TT - Cơ quan chức năng ở đâu? Ai bảo vệ người dân?... Đó là những câu hỏi nhức nhối về một vấn đề không mới - phòng khám Trung Quốc “móc túi” người bệnh.
Cùng với những câu hỏi nóng bỏng này, hàng loạt ý kiến bất bình của bạn đọc gần xa dồn dập gửi vềTuổi Trẻ sau khi bài “Phòng khám Trung Quốc “giam lỏng” bệnh nhân” được đăng tải (Tuổi Trẻ ngày 17-6).
Từ những lời quảng cáo “hấp dẫn” trên truyền hình, nhiều bệnh nhân đã xoay xở, kể cả vay mượn... để tìm đến phòng khám Trung Quốc mong chữa trị dứt bệnh cho mình. Nhưng họ không ngờ rằng mình lại bị “giam lỏng” vì không có khả năng chi trả những khoản viện phí “cắt cổ”.
Không chỉ vậy, đoàn thanh tra Sở Y tế TP.HCM còn phát hiện rất nhiều sai phạm tại phòng khám như hoạt động quá chức năng cho phép, sử dụng nhiều loại thuốc Trung Quốc chưa xuất trình được giấy phép lưu hành, sử dụng cả những loại thuốc đã quá hạn sử dụng. “Bác sĩ” Trung Quốc phẫu thuật cho bệnh nhân VN cũng chưa xuất trình được bằng cấp chuyên môn.
Thế nhưng ông Li Jian Hua, đại diện phòng khám, vẫn ngang nhiên to tiếng rằng: “Người nước ngoài đã cho ăn một bữa ăn thịnh soạn, không những không trả tiền mà còn quay lại đánh người ta một cái”.
Không phải lần đầu tiên bệnh nhân của phòng khám Trung Quốc “kêu cứu”. Hơn mười năm trước, tình trạng “móc túi” bệnh nhân cùng nhiều sai phạm tại phòng khám Trung Quốc (hoặc có “bác sĩ” Trung Quốc) đã được đặt lên bàn cơ quan có trách nhiệm về y tế. Và mười năm sau, vẫn sai phạm cũ: quảng cáo quá thực lực, nhận điều trị bệnh quá khả năng chuyên môn, thu tiền giá trên trời...
Không rõ trong thời gian qua các cơ quan quản lý đã làm gì để rồi một số phòng khám Trung Quốc vẫn tự tung tự tác, móc túi người dân. Ở nhiều trường hợp, vụ việc chỉ bị phơi bày bởi báo chí, khi đó cơ quan chức năng mới vào cuộc. Nhưng “chờ được vạ thì má đã sưng”, người dân đã “tiền mất tật mang” vì phòng khám Trung Quốc? Với kiểu quản lý này đã dẫn đến hậu quả là nhiều phòng khám Trung Quốc lờn thuốc, danh sách những nạn nhân của phòng khám Trung Quốc chưa dừng lại.
Không thể nói rằng người dân phải tự bảo vệ mình, đừng để bị móc túi vì thiếu hiểu biết... Nói như thế là vô cảm. Bởi không phải người dân nào cũng đủ khả năng chuyên môn hay những hiểu biết nhất định để không bị rơi vào lọc lừa, gian dối, nhất là khi họ trong tình trạng bệnh tật. Nhiều phòng khám Trung Quốc liên tục vi phạm cũng có nghĩa là họ đã lờn thuốc, xem thường cả cơ quan quản lý nhà nước và pháp luật nước sở tại.
Từ những sai phạm nhỏ, họ đã đi xa hơn khi giam lỏng cả người bệnh. Không rõ những cơ quan chức năng có xấu hổ khi để người dân liên tục bị lừa lọc, móc túi bởi các phòng khám Trung Quốc. Nếu cứ kiểu quản lý như thế này, khi đã lờn thuốc không biết rồi đây các phòng khám Trung Quốc còn đối xử thế nào với người bệnh mà họ xem là những cái máy in tiền.
“Cơ quan chức năng ở đâu? Ai bảo vệ người dân? Tình trạng lờn thuốc, coi thường pháp luật của các phòng khám Trung Quốc còn kéo dài tới bao giờ?...” - những câu hỏi đó vẫn liên tục được nêu ra mà người đứng đầu ngành y tế phải có trách nhiệm trả lời cho dân.
QUỐC THANH - THÙY DƯƠNG
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/497602/Phai-tra-loi-cho-dan.html
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/497602/Phai-tra-loi-cho-dan.html