Vừa qua, thị trường xôn xao thông tin STL đã được một ngân hàng cho vay một lượng tiền lớn để tiếp tục triển khai các dự án.
CTCP Sông Đà Thăng Long (STL) đang lao đao với tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu lên tới gần 170 lần, trong khi thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài. Tuy nhiên, mới đây STL đã tìm được tiếng nói hỗ trợ từ phía các ngân hàng, chủ nợ khác.
Rộ thông tin STL được “cứu”
Vừa qua, thị trường xôn xao thông tin STL đã được một ngân hàng cho vay thêm một lượng tiền lớn để tiếp tục triển khai các dự án. Theo các tin đồn khác nhau, số tiền giải ngân dao động từ 100 - 500 tỷ đồng, thậm chí là hàng nghìn tỷ đồng.
Lãnh đạo một DN sở hữu trái phiếu STL cho biết, theo nguồn tin mà ông tìm hiểu được, STL hiện đã tìm được sự đồng thuận của nhiều chủ nợ lớn, cho phép tái, hoãn các khoản vay đến hạn, quá hạn. Trước mắt, một ngân hàng lớn trong nước sẽ đứng ra bảo lãnh một số khoản vay tới hạn và quá hạn để giúp STL cải thiện tình hình tài chính, đồng thời có vốn triển khai tiếp một số dự án có khả năng bán được. Song song với việc này, một công ty kiểm toán thuộc Big 4 sẽ đứng ra làm tư vấn để STL có thể chào bán trái phiếu ra nước ngoài.
“STL nợ trái tức của chúng tôi từ tháng 10/2011. Tình hình thanh khoản rất khó khăn, nhưng nếu đánh giá tài chính của công ty này thì có thể báo cáo tài chính sẽ không thấy hết được bản chất tài sản của STL. Đây là cơ hội để STL thoát ra khỏi tình trạng khó khăn hiện tại”, vị lãnh đạo trên nói.
STL đang làm thủ tục với BIDV để tiếp tục huy động vốn
BIDV có thể là “lối thoát”
Những diễn biến xung quanh STL trong thời gian vừa qua khiến các tin đồn nói trên đang tỏ ra “có lý”.
Thống kê của PV cho thấy, trong quý I/2012, dù nợ của STL tăng lên 3.103 tỷ đồng ở thời điểm cuối quý, nhưng chi phí lãi vay phát sinh chỉ là 81,153 tỷ đồng, xấp xỉ 1/3 so với chi phí lãi vay quý IV/2011 là 230 tỷ đồng, với dư nợ 3.028 tỷ đồng. Công ty không đưa ra giải thích liên quan đến sự thay đổi lãi vay này, nhưng nó cho thấy, ẩn sau câu chuyện này có thể là một sự thỏa hiệp từ phía các chủ nợ.
Điểm thứ hai đáng chú ý là, đầu năm 2012, thị trường rộ lên thông tin hệ thống đánh giá của Thomson Reuters StarMine định giá cổ phiếu STL có giá trị nội tại hơn 115.000 đồng/CP, giữa lúc nhiều NĐT trong nước e ngại STL có thể rơi vào bước đường phá sản.
Quá lớn để phá sản hoặc STL còn những tài sản có giá trị thu hồi cao nếu được đầu tư tiếp… có thể là những lý do giúp công ty này nhận được sự tiếp tục hỗ trợ tài chính của các chủ nợ, ngân hàng.
Trao đổi với PV về những tin đồn xuất hiện một ngân hàng lớn hỗ trợ vốn cho Công ty, ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT STL cho biết, hiện tại, STL đang làm thủ tục với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để tiếp tục huy động vốn. Tuy nhiên, ông Dũng từ chối đưa ra các thông tin chi tiết hơn.
“Cứu” kèm “điều kiện”?
Nếu thực sự BIDV hoặc đối tác ẩn danh nào đó hỗ trợ STL về vấn đề thanh khoản trong lúc này, thì câu chuyện dễ thấy nhất chính là STL sẽ tránh khỏi nguy cơ phá sản trong ngắn hạn. Các dự án sẽ được triển khai, từ đó cải thiện được tình trạng khó khăn thanh khoản, đội chi phí vốn các dự án…
Tuy nhiên, với hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lên tới gần 170 lần như hiện tại, việc tiếp tục vay vốn sẽ làm hệ số này của STL tiếp tục tăng cao. Do đó, không ngoại trừ khả năng các dòng tiền giải ngân mới sẽ đi kèm với việc… bao tiêu sản phẩm, một dạng khác của việc bán các dự án mà STL đang triển khai. Khi đó, câu chuyện giải quyết nợ nần của STL nhiều khả năng chỉ là giải quyết bài toán lợi ích của chủ nợ. Kịch bản tốt cho cả chủ nợ và cổ đông STL chính là diễn biến tích cực của thị trường bất động sản.
Theo Bùi Sưởng (Đầu tư chứng khoán)
http://us.24h.com.vn/tai-chinh-bat-dong-san/ro-tin-song-da-thang-long-duoc-cuu-c161a464594.html
http://us.24h.com.vn/tai-chinh-bat-dong-san/ro-tin-song-da-thang-long-duoc-cuu-c161a464594.html