Chủ tịch Nghị viện Châu Âu phúc đáp thư về anh Trần Huỳnh Duy Thức và các bạn - Dân Làm Báo

Chủ tịch Nghị viện Châu Âu phúc đáp thư về anh Trần Huỳnh Duy Thức và các bạn

Kính gửi: Dân Làm Báo

Ngày 5 tháng 2 năm 2012 tôi có gửi thư theo đường bưu điện cho Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz. Trong bức thư này tôi đề nghị sự quan tâm của Liên minh Châu Âu (EU) trong việc hợp tác để cải thiện quyền con người khi thực thi Hiệp định đối tác và hợp tác Việt Nam - EU (vừa mới được ký kết). Trong thư tôi đã đề cập đến những trường hợp tù nhân chính trị cần đặc biệt quan tâm là: Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Lê Thăng Long, Trần Anh Kim, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Bùi Thị Minh Hằng, v.v.... Có thể tham khảo nội dung đầy đủ của bức thư này tại đây.

Ngày 16 tháng 7 vừa rồi tôi nhận được thư phúc đáp do chính Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz ký ngày 16 tháng 5 năm 2012 và được gửi qua đường bưu điện. Tôi đã dịch thư phúc đáp này sang tiếng Việt như dưới đây. Đề nghị Dân Làm Báo giúp phổ biến đến độc giả.

Như vậy tất cả các cơ quan quan trọng của EU đều có phúc đáp trực tiếp đối với đề nghị của tôi. Đầu tiên là Tổng vụ đối ngoại Châu Âu (EEAS), kế đến là Thủ tướng Đan Mạch - nước vừa giữ chức Chủ tịch EU, giờ là Nghị viện Châu Âu - cơ quan quyền lực cao nhất của EU.

Xin chân thành cảm ơn Dân Làm Báo.

Trần Văn Huỳnh

***Bản dịch ***

Chủ tịch Nghị viện Châu Âu
308591 16.05.2012
Kính gửi:

Ông Trần Văn Huỳnh, 
439F8 Đường Phan Văn Trị 
Phường 5, Quận Gò vấp, 
Tp HCM , Việt Nam.

Thưa ông Trần Văn Huỳnh,

Cám ơn ông về bức thư ông gửi lưu ý về tình trạng con trai ông là Trần Huỳnh Duy Thức và các bạn của anh ấy hiện đang bị án tù giam tại Việt Nam.

Trong tất cả mọi hành động của mình, Nghị viện Châu Âu cam kết mạnh mẽ bảo vệ các quyền con người phổ quát và các giá trị căn bản, bao gồm tự do ngôn luận và tự do báo chí. Trong bối cảnh này, Nghị viện Châu Âu đã nhiều lần bày tỏ mối quan ngại liên quan đến quyền tự do phát biểu ở Việt Nam. 

Nghị quyết của Nghị viện Châu Âu được thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2009 đã thúc giục chính phủ Việt Nam chấm dứt tất cả mọi hình thức đàn áp những ai đang sử dụng các quyền của họ về tự do phát biểu, tự do tín ngưỡng tôn giáo và tự do hội họp theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền và Hiến pháp Việt Nam. Trong thời gian diễn ra cuộc họp Liên Nghị viện EU-Việt Nam hồi tháng 3 năm 2010 tại Việt Nam, các vấn đề quyền con người, tự do tư tưởng và quản trị tốt được Nghị viện Châu Âu nêu lên thường xuyên. Sau đó, trong năm 2010 người tiền nhiệm của tôi, Chủ tịch Buzek đã tiến hành những nỗ lực ngoại giao, yêu cầu chính phủ Việt Nam tiếp tục chính sách trả tự do cho các nhà hoạt động nhân quyền, hướng đến rất rõ ràng trường hợp của con trai ông. Ông Langen,Trưởng Phái bộ Nghị viện Châu Âu về quan hệ với các nước Đông Nam Á và ASEAN, cũng đã tìm hiểu về tình hình bảo vệ nhân quyền, và vào ngày 05 tháng 12 năm 2011, trong cuộc viếng thăm cấp cao đến Nghị viện Châu Âu của phái đoàn Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu trong khuôn khổ phiên họp Liên Nghị viện EU-Việt Nam lần thứ 9, những quan ngại về việc bảo vệ các quyền con người phổ quát bao gồm quyền tự do phát biểu đã được Nghị viện Châu Âu nhấn mạnh nhiều lần.

Tôi xin bảo đảm với ông rằng Nghị viện Châu Âu sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thật chặt chẽ để nêu lên mối quan ngại về các vấn đề nhân quyền ở Việt Nam và khu vực lân cận bằng cả hai cách: trong các cuộc tiếp xúc liên nghị viện và thông qua các kênh ngoại giao thích hợp khác. 

Trân trọng.

Martin Schulz 

Xem nguyên gốc bản tiếng Anh tại đây.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo