Vụ Tiên Lãng, Văn Giang: Công an chỉ bảo vệ chứ không cưỡng chế - Dân Làm Báo

Vụ Tiên Lãng, Văn Giang: Công an chỉ bảo vệ chứ không cưỡng chế

TPO – Về việc một số địa phương sử dụng lực lượng công an trong cưỡng chế đất đai, giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho rằng, công an chỉ bảo vệ an ninh chứ không phải là lực lượng cưỡng chế.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết, lực lượng công an 
chỉ đóng vai trò bảo vệ an ninh trật tự trong các vụ cưỡng chế, giải phóng mặt bằng. 

Bộ xin rút kinh nghiệm 

Đại biểu Trương Thái Hiền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang nêu thực tế, qua phản ánh của cử tri, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân bị giảm sút, có việc dân nhờ đến lực lượng công an thì hình như né tránh,đùn đẩy trách nhiệm. 

“Đặc biệt sau các vụ việc ở Tiên Lãng, Văn Giang, Cần Thơ … thì lực lượng công an có biểu hiện chùn bước, run tay, vai trò bị mờ nhạt. Bộ trưởng có suy nghĩ gì về vấn đề này? – Ông Hiền nêu câu hỏi. 

Cũng nói về vấn đề ở Tiên Lãng, Văn Giang, Đại biểu Phạm Xuân Thăng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chất vấn việc một số địa phương sử dụng lực lượng mạnh mà nòng cốt là lực lượng công an tham gia cưỡng chế thu hồi đất giải phóng mặt bằng, dẫn đến bức xúc cho người dân. 

“Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm, ý kiến về việc này?- Đại biểu Thăng đề nghị. 

Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Đại Quang thừa nhận đúng là vừa qua việc thu hồi giải phóng mặt bằng ở một số địa phương gây một số bức xúc trong một bộ phận nhân dân, tuy nhiên, lực lượng công an không tham gia với vai trò là lực lượng cưỡng chế. 

“Vừa qua có một số vụ việc xảy ra, có nhiều cử tri cho rằng lực lượng công an tham gia cưỡng chế, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đai. Chúng tôi xin đính chính là không phải. Lực lượng công an có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong các đợt cưỡng chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chứ lực lượng công an không phải là lực lượng cưỡng chế giải phóng mặt bằng thu hồi đất đai.– Thượng tướng Quang nói. 

Ông Quang nói rõ thêm, lực lượng công an chỉ có nhiệm vụ là bảo đảm an ninh trật tự, xử lý những người chống người thi hành công vụ trong khi tiến hành thực hiện quyết định cưỡng chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Bộ trưởng Quang cũng nói thêm, quan điểm của Bộ là sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng công an làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, đồng thời rút kinh nghiệm những hành vi, vụ việc đã xảy ra vừa qua để làm tốt hơn, tránh những sai sót. 

Môi trường làm việc của Cảnh sát giao thông dễ nảy sinh tiêu cực 

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Thái Nguyên cho biết, cử tri ghi nhận những đóng góp của các chiến sỹ Cảnh sát giao thông trong nỗ lực đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, đặc biệt những chiến sỹ bị thương và hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, tuy nhiên cử tri cũng phản ánh một bộ phận không nhỏ cảnh sát giao thông còn có tiêu cực nhận tiền mãi lộ để bỏ qua vi phạm. 

“Có thể nói, đây là một trong những nguyên nhân góp phần làm mất an toàn giao thông. Đề nghị bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình trong vấn đề này và giải pháp để ngăn chặn tình trạng này trong thời gian tới.” – Ông Hùng chất vấn. 

Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, trong những năm qua và đặc biệt là thời gian gần đây, Đảng ủy Công an trung ương và Bộ Công an đặc biệt coi trọng công tác phòng chống tiêu cực, vi phạm trong lực lượng Cảnh sát giao thông, và đã ra nhiều chỉ thị, nghị quyết, đề án … 

“Trong thời gian qua, công tác xây dựng lực lượng, đấu tranh chống tiêu cực, vi phạm trong Cảnh sát giao thông có chuyển biến rất tích cực. Hàng trăm cán bộ không nhận hối lộ số tiền hàng trăm triệu đồng.” – Bộ trưởng Quang thông tin. 

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Công an cũng thừa nhận, bên cạnh tuyệt đại đa số Cảnh sát giao thông giữ được phẩm chất đạo đức của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ và không nhận hối lộ, không tiêu cực, vi phạm thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ vi phạm điều lệnh công an nhân dân vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng. 

Theo Bộ trưởng Quang, môi trường làm việc của Cảnh sát giao thông dễ nảy sinh tiêu cực và vi phạm. “Trong môi trường công tác chịu rất nhiều áp lực: áp lực về công việc, áp lực về nguy cơ bị tấn công, áp lực từ sự mua chuộc của những người vi phạm muốn dùng tiền, quà để hối lộ Cảnh sát giao thông, áp lực về thời tiết khắc nghiệt …” – Thượng tướng Trần Đại Quang giãi bày. 

Bộ trưởng Bộ Công an cũng nói, thái độ của Bộ công an rất nghiêm túc trong vấn đề này và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm một cách kiên quyết để giáo dục, phòng ngừa, răn đe. 

“Gần đây các cơ quan thông tin đại chúng có đưa tin về một số vụ việc nổi cộm, chúng tôi xử lý rất nghiêm túc. Chúng tôi đã đình chỉ công tác, khởi tố và đưa ra truy tố trước pháp luật, đồng thời xem xét trách nhiệm của những người trực tiếp quản lý, kể cả trưởng phòng, phó giám đốc, giám đốc có liên quan, nếu như công tác quản lý không tốt để xảy ra sai phạm”. 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Quang, tình hình này cũng không thể một sớm một chiều mà chấm dứt được. 

“Chúng tôi đang tiếp tục chỉ đạo triển khai đề án phòng ngừa tiêu cực trong Cảnh sát giao thông. Đề nghị Quốc hội, cử tri cả nước tiếp tục quan tâm, ủng hộ. Chúng tôi kêu gọi cử tri cả nước và báo chí tiếp tục cung cấp những thông tin về những hiện tượng cảnh sát giao thông vi phạm tiêu cực để chúng tôi kịp thời xác mịnh, xử lý” – Thượng tướng Quang nói. 

Người đứng đầu Bộ Công an cũng kêu gọi người dân không nên dùng tiền, hàng đưa cho cảnh sát giao thông nếu như mắc lỗi vi phạm. “Nếu như cảnh sát giao thông vòi vĩnh đòi hối lộ thì kiên quyết đấu tranh và tố cáo với các cơ quan chức năng để chúng tôi xử lý” – Bộ trưởng bộ Công an kêu gọi. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo