Thảo Lăng (GDVN) - Nhiều ý kiến cho rằng, có thể ông Dương Chí Dũng đã trốn sang Canada. Tuy nhiên, một cán bộ điều tra Bộ Công an nhận định, rất có thể ông Dũng vẫn đang "luẩn quẩn" đâu đó ở trong nước bởi nhân vật này chỉ biến mất vài giờ trước khi cơ quan công an tống đạt quyết định khởi tố, bắt giam.
Sự việc ông Dương Chí Dũng, Cục trưởng Cục Hàng Hải bỏ trốn trước lúc có quyết định tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam chỉ vài giờ đang làm xôn xao dư luận. Bên cạnh những sai phạm nghiêm trọng của ông Dũng ở mức độ nào thì những vấn đề xung quanh việc chạy trốn của ông này cũng là điều gây băn khoăn với công luận.
Để đánh giá cặn kẽ hơn về vấn đề này, phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức TW. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
Dương Chí Dũng vẫn “luẩn quẩn” trong nước ?
Nói về những việc cán bộ bỏ trốn sau khi gây sai phạm nghiêm trọng, ông Hương nói, xưa nay chưa có trường hợp cán bộ nào bị khởi tố, tạm giam mà bỏ trốn như trường hợp Dương Chí Dũng. "Khi một cán bộ bị khởi tố thì có 3 cơ quan được biết trước thông tin. Đó là cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và cơ quan chủ quản của cán bộ đó. Cá nhân tôi cho rằng, rất khó có khả năng lọt lộ thông tin từ phía cơ quan điều tra và Viện kiểm sát bởi họ có cơ chế giữ bí mật cực kỳ tốt".
Ông nhận định, có 2 khả năng về nơi trốn của ông Dũng. Hoặc là ông Dũng đã bỏ trốn ra nước ngoài. Việc bỏ trốn ra nước ngoài với một người có chức vụ cao như ông Dũng không hề khó. Nhất là khi ông Dũng nắm giữ lượng tiền cực lớn nếu đã được chuyển ra nước ngoài thì trốn đi và lập quốc tịch mới là chuyện đơn giản.
Nhưng để trốn ra nước ngoài thì ông Dũng phải có sự chuẩn bị, lên kế hoạch rất kỹ và phải có thời gian từ trước đó. Và nếu trường hợp trốn đi nước ngoài, tội phạm kinh tế thích trốn sang Canada, ông Hương nhận định.
Thông thường, tội phạm kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc thích trốn sang Canada và một số quốc gia phương Tây để tránh sự trừng phạt của pháp luật ở nước sở tại.
Ngoài ra, Canada còn là quốc gia không áp dụng án tử hình nên cấm dẫn độ tù nhân cho những nước áp dụng án tử hình đối với họ. Khoảng 30 năm trở lại đây, đã có khoảng 4000 đến 10.000 quan chức, tội phạm kinh tế của Trung Quốc trốn sang Canada, Mỹ, Úc,…Trong số đó, nhiều tên tội phạm đã thoát án tử hình nhờ luật dẫn độ của các quốc gia này.
Tuy nhiên, theo thông tin từ báo chí thì ông này mới chỉ biến mất trước khi có lệnh tống đạt, tạm giam vài giờ thì khả năng cao là ông Dũng vẫn đang “luẩn quẩn” đâu đó trong nước, ông Hương nhận định.
Một cán bộ điều tra Bộ Công an cũng đồng nhất với đánh giá này. Bởi thông thường, một tội phạm phải chuẩn bị kỹ càng, trong khoảng thời gian không phải là ngắn nếu muốn bỏ trốn khỏi sự trừng phạt của cơ quan pháp luật nước sở tại.
Truy tới cùng: Ai để lộ thông tin?
Về lý do vì sao ông Dũng phải bỏ trốn, ông Nguyễn Đình Hương cho rằng, rất có thể để có đủ thời gian chạy tội. Điều làm ông thắc mắc và cho rằng cần phải truy tới cùng là việc ai đã để lộ thông tin cho ông Dũng biết trước mà bỏ trốn?
Ông Hương cho biết thêm, khi Tổng Công ty Xây dựng đường thủy bị thua lỗ, đã có lần ông Dũng (khi đó làm Tổng Giám đốc - PV) tới nhà ông Hương để “nhờ vả”, nhưng ông Hương nhất quyết không can thiệp.
Và có lẽ chính từ chuyện này, nhiều người hiểu lầm rằng ông Hương “đỡ đầu” ông Dũng lên làm Cục trưởng Hàng hải.