Lê Quốc Tuấn (x-cafe) - Theo tin từ Văn phòng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong khuôn khổ chuyến đi Đông Nam Á đến Việt Nam, Brunei và Thái Lan từ 19 đến 23 tháng 6, hôm nay tại Hà Nội, Việt Nam, trợ lý Ngoại trưởng Shapiro sẽ dẫn đạo cuộc họp lần thứ năm của chương trình Đối thoại an ninh, chính trị và quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam. Xây dựng trên căn bản sự thành công của vòng tham vấn trước được tổ chức vào năm 2011 tại Washington, DC, cuộc đối thoại lần này sẽ làm nổi bật cam kết tiếp tục tham dự trong khu vực của Hoa Kỳ và mối quan hệ song phương ngày càng mạnh hơn với Việt Nam.
Bản tin báo chí của Bộ ngoại giao cho biết, cuộc đối thoại sẽ tập trung vào việc tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực hoạt động gìn giữ hòa bình, đào tạo, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ hàng hải, an ninh khu vực, không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhân quyền cùng việc tìm kiếm, hồi hương các quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam.
Rời Việt Nam, ngày 21, tại Bandar Seri Begawan, Brunei, Trợ lý Ngoại trưởng Shapiro sẽ gặp gỡ với các quan chức dân sự và quân sự cao cấp để thảo luận về các chủ đề chính trị - quân sự, quan hệ song phương và các vấn đề thương mại quốc phòng.
Từ ngày 21 đến 22, tại Bangkok, Thái Lan, Trợ lý Ngoại trưởng Shapiro sẽ tổ chức cuộc tham vấn về một loạt các vấn đề chính trị - quân sự, bao gồm cả những nỗ lực tiếp tục để tăng cường quan hệ đối tác trong các lãnh vực gìn giữ hòa bình, viện trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, diễn tập quân sự chung, chống khủng bố và hợp tác an ninh.
Riêng về tình hình Việt Nam, chuyến đi của Shapiro liên tiếp theo sau cuộc viếng thăm của Bộ trưởng Quốc Phòng Leon Panetta, đặc biệt là những trao đổi giữa ô. Panetta và Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng về yêu cầu tháo gỡ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam; giới thông thạo cho rằng, có thể cuộc thương thảo về bán vũ khí cho Việt Nam sẽ đạt đến một thỏa thuận nhất định nào đó.
Trong buổi Họp Báo về những nỗ lực mở rộng Thương mại Quốc phòng của Hoa Kỳ, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách vấn đề chính trị-quân sự Andrew J. Shapiro đã tuyên bố:
"Chúng ta đang sử dụng các công cụ ngoại giao để tăng cường nền tảng kinh tế của lãnh đạo toàn cầu Mỹ. Và chúng ta đang nâng cao vai trò chiến lược của kinh tế, cả trong những gì chúng ta chọn lựa làm ưu tiên và trong việc chúng ta theo đuổi các giải pháp cho một số thách thức cấp bách nhất của thế giới như thế nào.
Công việc mở rộng hợp tác an ninh với các đồng minh và đối tác của chúng ta trong Văn phòng Chính trị-quân sự là rất quan trọng đối với an ninh quốc gia và thịnh vượng kinh tế của Mỹ. Và đấy cũng là một phần quan trọng của những nỗ lực quản trị kinh tế của Bộ Ngoại giao. Công việc này cũng phục vụ lợi ích an ninh quan trọng của đất nước bằng cách giúp các đồng minh và đối tác đảm bảo an ninh của mình và đóng góp vào các nỗ lực an ninh quốc tế. Và đó chính là một điểm mà tôi muốn nhấn mạnh. Mục đích các thương vụ của chúng ta là để phục vụ các lợi ích về an ninh quốc gia và chủ đề ấy sẽ bao trùm trong từng thương vụ mà chúng ta tiến hành. Chúng ta đánh giá như thế từ những hỗ trợ về an ninh quốc gia và lợi ích của chính sách đối ngoại mà công việc này mang lại".
Về các điều kiện mà các nước - dĩ nhiên Việt Nam không là một ngoại lệ - phải thỏa mãn để hưởng được công nghệ vũ khí của Hoa Kỳ, Ông Shapiro nhấn mạnh:
"Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ tính toán đến các điều kiện về chính trị, quân sự, kinh tế, kiểm soát vũ khí, và nhân quyền khi đưa ra quyết định trong việc cung cấp các thiết bị quân sự và việc cấp giấy phép bán hàng trực tiếp với bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta chỉ cho phép thưogn vụ sau khi đã cẩn thận kiểm tra các vấn đề như nhân quyền, an ninh khu vực, mối quan tâm hạt nhân phổ biến và phải xác định thương vụ mua bán là có lợi nhất cho chính sách đối ngoại và các lợi ích về an ninh quốc gia của Hoa Kỳ".
Trước sức ép ngày càng lớn từ Trung Quốc, hầu hết các quốc gia trong khu vực bao lơn Thái Bình Dương đang trông đợi vào sự có mặt mạnh mẽ hơn của Mỹ như một sức đối trọng có hiệu quả đối với Trung Quốc. Dù ở trong một hoàn cảnh đặc biệt về vị trí với Trung Quốc so với các nước khác; và dù ở trong sự chồng chéo, lệ thuộc nhất định về chủ nghĩa, lịch sử hình thành, giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn cố dò dẫm đi dây căng thẳng trong mối quan hệ với Hoa Kỳ trước sự bất mãn của Trung Quốc. Tất cả không ngoài sự an nguy của chính bản thân giới lãnh đạo Hà Nội.
Nhiều người vẫn nhìn sự trở lại châu Á của Mỹ và mối quan hệ tuy còn những bất đồng nhưng ngày càng ấm hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là một cơ hội cho những thay đổi ở Việt Nam. Và nếu "nhân quyền" là chìa khóa vàng để mở được cánh cửa nâng cấp quan hệ Mỹ Việt, thiết tưởng mọi người không quên lời gợi ý của John McCain qua lời tuyên bố với đài BBC tại Malaysia hôm 31 tháng 5 vừa qua: "Chúng tôi (Hoa Kỳ) mong đợi một sự tiến bộ chứ không không phải một sự thay đổi tức thì". Lời mách nước này có nghĩa là Hà Nội chỉ cần cải thiện (thêm nữa) tình trạng nhân quyền ở Việt Nam (có thể như họ đã từng làm trước đây) là đã có thể đủ để đáp ứng với đòi hỏi của hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ.
Trong tình hình này, lại có những nguồn tin thân cận từ tòa Bạch Ốc cho biết rằng, dù số phận chính trị của ông có như thế nào trong cuộc tranh cử tổng thống vào tháng 11 năm nay, có thể ông Obama sẽ ghé thăm Việt Nam trong tháng 11 tới đây trên đường đi dự hội nghị ở Nam Vang của mình.
Trong tháng 5, trợ lý Ngọại Trưởng Hoa Kỳ, ông Kurt Campbel đã xác nhận là TT. Obama có thể sẽ đến Nam Vang trong tháng 11 này và chính sau khi gặp Ngoại trưởng Hillary Clinton, ngoại trưởng Cambodia cũng đã xác nhận với giới truyền thông tại Washington vào đầu tháng 6 là Cambodia đã mời TT. Obama đến dự hội nghị tại Nam Vang vào tháng 11/2012.
Nếu cuộc viếng thăm lịch sử này xảy ra. Chắc chắn TT.Obama sẽ có một món quà đặc biệt cho Hà Nội và đổi lại, Hà Nội cũng sẽ có đáp lễ cho "kế hoạch chuyển trong tâm và tái cân bằng" của Hoa Kỳ ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Ngoài ra cũng theo nguồn tin (thân cận) này, trước ngày bầu cử TT. Hoa Kỳ vào đầu tháng 11 năm nay ông Obama sẽ chính thức tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam trước khi ông đến Hà Nội để công bố "Thông cáo chung Việt-Mỹ" còn sẽ có tên gọi khác là "Thông cáo Hà Nội 2012" về khu vực Biển Đông VN và ký "Tuyên bố Đối tác Chiến lược Việt-Mỹ".
Từ chuyến đi của trợ lý ngoại trưởng đặc trách vấn đề chính trị-quân sự Andrew J. Shapiro đến Hà Nội vào ngày mai đến chuyến đi có thể được thực hiện của TT .Obama vào tháng 11 này, cùng tất cả những chuyển biến dồn dập trong khu vực, một Con đường Việt Nam ngày càng hy vọng cho dân chủ, nhân quyền và thịnh vượng đang được mở ra.
Nếu không được những người lãnh đạo Việt nam không ngoan nắm lấy, con đường Việt Nam ấy cũng sẽ được khai mở bằng chính thức tình của tất cả những người Việt Nam chân chinh.
Lê Quốc Tuấn
(Viết theo trao đổi riêng với Ls. Vũ Đức Khanh)
http://www.x-cafevn.org/node/3513
* Tác giả Lê Quốc Tuấn là thành viên của Diễn Đàn X-cafe, những ngày vừa qua, X-cafe liên tục phải hứng chịu những đợt tấn công từ chối dịch vụ (DDoS). Bài viết trên được tác giả gửi phổ biến lên Danlambao nhằm chia sẻ đến tất cả bạn đọc.
Thay mặt bạn đọc, Danlambao xin chân thành cảm ơn tác giả Lê Quốc Tuấn. Chúc X-cafe mau chóng khắc phục sự cố.
* Tác giả Lê Quốc Tuấn là thành viên của Diễn Đàn X-cafe, những ngày vừa qua, X-cafe liên tục phải hứng chịu những đợt tấn công từ chối dịch vụ (DDoS). Bài viết trên được tác giả gửi phổ biến lên Danlambao nhằm chia sẻ đến tất cả bạn đọc.
Thay mặt bạn đọc, Danlambao xin chân thành cảm ơn tác giả Lê Quốc Tuấn. Chúc X-cafe mau chóng khắc phục sự cố.