗ Quyên giải mã dùm mọi thứ xem ra nhiêu khê quá, không thể khả thi. Thế này thì thơ ông Thiều thành mối họa của xã hội mất?
Sau khi ông Quyên đưa ra một phán quyết có phần “nhãn khoa” rằng, phải bịt hai mắt đi, theo kiểu bịt mắt bắt dê, rồi dùng CON MẮT THỨ BA may ra mới có thể đọc nổi thơ ông Thiều. Ơ hay, thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... các đại thi hào dân tộc đâu có cần CON MẮT THỨ BA mới đọc nổi họ, mà sao một người mù chữ vẫn thuộc Truyện Kiều như cháo chan là thế, thưa ông Quyên?
Hóa ra, ý ông Quyên khuyên toàn dân Việt Nam muốn đọc được thơ ông Thiều, cần phải bỏ chồng con, vợ con, bỏ ruộng vườn, nhà máy, bỏ Internet, bỏ đời thực vào chùa tu thành chính quả mới có nổi TÂM NHÃN-CON MẮT THỨ BA mà đọc nổi thơ ông Thiều. Hoặc muốn đọc nổi thơ ông Thiều, cần có gan chọc mù hai con mắt làm ông thầy bói mù, hay làm nhà thấu thị chuyên lừa người khác bằng món CON MẮT THỨ BA hi hi hi ?
Vì phổ biến cách đọc thơ ông Thiều mà ông Quyên xúi dại người đọc như thế, ông không sợ công an bắt ư?
Sau khi chơi trò bịt mắt bắt thơ ông Thiều xong, ông Quyên phán, rằng thơ Thiều rất khó phân định hay dở giữa dư luận và văn giới. Ơ, viết như thế, cầm bằng có thâm ý bỉ (xỏ) ông Thiều; rằng thơ cha này là thứ vô giá trị.
Báo Văn Nghệ số tết năm Dần vừa qua có in bài của ông Nguyễn Chí Hoan (trưởng ban lý luận phê bình báo Văn nghệ) có tên nghe rất hãi : “Tấm thảm Thổ nhĩ kỳ - thơ Nguyễn Quang Thiều không phải để hiểu mà để tưởng tượng”. Ông Hoan cá với toàn thế giới rằng dùng cái hiểu (nhận thức, đôi mắt) không thể đến được với thơ Thiều. Ông Hoan đưa ra “Tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ” ý thách 90 triệu người Việt Nam, ai hiểu được bài thơ này chết liền. Rồi ông Hoan, nực cười thay, lại dùng CÁI HIỀU để giải thích bài thơ trên của ông Thiều, càng giải thích, người đọc càng biết chết liền.
Đến nay, ngồi viết bài này, nhằm tìm cách hiểu nổi những xác quyết ngoài trái đất của ông Đỗ Quyên với thi pháp MÙ MẮT khi tiếp cận thơ ông Thiều, chúng tôi đồ rằng, cả ông Quyên và ông Hoan hình như thâm ý muốn xỏ ông Thiều chăng?
Càng đọc, ta càng thấy Đỗ Quyên ngầm tôn Nguyễn Quang Thiều lên trên tài thơ Chế Lan Viên cốt làm thiên hạ ghét ông Thiều : “Nguyễn Quang Thiều là nhất quán, dằng dai và thành tựu nhất? Có thể hơn cả Chế Lan Viên?”
Đỗ Quyên trong lời khen thơ ông Thiều lên mây, vẫn rình rình đo ván ông Thiều bằng cách chỉ ra ông Thiều là vua lặp từ, một tối kị trong thơ : “trong toàn tập Châu thổ với tổng số 57.309 từ (kể cả văn bản phụ), các từ “người đàn ông” lặp 29 lần, còn với “người đàn bà“ thì tới tận 87 lần! Chắc rằng, từ cổ chí kim, không một thi sĩ Việt nào có nhiều “người đàn ông” và nhất là nhiều “người đàn bà“ bằng Nguyễn Quang Thiều!?”.
Đỗ Quyên, một nhà tấu hài có hạng, lâu lâu chọc cười người đọc một phát : “Nguyễn Quang Thiều là cuộc tái hôn đầu tiên mà hạnh phúc của thơ và văn tiếng Việt”.
Ơ hay, thơ Việt từng làm đám cưới với văn xuôi Việt rồi ly dị nhau hồi nào, để đến hôm nay Nguyễn Quang Thiều cho chúng rổ rá cạp lại hả ông Đỗ Quyên ?
Tại Việt Nam hôm nay, nếu nhà thơ nhà văn còn là đảng viên (CS),còn giữ chức vụ chính quyền như ông Nguyễn Quang Thiều, sao ông Đỗ Quyên lại mắt nhắm mắt mở mà vu cho ông Thiều là nhà thơ của tự do : “Trong ý nghĩa đó, với chúng tôi, Nguyễn Quang Thiều là một thi sĩ - tự do”. Đây có vẻ cũng là một thâm ý chơi xỏ vào ý đồ chính trị của Nguyễn Quang Thiều đang dọn mình trước đảng mà ăn cái phiều bé ngoan của ban tổ chức trung ương, nhằm làm thế tử cho “vua văn chương” Hữu Thỉnh?
Ông Đỗ Quyên, hình như vẫn thích chọc cười thiên hạ bằng cách đưa ra những định nghĩa rất ngố của mình, như sau : “Với thơ Nguyễn Quang Thiều, thi pháp đồng nghĩa với ngôn ngữ. Phần V. sẽ bàn chi tiết về nghệ thuật thơ này. Cũng như thi pháp thơ Thanh Tâm Tuyền, thật ra thi pháp thơ Nguyễn Quang Thiều rất…mạo hiểm”... “Với thơ Nguyễn Quang Thiều, thi pháp bằng ngôn ngữ; ngôn ngữ làm thi pháp”
THI PHÁP theo ông Đỗ Quyên là món ĐỒNG NGHĨA VỚI NGÔN NGỮ. Viết như thế này, chúng tôi xin cá với cuộc hội thảo thơ Nguyễn Quang Thiều rằng, Đỗ Quyên là một anh chàng chưa hề đọc sách vỡ lòng lý luận văn học, nghĩa là một người dốt toàn phần, cóc biết THI PHÁP là gì, lại làm dáng viết cả một cuốn sách về THI PHÁP NGUYỄN QUANG THIỀU thì xin trời xanh chứng dám, rằng sự dốt nát tận cùng, nói bậy tận cùng của ông Việt kiều này chỉ có viện văn học của PGS.TS.Nguyễn Đăng Điệp vỗ tay ca ngợi mà thôi.
Bảo thi pháp chính là ngôn ngữ chưa bưa, ông Đỗ Quyên còn phán thi pháp Nguyễn Quang Thiều là thi pháp... mạo hiểm, thì chúng tôi van ông, ông đừng phán bậy để lòe các ông viện văn học nữa. Chưa xong, ông Đỗ Quyên còn phán lăng nhăng rằng, lứa nhà thơ chúng tôi (TMH) theo THI PHÁP CÁCH MẠNG như sau:
“Thời chiến tranh chống Mỹ, các nhà thơ xuất sắc trưởng thành trong và ngoài quân đội bằng những giọng điệu riêng tạo nên dàn đồng ca của thi pháp thơ cách mạng và hiện thực XHCN. Từng thi sĩ - Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Trần Mạnh Hảo, Thi Hoàng, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Bằng Việt… - khó có thể có thi pháp riêng, bởi với mỗi người và với tất cả, chiến tranh là thi ca, cách mạng là thi pháp!”
Thế thì thưa ông Đỗ Quyên, nhân đây xin ông giảng dùm tôi, thế nào là thi pháp phản cách mạng, thế nào là thi pháp phong kiến, thế nào là thi pháp tư bản, thế nào là thi pháp ông trời, thưa ông?
Viết đến đây, chúng tôi không còn muốn tranh biện với ông Đỗ Quyên nữa, vì khi ông đã định nghĩa THI PHÁP LÀ NGÔN NGỮ tức nhiên ông không có một tí một ti kiến thức gì về văn học, lại cả gan viết hẳn một cuốn sách (nhỏ) với tên gọi nghe ra rất kinh viện : THI PHÁP NGUYỄN QUANG THIỀU, cầm bằng chính ông là người xóa sổ thơ Nguyễn Quang Thiều, chứ còn ai?
Trong cuối bài viết phần ba, ông từng khẳng định thơ Nguyễn Quang Thiều không hay, không có tứ...
Đến đây, chúng tôi xin hỏi ông Đỗ Quyên và Viện Văn học, có phải thơ không hay tức là thơ dở không ạ?
Biết là thơ Nguyễn Quang Thiều là thơ dở, sao các ông còn ngốn nhiều tiền của nhân dân để làm hội thảo tầm quốc gia nhằm nhằm tôn vinh thơ dở, thì việc làm này của các ông đang góp phần làm nghèo đất nước, hơn nữa còn gây đại họa cho thẩm mỹ văn chương lớp trẻ trong xu thế đánh tráo mọi khái niệm của xã hội hôm nay.
Đỗ Quyên, xin ông đừng làm con cuốc gọi hồn thơ “tân con cóc”- Nguyễn Quang Thiều nữa. Cóc xưa đã chết rồi, cóc tân thời nay cũng đang ngáp ngáp trong một đống chữ không hồn, đang toan tính nhảy bàn độc để xả một trời xác chữ vào thi đàn đang bị hội thơ CON CÓC MỚI chiếm giữ, phỏng có lương thiện hay không?
Đại Ngu quốc ngày cuốc kêu chiều
26-6-2012
Trần Mạnh Hảo