Đảng là vua - Dân Làm Báo

Đảng là vua

Nguyễn Văn Thạnh Cao nhất hệ thống đảng là bộ chính trị với vị tổng bí thư, cao nhất bên nhà nước là chính phủ với vị thủ tướng và buồn cười là vị thủ tướng cũng có chân ở bộ chính trị, dưới quyền vị tổng bí thư. Dân nghèo khổ nhưng phải è cổ đóng thuế để nuôi hai hệ thống cai trị này. Tại sao cần đến hai hệ thống? Vì một thực quyền nhưng phi pháp: đảng, một ảo nhưng hợp pháp và bù nhìn: chính phủ. Dân Việt thật sự bị nạn một cổ hai tròng...

*
Tôi thấy ở đảng là hình ảnh của Vua.

Thời phong kiến: Nếu ngày nay có một phép lạ là vị anh hùng dân tộc Lê Lợi sống dậy, nói với muôn dân rằng “xưa nước nhà bị quân Minh xâm chiếm, toàn dân tộc phải sống kiếp nô lệ với thảm cảnh “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống hầm tai vạ”, ta có công đánh đổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, quyền lãnh đạo đất nước này muôn đời của ta và con cháu ta. Các ngươi phải bàn giao chính quyền lại cho con cháu ta” thì sẽ thế nào?

Ngày xưa khi nước ta còn có vua, người dân chưa biết đến các quyền cơ bản của con người. Vì vậy họ tin đất nước này là của vua – vì vua là con trời (thiên tử) sai xuống để cai trị. Họ chấp nhận cho vua quyền lãnh đạo, quyền sinh sát và Vua bắt mọi người phải phục vụ mình. Chẳng hạn như vua có quyền đem dân chúng và đất đai cho bất kì ai để có được một cái lợi nào đó như lấy được công chúa con vua khác. Ngày nay người dân đã biết đến các quyền cơ bản của con người. Cho nên dù là anh hùng dân tộc, có công lớn đánh đuổi ngoại xâm, nhưng chắc chắn là điều trên không ai ủng hộ và chấp nhận.

Tư tưởng chính trị hiện đại: Ngày nay, ai cũng biết quyền lực nhà nước đến từ sự ủy quyền của người dân, không còn kiểu Vua, cha truyền con nối nữa. Bất cứ ai muốn nắm quyền phải vận động tranh cử, phải có chương trình hành động mang lại lợi ích cho người dân, trên cơ sở đó thuyết phục họ bỏ phiếu bầu mình. Đây là sinh hoạt chính trị thành nếp ở các nước văn minh. Và gần như dân xứ nào hết chế độ vua chúa cũng biết và thực hiện như vậy.

Nghệ thuật biến hóa của đảng: Một điều thực tế là hiện nay nếu một cá nhân hay một tổ chức nào đứng ra cai trị nhân dân đời đời kiếp kiếp, “cha truyền con nối” mà không có sự ủy quyền của người dân đều là phi pháp dưới con mắt người dân cũng như thế giới. Vậy ĐCS muốn cai trị mãi mãi và muốn hợp thức hóa điều trên, họ làm thế nào?

Trước hết vấn đề phải hợp pháp hóa vị trí Vua của họ: ghi vào hiến pháp điều 4 để khẳng định quyền lãnh đạo độc tôn, toàn diện, mãi mãi không ai được quyền thay thế họ. Nên nhớ là hiến pháp này được quốc hội thông qua trên 99% đồng ý và điều đặc biệt ở đây là đến hơn 95% các đại biểu là đảng viên ĐCS. Đây là một điều phi pháp chưa có quốc hội nước nào làm trừ nước Đức dưới thời phát xít Hitler. Sẽ như thế nào nếu các nước dân chủ, khi đảng nào đó nắm quá bán ở quốc hội tiến hành bỏ phiếu sửa đổi hiến pháp điều tương tự. Thật nực cười đúng không? Rõ ràng đây là hành vi tiếm quyền phi pháp. Điều này cho thấy sự láo xược và phi pháp hiện nay của điều 4 hiến pháp. Đó là lý do vì sao ông Nguyễn Minh Triết phải hốt hoảng “bỏ điều 4 là tự sát”.

Điều biến hóa tiếp theo là: ĐCS không thể nhân danh thánh thần, thiên tử để đứng ra cai trị nên họ cần lập bình phong cho việc này. Họ lập ra các tổ chức hợp pháp: quốc hội, chính phủ, chủ tịch nước. Và họ đạo diễn việc bầu cử cho có tính dân chủ nhưng kỳ thực rất mị dân. Bởi lẽ: người được bầu là người họ cử ra (đảng cử-dân bầu), dân bầu ai không quan trọng vì cuối cùng thắng cử vẫn là người của đảng. Còn điều này nữa: đó là người tổ chức bầu, người giám sát, người kiểm phiếu, người công bố, truyền thông kết quả đều là người của đảng. Với vở kịch bầu cử này thì họ muốn có một con bò ra lãnh đạo cũng được: chỉ việc cử hai con bò ra ứng cử, thế nào cũng có một con trúng cử. Rõ ràng việc bầu bán là một trò hề, tốn thời gian, tiền của nhân dân. Họ đã ảo thuật việc nắm quyền phi pháp qua một vở kịch bầu cử. Đó là lý do vì sao có những đại biểu quốc hội ngồi vào ghế chỉ để ngủ trong khi dân ở mọi miền lầm than.

Lãnh đạo cái xứ sở nhỏ bé, còn nghèo nàn này không phải một hệ thống quyền lực mà có hai hệ thống chạy song song từ trung ương đến địa phương: hệ thống đảng và hệ thống nhà nước. Cao nhất hệ thống đảng là bộ chính trị với vị tổng bí thư, cao nhất bên nhà nước là chính phủ với vị thủ tướng và buồn cười là vị thủ tướng cũng có chân ở bộ chính trị, dưới quyền vị tổng bí thư. Dân nghèo khổ nhưng phải è cổ đóng thuế để nuôi hai hệ thống cai trị này. Tại sao cần đến hai hệ thống? Vì một thực quyền nhưng phi pháp: đảng, một ảo nhưng hợp pháp và bù nhìn: chính phủ. Dân Việt thật sự bị nạn một cổ hai tròng.

Xưa khi nước ta dưới chế độ phong kiến tài sản đất nước: đất đai, rừng, biển là của Vua. Vua tuyển quan lại giúp việc mình, cấp bổng lộc cho họ, vua muốn lấy đất nơi nào, cấp cho ai là quyền của Vua, toàn bộ nguồn sống của một đất nước là của Vua. Vì vậy nhân dân ăn gì, uống gì, làm gì cũng nghĩ là ơn Vua. Ngày nay chuyện như vậy rõ là chuyện ngu muội. ĐCS đã biến điều ngu muội đó thành hiện thực thế nào?

Cũng giống như vua, họ cần có quyền hành với mọi tài sản, mọi kế sinh nhai trên đất nước. Tất nhiên không thể tuyên bố đất của đảng, nước của đảng, trời của đảng như Vua được. Vậy họ làm cách nào? Một ảo thuật tuyệt vời cho vấn đề này: sở hữu toàn dân, nhà nước quản lý. Cái thực thì họ nắm, cái danh thì dân giữ. Nghe đến sở hữu toàn dân “người dân ai cũng có phần ở nhà máy, sân bay, bến cảng, rừng vàng, biển bạc,….”, họ có vẻ vui sướng vì điều đó. Đó chỉ là cái danh hão, dù họ là kẻ hành khất xin ăn qua ngày cũng chẳng vì sở hữu đó mà khá hơn. Thực tế thì mọi nguồn sống, nguồn lực nằm trong tay đảng, vì sao vậy? Vì tất cả các cán bộ điều hành, quản lý từ chính quyền đến doanh nghiệp đều là người của đảng. Vì vậy mới có chuyện nực cười đảng muốn lấy đất của ai thì lấy, bồi thường mức nào do đảng quyết dù có phi lý đến mức không tưởng “bồi thường 5.000 m2 đất giá 2 triệu, giao cho chân tay bán lại giá vài tỷ”, nếu dân không tuân lệnh đảng sẽ dùng công an, quân đội cưỡng chế. Nếu có khiếu nại hoặc kiện cáo thì người điều tra, xét xử cũng là người của đảng. Nếu cần tranh luận thì đảng dùng bộ máy truyền thông khổng lồ của mình từ trung ương đến địa phương để lu loa hoặc bưng bít. Nên chú ý là tất cả các việc làm đó đảng sẽ dựa vào các bình phong “chính phủ, nhà nước” để hợp pháp hóa. Rõ ràng đảng khôn ngoan và thâm sâu.
Tất cả kế sinh nhai là nằm trong tay Đảng. Đất đai thì bị thâu tóm bởi chiêu bài sở hữu toàn dân. Nhà máy, cơ sở công nghiệp thì chiêu bài quốc hữu hóa. Nếu ai đã trải qua giai đoạn bao cấp thì biết sự kinh hoàng khi nguồn sống nằm trong tay đảng với cái tem phiếu mua gạo. Còn nghiệt ngã hơn thời vua chúa. Hiện nay có nới lỏng hơn chút nhưng nguyên lý trên vẫn còn: đất đai, điện, xăng dầu, cảng biển, nhà máy, xí nghiệp quan trọng, viễn thông, truyền thông,….đều nằm trong tay điều khiển của đảng. Ai chống đảng trong cái xứ sở này là có nguy cơ không có đất dung thân. Đảng cai trị đất nước này đến mức mà nhiều người mẹ vì thương con mà phải răn “mẹ cấm con nói đến Hoàng Sa, Trường Sa hay Trung Quốc, hãy nghe theo đảng để sống yên ổn”.

Tính pháp lý của chức tổng bí thư: Chúng ta thấy một thực tế ở nước ta nguyên thủ đảng là nguyên thủ đất nước. Thực tế đó tồn tại là dựa trên sự dối trá, tiếm quyền bất hợp pháp của ĐCS hiện nay. Đúng lý ra nguyên thủ đất nước phải là do dân bầu vì quyền lực nguyên thủ đến từ sự ủy quyền của dân, họ phải do dân chọn. Ông Nguyễn Phú Trọng chỉ được các nước cùng phe nhóm: Cuba, TQ, Bắc Hàn xem là nguyên thủ, còn tất cả các nước có nền dân chủ đa nguyên không xem là nguyên thủ, chỉ xem như đảng trưởng của một nhóm người...

Trên đây là vài nét để quí độc giả nhận thấy tính dối trá, phi pháp hiện nay của ĐCS trong việc nắm quyền đất nước. Họ là một hình ảnh của chế độ phong kiến xưa kia: độc tôn, cha truyền con nối, nắm hết tài sản-sinh kế người dân trong tay. Chỉ khác là họ biến hóa một chút từ vài thủ đoạn xảo trá: bầu cử trò hề, lập quốc hội bù nhìn, lập chính phủ tay sai để họ điều khiển. Mọi quyền lực thực của đất nước nằm ở bộ chính trị mà cái bộ này chẳng do người dân bầu, nó là một nhóm chóp bu của một băng đảng mang tên ĐCS.

Kết luận: Lịch sử Việt Nam vẫn chưa qua chế độ phong kiến thối nát mà còn tệ hơn chế độ phong kiến. Chỉ có một sự khác biệt nhỏ là thay vì một vị là làm Vua, chúng ta có Vua tập thể với 14 vị. Điều cay đắng là 14 vị này lại không có trách nhiệm với giang sơn đất nước như đấng thiên tử xưa kia, thưa đồng bào!




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo