Square1 đã mơ rằng, một ngày nào đó,
sẽ không còn ai mắng mình là đồ... không có cây khế ngọt mà trèo,
sẽ không còn những Bùi Hằng bị bắt vì xuống đường biểu tình yêu nước,
sẽ không còn những Trịnh Kim Tiến cất công đi tìm công lý cho cha bị giết oan,
sẽ không còn những Văn Giang cưỡng chế,
sẽ không còn những người dân Việt "làm chủ tập thể" tự hỏi mình sẽ phải
đi sống ở đâu đây, nếu bị đuổi ra khỏi mảnh đất mà xưa nay mình làm chủ,
ngay trên đất Việt của những Vua Hùng ngàn xưa để lại,
sẽ không còn những TBT Nguyễn Phú Trọng múa bài XHCN Cẩu Quyền
mà hy vọng lòe được một con ruồi ở xứ Cuba,
hay bịp được một con ruồi ở Việt Nam rằng XHCN
sẽ làm dân giầu nước mạnh.
square1 đã mơ rằng, một ngày nào đó,
chúng ta, và con cháu chúng ta sẽ có cuộc sống như một con người,
một CON NGƯỜI, trong một xã hội TỰ DO, DÂN CHỦ và BÌNH ĐẲNG.
...... (square1 đang mơ thì các Quan ập đến)
Quan nạt: mày mơ gì mà mơ lắm thế?
square1: thưa Quan, mơ là bản chất của con, một con người.
Con không thể là người mà không ấp ủ vài điều mơ mộng.
Con không thể là người nếu như con không có nổi một giấc mơ.
Quan: ừ thì mày mơ. Nhưng mày tưởng chỉ nằm mơ mà thay đổi được gì à?
square1 cười: hì... vì thế con mới gọi đó là mơ.
Thưa Quan, GIẤC MƠ, theo con, chính là đỉnh điểm cuộc sống của con,
và nó có sức mạnh để đổi thay tất cả. Tuy nó không có khả năng làm cho mỗi ngày dài 48 tiếng, để con được sống lâu hơn, nhưng nó đủ sức để làm cho cái đời sống ngắn ngủi ngày 24 tiếng của con tốt đẹp hơn.
Giấc Mơ làm được những thần kỳ.
Giấc Mơ đã làm được những thần kỳ.
Xin Quan hãy xem xét một giấc mơ xưa cũ và đơn giản của một người Mỹ da đen,
con của một người nô lệ da đen, đã làm xã hội Mỹ tốt đẹp hơn chỉ với một Giấc Mơ.
Một Giấc Mơ hiền lành, đơn giản:
Giấc mơ của Martin Luther King.
Năm 1963, Martin Luther King, một người Mỹ da đen, không thích bị kỳ thị,
coi thường và bị đàn áp bởi người da trắng, đã mơ ước thế này:
"I have a dream = tôi có một Giấc Mơ...
tôi đã mơ rằng một ngày nào đó, trên những ngọn đồi đất đỏ của bang Georgia,
những đứa con của người nô lệ da đen và những đứa con của người chủ da trắng
sẽ ngồi chung bàn cụng ly bằng hữu.
Tôi đã mơ rằng 4 đứa con nhỏ của tôi một ngày nào đó sẽ sống trong
một quốc gia nơi mà nó không bị đánh giá bởi mầu sắc da thịt nó,
mà bởi những gì chứa đựng trong tâm hồn chúng"
Giấc mơ quá đẹp, nhưng cũng là một giấc mơ ngây thơ, ngớ ngẩn, và nguy hiểm.
Có phải không?
Khi mơ ước như vậy trong một xã hội mà người da đen không được coi là bình đẳng với người da trắng.
Khi mà trẻ em da đen không được đi học chung trường với trẻ em da trắng.
Khi người da đen không được quỳ cạnh người da trắng để cầu nguyện chung
trong cùng một thánh đường thờ cùng Thượng Đế.
Không được vào chung quán ăn có người da trắng.
Không được ngồi chung ghế trên xe bus với người da trắng.
Ngay vợ con của người lính da đen cũng không được sống chung trong cùng
Một doanh trại với vợ con của người lính da trắng, dù người lính da đen và người lính
da trắng cùng đổ máu trên cùng những chiến trường, trên cùng chiến tuyến, từ các
chiến trường trong Đệ Nhị Thế Chiến cho đến chiến trường ở miền Nam Việt Nam ta.
Thật là ngây thơ, thật là ngớ ngẩn, khi chỉ là một người da đen tay không,
mà mơ ước đối đầu, đổi thay xã hội đang thống trị bởi người da trắng...
Ông đã làm gì để thực hiện giấc mơ này?
Martin Luther King làm một điều đơn giản, ông thực hiện quyền làm chủ xã hội.
Ông đi làm dân chủ.
Ông xuống đường, biểu tình để nói lên khát vọng của mình...
Cuộc kêu gọi xuống đường của ông quy tụ được hơn 250000 người,
cả da trắng lẫn da đen, ngay tại Đền Tưởng Niệm Abraham Lincoln,
Tổng Thống thứ 16 của Mỹ, trước mặt Hồ Gương (Reflecting Pool),
vị trí quan trọng nhất của thủ đô nước Mỹ.
Nơi đây chỉ cách Nhà Trắng và Tòa Quốc Hội Mỹ một khoảng đường.
Nơi đây, ông nói về Giấc Mơ của mình.
Nơi đây, Giấc Mơ của ông thức tỉnh toàn dân Mỹ để họ nhìn lại chính mình.
Nơi đây, ông làm Chính Phủ Mỹ phải nhìn lại chính mình như đang đứng soi gương. (Reflecting Pool = Hồ Gương, Hồ Phản Chiếu, Hồ Hồi Tưởng).
Cũng may mà dân Mỹ đã xây cái Hồ Gương ở đây để Chính Phủ Mỹ có sẵn mà soi mặt.
Thủ Đô Hà Nội ta không có Hồ Gương, mà chỉ có Hồ Gươm, phải không?
Gươm...??
Hèn chi... đảng ta chỉ biết giết, giết, giết mệt nghỉ!
Bài nói về giấc mơ của ông trở thành lịch sử: I have a Dream.
(Square1 rút ngắn và dịch).
Xã hội Mỹ và Chính phủ Mỹ soi gương. Tự nhìn lại mình.
Rồi ngẫm nghĩ. Rồi quê độ. Rồi mắc cở. Rồi xấu hổ...
Rồi sửa đổi, và ra luật mới, quy định rằng mọi hình thức kỳ thị sắc tộc,
kỳ thị mầu da là phạm luật, rằng mọi con người phải được coi là bình đẳng.
46 năm sau giắc mơ đơn giản này, nước Mỹ có Tổng Thống Da đen:
Barack Obama. Tổng Thống thứ 44 của Hoa Kỳ.
Kỳ thị chủng tộc ở Mỹ trở thành chuyện "ngày xưa"...
Martin Luther King, một người da đen, con của một người da đen gốc nô lệ da đen đã
cải thiện thế giới của mình, chỉ với một ước mơ, chỉ bằng quyền tự do ngôn luận,
chỉ bằng dân chủ, chỉ bằng cách xuống đường nói lớn lên ước nguyện của mình.
Lời kết của square1: Sức mạnh của Giấc Mơ.
"Be all you can be" , câu này có thể xem là khẩu hiệu,
là lời kêu gọi lớn nhất của xã hội Mỹ hiện nay.
Xã hội Mỹ không hô hào học tập tấm gương của anh chàng nào hết.
Người Mỹ không học tập tấm gương của anh chàng nào hết.
Họ chỉ làm hết sức mình để trở thành chính mình = Be all you can be.
Thuờng dân Kennedy trở thành Tổng thống Kennedy.
Người vô danh Martin Luther King trở thành Martin Luther King.
Obama trở thành Tổng thống Obama.
Sinh viên bỏ học Bill Gates trở thành Bill Gates.
Họ trở thành NASA. Họ trở thành hãng xe Ford. Họ trở thành Microsoft.
Họ trở thành Google. Họ trở thành Yahoo. Họ trở thành Micheal Jackson.
Họ trở thành con người Tự Do. Người Sáng Tạo. Người Khai Phá.
Họ không noi gương anh chàng nào hết.
Họ chỉ noi gương Giấc Mơ của họ.
Và họ chẳng hề ca rằng họ đạt đến Đỉnh cao nào.
Đạt đến đỉnh cao, cho rằng đã đạt đến đỉnh cao,
nghĩ rằng đã đạt đến đỉnh cao = bế tắc.
Cùng đường.
Đường duy nhất còn lại từ mọi đỉnh cao sẽ là đường đi xuống.
Ngay cả từ những Đỉnh Cao tưởng tượng.
Họ chỉ có mục tiêu đơn giản:
Làm cho thế giới của họ tốt hơn, sạch hơn, đẹp hơn.
Từng ngày một.
----------
Tặng những người đã xuống đường thét lớn "tôi yêu nước" ngày 5.6.2011 ở Việt Nam, những người hát lớn "tôi yêu Tự Do, tôi yêu Dân Chủ" ở Thiên an Môn, ngày 3.6.1989 và những người sẽ xuống đường để nói lớn lên Mơ Ước của mình.
vừa gạt nước mắt, vừa uống bia mà viết.
tháng 6.2012