Đào Tuấn - Cho dù được coi là “thánh bão”, là Bộ trưởng nổ nhất trong lịch sử
hành chính nước Việt từ cổ chí kim, là có một vẻ đẹp “không một nếp
nhăn” như kiều nữ Ngọc Trinh, Bộ trưởng # cũng rất xứng đáng được “nâng
bi”.
Đơn giản, bởi câu chuyện không hề tiếu lâm là giờ đây ông chính là
“hotboy nước Việt”, khi mà ông xuất hiện ở đâu là báo chí đổ xô đến đó,
khi cứ ở đâu cái tên có 4 dấu gạch của ông xuất hiện, bà con đổ xô
vào…ném đá . Nhưng quan trọng hơn cả là những gì ông làm đang cho thấy
ông không phải là một chính khách “cả nhiệm kỳ không kỷ luật một ai” (vì
sợ “không có người làm việc” chẳng hạn).
Báo chí đã tiếc hùi hụi khi kỳ họp Quốc hội lần này, Bộ trưởng # đã
không “đi thi”, trong khi hot girl Ngọc Trinh hai tuần nay đột nhiên…
cấm khẩu. Tiếc cho dân chúng không được nghe những lời lẽ cách mạng về
sự cần thiết phải đột phá bằng việc “đánh phí” thật cao. Hay đơn giản
hơn, nghe ông lý luận về cái mặt cầu Thăng Long. Hoặc giả đó là việc ông
cứu vớt Vinalines bằng việc đưa “cái tổ mất đoàn kết” lên Cục Hàng hải.
Khi mà Bộ trưởng # không đi thi, còn Ngọc Trinh thôi khoe về “vẻ đẹp
mịn màng không một nếp nhăn tri thức” thì quả là tai họa cho báo chí.
Cũng may, Bộ trưởng là “con người hành động”. Ông lại vừa làm nóng dư
luận khi đòi đuổi cổ những nhà thầu kém. Báo VietNamNet dẫn lời Bộ
trưởng gọi những chủ đầu tư là “ông”: “Nếu nhà thầu không làm được thì
đuổi thẳng chứ các ông đừng có phần trăm, phần nghìn các ông nhận rồi
các ông không nói được… Còn nếu nhà thầu kém, tư vấn kém các ông không
đuổi được thì chứng tỏ các ông có vấn đề với nhà thầu”.
Phát ngôn của Bộ trưởng đúng về logic nhưng sai trong việc sử dụng chi
tiết. Nếu chỉ là “phần nghìn” thì DN các loại đã không chất đống hàng
loạt đến thế. Câu trả lời đúng” phải là “phần trăm phần chục”.
Dù sai cơ bản khi định lượng phần trăm, dù từ ngữ có vẻ “du côn vùng
không phải nông thôn”, nhưng rõ ràng, đây là một phát ngôn được lòng
dân. Từ Bắc vô Nam rồi lại ngược Trung, từ nhà quê ra thành phố, bà con
đã chịu khổ quá nhiều vì chuyện những công trình chậm tiến độ rồi.
Nhớ hồi “thị sát” đường vành đai 3, Bộ trưởng đã “cầm cái” cho một cuộc
độ hy hữu với con bạc là hai vị Tổng giám đốc: Nếu không thông xe đúng
tiến độ đường vành đai 3 (bắc Linh Đàm- Thanh Xuân), họ sẽ tự mình… đá
ghế.
Vụ độ này đang mang tới một kết quả rất khả quan. Trao đổi với VnExpress.net, Tổng
“cược ghế” Vũ Xuân Hòa cho biết đường sẽ thông xe vào 30-6, vượt tiến
độ 5 tháng. Thậm chí, đoạn nút giao Thanh Xuân đến nút Trần Duy Hưng có
thể vượt tiến độ 14 tháng. Đoạn đến cầu Mai Dịch vượt tiến độ 5 tháng.
Đấy, cả chục lý do, cả trăm cái khó xưa nay vẫn được đưa ra để lý giải
cho việc chậm tiến độ, không có cái nào khó hơn việc rời cái ghế.
Hoan hô Bộ trưởng #. Hoan hô ông thần “đổ bác”. Giá như ông tổng nào
cũng “độ cái ghế”. Giá như đoạn đường nào cũng được Bộ trưởng “cầm cái”.
Và giờ ngẫm ra lời ca sĩ Bảo Thái hay Thái Bảo gì đó nói không sai: “Bộ
trưởng # đến đâu văn nghệ tới đó”.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, vụ “độ ghế” này Bộ trưởng đã “ra đề”
trước là vượt tiến độ nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng công trình. Cứ
phải nhắc lại ở đây làm bằng chứng để khỏi, nói dại miệng, mấy hôm nữa
cái mặt đường nó nham nhở như mặt cầu Thăng Long, các vị Tổng lại đổ tại
chuyện “vượt tiến độ”.
Cũng chỉ trong cuộc thị sát ngắn ngủi này, Bộ trưởng yêu cầu “phải dẹp
trạm thu phí Tào Xuyên ngay”, bởi: “Trạm thu phí còn thu thì các ông còn
chần chừ trong khi người dân rất bức xúc, họ không đi đường của các ông
sao các ông vẫn thu phí của dân”.
Hai chữ “dân” được nói ra trong chỉ riêng cái câu này, với lợi ích và sự
bức xúc của “người dân” được đặt cao hơn lợi ích nhà thầu.
Với tư cách là một “nhân dân”, xin cảm ơn Bộ trưởng.
Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, “lời nói vì dân” phải bắt đầu từ “cái tâm vì
dân”. Bởi cái khổ “lầm than” (vì bụi, vì khói xe lúc tắc đường) của
người dân thật chẳng thấm tháp gì so với nỗi uất ức trong lòng trước
những chính sách “thọc tay vào túi người dân”.