Bích Diệp (Dân trí) - Về con số tới 30 trên 85 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước có số nợ trên vốn chủ sở hữu vượt quá 3 lần, Bộ trưởng Vinh cho rằng, không đáng lo ngại. Vấn đề là sắp tới cần có chế tài buộc các DNNN công khai như các DN niêm yết.
Trả lời câu hỏi "liệu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có phải gánh nặng của ngân sách và nền kinh tế nói chung?" trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" ngày 1/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh vẫn giữ quan điểm, các DNNN vẫn giữ vai trò rường cột trong các thời kỳ phát triển của nền kinh tế đất nước.
Theo ông, tổng công ty, tập đoàn nhà nước nói riêng và DNNN nói chung là một lĩnh vực rất lớn trong nền kinh tế của đất nước, do đó, quan điểm đánh giá phải cần thận trọng, khách quan và công bằng. Dẫn số liệu của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Vinh cho biết, tổng số nợ của DNNN là 1.008.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 790.000 tỷ đồng, như vậy, tính bình quân, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của các DNNN là 1,36 lần, chưa bằng 1 nửa so với với quy định là 3 lần.
Về con số có tới 30 đơn vị có số nợ trên vốn chủ sở hữu vượt quá 3 lần trong số 85 tập đoàn, tổng công ty nhà nước Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, vấn đề này không đáng lo ngại, điều quan trọng là những doanh nghiệp này có trả được nợ được hay không.
Ông dẫn ra trường hợp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang phải vay một lượng vốn lớn để xây dựng, phát triển nguồn điện, các nhà máy điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Song khi các nhà máy điện đi vào hoạt động, EVN sẽ có thể thu hồi và trả nợ. Do đó, theo ông, không nên đánh giá tập đoàn, tổng công ty nhà nước là gánh nặng của ngân sách và nền kinh tế.
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trích báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, đa số các DNNN có lãi. Cụ thể, đến năm 2010, chỉ có 20% số DNNN lỗ và hòa vốn, 80% là có lãi. Số tiền lãi của các DNNN nộp cho ngân sách hàng năm đều tăng. Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn đóng vai trò chủ lực, giúp nhà nước thực hiện việc bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội và tham gia vào các lĩnh vực mà tư nhân không làm.
Hoạt động, tình hình tài chính của DNNN không có gì là bí mật! |
Theo số liệu được dẫn một công trình nghiên cứu của TS Vũ Thành Tự Anh, ngay cả trong bối cảnh chịu áp lực cổ phần hóa thì tỉ lệ doanh số của 10 đại tập đoàn kinh tế Việt Nam trên GDP vẫn thuộc loại lớn nhất thế giới.
Cụ thể, tỷ lệ này của Việt Nam lên tới 37,3%, chỉ đứng sau Hàn Quốc thời gian trước khủng hoảng, còn lại đều vượt xa các nước khác. Một số ví dụ khác như Trung Quốc (9,4%), Đài Loan (19%), Indonesia (25%), Brazil (8%), Argentina (11%) và Mexico (10%).
Các đại tập đoàn nhà nước đã tạo ra cái bóng rất lớn bao phủ nền kinh tế và dường như len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống. Hay nói cách khác, việc đầu tư tràn lan trên nhiều lĩnh vực ra nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau của doanh nghiệp nhà nước vẫn là một vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn.
Thất thoát, sai phạm chủ yếu do cá nhân lãnh đạo
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phải thừa nhận thực tế rằng, việc sử dụng nguồn lực, cơ sở vật chất to lớn của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đặc biệt có những Tập đoàn, Tổng công ty gần đây đã bộc lộ những yếu kém.
Kết luận của thanh tra Nhà nước đã cho thấy, những sai phạm của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước vừa qua, nhất là những thất thoát, tham ô, lãng phí lớn lên đến hàng trăm tỉ đồng, gây ra những bức xúc trong xã hội và bức xúc trong hệ thống bộ máy quản lý.
"Chính những con sâu này đã và đang làm lu mờ đi những công sức đóng góp to lớn của các DNNN trong cả một quá trình và trong thời điểm hiện nay, làm cho những nhận xét đánh giá phần nào đó trở nên tiêu cực đối với DNNN. Tôi nghĩ rằng, đúng là những cái sai thì phải nghiêm khắc xem xét nhưng công sức của hàng vạn hàng triệu cán bộ công nhân viên chức phải lăn lộn suốt cả một quá trình để tạo nên những sản phẩm, dịch vụ xã hội không nên phủ nhận" - Bộ trưởng nói.
Tính minh bạch của DNNN đang rất yếu.
Nói về việc để ra xảy ra sai phạm tại các DNNN trong khi dày đặc cơ quan giám sát, Bộ trưởng cho biết, bên cạnh trách nhiệm của hệ thống tổ chức quản lý như bộ, ngành, cơ quan chủ quản, hệ thống chính trị như các tổ chức đảng, công đoàn tại từng doanh nghiệp còn có nguyên nhân từ lãnh đạo, người quản lý trực tiếp doanh nghiệp, được giao thay mặt nhà nước quản lý vốn tại doanh nghiệp. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chính còn là việc chưa minh bạch trong thông tin công bố.
Về khung pháp luật, hiện đã có những quy định cơ bản và mạch lạc nhưng qua như những vụ việc sai phạm tại Vinashin, Vinalines, các cơ quan thanh tra, điều tra đều có kết luận rõ ràng là sai phạm, những vụ thất thoát lớn đều do sự cố ý làm trái của cá nhân. "Họ biết việc làm đó pháp luật không cho phép, không được làm nhưng vì lợi ích cá nhân, vì lợi ích nhóm nên vẫn cố tình làm trái".
"Không có gì là bí mật!"
"Tôi, Chính phủ và những người dân đều rất bức xúc, đau đớn, trăn trở vì những việc như thế này khi tài sản của đất nước lại được quản lý không hiệu quả và gây những thất thoát lớn như vậy" - trích lời Bộ trưởng.
Ông cho rằng, giải pháp cốt lõi nhất là cần phải có chế tài mạnh mẽ hơn nữa để buộc các doanh nghiệp nhà nước công khai, minh bạch thông tin. Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước phải công khai toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tài chính doanh nghiệp không chỉ với các cơ quan chức năng quản lý, thậm chí công khai cả ở trên mạng và các cơ quan thông tin đại chúng. "Tôi cho rằng không có gì là bí mật!" - theo Bộ trưởng.
Khi công khai được như các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán thì không chỉ nhà nước quản lý được, theo dõi mà nhân dân, dư luận cũng theo dõi và kiểm tra được. Ngoài ra, phải có chế tài để hàng năm kiểm toán bắt buộc.
Nếu làm được như vậy, theo ông, sẽ khắc phục được câu chuyện tại sao nhiều cơ quan thanh tra mà lại không kiểm soát được những sai phạm tại các DNNN như thời gian vừa qua.
Hiện, theo sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 132 đề phân định rõ hơn quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước tại DNNN, giao quyền quản lý toàn diện trực tiếp các DNNN cho các bộ chuyên ngành. Dự kiến, đầu tháng 7 này Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét và ban hành.
Bích Diệp