Thanh Phương (RFI) - Sau khi Trung Quốc phản đối việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển, đồng thời mời thầu thăm dò, khai thác dầu khí ngay trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhiều trang mạng xã hội đã kêu gọi người dân Việt Nam xuống đường ngày mai, 01/07/2012, để phản đối những hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của đất nước.
Riêng tại Hà Nội, người dân thủ đô được kêu gọi tập hợp ở khu vực bờ Hồ Hoàn Kiếm. Theo lời anh Lê Dũng, một trong những người đã từng tham gia các cuộc xuống đường phản đối Trung Quốc tại Hà Nội năm ngoái, lần này có thể số người tham gia sẽ rất đông, do người dân nhận được rất nhiều thông tin từ các trang blog, cũng như từ báo chí chính thức :
Lê Dũng : Theo tôi, Trung Quốc đã làm những chuyện khó chấp nhận được như phản đối Luật Biển của Việt Nam, ngang nhiên đưa quân đội, đưa giàn khoan, triệu cán bộ ngoại giao của Việt Nam sang sứ quán của họ ngay tại Hà Nội để đưa công hàm phản đối. Những việc ấy, chúng tôi thấy rất là bất bình thường.
Thứ hai là họ làm những việc khiến Việt Nam lẫn quốc tế bất bình, đó là ngang nhiên mời thầu khai thác 9 lô dầu khí nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chúng tôi cảm thấy rất bức xúc.
Người dân bây giờ có rất nhiều thông tin, thông tin từ báo đài chính thống và từ các mạng xã hội. Tôi nghĩ rằng người dân có thông tin về tình hình biển đảo, của lãnh thổ đất nước, sẽ xuống đường ngày mai rất đông, theo lời kêu gọi của các mạng xã hội. Không riêng gì các nhân sĩ trí thức hay các sinh viên học sinh thành phố từng biểu tình năm ngoái, mà năm nay, người dân các tỉnh lân cận, các vùng nông thôn cũng nắm được nhiều thông tin. Bất kỳ ai còn tinh thần, còn trách nhiệm với đất nước đều sẽ đi biểu tình và tôi nghĩ cuộc xuống đường ngày mai sẽ rất đông.
RFI : Nhưng như những lần trước thì lực lượng an ninh chắc là sẽ ngăn cản, hạn chế biểu tình, vậy thì điều đó sẽ làm một số người e ngại không dám xuống đường ?
Lê Dũng : Cũng có thể là một số người chưa từng tham gia biểu tình mùa hè năm trước sẽ e ngại. Nhưng lực lượng công an thì người ta đã làm rồi. Trên mạng có nhiều thông tin về việc các lực lượng công an, an ninh địa phương gọi điện, gây khó dễ, gây phiền hà cho những anh chị xem từng xuống đường năm ngoái, cả ở Hà Nội lẫn Sài Gòn.
Bản thân tôi đã có hai người em an ninh từ Hà Đông từ hôm qua, hôm kia và có một người em đang nghỉ hè với gia đình ở miền Trung, tối mới về Hà Nội, cũng đã gọi điện thoại « xin gặp anh tối nay để hỏi một số ý kiến », thực tế là cũng để hỏi về chuyện biểu tình ngày mai. Đó là những hành động mà tôi cho là có ý ngăn cản việc công dân thể hiện chính kiến và thái độ đối với chủ quyền đất nước.
Nhưng đối với cá nhân tôi, việc đó là việc của họ, không quan trọng, bởi vì họ chỉ đưọc phép làm những gì pháp luật cho phép, còn nhân dân thì được phép làm những gì luật pháp không cấm. Đặc biệt vào lúc chủ quyền đất nước đang bị đe doạ nghiêm trọng, từng người dân phải có trách nhiệm lên tiếng, biểu tình ôn hòa hoặc bằng mọi hình thức khác để thể hiện thái độ của mình.
RFI : Xin cám ơn anh Lê Dũng.
Thanh Phương