Anh hùng diệt chuột trong lồng, người Việt phơi phới niềm tin - Dân Làm Báo

Anh hùng diệt chuột trong lồng, người Việt phơi phới niềm tin

(Trái hay phải) – Trong lúc UBND tỉnh An Giang nổi máu anh hùng quyết diệt cho bằng được 18 vạn tên chuột trong lồng, khiến một Việt kiều Mỹ tan mộng làm giàu, thì lớp trẻ hết sức tự tin về tương lai giàu có với những kinh nghiệm quý báu sau một kỳ thi đầy những bí kíp tiêu cực.

Mùi thối của 180.000 con chuột do bà con thị trấn Tịnh Biên nuôi bị xử tử bằng khí đá và nước ngập chưa rõ sẽ còn bốc đến bao giờ, nhưng từ mấy hôm nay, báo chí cứ lần lượt đưa tin và tường thuật về vụ việc.

Tờ Nhân Dân điện tử hôm thứ Bảy giật tít: Án oan con chuột đồng!, đồng thời cho rằng đây là kỳ án có một không hai trong lịch sử, cũng là sự kiện nóng hổi và buồn cười nhất ở miền Tây.

Trước tiên, cứ phải hoan nghênh tinh thần cảnh giác cao độ với đám chuột chuyên ăn tàn phá hại, đục khoét dân lành của chính quyền tỉnh An Giang.

Đàn chuột chưa thoát ra ngoài một con, mà nghe đâu còn có vô số chuột hoang ngoài đồng tự động chui vào trang trại nữa, báo hại nông dân quanh vùng tiết kiệm được vô khối chi phí diệt chuột. Nhưng, ở đời ai mà học được chữ ngờ, cơ quan chức năng cứ đi tắt đón đầu, phòng trước mọi bất trắc cứ là hơn.

Đến cuối năm, thêm vào báo cáo thành tích diệt được 18 vạn con chuột, dù chuột trong lồng nghe cũng hơi… xịt, nhưng vẫn oai như cóc cộ.

Sinh viên tình nguyện hăng hái tham gia chiến dịch mùa hè xanh vớt xác chuột chết! - Ảnh: Báo Nhân Dân

Không chỉ có tinh thần cảnh giác cao độ, UBND tỉnh An Giang còn chứng tỏ tinh thần làm việc tới nơi tới chốn, đôn đốc quyết liệt việc cưỡng chế. Mặc cho đàn chuột trị giá tới bạc tỉ, việc cưỡng chế, tiêu diệt chuột lại giản dị vô cùng chỉ với một công văn của UBND tỉnh, không hề có quyết định xử phạt hành chính, cũng không tống đạt quyết định, không thành lập đoàn cưỡng chế và giao biên bản cho người vi phạm.

Thành ra, người ta chẳng biết việc xử lý này nằm trong thể loại quan hệ pháp luật nào, hình sự, dân sự hay hành chính. Và sau khi tiêu diệt chuột thì cũng không có phương án xử lý mô trường, môi sinh, ngoài việc kêu các sinh viên tình nguyện tham gia chiến dịch mùa hè xanh đi “vớt xác chuột”.

Thái độ quyết làm tới cùng, không cho chúng nó thoát còn thể hiện ở sự cấp tập của những quyết định: Trước hết, quan chức năng đến kiểm tra yêu cầu bán hết số chuột trong vòng 4 tháng, sau đó lại yêu cầu trong 1 tháng phải dẹp trang trại.

Đến chiều 16/7, UBND tỉnh An Giang có công văn yêu cầu cấp tốc tiêu hủy hết đàn chuột trong vòng 24 giờ! Thật xứng đáng với lũ chuột khốn nạn, những “bản án” được ban ra cứ như trò đùa vậy.

Kể ra ta hoàn toàn có thể đặt một vài dấu hỏi về quy trình thủ tục tiến hành việc cưỡng chế này, nhưng chỉ cần một chút xíu lạc quan thôi, ta sẽ thấy đây rõ ràng là một minh chứng hoành tráng cho công cuộc cải cách thủ tục hành chính.

Người ta cứ bảo “hành là chính” bằng các thủ tục, nay mới biết còn có một loại “hành là chính” bằng cách đơn giản hóa tối đa các thủ tục như ở An Giang nữa.

Hẳn người dân An Giang đang khấp khởi mừng thầm vì cuối cùng thì cũng có thể tin vào tương lai tươi sáng của nền hành chính phục vụ nhân dân nhanh như chảo chớp.

Tất nhiên, sẽ có những người dân ở An Giang phải ngậm ngùi. Cách đây mấy tháng, cái tên Tịnh Biên, An Giang cũng từng vang danh trên báo chí với vụ lở đá ở Núi Cấm làm một lúc 6 người chết thảm. Nguyên nhân vụ việc rất nhanh chóng được tìm ra: Đá lở là do mưa.

Đương nhiên, bàn dân thiên hạ được một phen lắc đầu lè lưỡi vì kết luận này của chính quyền An Giang, nhưng cũng có ý kiến cho rằng kết luận chưa trúng lắm, vì đá lở trăm phần trăm là do…núi, chứ nào phải do mưa!

Ngẫm lại, chẳng hiểu cái hòn đá vững như bàn thạch kia phải mất bao lâu để chuyển sang tư thế sẵn sàng hạ sơn, nhưng cứ nhìn sự mau mắn của UBND tỉnh trong vụ diệt chuột trong lồng, hòn đá hẳn sẽ phải ấm ức.

Nó đang nghĩ: Phải chi các vị nhanh chóng “cưỡng chế” nó nhanh như mấy ông quan huyện ở Gia Lai cưỡng chế đá cảnh, thì nó đã không chịu cái tiếng xấu muôn đời là thủ phạm giết chết 6 người trong nháy mắt. Và rồi từ bấy bị kết án đến nay, vẫn chỉ có mình nó chịu tiếng xấu, không thấy có vị nào lên tiếng rằng tớ có tí trách nhiệm cả, trăm sự là do ông giời làm mưa thôi.

Nhìn từ phía họ hàng nhà chuột, hẳn chúng đang run như cầy sấy, nhưng nếu biết liên hệ với một số vụ việc khác, hẳn chúng sẽ an tâm được phần nào. Cái đám chuột bẩn thỉu chuyên đục khoét của thiên hạ lẽ ra phải bị tận diệt từ lâu rồi, nhưng đúng như người xưa nói, hoa thường hay héo, cỏ thường tươi, chúng vẫn nhởn nhơ sống tốt.

Nay, dù có làm ráo riết như An Giang, cũng chưa chắc họ hàng nhà chuột đã tuyệt đường sống sót, nếu chúng liên hệ với một số vị cựu doanh nhân. Chúng mày thử gọi điện ra nước ngoài hỏi ông Hồ Ngọc Tùng, nguyên Tổng giám đốc Tài chính của Vinashin hoặc ông Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, nguyên Chủ tịch HĐTV Vinalines xem có bí kíp nào để thoát khỏi lưới trời trước khi bị tóm không? Chuột thì tinh ranh thật đấy, nhưng có tu muôn kiếp cũng không bằng mấy vị này được trong cái khoản thoát hiểm.

Chuẩn bị phao trước khi vào phòng thi tốt nghiệp năm 2012. Ảnh: Tuổi Trẻ

Cũng trong ngày đầu tuần, tờ Tuổi Trẻ cho biết: Theo thăm dò ngẫu nhiên, hơn 400/500 thí sinh thừa nhận đã có rất nhiều hình thức gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012, từ hỏi bài nhau, mang tài liệu vào phòng thi cho đến tổ chức giải bài tập thể...

Cùng ngày, tờ Sài Gòn Tiếp thị cho biết một tập đoàn truyền thông quảng cáo quốc tế hàng đầu thế giới vừa công bố kết quả nghiên cứu về tinh thần lạc quan của thế hệ trẻ Việt Nam Theo đó, 66% số người được hỏi lạc quan vào tương lai giàu có.

Trong khi ấy, cách đây mấy ngày, như thể một trò đùa của số phận báo hiệu thời đại hoàng kim của nước Mỹ đã qua và người Việt đang chuẩn bị bước lên vũ đài thế giới, báo chí Việt Nam cũng loan tin người tiêu dùng xứ sở cờ hoa tiếp tục hết sức bi quan về nền kinh tế.

Cụ thể, chỉ có 19% người được hỏi dự kiến sẽ có được tình hình tài chính tốt hơn trong năm tới, tỷ lệ thấp nhất từng được ghi nhận.

Thật tình người ta chẳng hiểu tại sao đám thanh niên Việt Nam – lâu nay bị mang tiếng là hư hỏng, mất nết, quên sạch thuần phong mỹ tục của dân tộc, mở mồm ra là chán đời - lại lạc quan đến thế.

Nghĩ lẩn thẩn một hồi, mới thấy rằng đây đích thị là kết quả của một nền giáo dục ưu việt. Thử hỏi thế hệ tương lai của đất nước làm sao mà không lạc quan về tương lai cho được sau một kỳ thi mà trượt còn khó hơn đỗ như vậy, làm sao mà không tin tưởng vào ngày mai cho được khi những thủ đoạn ứng phó với đời đã được mài sắc ngay trên ghế nhà trường?

Và phải thừa nhận, những chủ nhân tương lai của đất nước gấm hoa đều rất thông minh, đĩnh ngộ, đều nhanh nhạy với thời cuộc cả: Trong tổng số 963.571 thí sinh dự thi tốt nghiệp năm vừa rồi, chỉ có duy nhất một cậu học sinh dại dột ở Bắc Giang tham gia vào cái trò chống tiêu cực. Chống tiêu cực là cái gì ấy nhỉ, miễn sao tốt nghiệp được là ấm cái thân rồi.

Trở lại câu chuyện cưỡng chế chuột ở An Giang, người viết xin dành cho quý vị một câu hỏi cuối cùng.

Như ta biết, bấy lâu nay ở Việt Nam, cái gọi là phong bì thường có sức mạnh rất kỳ diệu (hoặc rất kỳ cục), cũng có cái gọi là phạt để cho tồn tại. Tại sao các cơ quan chức năng ở An Giang đã cho “xử lý” trong 4 tháng, rồi 1 tháng, rồi 1 ngày, tức là “tạo điều kiện” hết mức cho khổ chủ rồi, mà cái ông Phan Kim Giỏi – chủ trang trại chuột – lại bó tay chịu trói thế?

Xin thưa với bà con, ông ấy là Việt kiều định cư tại Mỹ, mới về nước.

Kết luận của các nhà xã hội học là như thế này: Hành xử kiểu Mỹ ở Việt Nam, tức là quyết không xì ra một trinh một cắc, cứ đúng qui định mà làm, thì nói chi đến mộng làm giàu, ông Việt kiều nọ khó mà qua nổi kỳ thi tốt nghiệp phổ thông! Còn ngược lại thì, như ta đã biết, tỷ lệ đỗ gần 100% và khuyến mại thêm rất nhiều mộng ước làm giàu không khó, miễn là xử sự sao cho “tế nhị”.

Hay là, vì mô hình này diệt chuột của ông Việt kiều này hiệu quả quá, nên người ta phải tìm cách phá nó sớm nhỉ?



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo