BBC - BBC Tiếng Việt điểm qua một số góc nhìn trên báo Mỹ và Anh về chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta được cho là 'mang tính biểu tượng' tới Vịnh Cam Ranh và Hà Nội.
Washington Post:
Tờ báo Mỹ hôm 3/6 cho rằng với Chính quyền Obama vốn đang có kế hoạch định hướng lại chính sách ngoại giao và quân sự về phía châu Á, Việt Nam 'đang đem lại một cơ hội trọng yếu' (key opportunity).
Blog của William Wan trên trang mạng của báo cùng ngày, theo giờ Mỹ, cũng ghi nhận "có những dấu hiệu Việt Nam có thể đã chín muồi cho một sự dàn xếp như vậy trong các năm tới, vì từ 2003, đã có 20 tàu của Hải quân Mỹ được phép cập vào Việt Nam".
"Dù Trung Quốc nỗ lực từ lâu nhằm thắt chặt quan hệ với chính quyền cộng sản tại Việt Nam, các nhà lãnh đạo Hà Nội ngày càng quay đi phía khác tìm các đối tác mới, và điều ghi nhận rõ là với Hoa Kỳ," tác giả William Wan viết.
Bài cũng trích lời ông Ernie Bower, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Center for Strategic and International Studies) ở Washington nói về Việt Nam:
“Đây là quốc gia có tư duy rõ về chiến lược với Trung Quốc, và về vị trí của mình ở châu Á,"
"Việt Nam hóa ra lại là một trong số nước nói thẳng nhất. Họ thấy thế nào thì nói thế khi bàn về Trung Quốc, và đây là điều hấp dẫn người Mỹ."
"Chúng ta cần xây đắp một quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai nước để nhìn tới tương lai"
Bộ trưởng Leon Panetta
Ông Leon Panetta nhắc đến cuộc chiến Việt Nam và nhu cầu nhìn tới tương lai |
American Forces Press Service:
Trang web của Quân lực Hoa Kỳ có phóng viên Jim Garamone đi cùng Bộ trưởng Leon Panetta tới Vịnh Cam Ranh thì nhắc nhiều hơn đến khía cạnh lịch sử của chuyến đi.
Ông Leon Panetta, người mang hàm trung úy quân báo thời gian Mỹ tham chiến ở Việt Nam đã có nhiều bạn cùng học hy sinh tại chiến trường này dù ông không phục vụ tại Việt Nam, và chuyến thăm đến Cam Ranh là dịp để ông nhắc lại sự hy sinh:
"Chúng ta đều nhớ tới máu hai bên đã đổ xuống bởi mọi bên của cuộc chiến - bởi người Mỹ và người Việt Nam,"
Nhưng ông nói dù có nhiều câu hỏi vì sao lại có cuộc chiến đó, điều cần làm là từ những hy sinh đấy, "chúng ta xây đắp một quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai nước để nhìn tới tương lai".
Gửi thông điệp đến cả nước chủ nhà Việt Nam, ông Panetta được trích lời trong bản tin của Quân lực Hoa Kỳ nói rằng "Chúng ta có thể không chỉ bắt đầu hàn gắn vết thương của quá khứ mà cần xây dựng một tương lai tốt hơn cho nhân dân mọi nước ở vùng châu Á - Thái Bình Dương".
Navy Times:
Trang web của Hải quân Hoa Kỳ thì nhấn mạnh đến điều họ cho là Ngũ Giác Đài đang tìm cơ hội xây dựng các cơ sở quân sự với các quốc gia đối tác ở trong vùng châu Á - Thái Bình Dương.
Trang này nhắc lời ông Panetta nói điều quan trọng là "bảo vệ được các quyền hàng hải chủ yếu cho mọi quốc gia ở Biển Đông và nơi khác".
Báo chí của quân đội Mỹ cũng nhắc ông Panetta là quan chức Hoa Kỳ cao cấp nhất tới Vịnh Cam Ranh từ hàng chục năm qua.
Hồi năm 1966, Tổng thống Lyndon Johnson đã bay vào Vịnh Cam Ranh để thăm quân Mỹ và gặp gỡ giới chức Việt Nam Cộng hòa.
Financial Times:
Tờ báo Anh chú ý rộng hơn đến bối cảnh của chuyến thăm mà Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ tới Việt Nam sau khi đọc diễn văn và hội đàm tại Singapore.
Bài báo nhắc đến tranh chấp quanh bãi cạn Scarborough giữa Philippines và Trung Quốc và ghi nhận ông Panetta đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Philippine, ông Voltaire Gazmin tại Singapore.
Nhưng Financial Times đã phỏng vấn và được ông Panetta cho biết rằng theo quan điểm của Hoa Kỳ, "các nước tại biển Nam Trung Hoa phải tự giải quyết với nhau các cuộc tranh chấp".
Ông nói: "Điều tối quan trọng là cả Trung Quốc và các nước ASEAN xây dựng được bộ quy tắc ứng xử nhằm giúp giải quyết các vấn đề này,"
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói "sẽ không thể đủ nếu Hoa Kỳ cứ xông tới nhằm cố gắng giải quyết các vấn đề đ́ó".
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/06/120603_press_views_panetta_vn.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/06/120603_press_views_panetta_vn.shtml