Đội tàu cá Trung Quốc xâm phạm Trường Sa - Dân Làm Báo

Đội tàu cá Trung Quốc xâm phạm Trường Sa

Việt Linh (VNExpress)30 tàu của ngư dân Trung Quốc tới khu vực quần đảo Trường Sa vào chiều qua sau khi xuất hành từ tỉnh Hải Nam, trong lúc căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền gia tăng.

Tân Hoa Xã cho biết, đoàn tàu cá, bao gồm một tàu cung ứng có trọng tải tới 3.000 tấn, rời khỏi tỉnh Hải Nam hôm 12/7. Các tàu này đã tới đảo Đá Chữ thập, một đảo san hô có chiều cao chưa tới 1 m so với mặt biển, để đánh cá trong 5 tới 10 ngày.

Tàu Ngư chính 310, tàu lớn nhất của lực lượng này, đã có mặt ở Trường Sa nhằm thực hiện cái gọi là "bảo vệ cho đoàn tàu cá".

Đội tàu đánh cá trên là đội lớn nhất từng rời khỏi tỉnh Hải Nam để tới Trường Sa, và do các hiệp hội nghề cá của họ tổ chức.
Các tàu cá Trung Quốc tại một cảng thuộc tỉnh Hải Nam. Ảnh: AP.
Hôm 13/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định việc 30 tàu cá từ tỉnh Hải Nam của Trung Quốc tới quần đảo Trường Sa là hành động phi pháp.

"Lập trường của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khẳng định nhiều lần. Hoạt động khai thác của ngư dân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa là phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc có trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn ngư dân tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế", đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.

Tàu Ngư Chính 310 hỗ trợ một tàu cá Trung Quốc gần quần đảo Trường Sa. Ảnh: Xinhua 
Sự việc diễn ra sau khi Trung Quốc trục vớt chiến hạm mắc cạn tại bãi Trăng Khuyết ở Trường Sa vào sáng hôm 15/7. Chính phủ Philippines cho biết, họ sẽ không phản đối về mặt ngoại giao đối với Bắc Kinh bởi vụ mắc cạn của chiến hạm chỉ là một tai nạn, trong vùng nước mà Philippines nói họ có chủ quyền.

Trước đó, bốn tàu hải giám của Trung Quốc cũng đã tiến xuống Trường Sa, thuộc khu vực bãi đá Châu Viên và đá Chữ Thập. Truyền thông Trung Quốc còn loan tin cho rằng tàu của họ đã đuổi tàu của Việt Nam, tuy nhiên tin này bị truyền thông chính thức của Việt Nam hoàn toàn bác bỏ.

Sau việc thành lập "thành phố Tam Sa" mà Việt Nam đánh giá là phi pháp, Trung Quốc đã tăng cường những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, mời thầu dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, đưa tàu hải giám vào khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo