Nguyễn Thanh Giang (Danlambao) - Như sấm dậy mùa xuân, ngày 8 tháng 4 năm 2006 bản “Tuyên Ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam 2006” đã ghi dấu ngày ra đời một tổ chức chính trị mà ngay lúc dựng cờ đã có 118 sứ giả tiên phong xếp thành đội ngũ chỉnh tề để liền sau đó quy tụ được hằng ngàn Phật tử, tín hữu Công Giáo, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, tín đồ Cao Đài, tín hữu Cơ Đốc Phục Lâm, tín hữu Tin Lành... Tổ chức này mang tên: Khối 8406. Khối cũng đã quy tụ được nhiều thành viên từ các đảng Chính Trị như đảng Thăng Tiến, đảng Vì Dân, đảng Dân Xã, đảng Dân Chủ Phục Hoạt, đảng Dân Chủ Nhân Dân, v.v… Nhiều thành viên của Khối là cựu chiến binh QĐNDVN, là đảng viên ĐCSVN...
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, chỉ tính đến ngày 22 tháng 8 năm 2006, số thành viên công khai đã lên đến 1951 thành viên là người Việt trong nước. Ngoài ra, Khối 8406 cũng công bố là đã có 3881 thành viên công khai là người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, cùng với 139 chính khách quốc tế bao gồm đại diện các tổ chức, 50 nhân sĩ thuộc Hiến chương 77 và 50 dân biểu, nghị sĩ.
Đánh giá “8406” tôi đã từng phát biểu trên BBC nhân kỷ niệm hai năm thành lập Khối này (ngày 8 tháng 4 năm 2008) như sau: “Từ khi xuất hiện khối 8406 thì tinh thần đương đầu, dám dấn thân cho công cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước Việt Nam, đấu tranh cho tự do tôn giáo tại Việt Nam như khởi sắc thêm lên và người ta đã dám vượt qua nỗi sợ hãi để sẵn sàng đứng chân vào tổ chức chính trị mà đấy là điều hết sức cấm kỵ đối với đảng CSVN và đối với nhà nước Việt Nam” (1).
Sở dĩ “8406” được đông đảo hưởng ứng vì bản “Tuyên Ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam 2006” vừa công bố đã được nhiệt liệt hoan nghênh khi chỉ rõ được vấn nạn đảng trị độc quyền ở Việt Nam ngày nay:
“Chính hệ thống quyền lực không hề chấp nhận cạnh tranh và không hề chấp nhận bị thay thế này đã thúc đẩy mạnh mẽ đà thoái hóa, biến chất của toàn bộ hệ thống ấy. Vì chẳng có qui luật và nguyên tắc cạnh tranh công bằng nào trên chính trường, nên sau những kỳ bầu cử toàn Dân không thể chọn được những con người và những lực lượng chính trị xứng đáng nhất. Bộ máy lãnh đạo, quản lý và điều hành do vậy ngày càng hư hỏng, rệu rã từ trung ương xuống cơ sở địa phương. Hậu quả là Việt Nam hôm nay trở thành Quốc gia bị tụt hậu quá xa so với các Nước trong khu vực và thế giới. Quốc nhục này và các quốc nạn khác khó bề tẩy xóa.Vấn đề của mọi vấn đề, nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính vì đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo Đất nước! Thực tiễn đã xác minh rằng bất kỳ Nước nào đã bị rơi vào quỹ đạo của chủ nghĩa cộng sản thì đều điêu tàn thê thảm cả. Liên Xô, cái nôi cộng sản, cùng với các Nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu khác, đã dũng cảm vượt qua chính mình để quay lại tìm đường đi đúng cho Dân tộc họ” (2).
Từ sự bức bách của vấn nạn quốc gia đó, Tuyên ngôn nêu lên mục tiêu đấu tranh:
“Mục tiêu cao nhất trong cuộc đấu tranh giành tự do, dân chủ cho Dân tộc hôm nay là làm cho thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay phải bị thay thế triệt để, chứ không phải được “đổi mới” từng phần hay điều chỉnh vặt vãnh như đang xảy ra. Cụ thể là phải chuyển từ thể chế chính trị nhất nguyên, độc đảng, không có cạnh tranh trên chính trường hiện nay, sang thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng, có cạnh tranh lành mạnh, phù hợp với những đòi hỏi chính đáng của Đất nước, trong đó hệ thống tam quyền Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp phải được phân lập rõ ràng, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và trải nghiệm của Nhân loại qua những nền dân chủ đắt giá và đầy thành tựu” (2).
Không chấp nhận “đổi mới từng phần hay điều chỉnh vặt vãnh” mà đòi hỏi chuyển sang “thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng, có cạnh tranh lành mạnh … trong đó hệ thống tam quyền Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp phải được phân lập rõ ràng” quả đúng là yêu cầu bức thiết và cơ bản đòi hỏi để Việt Nam có thể phát triển nhanh và lành mạnh.
Điều rất hay của “Tuyên Ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam 2006” là trong khi nêu mục tiêu cách mạng khá triệt để thì biện pháp đấu tranh lại không quá gay gắt:
“Ý nghĩa của cuộc đấu tranh này là làm cho chính nghĩa thắng phi nghĩa, tiến bộ thắng lạc hậu, các lực lượng dân tộc đang vận dụng đúng quy luật của cuộc sống và xu thế của thời đại thắng những tà lực đang tìm cách đi ngược lại những xu thế và quy luật ấy. Đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn đồng hành cùng Dân tộc hay không là tùy ở mức độ đảng ấy có khách quan, công bằng, sáng suốt và khiêm tốn chấp nhận các nguyên tắc bình đẳng của cuộc cạnh tranh lành mạnh hay không, chỉ có thể chế chính trị độc đảng ấy là dứt khoát phải bị chôn táng vĩnh viễn vào quá khứ. Từ đó, Dân tộc sẽ tìm được những con người tốt nhất, những lực lượng chính trị giỏi nhất sau mỗi kỳ bầu cử để lãnh đạo Đất nước. Nguyên tắc “lẽ phải toàn thắng” sẽ được thiết lập và cuộc sống cá nhân sẽ trở nên tốt hơn, xã hội sẽ trở nên nhân bản hơn và Đồng bào sẽ sống với nhau thân thiện hơn...” (2).
Thừa nhận “Đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn đồng hành cùng Dân tộc” với điều kiện “đảng ấy có khách quan, công bằng, sáng suốt và khiêm tốn chấp nhận các nguyên tắc bình đẳng của cuộc cạnh tranh lành mạnh …" chỉ có thể chế chính trị độc đảng là dứt khoát phải bị chôn táng vĩnh viễn vào quá khứ” là chủ trương đúng đắn và khôn ngoan, vừa thể hiện được tính nhân bản, bản chất dân chủ, vừa tỏ ra biết mình biết người.
Đứng ở đâu đó mà hô xông lên đánh đổ ĐCSVN ngay là phi thực tế, và vô nhân đạo. Khẩu lệnh ấy nhiều khi đẩy anh em vào vòng lao lý hoặc hy sinh mà chưa đóng góp được là bao cho sự nghiệp chung. Vả chăng, như vậy cũng không thể hiện được tinh thần dân chủ. Tại sao lại cứ phải “có mày không tao, có tao không mày”. Người dân chủ chủ trương và chấp nhận đa nguyên kia mà.
Điều này thể hiện tư tưởng của linh mục Nguyễn Văn Lý:
“Công bằng là không gây ra bất công cho ai. Nhưng như vậy chưa đủ. Sống tốt với người xung quanh còn cần phải từ hòa: nhân từ và khoan hòa. Nếu phê phán cộng sản là gian ác mà chúng ta thiếu nhân từ thì khi đã có quyền lực chúng ta cũng sẽ gian ác không kém. Nếu phê phán cộng sản là độc tài mà chúng ta thiếu khoan hòa thì khi nắm quyền chúng ta cũng sẽ độc tài như thế hoặc tệ hại hơn” (3).
“Sẽ có một số người ham mê bạo lực và chạy theo thành công nông cạn, xuyên tạc rằng đây chỉ là con đường và phương pháp đấu tranh cuội, viển vông, do CS mớm cho, cốt để CS tiếp tục cai trị lâu dài. Chúng ta tỉnh táo không nghe theo lập luận thiếu nền tảng đạo đức đó, quyết tâm đấu tranh cho một Việt Nam thật sự đạo đức, thăng tiến và hòa bình vững bền, chứ không chỉ là bạo lực thay cho bạo lực, gian ác thay cho gian ác, hận thù thay cho hận thù, mê lầm thay cho mê lầm, chìm đắm trong lẩn quẩn. Phải thay chế độ CS bằng một chế độ tốt hơn nhiều lần về mọi mặt, vươn lên xây dựng một chế độ tối ưu” (4).
Cũng là tư tưởng của linh mục Phan Văn Lợi:
“Nhưng dẫu gánh chịu ngàn muôn khốn đốn
Ta vẫn không nguyền rủa kẻ gia hình,
Không dùng bạo lực đáp trả cường quyền,
Không nắm đấm đưa lên đòi nợ máu!” (5)
Theo linh mục Phan Văn Lợi:
Trong 6 năm qua, Khối 8406 đã có:
- 32 kháng thư vạch trần sai lầm và tố cáo tội ác của đảng và nhà cầm quyền CSVN.
- 33 lời kêu gọi và tuyên bố (nhận định) về nhiều vấn đề và sự kiện quan trọng trong đất nước - một chương trình phát thanh hàng tuần, kể từ năm 2007.
- một diễn đàn paltalk mà tới nay đã lên tới 204 buổi.
- một trang blog: http://khoi8406vn.blogspot.com/ và một trang web: http://8406vn.com.
- một bán nguyệt san in trên giấy phát hành chui tại quốc nội, nay đã lên tới số 145. - nhiều hoạt động rải truyền đơn, giăng biểu ngữ ở Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Sài Gòn…
- một tủ sách đấu tranh với 33 tập và đã in hàng chục ngàn bản lưu hành trong nước.
- 49 thành viên đã và đang ngồi tù CS với tổng mức án là 215 năm, chưa kể 3 thành viên chưa có án.
- 20 thành viên đã được trao các giải nhân quyền của người Việt Nam và 27 thành viên được trao các giải nhân quyền quốc tế.
- các văn phòng đại diện và ban tư vấn tại Hoa Kỳ, Canada, Úc châu.(6)
Tôi đánh giá rất cao Tuyên bố mới nhất - ra ngày 20-04-2012 - về quyền tư hữu ruộng đất nhân vụ án Đoàn Văn Vươn với những lý lẽ đanh thép, xác đáng:
“Xét rằng: Việc tước đoạt quyền tư hữu ruộng đất (vốn là một quyền tự bản tính con người, được nhân loại văn minh công nhận qua Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền điều 17) đã bị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam pháp chế hóa bằng điều 17-18 của Hiến pháp 1992 và điều 1 của Luật đất đai 1993 qua công thức “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý”. Ghê gớm hơn nữa, bằng điều 1 của Luật đất đai 2003 qua công thức “Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai”. Hậu quả là người dân chỉ còn quyền sử dụng, riêng nông dân chỉ còn được giao ruộng trồng lúa trong 20 năm hay giao đất trồng cây lưu niên trong 50 năm. Thế nhưng hạn thời này có khi bị nhà cầm quyền địa phương tùy tiện rút ngắn. Đây là phương cách quan trọng nhất để đảng CS duy trì quyền lực thống trị lâu dài và là nguồn gốc chủ yếu nhất của mọi bất công trong xã hội Việt Nam hiện nay….
Chính vì lẽ đó, Khối 8406 chúng tôi
Đòi Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam phải nghe tiếng nói của nhân dân, của các tôn giáo, của giới trí thức mà sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trả lại cho người dân quyền tư hữu ruộng đất vốn có từ xưa; sửa đổi tận gốc Luật đất đai 2003, hủy bỏ nguyên tắc bất công phi lý lừa đảo: “Đất đai thuộc về toàn dân với nhà nước đại diện sở hữu”, để người dân sở hữu thực sự và trọn vẹn mảnh đất của mình, nhất là vì nhiều xáo trộn và xung đột xã hội sẽ diễn ra khi sắp đến hạn thời 20 năm thuê đất mà Luật đất đai 1993 đã tùy tiện áp đặt" (7).
Khối 8406 ra đời, vụt lớn và tồn tại đến ngày nay chủ yếu là nhờ công sức đóng góp của ba người: Đỗ Nam Hải, Nguyễn Văn Lý, Phan Văn Lợi. Theo cách ví von, có thể nói: Đỗ Nam Hải đã tạo hạt giống, Nguyễn Văn Lý đã gieo hạt và Phan Văn Lợi là người chăm bón cây.
Lm. Nguyễn Văn Lý:
Sinh ngày 15 tháng 5 năm 1946 tại làng Ba Bình, Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh, Tháng 4 năm 1974, Tađêô (Thadeus) Nguyễn Văn Lý được Đức TGM Nguyễn Kim Điền truyền chức Linh mục tại Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam (Huế). Vốn xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, sau khi được thụ phong, linh mục đã xin gia nhập vào Hội Thừa sai do Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền thành lập để đi hoạt động truyền giáo ở những vùng dân cư nghèo khó. Từ Huế, linh mục Nguyễn Văn Lý được điều động vào phụ trách Cộng đoàn Thừa sai xứ Cộng Hòa, Gò Vấp, Gia Định (14.7.1974 – 22.3.1975), sau đó, được chọn làm Thư ký cho Đức cố Giám mục Philippe Nguyễn Kim Điền.
Tháng 9 năm 1977, vì có liên quan đến việc phổ biến hai bài tham luận của Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền với nội dung lên án chính quyền Việt Nam "chủ trương tiêu diệt tôn giáo", Linh mục Nguyễn Văn Lý bị bắt và kết án 20 năm tù với tội danh "chống phá cách mạng" và bị giam tại Thừa Phủ (Huế).
Tháng 7 năm 1978 Tòa Tổng Giám mục Huế can thiệp với chính quyền tỉnh Thừa Thiên và đưa Linh mục Nguyễn Văn Lý về làm linh mục quản xứ Đốc Sơ, thuộc xã Hương Sơ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.
Tháng 5 năm 1983, Linh mục lại bị bắt và kết án 10 năm tù và 4 năm quản chế, bị đưa về giam tại Thanh Cẩm và Ba Sao.
Tháng 7 năm 1992, Linh mục được trả tự do và cho về cư ngụ tại Tòa Giám mục Huế.
Tháng 11 năm 1994, Linh mục đã công bố "Tuyên ngôn 10 điểm về vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam".
Ngày 4-12-2000, linh mục Nguyễn Văn Lý cắm xuống ruộng lúa Nguyệt Biều (đã bị Nhà nước tịch thu của giáo hội) 2 bảng tôn có kẻ hàng chữ: “Chúng tôi cần tự do tôn giáo” và tự tay gieo những hạt lúa trên đó.
Ngày 19 tháng 10 năm 2001, tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế lại tuyên án Linh mục Nguyễn Văn Lý 15 năm tù giam, 5 năm quản chế.
Hành động đạp đổ vành móng ngựa bị xem là hung hãn, quá khích. Song, bản chất Nguyễn Văn Lý không phải vậy. Hãy nghe ông khuyên nhủ đồng đội:
“Người Chiến sỹ Hòa bình không có hận thù với bất cứ ai. Kiên quyết lên án tội ác, độc đoán, nhưng luôn đầy cảm thông và trắc ẩn đối với nhân viên của bạo quyền. Với các anh hùng dân tộc chính danh và các người lành thánh, NCSHB luôn cảm phục. Còn đối với các đối tượng khác, NCSHB nên luôn biết cảm thông. Ngoài ra NCSHB không cần có thái độ thứ ba nào. Chỉ nguy hại. Chính tâm hồn hoà bình làm tăng sức chiến đấu cho chúng ta, khiến chúng ta trở nên vô địch” (3)
Trong khi mục tiêu chính của chúng ta là vạch rõ những đường lối, chủ trương, chính sách sai lầm của ĐCSVN mà đối tượng là những lãnh đạo chóp bu ngoan cố duy trì những sai lầm đó thì một số anh em lại coi công an là đối tượng chính của mình, thậm chí thường xuyên khiêu khích họ để lập chiến tích. Linh mục Nguyễn Văn Lý tỉnh táo xét định và đưa ra sách lược đúng đắn:
“Đến cơ quan CA, NCSHB phải coi đây là cơ hội để chinh phục bạo quyền, không nôn nóng được về, không nôn nóng mong xong việc. CB còn nôn nóng hơn chúng ta và không hứng thú gì khi đàn áp chúng ta cả, chẳng qua cũng chỉ hèn hạ làm theo lệnh trên vì miếng cơm manh áo thôi. Hãy cố gắng kiềm chế để chỉ nghe và hầu như không cần trả lời hoặc kẹt lắm thì cũng chỉ rất ít trả lời và trả lời thật vắn tắt” (3).
Ngày 26 tháng 6 năm 2004, Linh mục Lý được trao Giải Shalom khiếm diện tại Đại học Công giáo Eichstätt-Ingolstadt.
Tờ The Wall Street Journal, trong một bài xã luận, đã nhắc đến Linh mục Nguyễn Văn Lý như một trong những người xứng đáng được trao giải Nobel Hoà Bình năm 2007 hơn Al Gore.
Nhà văn Trần Phong Vũ đã viết về linh mục Nguyễn Văn Lý như sau:
“Anh Lý thân kính, Anh đã trải qua những năm tháng đẹp đẽ nhất, trẻ trung nhất, năng động nhất của đời linh mục không phải trong một xứ đạo yên bình, tha hồ tổ chức xây dựng, nhưng là ở trong tù ngục, với thân xác bất động, sức khỏe hao mòn và tài năng bỏ phế. Nhưng đó chẳng phải là thân phận của cây nến tàn lụi, nhúm men trầm lắng, hạt muối tan hòa để tỏa sáng, làm dậy và ướp mặn sao? Đó chẳng phải là thân phận của những chứng nhân anh hùng, tù giam tử đạo, để trở thành hạt giống mọc lên bao kitô hữu sao?”.
Đỗ Nam Hải
Công lớn khai sinh ra khối 8406 thuộc về linh mục Nguyễn Văn Lý. Không có “bàn tay của chúa” và không gieo đúng vào môi trường mầu mỡ như là nhiệm mầu thì hạt giống không thể trỗi nhanh và thoắt đã lan thành rừng như đã thấy vào những khoảnh khắc tháng tư năm 2006.
Tuy nhiên, hãy hỏi, ai đã tạo nên hạt giống - Mà là hạt giống tốt kia?
Đỗ Nam Hải. Lúc đó tôi biết chính kỹ sư Đỗ Nam Hải là người đã thảo ra Bản Tuyên ngôn cho 8406 mà chất lượng của nó đã được điểm qua trên đây.
Thành tích đó không dễ gì có được. Không phải ai cũng làm được như thế. Nó phải được khởi nguồn, được chuẩn bị từ trước; từ lúc chàng thanh niên này biết xúc động chân thành trước cái cảnh người trên tầu và người dưới chân tầu này:
“Tôi đã từng đứng lặng hàng giờ trên bến Cảng Sài Gòn, khi con tầu thủy mang tên Thống Nhất cập bờ. Đó là những chuyến tầu đầu tiên đưa hành khách từ miền Bắc vào miền Nam sau năm 1975. Có rất nhiều người đi trên tầu là những cán bộ miền Nam tập kết nay được trở về quê hương. Dưới chân tầu, những người thân ruột thịt đang nôn nao đón chờ họ” (9).
Và rồi Đỗ Nam Hải đã từng ngậm ngùi tự kiểm điểm:
“Lúc ấy, với tuổi học sinh vô tư, tôi đã không mấy lưu tâm đến việc có biết bao bạn bè cùng trang lứa với mình đang có cha, anh họ phải đi học tập cải tạo. Lại càng không hay biết gì về chuyện có nhiều ngàn thường dân vô tội đã bị chết oan khiên, tức tưởi tại Huế - xuân 68; cùng với biết bao nỗi đau thương khác nữa mà nhân dân miền Nam đã phải gánh chịu…. Sau này vào ký túc xá, chúng tôi cùng ăn, ở, học hành chung, cùng chia xẻ với nhau từng gói mì tôm, từng đồng bạc cuối cùng và những chuyện vui - buồn khác, tôi mới hiểu thêm về những nỗi đau của các bạn mình. Đúng là sự vô tư nhiều khi lại đồng nghĩa với sự vô tâm đến đáng trách. Những sự khác biệt ban đầu bởi nhiều yếu tố cũng đã từng ngăn cách, nhưng thời gian và nhất là tấm lòng chân thành đã giúp chúng tôi ngày càng xích lại gần nhau hơn. Rất nhiều người đã cảm mến, rồi thương yêu nhau rồi nên vợ nên chồng, đấy là thực tế. Nó đã, đang và sẽ vẫn tiếp tục diễn ra theo đúng quy luật của cuộc sống ” (9).
Nhờ cùng ăn, cùng ở, cùng học hành với con cái “ngụy quân, ngụy quyền” ngay sau ngày “miền Nam hoàn toàn giải phóng” mà chàng trai sinh trưởng trên đất Bắc sớm nhận thức ra cái điều “sâu cay” này:
“Theo tôi, xét về cơ bản thì trong nội bộ dân tộc ta đã tự hàn gắn được cho nhau những vết thương của quá khứ. Thời gian như một phép mầu đã giúp cho tình tự dân tộc và tính nhân bản của người Việt Nam ngày càng được phục hồi và chiến thắng tất cả. Nhưng một điều cũng rất hợp với quy luật là: khi những vết thương kia càng được hàn gắn nhanh bao nhiêu thì lại càng bộc lộ sâu sắc hơn mâu thuẫn cơ bản của dân tộc ta hôm nay bấy nhiêu - Đó là mâu thuẫn giữa đại bộ phận dân tộc, không phân biệt hoàn cảnh xuất thân, tôn giáo, sắc tộc, vùng, miền, quốc gia định cư, v.v… với một thiểu số hiện đang cố duy trì thể chế chính trị độc đảng ở Việt Nam. Và mâu thuẫn này là đối kháng không có cơ sở dung hòa; một khi mà nguyên nhân sinh ra nó vẫn còn nguyên đó” (9).
Đỗ Nam Hải có dịp vào Sài Gòn trước tôi khoảng 2 năm. Mãi đến 1977, được mời tham dự Hội nghị Khoa học Toàn quốc đầu tiên tổ chức tại Sài Gòn tôi mới có dịp được đến đấy.
Điều sau đây thì, cho đến bây giờ đã nhiều người vỡ lẽ ra:
“Về mặt hình thức thì việc nước Mỹ trực tiếp đưa quân vào miền Nam Việt Nam tham chiến, rồi sau đó mở rộng chiến tranh phá hoại ra Miền Bắc bằng cả không quân và hải quân là một cuộc chiến tranh xâm lược. Nhưng mục đích thực sự của Mỹ là muốn ngăn chặn phong trào cộng sản tràn xuống toàn vùng Đông Nam Á. Đấy không phải là một cuộc chiến tranh xâm lược nhằm tranh giành thuộc địa của người Pháp. Vì nếu là như vậy, nước Mỹ đã có những động thái khác rất dễ nhận ra” (9).
Nhưng điều “nhận thức lại” này thì không phải ai cũng sâu sắc được như ĐNH:
“Nước Mỹ cùng các đồng minh của Mỹ đã nhảy vào can thiệp ở Việt Nam rồi bị sa lầy ở đây. Cuối cùng đã phải rút quân theo Hiệp Định Paris - Tháng 1.1973 - Đó là thực tế. Nếu xét trên khía cạnh này thì nước Mỹ đã bị thất bại nặng nề. Nhưng nếu xét ở bình diện lớn hơn, liên quan tới mục tiêu ngăn chặn phong trào cộng sản trên phạm vi toàn cầu thì họ đã đạt được mục tiêu chiến lược của mình. Cụ thể là: ở Đông Nam Á, phong trào cộng sản chỉ tràn được xuống vùng Đông Dương rồi bị mất đà không thể đi tiếp. Các vùng khác trên thế giới tình hình cũng là như vậy và cuối cùng, cả thế giới đã chứng kiến sự sụp đổ của toàn hệ thống XHCN” (9).
Và đây nữa:
“Chính sợi dây ràng buộc “cùng ý thức hệ” hiện nay mới là nguy hiểm. Nó làm cho thế giới và các nước trong khu vực nghi ngại chúng ta. Sợi dây ấy có thể đứt bất cứ lúc nào như nó đã từng bị đứt và bên chịu thiệt thòi vẫn là dân tộc Việt Nam. Một khi đã biết được dã tâm muốn "đánh tráo nỏ thần" rồi mà vẫn cho phép họ được "ở rể", thì những kẻ có tội với dân tộc chính là những "An Dương Vương" thời nay” (10).
Chính tôi, cho đến những năm gần đây, tôi mới chỉ nhận thức được rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ là vô nghĩa; nhưng ĐNH còn thấu đáo hơn khi nhìn nhận cuộc Cách mạng Tháng Tám:
“Dù cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 có diễn ra hay không, thành công hay thất bại thì người Pháp cũng sẽ vẫn quay trở lại Đông Dương. Nhưng sau đó, như trên đã trình bày họ cũng buộc phải trao trả lại nền độc lập cho các nước này vào khoảng giai đoạn từ 1945 đến những năm 1950. Tình hình chung trên thế giới và hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á đều đã chứng minh như vậy. Tôi cũng vẫn muốn một lần nữa nhấn mạnh rằng: đấy là thực tiễn lịch sử mang tính phổ quát, chứ không hề có ý định làm cái anh chàng “Khổng Minh sau trận đánh”, lại càng không có ý phủ nhận ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách Mạng Tháng 8. Bởi vì đây là chiến công chung của dân tộc ta ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam và mọi người Việt Nam đều có quyền tự hào về nó” (11).
Ngoài cái công “tạo nên hạt giống”, xét công tích của ĐNH, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Đài BBC cách đây 4 năm, tôi đã từng nói:
“Cha Nguyễn văn Lý cùng với những người sáng lập ra đảng Thăng Tiến bị bắt và kể cả người phát ngôn nhân của đảng Thăng Tiến là nữ luật sư Lê thị Công Nhân mà bây giờ được xem như một anh thư nữ lưu của Việt Nam, sau đó phong trào có lúc tưởng như là lắng xuống nhưng rất ngắn sau đó thì những người chiến sĩ trong ban lãnh đạo vẫn còn ở lại như là kỹ sư Đỗ Nam Hải, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cho đến giờ họ vẫn hết sức can trường, vượt qua mọi thử thách, mọi vùi dập cũng như mọi sự sách nhiễu và họ tiếp tục công cuộc của họ” (1)
Lm. Phan Văn Lợi
Trước ngày thành lập khối 8406 ít lâu tôi đã có dịp hội kiến cùng Cha Lý và cha Lợi tại phòng làm việc của Tađêô Nguyễn Văn Lý. Rồi có một buổi tối, tôi cũng đã cùng Đỗ Nam Hải, Nguyễn Chính Kết chụm đầu bàn thảo cùng hai Cha trong khuôn viên nhà thờ Phủ Cam. Bị xua đuổi nhiều lần, di chuyển hết từ bãi cỏ, đến tường rào, rồi ra đường, nhưng cuối cùng, câu chuyện của chúng tôi cũng đã gần như trọn vẹn. Chia tay, Cha Lợi tặng tôi tấm phù điêu mang hình cầu Tràng Tiền mà tôi vẫn còn lưu niệm đến bây giờ.
Tiếp xúc linh mục Phan Văn Lợi tôi cảm nhận phong thái nho nhã nhỏ nhẹ như một sỹ phu Bắc Hà, vậy mà không ngờ đấy lại là tác giả khúc tráng ca này:
“Con sẽ làm chứng nhân bằng cái chết,
Nếu đó là ân huệ Chúa thương ban,
Dẫu thân con thật bất xứng vô vàn,
Một cái chết trong cô đơn sầu tủi,
Một cái chết trong âm thầm, tăm tối,
Để vinh quang, quyền lực Chúa bừng lên,
Để người người không thẹn với tổ tiên,
Và bạo lực lui dần vào bóng tối" (5).
Không ngờ ông đã từng 7 năm sống trong lao lý:
“Thánh lễ giờ: chấp nhận kiếp tù nhân.
Lễ phục con: là chiếc áo lam xanh,
Bàn thờ con: là nhà lao mang danh cải tạo!
Bánh con dâng: là đôi thùng trĩu nặng,
Là gánh đất đầy, là lửa nắng chan chan!
Là gió mùa đông xuyên thủng áo ngự hàn,
Là cảnh sống nhiều nhỏ nhen phức tạp.
Rượu con dâng: là mồ hôi nhỏ giọt,
Là sự hao mòn, mệt mỏi xác thân,
Là cùn mằn trí tuệ lẫn tâm can,
Nỗi nhung nhớ, bao tháng ngày no đói!" (5)
Và, cũng như Hòa thượng Thích Quảng Độ, ông đã trở thành thi nhân trong tù:
“Cùng ngắm trăng thanh qua cửa cấm, cọc rào!
Đồng dạo bước trên rẫy khoai, đồi sắn.
Dâng lễ với Chúa lúc một hai giờ sáng,
Trên chiếc chiếu tù chỉ rộng bảy mươi phân!
Chia sẻ thân phận của Ngài nơi các tù nhân...
Sao quên được những giây phút hồng ân đầy lưu luyến!" (5)
Để bảo vệ sự toàn vẹn của đội ngũ, Linh mục còn tỏ ra rất sáng suốt khi khuyến cáo điều này:
“Khi mở cuộc thẩm cung một người mà họ muốn kết tội, những cán bộ công an cộng sản thường đưa ra những bằng chứng ngụy tạo gán vào miệng những nhân vật không có thực, nhưng với xảo thuật nửa úp nửa mở họ khiến cho người bị thẩm cung liên tưởng tới người này người nọ trong số những bằng hữu thân nhân của mình.
Làm như vậy, những người cộng sản hy vọng với một mũi tên phóng ra, họ có thể hạ hai con chim cùng một lúc. Nói rõ hơn, nếu nạn nhân thiếu lập trường hoặc yếu bóng vía tin theo lời bịa đặt hù dọa của những công an phụ trách việc thẩm cung, họ sẽ nắm được bằng chứng để một mặt kết tội người bị thẩm cung, mặt khác tạo được sự nghi kỵ dẫn tới bất hòa, chia rẽ giữa những người họ muốn truy diệt” (5).
Tiếc rằng, do không sáng suốt, không cảnh giác, một số anh em chúng ta đã mắc mưu công an và trở nên quá chừng tệ hại. Tôi từng chứng nghiệm điều này:
Một lần, cụ Hoàng Minh Chính đưa tôi xem một bức thư viết tay dài 4 trang của một người xưng là đại tá ở phường Cống Vỵ Hà Nội. Gần hết bức thư hoan hô Phong trào đấu tranh Dân chủ và ca ngợi cụ Hoàng Minh Chính. Chỉ mấy dòng cuối kể rằng ông Nguyễn Thanh Giang thường đến tán phát tài liệu và nói (xấu) cụ điều này, điều này … Tôi bảo tôi chưa hề đến chỗ ấy. Quả nhiên cụ HMC gọi điện thoại đến, đầu dây kia trả lời không biết tên ai như vậy; viết thư cũng không được phúc đáp. Những ngày sau đó tôi đã xả thân tích cực góp phần giải quyết để HMC được đi chữa bệnh tại Hoa Kỳ. Vậy mà, sau đó thế lực chống dân chủ hóa vẫn lợi dụng được một hội viên trong Hội Nhà Văn Việt Nam (từng tham gia trong Phong trào Dân chủ) tiếp tục bịa đặt, xuyên tạc, vu khống để không chỉ tạo cho được mối bất hòa giữa HMC và tôi mà còn tạo được cả một “chiến tuyến các nhà dân chủ” bôi bẩn, hạ nhục, cô lập tôi. Trong số đó, chỉ một trường hợp có thể giải thích do đố kỵ, ganh ghét và do bản chất ác độc của ông này đã từng thể hiện đối với vợ con, bạn bè của ông ta trước đó; hầu hết số còn lại, cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể hiểu nào hiểu nổi vì sao, ngoài cái nguyên nhân ngày một lộ rõ: do thủ đoạn của các thế lực chống dân chủ hóa quá giỏi, quá nham hiểm, quá ty tiện, quá đểu giả. Trớ trêu đến mức, nhiều anh em không những từng được tôi yêu quý, hỗ trợ (ngầm và trực tiếp) tận tụy như là ân nhân, bỗng nhiên bị họ xem là kẻ thù!
Gần hai chục năm chịu bao gian lao khổ ải từ khi dấn thân đấu tranh cho công cuộc dân chủ hóa, nay đã tuồng như hơi tàn lực kiệt mà nỗi cay đắng ngậm ngùi lớn hơn mọi nỗi lại là những ngón đòn thù của chính đồng đội “ban” cho mình!
Giá như linh mục Phan Văn Lợi có điều kiện rao giảng được rộng rãi điều trên đây để anh em biết mà cảnh giác.
Trong tác phẩm Hiện Tượng Nguyệt Biều, giáo sư Đỗ Mạnh Tri viết: "Cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ sau Nguyễn Văn Lý không thể như trước Nguyễn Văn Lý nữa". Và khuôn mặt tiếp nối lý tưởng của linh mục Tađêô không ai xứng đáng hơn linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, người mục tử được tù nhân lương tâm danh tiếng là đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đặt tay truyền chức chui vào một ngày mưa gió tại nhà thờ Giang Xá, giáo phận Sơn Tây cách đây gần ba thập niên.
Phải chăng Phêrô Phan Văn Lợi chính là cháu nhà chí sỹ Phan Bội Châu.
Rút trong cuốn “ĐÊM DÀY LẤP LÁNH”
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội
Mobi: 0984 724 165
______________________________________
Ghi chú:
1 - Thư viện www.nguyenthanhgiang.com – Mục “Trả lời phỏng vấn”
2 - Khối 8406 - Tuyên Ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam 2006
3 - Nguyễn Văn Lý - Phác thảo chân dung người chiến sĩ hoà bình Việt Nam
4 - Nguyễn Văn Lý – Di chúc số Một
5 - Trần Phong Vũ – Phan văn Lợi – Người là ai?
6 - Phan Văn Lợi – Thư gửi ông Lê Diễn Đức ngày 22 -4 – 2012
7 - Khối 8406 - Tuyên bố về quyền tư hữu ruộng đất tại VN nhân vụ án Đoàn Văn Vươn 20-04-2012
8 - Nguyễn Lý Tưởng – Đôi nét về cuộc đời tranh đấu của linh mục Nguyễn Văn Lý
9 - Đỗ Nam Hải – Viết tiếp về nhận thức lại
10 - Đỗ Nam Hải – Việt Nam, đất nước tôi
11 - Đỗ Nam Hải – Suy nghĩ về nhận thức lại