Một đề toán, nên cười hay mếu? - Dân Làm Báo

Một đề toán, nên cười hay mếu?

Ông Bút (Danlambao) - Muốn biết tương lai đất nước, không gì hơn, nhìn vào nền giáo dục hiện tại, một nền giáo dục mà người đứng đầu bị khả nghi xài bằng giả, vị trí họ có được phải chạy bằng tiền, bằng thủ đoạn, mánh khóe cộng với một mớ hỗn độn sách giáo khoa phản giáo dục. Tôi đã nhìn tương lai đất nước qua màn sương khói mờ đục, e rằng mai này con cháu lớn lên chỉ làm tôi đòi cho người, khó mà khôi phục nền tự chủ, nói chi tới phát triển quốc gia.!...

*

Mới đây báo Người Lao Động đưa đề toán lớp Một, gọi là:

Bài toán rợn người trong... sách lớp Một!

Thứ Bảy, 09/06/2012 17:32

Lưu hành trên thị trường 10 năm, tập sách “Phép cộng trừ phạm vi 100” vừa được giới phụ huynh phát hiện có một ví dụ ở trang 11 gây rợn người: "Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi hai ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay".

Thiết tưởng văn chương Việt Nam phong phú, nghĩ ra một đề toán hiền hòa cho mấy cháu, đâu khó gì, tại sao phải ra đề như thế này? Tại sao người phát hiện là phụ huynh, không là thầy cô nào đó, hay người trong ngành Giáo Dục? Vái trời cô chú phụ huynh kia ơi đừng là phu xích lô, đừng là chị bán nước mía, quê chết trí thức. Đất nước gần năm ngàn năm văn hiến tôi ơi!

Mới hôm qua thứ Sáu, ngày 8 tháng 6, năm 2012 nhà xuất bản Trẻ còn tìm tòi lục vấn ông Hoàng Long tác giả của đề toán, nay ông già nua rồi, chẳng nhớ đã có mấy đầu sách. Việc truy cứu trách nhiệm coi bộ cũng lắm nhiêu khê. Tuy nhiên tôi nghĩ tìm để làm gì, tìm chi xa xôi, nếu có tội chưa chắc đến phiên ông ấy... 

Qua chuyện đề toán cắc cớ, tôi đâm hoảng, không biết bây giờ mấy cháu còn học về đạo đức bác Hồ, chuyện kể nhớ đại khái trong sách giáo khoa như sau:

Một lần bác đến thăm trường Mẫu Giáo, cô hiệu trưởng rất linh hoạt, báo cáo cho bác cùng đoàn đại biểu về sinh hoạt của trường, văn nói cô hiệu trưởng lưu loát, trình bày trôi chảy, ai nghe cũng khen ngợi, chợt bác chỉ vào miệng cô hiệu trưởng, nói:

- Lần sau nói chuyện với người khác, cô đừng búng tăm nữa!

Ấy chết, tới lúc đó cả đoàn mới để ý, cô hiệu trưởng vừa trình bày, cây tăm xỉa răng trong miệng của cô, nó cứ nhịp nhàng tưng tưng búng lên, búng xuống.

XHCN có nhiều chuyện tếu, ở trong Miền Nam chị bán cá, cô bán rau vào tiệm ăn, khi xỉa răng còn biết dùng tay che miệng. Cô hiệu trưởng XHCN vừa mất vệ sinh, vừa mất lịch sự, phép lịch sự đến thô thiển. Ô hô XHCN giáo dục người dân đời sống văn minh, vệ sinh ăn đũa hai đầu!

Những bài học: Trâu chống Mỹ, ong chống Mỹ, ngày nay còn dạy không? Bài Lê Nin đi hớt tóc, sách kể rằng: Lãnh tụ Lê Nin đi hớt tóc, lúc ông tới tiệm khách sắp hàng dài chờ đợi khá đông, nhiều người công nhân nhận ra Lê Nin, đều tình nguyện nhường cho Lê Nin hớt trước, nhưng không, Lê Nin quyết đợi cho bằng được, đúng phiên của mình mới chịu hớt. Đọc tới đây tôi dụi mắt nhiều lần, không biết Lê Nin Liên Xô, hay Lê Văn Nin ở Bến Tre Nam Bộ, chợt nhìn bên dưới thấy cái đầu hói trắng hếu, râu xồm mới tin là Lê Nin Liên Xô! Bài học vừa ngu, vừa xạo rẻ tiền. Vì một giờ của lãnh tụ, dù là giờ nghỉ, nó phải khác cái giờ của bác nông phu, của chị công nhân chứ? Cả đời Lê Nin được mấy lần như thế? Bao nhiêu người bảo vệ phải canh gác cho Lê Nin, tốn phí biết bao nhiêu tiền của dân, bởi tôi hình dung Lê Nin đi hớt tóc vỉa hè, chứ lẽ nào hớt trong điện Cẩm Linh, mà người ta chen chân vào được?

Mai kia người Mỹ, theo yêu cầu Hà Nội làm đồng minh chống quân Tàu xâm lược, thì cái đề toán: 15 thằng Mỹ đi càn, bị bắn chết 11 thằng, hỏi còn lại mấy thằng? Người ta dấu vào chỗ nào kìa!

Nghe nói rằng, hiện tại Sinh Viên đại học Kinh Tế còn học môn Kinh Tế Max Lenin? Trường dòng, trường tu hệ đại học, còn học môn Triết Max Lenin?

Tôi sinh ra từ làng quê nghèo, trường ngày ấy bằng tranh, vách đất, mỗi sáng vào lớp vang lên khúc đồng ca "Học Sinh là người tổ quốc mong cho mai sau, học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao" Khúc đồng ca, như hòa quyện cùng bầy chim non bên ngoài cánh cửa sổ lớp học, làm bừng lên sinh khí của vùng quê chốn thâm sơn cùng cốc, thêm nhung gấm cho buổi bình minh tuổi thơ. Lớp chúng tôi ngày ấy lớn lên cũng chưa làm gì được cho quê hương. (1) Nhưng ít ra cũng may mắn được học hành, hấp thụ từ một nền giáo dục nhân bản, trong sáng, không tội nghiệp như tuổi trẻ bây giờ.

Muốn biết tương lai đất nước, không gì hơn, nhìn vào nền giáo dục hiện tại, một nền giáo dục mà người đứng đầu bị khả nghi xài bằng giả, vị trí họ có được phải chạy bằng tiền, bằng thủ đoạn, mánh khóe cộng với một mớ hỗn độn sách giáo khoa phản giáo dục.

Tôi đã nhìn tương lai đất nước qua màn sương khói mờ đục, e rằng mai này con cháu lớn lên chỉ làm tôi đòi cho người, khó mà khôi phục nền tự chủ, nói chi tới phát triển quốc gia.!




(1) sự nhận định của cá nhân, chắc không tránh khỏi chủ quan, sai sót mong lượng thứ.

___________________

Bài liên quan:





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo