Đào Tuấn - So với “im lặng đáng sợ” của 25 năm trước, những bản án treo, một biểu hiện của sự thỏa hiệp - còn đáng sợ hơn rất nhiều, khi đằng sau nó là những tiếng thở dài của niềm tin. Ngày 26-5-1987, khái niệm “im lặng đáng sợ”- một biểu hiện của bệnh vô cảm, vô trách nhiệm, trong cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng- lần đầu tiên xuất hiện trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân dân. Tác giả, NVL, không ai khác, chính là Tổng bí thư đương nhiệm Nguyễn Văn Linh.
Chính tinh thần phê phán “sự im lặng đáng sợ” này đã là điểm khởi đầu cho giai đoạn đổi mới. Sau này, ông viết: “Phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới thật sự có chỗ đứng, giống như có nhổ sạch cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên vậy”.
Nhưng 25 năm qua, tiêu cực, tham nhũng không những không bị đẩy lùi, thậm chí “nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có”- như lời TBT Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình hôm 30-6-2012.
25 năm qua, bên cạnh sự “im lặng đáng sợ”, còn xuất hiện thêm một biểu hiện mới. Đó chính là sự thỏa hiệp. Năm 2010, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng nói đến “sự thỏa hiệp” này qua phát biểu của Chủ nhiệm Lê Thị Thu Ba: “Hiện dư luận và một số cử tri cho rằng người dân, doanh nghiệp sẵn sàng đưa hối lộ cho cán bộ, người có thẩm quyền giải quyết công việc để được việc. Trong khi cán bộ, công chức nhà nước lại coi việc nhận tiền của người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc cho họ là điều bình thường, đương nhiên. Nhận riết hóa quen, khi không có thì nhũng nhiễu”.
“Sự thỏa hiệp”, nhìn thấy nhan nhản trong đời sống hàng ngày, nhiều khi đơn giản chỉ là 50 ngàn đóng thêm để được khám bệnh sớm. “Sự thỏa hiệp” đôi khi bình thường đến mức người ta không nhận ra mình đang là nạn nhân của tham nhũng, tiêu cực.
Nhưng có thể gọi đó là “thỏa hiệp” khi người dân là những người “không có quyền ra giá”? Dường như cách nhìn nhận về “sự thỏa hiệp” của người dân khác rất nhiều so với cách nhìn nhận của những người “có trách nhiệm”.
Sự thỏa hiệp đó, trong báo cáo kiến nghị cử tri mà Mặt trận vừa trình bày trước QH tháng 6 vừa rồi thể hiện ở niềm tin rằng “Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện xử lý chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng đang diễn ra”, rằng “Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường bị kéo dài, trong đó các vụ án nghiêm trọng, phức tạp thường bị kéo dài theo hướng thu hẹp vụ án”. Và biểu hiện rõ nhất của sự thỏa hiệp, dưới con mắt dân chúng, là “Tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo còn nhiều”.
Nói giản dị hơn thì Tham nhũng ít bị phát hiện. Bị phát hiện thì xử lý theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”. Và quan trọng nhất là cái cách nhìn nhận trong việc “Nhân danh nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” để những “cỏ dại, sâu rầy” được nhận một bản án treo- Suy cho cùng, người dân, những nạn nhân của tham nhũng, dường như có đầy đủ tư cách để nhìn nhận thế nào là thỏa hiệp.
Người dân rõ ràng không lo suông. Bởi đằng sau những nỗi lo, những tiếng thở dài là những con số thống kê lạnh lùng. Năm 2008, tỷ lệ án treo trong xét xử án tham nhũng sơ thẩm đến 37%. Tới năm 2010, vấn đề án treo tiếp tục được nhắc lại không hơn không kém. Theo báo cáo của Ủy ban tư pháp trước QH: Có đến 166/479 số bị cáo phạm tội tham nhũng bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Chưa kể tới vô số vụ “đã bị khởi tố nhưng sau đó đình chỉ điều tra với lý do thân nhân tốt, đã khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại”. Và, trên một “sự thỏa hiệp chung”: Tham nhũng được đánh giá là nghiêm trọng, diễn biến phức tạp và chưa được ngăn chặn, đẩy lùi nhưng kết quả điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng trong những năm gần đây tiếp tục giảm cả về số vụ và số đối tượng.
Năm 2008, một cuộc tranh luận “nho nhỏ”- nhưng không hề thú vị- đã xảy ra. Chánh tòa tối cao Trương Hòa Bình cho rằng: Trong các vụ án tham nhũng, đối tượng là cán bộ, công chức, đảng viên thì nhân thân thường là tốt, lại có quá trình cống hiến. Các vụ án được phát hiện thường là nhỏ, giá trị sai phạm không quá lớn nên gia đình bị cáo thường chủ động khắc phục thiệt hại. “Cho nên về lý mà nói, cho hưởng án treo nhiều trong án tham nhũng chưa hẳn đã sai hết” – Chánh án nói. Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Dương Ngọc Ngưu thì lại nhìn nhận: “Dư luận thấy ai được hưởng án treo là cho rằng gần như người đó được án nhẹ nhất, thoát phạt tù. Mà như thế là không tương xứng với mức độ nguy hiểm của tội phạm tham nhũng”.
Tới năm 2010, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba vẫn phải nhắc lại câu chuyện này khi mà “tình trạng treo” gần như không giảm: “Tham nhũng đều liên quan đến cán bộ, công chức. Nếu chúng ta cứ căn cứ vào nhân thân tốt thì tôi thấy không phù hợp, cần phải xem xét lại” – bà Thu Ba nói.
Và sau những cuộc tranh luận chẳng đi đến đâu đó, gần đây nhất, ngày 18-5-2012, TAND tỉnh Bình Phước đã cho hưởng án treo cả nhóm 9 bị cáo trong vụ tham nhũng tại Đồng Xoài.
Tuần rồi, dư luận chứng kiến một động thái mới trong cuộc chiến chống tham nhũng gắn với NQ TƯ 5 khi các đoàn công tác liên ngành được thành lập để kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng. Tuổi trẻ ngay sau đó đã đặt một câu hỏi chính xác: Tình trạng tỷ lệ án treo nhiều trong xét xử các vụ án tham nhũng có (được) đặt ra trong kiểm tra, giám sát lần này? Chỉ tiếc là câu trả lời của Phó chánh văn phòng Thường trực Văn phòng BCĐ Phạm Anh Tuấn không đi đúng vào câu hỏi và có vẻ chỉ mang tính chất cá nhân: “Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, cần hạn chế việc cho hưởng án treo để đảm bảo tính răn đe của pháp luật”.
Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ, TBT Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc “Chúng ta quyết định không để bộ máy phòng chống tham nhũng ở cơ quan hành pháp nữa mà đưa sang cơ quan Đảng”. Điều đó, có vẻ như sẽ tạo ra sự độc lập, nhấn mạnh là trong việc phát hiện tham nhũng. Nhưng việc phát hiện liệu có còn ý nghĩa nếu “tình trạng án treo” vẫn treo lơ lửng đâu đó trong các pháp đường đáng lẽ phải nghiêm minh?
So với “im lặng đáng sợ” của 25 năm trước, những bản án treo đáng sợ hơn rất nhiều, khi đằng sau nó là những tiếng thở dài của niềm tin.
25 năm trước là TBT Nguyễn Văn Linh với tinh thần phê phán “sự im lặng đáng sợ”. 25 năm sau là TBT Nguyễn Phú Trọng với quyết tâm “Thuốc liều cao cho bệnh nặng”.
Nhưng suốt 25 năm đó là sự thỏa hiệp của những bản án treo. Và vẫn chỉ là một cuộc chiến.