Nhóm PV - Báo NNVN vừa có bài "Rùng mình xã 500 cán bộ ở Thanh Hóa", thuộc chuyên đề: “Ngân sách nào kham nổi?”. Sau khi báo phản ánh, Bộ Nội vụ thừa ủy quyền của Thủ tướng, có văn bản đề nghị UBND tỉnh báo cáo, làm rõ một số nội dung báo nêu... Tính tất tần tật, những người được hưởng lương nhà nước và người hoạt động nhờ tiền đóng phí của người dân là xấp xỉ 500 người. Chúng tôi nêu số lượng cán bộ theo lời ông Phó Chủ tịch xã để nêu bật vấn đề 19 khoản phí mà người dân đang phải còng lưng, è cổ đóng góp là để nuôi cán bộ quá đông. Nhưng cho đến nay, từ các báo cáo của tỉnh, huyện và xã, mỗi cấp một số liệu, vậy thực chất số cán bộ ở xã Quảng Vinh là bao nhiêu?...
*
Mỗi cấp một số liệu
Thứ nhất, Bộ Nội vụ yêu cầu làm rõ các khoản đóng góp của người dân và số liệu cán bộ ở xã, thôn của xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương cùng hướng chỉ đạo xử lý của tỉnh Thanh Hóa. Tiếp đến, Bộ Nội vụ cũng yêu cầu Thanh Hóa báo cáo chi tiết số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người hoạt động ở thôn, tổ dân phố toàn tỉnh. Từ đó tìm ra những bất cập, hạn chế đối với cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Từ những yêu cầu trên, xã Quảng Vinh đã có báo cáo số 19/BC-UBND ngày 05/7/2012 gửi UBND huyện Quảng Xương và UBND tỉnh Thanh Hóa. Theo báo cáo này, cán bộ xã Quảng Vinh có 40 người gồm: 22 cán bộ, công chức xã và 18 người hoạt động không chuyên trách; cán bộ thôn có 214 người/15 thôn gồm: Bí thư chi bộ và trưởng thôn 30 người, công an viên 15 người, tổ an ninh gồm 30 người, thôn đội trưởng 15 người, dân quân tự vệ 19 người; có 7 đoàn thể ở mỗi thôn, tổng toàn xã có 15 thôn tương ứng với 105 người. Tổng cộng là 254 người.
Tuy nhiên, trong công văn số 4715/UBND-THKH ngày 9/7/2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo Thủ tướng Chính phủ do Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Văn Chiến ký lại khẳng định: Xã Quảng Vinh chỉ có 205 cán bộ, tức chưa đủ một nửa so với thực trạng mà NNVN đã phản ánh và ít hơn 49 người so với con số 254 cán bộ trong báo cáo của xã Quảng Vinh và huyện Quảng Xương.
205 cán bộ mà UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo Thủ tướng được tính như sau: Đội ngũ công chức cấp xã có 22 người, hoạt động không chuyên trách có 17 chức danh, bố trí 18 người (Phó trưởng Công an bố trí 2 người), hoạt động không chuyên trách ở thôn có 45 người, tổ an ninh thôn 30 người, thôn đội trưởng 15 người, trưởng các Chi hội, Đoàn thể ở thôn 75 người.
Trở lại với vấn đề con số khoảng 500 cán bộ ở xã Quảng Vinh mà NNVN đã phản ánh. Trước hết, chúng tôi khẳng định, mục đích chính khi đến xã Quảng Vinh là để phản ánh những khoản phí hết sức vô lý mà xã và thôn thu của người dân để nuôi bộ máy khổng lồ. Ngày 22/6/2012, khi tiếp xúc với PV NNVN, ông Dư Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Vinh cho biết: Số cán bộ làm việc thường xuyên ở xã là 45 người. Trong đó có 23 cán bộ chuyên trách và 22 cán bộ bán chuyên trách. Khối Hội, đoàn thể gồm có các tổ chức: Mặt trận tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Hội nông dân, Hội chữ thập đỏ, Ban liên lạc thanh niên xung phong, Hội khuyến học.
Nông dân Quảng Vinh è cổ đóng các khoản phí vô lý
nhưng chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa làm rõ
Về số lượng, ông Tâm khẳng định rằng: Theo ngành dọc, trên xã bao nhiêu chức danh thì ở dưới thôn có bấy nhiêu người, đoàn thể nào cũng có. Quảng Vinh có 15 thôn, tối thiểu mỗi đoàn thể và các ban có 2 người, có 10 chi hội, đoàn thể và các ban nêu trên, tính ra được 20 người hoạt động ở mỗi thôn. Còn ở xã, ngoài 23 cán bộ chuyên trách, 22 cán bộ bán chuyên trách, xã Quảng Vinh còn có các bộ phận sau: Hội khuyến học, Hội chữ thập đỏ, Ban liên lạc TNXP, Hội người cao tuổi, dân số. 5 ban, hội này không có trong Nghị định 92 của Chính phủ nên xã hợp đồng ngoài. Mỗi ban, hội 2 người, 5x2 = 10 người. Xã Quảng Vinh có 3 bảo vệ hợp đồng ở UBND xã, Tượng đài, trạm bơm, 1 cán bộ đài truyền thanh, 5 người ở trạm xá, 26 người ở trường mầm non.
Tính tất tần tật, những người được hưởng lương nhà nước và người hoạt động nhờ tiền đóng phí của người dân là xấp xỉ 500 người. Chúng tôi nêu số lượng cán bộ theo lời ông Phó Chủ tịch xã để nêu bật vấn đề 19 khoản phí mà người dân đang phải còng lưng, è cổ đóng góp là để nuôi cán bộ quá đông. Nhưng cho đến nay, từ các báo cáo của tỉnh, huyện và xã, mỗi cấp một số liệu, vậy thực chất số cán bộ ở xã Quảng Vinh là bao nhiêu?
Khảo sát của chúng tôi
Để làm sáng tỏ vấn đề, cùng thời điểm UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhóm phóng viên của NNVN cùng một số đồng nghiệp báo khác tiếp tục các cuộc khảo sát và phát hiện rằng số cán bộ thực tế ở xã Quảng Vinh lớn gấp đôi con số mà UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo Thủ tướng.
Ông Văn Tấn Hùng, Trưởng thôn 3 Thanh Minh xã Quảng Vinh
Tỉnh Thanh Hóa báo cáo rằng, tất cả các thôn ở xã Quảng Vinh đều chỉ có 11 người được gọi là cán bộ. Phóng viên NNVN đã chọn ngẫu nhiên thôn 3 Thanh Minh làm nơi khảo sát để biết liệu số cán bộ mà UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo đã đúng hay chưa? Bằng cách lấy thống kê của Trưởng thôn, người dân và những người vẫn được nhân dân gọi là cán bộ cùng chế độ được hưởng, kết quả, có ít nhất 20 cán bộ, tức là gần gấp đôi so với báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa. Theo thống kê của Trưởng thôn Văn Tấn Hùng, danh sách đầy đủ cán bộ của thôn 3 Thanh Minh như sau:
1. Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban MTTQ: Phạm Ngọc Tịch
2. Trưởng thôn kiêm Trưởng dân quân: Văn Tấn Hùng
3. Công an viên: Đinh Công Toàn
4. An ninh viên: Phạm Bá Hưng
5. An ninh viên kiêm dân quân cơ động: Lê Quang Tự
6. Chi Hội trưởng Cựu chiến binh: Lê Quang Trung
7. Chi Hội phó Cựu chiến binh: Lê Thị Kim
8. Chi Hội trưởng Hội nông dân: Phạm Thị Xoan
9. Chi Hội phó Hội nông dân: Nguyễn Thị Ngân
10. Chi Hội trưởng Hội phụ nữ: Nguyễn Thị Ngoan
11. Chi Hội phó Hội phụ nữ: Lê Thị Tâm
12. Chi Hội trưởng Hội người cao tuổi: Văn Thế Tịch
13. Chi Hội phó Hội người cao tuổi: Lê Quang Vinh
14. Chi Hội trưởng Hội khuyến học: Ngô Thị Lý
15. Chi Hội phó Hội khuyến học: Lê Thị Mười
16. Bí thư Đoàn thanh niên: Nguyễn Văn Long
17. Phó Bí thư Đoàn thanh niên: Nguyễn Hữu Nam
18. Ban Liên lạc thanh niên xung phong: Nguyễn Thị Luyến
19. Cán bộ thủy nông: Văn Thị Quế
20. Cán bộ thủy nông: Lê Thị Dữ
Sở dĩ chúng tôi nói rằng mỗi thôn ít nhất 20 người là bởi ngoài các chức danh đã được kiêm nhiệm thì mỗi thôn còn có cán bộ y tế, giáo viên mầm non…, những người hoạt động bằng quỹ dân nuôi nhưng từ xã Quảng Vinh đến tỉnh Thanh Hóa đều không đưa vào danh sách để báo cáo Thủ tướng. Mỗi vụ lúa, người dân xã Quảng Vinh phải nộp “sản” để duy trì hoạt động của các cán bộ thuộc chi hội và đoàn thể cấp thôn. Mỗi chi hội, đoàn thể được hưởng 200 kg thóc/năm. Với số lượng 20 cán bộ/thôn thì tổng cộng cả 15 thôn xã Quảng Vinh phải có ít nhất 300 cán bộ cấp thôn.
Trong khi báo cáo của UNND tỉnh Thanh Hóa chỉ có 165 người. Đặc biệt trong báo cáo ấy, cấp phó của các đoàn thể các thôn đều bị gạt ra, không đưa vào danh sách. Vậy phó đoàn thể ở thôn có được gọi là cán bộ hay không? UBND tỉnh Thanh Hóa nói không, nhưng nếu theo “tiêu chí” của người dân, ông trưởng thôn và chính những người đang trực tiếp làm công việc này thì là có.
Bà Lê Thị Trâm, Phó Chi hội phụ nữ thôn 3 Thanh Minh khẳng định: Làm phó đoàn thể ở thôn cũng do dân bầu, cũng bỏ phiếu, cũng có ứng cử, đề cử. Chế độ được một năm một tạ lúa. Công việc chính là vận động người dân đóng góp theo chủ trương của cấp trên, ví dụ đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ bão lụt… Thậm chí động đất, sóng thần bên Nhật Bản cũng có trách nhiệm đi thu tiền đóng góp của dân.
Không tính bộ phận y tế, mầm non, số cán bộ cấp thôn ở xã Quảng Vinh đã là 300 người như đã nói trên, còn cấp xã?
Theo báo cáo của xã Quảng Vinh và UBND tỉnh Thanh Hóa thì cán bộ xã chỉ có 40 người. Trong đó có 22 cán bộ chuyên trách và 18 cán bộ không chuyên trách. Nhưng theo điều tra, khảo sát của chúng tôi, số lượng cán bộ làm việc trên xã cũng đã bị gạt đi rất nhiều, không đưa vào danh sách. Đó là các tổ chức như Hội Khuyến học, Ban liên lạc TNXP, giáo viên mầm non, cán bộ y tế, các phó đoàn thể như Hội người cao tuổi, lực lượng bảo vệ và số cán bộ xã hợp đồng… Những người này đều được hưởng phụ cấp từ nguồn đóng góp của dân, và nếu liệt kê chi tiết như cách tính của Phó Chủ tịch xã Quảng Vinh Dư Văn Tâm với PV NNVN trước đó là có cơ sở.
Trả lời của Chủ tịch xã Quảng Vinh
Sáng 12/7, ông Lê Quang Bảo (ảnh), Chủ tịch UBND xã Quảng Vinh đã trả lời các PV báo chí một số vấn đề liên quan:
Thưa ông, trong danh sách UBND xã báo cáo cấp trên, toàn xã Quảng Vinh có 254 cán bộ nhưng báo cáo của UBND tỉnh gửi Thủ tướng Chính phủ lại chỉ có 205 cán bộ. Tại sao lại có sự chênh lệch này?
Báo cáo của xã thống kê cả cán bộ an ninh thôn, Hội khuyến học… nhưng theo quan điểm của UBND tỉnh thì những người này không phải là “cán bộ” nên tỉnh quyết định loại ra không đưa vào danh sách cán bộ.
Theo khảo sát của phóng viên tại các thôn thuộc xã Quảng Vinh vẫn có các Phó hội đoàn thể hoạt động, vậy tại sao xã không liệt kê những người này vào danh sách?
Việc các Hội đoàn thể bầu thêm cấp phó UBND xã không quản lý bởi quy định về phụ cấp cho các Hội đoàn thể rất rõ ràng họ cần thêm người để hoạt động thì họ tự bầu và phải san sẻ khoản phụ cấp của họ.
Ông có thể cho biết phụ cấp của các Hội đoàn thể được tính như thế nào?
Phụ cấp của Hội đoàn thể chỉ được 1 tạ thóc trên/vụ, mỗi năm được 2 tạ thóc. Nếu Hội đoàn thể tuyển thêm cấp phó thì họ sẽ phải san sẻ khoản phụ cấp này…
Người dân ở xã Quảng Vinh còn nghèo. Các Hội đoàn thể phải hoạt động bằng quỹ đóng góp của các hội viên nhưng ở Quảng Vinh lại thu “sản” để duy trì hoạt động Hội ở cấp thôn trong khi Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương phải khoan sức dân không được phép tùy tiện thu các loại phí?
Ở cương vị Chủ tịch UBND xã tôi thực hiện theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân. Việc thu “sản” của bà con là dựa theo nhu cầu thực tế của địa phương, và cũng cần các Hội đoàn thể để khi triển khai các chương trình của Đảng, của Chính phủ như chương trình Nông thôn mới chẳng hạn, phải có người tuyên truyền thì dân mới hiểu và tham gia. Chúng tôi đã đưa ra bàn và thống nhất với dân ở các thôn về mức thu.
Khi các hộ dân không có tiền nộp sản chính quyền địa phương xử lý như thế nào, theo một số hộ dân phản ánh, UBND xã “trấn trừ” tiền trợ cấp của họ?
Việc thu tiền được thực hiện ở dưới các thôn chứ không phải UBND xã thu. Hộ không có tiền nộp vụ này sẽ được ghi nợ vào vụ sau, năm sau. Cũng có trường hợp nhiều năm không nộp vẫn ghi nợ.
Và đề nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa
“Tại xã Quảng Vinh, huyện
Quảng Xương, qua xác minh kiểm tra cho thấy, số lượng cán bộ, công chức,
người hoạt động không chuyên trách được bố trí theo đúng quy định, một
số chức danh thấp hơn so với quy định của Chính phủ. Song, điều đáng
tiếc là Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đăng tin không chính xác, thông tin
chưa được xác minh cụ thể để Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Lãnh đạo
Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương phải phân tâm; đồng thời gây
hiểu nhầm trong nhân dân và bức xúc trong xã hội. Cũng trong thời gian
vừa qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam cũng đã đăng nhiều bài có nội dung
thiếu khách quan, sai sự thật như: Tan tành rừng phòng hộ Sông Chu, Đói lay lắt tại miền Tây Thanh Hóa, Chính quyền dâng đất vàng cho doanh nghiệp, Khi lòng dân chưa yên…
UBND tỉnh thanh Hóa đã có văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ TT-TT, Bộ
NN-PTNT nhưng chưa được xem xét giải quyết. Kính đề nghị Thủ tướng Chính
phủ chỉ đạo Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, TT-TT, NN-PTNT (Cơ quan chủ quản
của Báo NNVN) kiểm tra, xác minh, kết luận vụ việc và xử lý nghiêm những
đơn vị, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật. (Trích công văn số
4715/UBND-THKH ngày 9/7/2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa do Chủ tịch UBND
tỉnh Trịnh Văn Chiến gửi Thủ tướng Chính phủ)
|
Nhóm PV
http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/1/97513/3-so-lieu-va-tra-loi-cua-Chu-tich-xa-Quang-Vinh.aspx