Đi biểu tình có sướng không? - Dân Làm Báo

Đi biểu tình có sướng không?

Phương BíchTừ khi tôi tuyên bố công khai là tôi đi biểu tình với mục đích như trên, nên đề nghị miễn tranh luận với các cơ quan chức năng địa phương. Nhất thiết cấm thì phải bằng văn bản giấy tờ đàng hoàng, nên không ai gây khó dễ làm phiền tôi cả. Trong khi đó một số người khác vẫn phải tìm đường “Dạt vòm”, nghĩa là trốn ra khỏi nhà từ trước một đến hai hôm – hệt như các cán bộ ngày xưa đi hoạt động cách mệnh. Đồ lề đem theo nhất thiết là phải laptop, hoặc không thì cũng phải là điện thoại di động có thể kết nối internet. Hôm 1/7, bác Khánh Trâm phải trốn trước hai ngày, còn bác Trâm thì “chủ quan”, trốn muộn quá nên bị tóm sống, nghĩa là bị quản thúc tại gia cho đến khi hết biểu tình...

*

Bạn hãy thử tưởng tượng, thay vì được ngồi nhà mát, thảnh thơi thư giãn với đủ mọi phương tiện giải trí thì bạn lại phải nhao ra khỏi nhà dưới cái nắng như thiêu như đốt. Rồi bạn sẽ phải nghĩ đi bằng phương tiện gì là thuận lợi và an toàn nhất, hợp với túi tiền của bạn nhất. 

Không phải ai cũng tiện lợi như tôi, chỉ cần bắt một lượt xe buýt là đến tận nơi mình cần đến, cả đi lẫn về có 6 nghìn đồng. Còn rất nhiều người khác phải lo đi gửi xe khá xa, vì các điểm có thể gửi xe quanh đó cứ như nhận được “mật lệnh” chung là không nhận gửi xe??? 

Rồi trong cái nắng nóng kinh người ấy, bạn sẽ đi bộ khoảng chục cây số, vừa đi vừa hô khẩu hiệu đến rát cả họng. Mồ hôi chảy thành dòng, làm quần áp bạn ướt sũng, ngứa ngáy. Chưa kể đến việc có thể bạn sẽ bị những thanh niên to khỏe đeo băng đỏ lôi kéo, xô đẩy, đám đá, nhồi bạn vào xe buýt chở về đồn công an, hoặc vào trại phục hồi nhân phẩm với tội danh gây rối trật tự công cộng, chứ không phải vì tội biểu tình như bạn nghĩ, chỉ vì nhà cầm quyền sợ cái từ biểu tình này lắm. 

Rồi chưa kể đi đến đâu bạn cũng sẽ bị chủ nhà trọ từ chối cho bạn thuê vì an ninh ép buộc, chứ không dễ dàng như lao động phổ thông Trung Quốc có ở hàng năm trời cũng chả ai quan tâm. 

Rồi thì cơ quan của bạn thì sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với bạn, chỉ vì họ không muốn bị các ngành chức năng suốt ngày nhòm ngó thanh tra thanh mẹ, kiểm toán lên bờ xuống ruộng. Giá mà các ngành chức năng luôn mẫn cán như thế thì đã chả xảy ra những vụ gây tổn thất ghê gớm cho kinh tế nước nhà như vụ Lã Thị Kim Oanh, hay Vinashin hoặc Vinaline và vô vàn những vụ lớn bé khác. 

Vậy đi biểu tình như thế có sướng không? 

Với ai thì tôi không biết, còn tôi thú thực là tôi chẳng thấy sướng tẹo nào. Tôi ghét phải xuống đường biểu tình. Tôi ghét bị thiên hạ cho tôi là kẻ rỗi hơi đi lo việc thiên hạ. 

Tôi ước chi đất nước mình thật mạnh để không kẻ nào bắt nạt được. Tôi ước dân chúng tôi chỉ việc chăm chỉ làm ăn, đóng đầy đủ thuế cho nhà nước, và nhà nước thì có nghĩa vụ và trách nhiệm lo hết cho dân. 

Khốn nỗi trước tình cảnh đất nước thế này, tôi chả thể nào lạc quan như một số vị được. Chẳng phải nói cường điệu làm gì, rằng lương tâm tôi không cho phép mình ngồi nhà, để mặc người khác đổ mồ hôi thay tôi... 

Thôi thì ai nói rằng có nhiều cách bảo vệ đất nước thì đó là quyền của họ. Nhưng đừng có xuyên tạc việc biểu tình của chúng tôi như đài báo nhà nước, rằng chúng tôi tụ tập gây mất trật tự công cộng, làm ách tắc giao thông. 

Nói như thế mới chính là phản động, là vu khống. Đất nước này hàng ngày rối loạn vì ai, chứ đâu có vì người dân xuống đường biểu tình vào một vài buổi sáng chủ nhật? Hãy nhìn những đối tượng gây mất trật tự công cộng này xem đó là những ai? Họ nói những gì và làm những gì? Tại sao đài báo nhà nước lại có thể sống sượng gọi những người cầm cờ Tổ quốc hay biểu ngữ, trên đó in những dòng chữ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước, lại tầm thường như hành động làm mất trật tự công cộng của một đám lưu manh nào đó được? Liệu nay mai, cũng báo này, đài này lại quay ngược 180 độ để ca tụng họ hay không? 

Mới ngày nào dân tình còn tò mò, hoặc thờ ơ trước đoàn biểu tình đi qua thì nay họ đã nhận biết ra những chiếc áo mang biểu tượng No-U. Và có thể họ sẽ đi tìm hiểu No-U là gì, tại sao lại phải đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa. Thật cảm động biết mấy khi người dân hai bên đường còn tiếp tế nước uống, hay phân phát những lá cờ còn nguyên nếp gấp cho đoàn biểu tình. 

Biểu tình viên - sĩ quan dự bị Nguyễn Trí Đức 
với là cờ được người dân bên đường đem ra tặng. 
Cậu ấy rất tự hào và vui sướng về lá cờ được tặng này. 

Tôi cho là ít nhiều những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược vừa qua, sẽ dần khiến cho người dân biết đến những sự kiện lớn lao liên quan đến vận mệnh đất nước hơn, chứ không chỉ quanh quẩn trong những mối quan tâm thường nhật về cuộc sống đời thường nữa, còn hơn là suốt ngày nghe đài báo ca ngợi một cách dối trá về sự ổn định của xã hội. Họ chỉ muốn dân ta mê muội để che đậy sự thối nát và mục ruỗng của bộ phận quan trọng trong bộ máy nhà nước này thôi. 

Tôi mong lắm đến một ngày bình an, tôi sẽ không phải đi biểu tình nữa. Cái tuổi của tôi về hưu là để được nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, không thì cũng để du ngoạn đó đây, thăm thú cảnh đẹp của nước nhà, thấy thiên hạ thái bình, hạnh phúc. Thế chả sướng lắm hay sao? 

* Một vài sự việc đáng nhớ về cuộc biểu tình ngày 22/7: 

Từ khi tôi tuyên bố công khai là tôi đi biểu tình với mục đích như trên, nên đề nghị miễn tranh luận với các cơ quan chức năng địa phương. Nhất thiết cấm thì phải bằng văn bản giấy tờ đàng hoàng, nên không ai gây khó dễ làm phiền tôi cả. Trong khi đó một số người khác vẫn phải tìm đường “Dạt vòm”, nghĩa là trốn ra khỏi nhà từ trước một đến hai hôm – hệt như các cán bộ ngày xưa đi hoạt động cách mệnh. Đồ lề đem theo nhất thiết là phải laptop, hoặc không thì cũng phải là điện thoại di động có thể kết nối internet. Hôm 1/7, bác Khánh Trâm phải trốn trước hai ngày, còn bác Trâm thì “chủ quan”, trốn muộn quá nên bị tóm sống, nghĩa là bị quản thúc tại gia cho đến khi hết biểu tình. 

Sáng 22/7, tôi và một chị bạn đi xe buýt ra nhà hát Lớn. Vừa đến vườn hoa cạnh nhà hát thì gặp một anh công an của thành phố phi xe máy lên vỉa hè. Vì cũng đã quen mặt nhau nên hai bên bắt tay nhau rất thân thiện. Tôi thích cái bắt tay của anh ấy. Tay anh ấy mềm, ấm áp và cái bắt tay chặt. Chả gì tôi đã được giới thiệu đây là con người tử tế nhất trong ngành an ninh??? 

Dĩ nhiên chẳng ai là dâu được trăm họ, nhiều người lại chửi anh ấy, bảo tệ lắm... 

Sau khi hỏi thăm nhau vài câu, anh ấy khuyên chúng tôi nên về đi, đừng có biểu tình biểu tiếc gì cả. Ồ! Việc anh ấy phải khuyên thì anh ấy cứ khuyên, còn việc chúng tôi đi biểu tình là việc của chúng tôi. Làm gì có chuyện chúng tôi đi hơn chục cây số ra đến tận đây rồi lại quay về chỉ vì mấy lời khuyên đó. 

Khi thấy khuyên không được thì anh ấy cứ để xe máy đó rồi bỏ đi. Trời nắng nóng kinh người. Vẫn chưa đến 9 giờ nên chúng tôi đứng tránh nắng dưới bóng râm của những tán cây trong vườn hoa. Bên kia quảng trường, công an và dân phòng, an ninh mặc thường phục chiếm lĩnh các bậc thềm nhà hát. Những cái biển cấm di động đặt rải rác dọc thềm. 

Thêm một anh an ninh quận Hoàn Kiếm tiến đến. Riêng cái bắt tay của anh này thì tôi không thích, nó lỏng lẻo, lành lạnh. Anh ấy vừa nói chị Phượng ạ là tôi cắt lời luôn: 

- Anh mà đuổi tôi là tôi lại lên mạng, tố cáo đích danh anh không cho tôi biểu tình đấy nhé. 

- Ồ không! Tôi chỉ hỏi thăm chị Bùi Hằng thôi. 

Té ra vậy! Tôi và anh ấy lại cười tươi, chuyện trò thân thiện như bạn bè. Sau vài câu anh ấy lại khuyên về đi. Khuyên không được lại bỏ đi. 

Một cái xe tải cảnh sát tiến đến, loa ông ổng yêu cầu giải tán, yêu cầu không được để xe máy trên vỉa hè. Tôi tong tả chạy ra bên cạnh chiếc xe tải, mách anh công an lớn tuổi đang gọi loa: 

- Đúng rồi, đề nghị anh cho ngay chiếc xe máy kia lên thùng xe. Bắt ngay! Không được để xe trong vườn hoa như thế. 

Thấy tôi ủng hộ, anh công an đâm ra nghi ngờ. Sau khi nhiệt tình khuyến khích mà anh ấy không hưởng ứng, tôi bèn cười bảo: 

- Xe máy của lãnh đạo công an thành phố đấy. Công an các anh đúng là chả gương mẫu tý nào. 

Anh công an già toét miệng cười rất hồn nhiên bảo thế à. Tôi cười rũ, chạy lên vỉa hè kể cho chị bạn nghe. Còn anh công an thì nhấc bộ đàm lên gọi, chắc là để xác minh xem tôi nói có đúng không. 

Đứng một lúc thì có thêm đông đông người tới. Có cả bác sĩ Phạm Hồng Sơn, nhà giáo Nguyễn Thượng Long, nhà báo tự do Dương Thị Xuân... xe cảnh sát lại lượn vè vè, gọi loa yêu cầu giải tán. Tôi chạy ra lần nữa bảo: 

- Các anh đọc thế vô ích thôi. Anh muốn cấm thì đưa lệnh cấm ra đây, chúng tôi đi về ngay. Đừng có nói mồm như thế. Miệng anh là luật à? 

Chiếc xe lại bỏ đi. 

Diễn biến cuộc biểu tình cũng như những lần trước. Nhưng tôi để ý lần này không thấy lực lượng đeo băng đỏ đông như hôm trước. Thái độ các anh công an áo vàng là hòa nhã. Không có xô đẩy thô bạo. Chỉ trừ lúc các anh công an áo xanh cùng lực lượng dân phòng lấy dây thừng chắn ngang vườn hoa đầu Hàng Khay, bị đoàn biểu tình phản đối tràn qua thì một anh công an áo xanh văng tục, khiến blogger Lê Dũng bức xúc quay lại chửi: Láo quá! Công an mà chửi dân là... mẹ mày thế à? 

Chưa bao giờ tôi đổ mồ hôi nhiều như hôm ấy. Hai cánh tay trần đen bóng. Đụng vào những chiếc lưng áo của đám thanh niên thì không khác gì nhúng nước. Mồ hôi chảy thành dòng, nhỏ giọt dưới cằm mấy đứa, trông mà thương quá. 

Ở ngã ba Điện Biên Phủ, nơi đoàn biểu tình bị chặn lại bởi hàng rào người và sắt, tôi gặp một cậu thanh niên lượn xe máy qua gọi to: 

- Cô Phương Bích, cháu vừa đèo bà ra. 

Hóa ra thằng cháu Nghĩa, cháu ngoại cụ bà Lê Hiền Đức. Hóa ra hôm nay bà bị kìm chân, không biết bà “thoát: ra bằng cách nào mà bây giờ mới tới. Thế mà khi đoàn quay trở lại đến cửa Nam tôi mới gặp bà, trông bà rất hồ hởi. Tôi còn chưa kịp hỏi chuyện bà, nhưng lúc đứng trên sân vườn hoa Lý Thái Tổ, nghe bà kể gì đó mà đám đông xung quanh cười rộ lên. Một người bảo: 

- Giời phù hộ, cụ còn khỏe lắm! 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo