Trần Duy Huỳnh (Danlambao) - “Chuyện đó” ở đây là chuyện tự do, dân chủ và nhân quyền. Một cuộc Cách Mạng thực sự.
Tại vì dân trí VN thấp? Cách Mạng (CM) nói chung, không lựa chọn dân trí cao hay thấp để xảy ra. Dân trí cao hay thấp đều có thể bất mãn nếu quyền lợi, nguyện vọng chính đáng không được đáp ứng. Tuy nhiên, khi CM nổ ra, dân trí thấp có thể làm tiến trình kéo dài hơn và phức tạp hơn, nhưng dứt khoát chế độ đó sẽ phải thay đổi. Theo thống kê, dân trí của dân ta không thấp hơn Tunisia hay Ai-cập khi cuộc cách mạng Hoa Lài xảy ra.
Tại vì dân ta sợ hãi hơn? Không có nhà nước độc tài nào không dùng bạo lực để duy trì quyền lực. Nhà nước CSVN cũng không đi ngoài ngoại lệ đó. Áp đặt sợ hãi lên nhân dân đã trở thành đường lối điều hành đất nước. Sợ chính quyền, sợ người chung quanh và sợ “cả chính mình” vì dù có bất công, mình cũng không dám làm gì ra ngoài quy ước của chế độ.
Tuy nhiên, càng bạo lực, càng làm cho dân khiếp sợ nhưng chưa chắc nhà nước độc tài càng có nhiều khả năng duy trì quyền lực lâu hơn, vì khi tạo ra sự bất mãn, nhà cầm quyền cũng đồng thời tạo sự run sợ cho chính họ nếu sự bất mãn của nhân dân bùng nổ.
Tại vì dân ta chưa có lãnh tụ? Thói quen tôn sùng lãnh tụ, thần thánh hóa lãnh tụ cùng với quan niệm cần có lãnh tụ để lãnh đạo là thói quen, quan niệm mà nhà cầm quyền CS cố gieo vào trong đầu chúng ta từ khi ĐCS nắm được chính quyền. “Cụ” rùa Hồ Giươm là nạn nhân mới nhất của tệ sùng bái này khi người ta khăng khăng bắt người khác phải gọi CON RÙA bằng CỤ.
Trong thế giới phẳng (The world is flat) ngày nay, khi sự tiếp xúc giữa các cá nhân trở nên dễ dàng và chặt chẽ hơn trước, lãnh đạo hợp lý nhất chính là ý tưởng của mỗi người cùng nhau xây dựng một xã hội dân chủ công bằng và phát triển, trong đó mỗi người dân chính là một lãnh-tụ-cùng-nhau-thực-hiện sự lãnh đạo đó.
Tại vì dân ta chưa có một tổ chức đủ mạnh, đủ uy tín để tập hợp quần chúng? Lâu nay, chúng ta thường hiểu Tổ Chức là một tổ chức theo đúng nghĩa đen của nó. Tại sao chúng ta không thử hiểu Tổ Chức chính là ý-thức-hành-động-có-tổ-chức-có-đoàn-kết-có-cùng-mong-muốn-đạt-được-mục-đích-chung? Chính Ý-Thức-Tổ-Chức này sẽ phối hợp mọi hành động để cùng làm CM.
Tại vì thời cơ chưa tới? Xin hỏi, thời cơ là do con người hay do Thượng Đế tạo ra? Xin nhớ một điều, CM xảy ra một cách bất ngờ không có nghĩa là do Thượng Đế tạo ra sự bất ngờ mà chính là do sự bùng nổ của quá trình dồn nén sự bất mãn trong dân chúng đối với chế độ đã đến mức không chịu được nữa. Sự lùi bước trong nhiều lĩnh vực của nhà cầm quyền VN hiện nay, đặc biệt các cuộc cưỡng chiếm đất, là bằng chứng cho thấy họ biết là hiện đang có thời cơ cho một cuộc bùng nổ và họ sợ thời cơ đó đến.
Tại vì dân ta hiện nay chưa cần tự do, dân chủ, nhân quyền mà chỉ cần cơm ăn áo mặc và đời sống ổn định? Đây là lý do mị dân nhất trong tất cả mọi lý do, “Ổn định chính trị để xây dựng kinh tế “ là câu nói của mọi lãnh tụ đảng, điển hình của một lối suy nghĩ “duy ý chí”, Bắc Hàn không “ổn định chính trị” nhất thế giới đó sao.
Ông cha ta từ bao đời đã sống với ước mơ giản dị đó, đến đời chúng ta vẫn tiếp tục ước mơ đó. Giấc mơ đó lại được hổ trợ tích cực bởi những người cầm quyền hiện nay để tiếp tục ru ngủ và mê muội các thế hệ sau. Cứ sống trong mơ như thế thì đến bao giờ dân VN mới thành người được?
VN có đủ yếu tố cần thiết cho một cuộc CM, vậy tại sao CM chưa xảy ra? Câu trả lời có lẽ là chúng ta chưa tạo ra được một “cú hích” thích hợp để vận động quần chúng.
Đặc thù VN
Hoàn cảnh XH Việt Nam hiện nay cũng giống như XH của các nước mà cách mạng Hoa Lài đang diễn ra, nhưng có hai điểm khác biệt rất quan trọng đó là:
1. Hơn tất cả các nhà cầm quyền độc tài khác, nhà cầm quyền CS rất nhạy cảm trong vấn đề chính trị. Bao nhiêu năm dưới sự cai trị của đảng CS, người dân cũng rất nhạy cảm với chính trị. Một thí dụ rõ ràng nhất là họ không những tự kiểm duyệt mình, trong cách viết, hành động, lời nói mà còn được khuyến khích kiểm duyệt người khác nữa.
Về phía nhà cầm quyền, dù người dân không chống đối gì, không có hành động gì hầu có thể gây nguy hiểm cho chế độ, nhưng nếu họ nói chuyện về Dân Chủ, Tự Do hay Nhân Quyền hay chỉ đọc sách công khai nói về nó cũng có thể gây phản ứng từ phía người cầm quyền.
2. ĐCSVN là đảng cầm quyền, nghĩa là ai trong đảng cũng có quyền, nhưng không ai có trách nhiệm rõ ràng trong việc điều hành đất nước. Tuy vậy, hệ thống trấn áp để bảo vệ đặc quyền, đặc lợi lại được tổ chức chu đáo từ trên cao nhất xuống tới cấp thấp nhất, được phân công trách nhiệm rõ ràng.
Đặt biệt nhằm mục đích bảo vệ đảng, chính sách đầu độc và ngu dân đã trở thành chính sách quan trọng của các cấp nhà nước và được đưa vào giáo dục từ cấp mẫu giáo cho đến hết đại học.
Chính vì thế tại VN, ngưởi ta nói bạn muốn làm gì, chửi gì cũng được nhưng đừng có nói về chính trị và nhất là đừng có đứng trong đảng phái hay tổ chức nào.
Thật vậy, bạn sẽ không bao giờ dám nói chuyện về chính trị với người lạ vì bạn không biết họ sẽ phản ứng như thế nào. Ngoài ra, tuy khá đông quần chúng bất mãn với nhà nước, không tin tưởng XHCS nhưng thụ động mặc nhiên chấp nhận bất công, vô cảm với mọi việc xảy ra chung quanh. Họ tránh xa mọi thứ được xem là nhạy cảm với chính quyền.
Mặt trận xã hội và đấu tranh bất bạo động
Từ các nhận xét trên, có ý kiến cho rằng trong tình hình VN hiện nay, sự đấu tranh khởi nguồn từ mặt trận xã hội (chưa kể đến mặt trận kinh tế) để đạt mục tiêu chính trị là chiến lược khôn ngoan nhất để làm thay đổi XH. Bất bạo động chính là phương thức đấu tranh hiệu qủa nhất.
Và đặt biệt, không phải ai cũng chọn cái chết hay sự hung bạo để giải quyết sự bất công của XH.
Nhưng làm thế nào để khơi động mặt trận xã hội? Làm thế nào để truyền bá tư tưởng tự do, dân chủ? Làm thế nào để người dân bớt sợ hãi và làm thế nào để tiếp cận các vấn đề chính trị nhạy cảm với người lạ?
Vận dụng bất bạo động một cách khôn ngoan là phương pháp hữu hiệu nhất để giải quyết các câu hỏi này.
Bất bạo động không đơn giản chỉ là không sử dụng bạo lực hay vũ khí mà còn rất nhiều các hình thức khác nhau thể hiện sự bất bạo động.
Đưa tôi vào buồng cô (công an) khoá cửa lại, mặt lạnh tanh. Tôi hỏi.
- Này mình ơi, nếu không muốn đi cung nữa thì từ chối có được không ?
Cô cán bộ nhìn tôi nghiêm khắc.
- Không muốn thì chỉ có ốm, mà ốm thì phải có bác sĩ xác nhận. Ở đây phải gọi là cán bộ, xưng tôi. Không được mình mình.
Tôi cười xoà.
- Gọi khác sợ kém xinh đi, tưởng gì chứ gọi bằng cán bộ tù nào chả gọi được.
Cô cán bộ lườm.
- Ăn nói linh tinh, kỷ luật bây giờ.
Đây là hình thức bất bạo động. Làm sao cô cán bộ công an măt lạnh tanh có thể cùm Nguời Buôn Gió vì tội anh đã khen cô ta xinh.
Trở lại câu hỏi trên là làm sao truyền bá tư tưởng tự do, dân chủ? Làm thế nào để người dân bớt sợ hãi và trở nên tích cực?
Mạng truyền thông là một phương tiện tốt nhưng chưa đủ. Nếu ta có phương tiện này thì kẻ thù cũng có mà còn có mạnh hơn nữa là khác. Vã lại, thực tế chứng minh là những mạng như Facebook, Twitter chưa đủ để làm một cuộc cách mạng.
Như đã nói, hãy bắt đầu từ đời sống thường ngày. Trong Xã hội VN hôm nay, người vô cảm lắm cũng bất mãn vì giá cả gia tăng, nạn thất nghiệp, tham nhũng tràn làn, hãy bắt đầu bằng chuyện đó và từ từ chuyển sang nguyên nhân.
Nếu bạn nói với người công an về sự bất mãn của người dân vì những chính sách sai lầm của đảng, họ có thể sẽ trừng mắt nhìn bạn, nhưng nếu bạn nói về sự khó khăn trong đời sống của bạn mà không trách móc, thì người công an cũng sẽ nói về cuộc sống khó khăn của anh ta. Công an cũng có những bất mãn riêng của họ. Và hãy tin chắc một điều là, nếu anh ta có bất mãn thì sự bất mãn đó còn hơn sự bất mãn của bạn nhiều. Vậy, hãy gợi nó ra.
Trong thập niên qua, VN hình thành một thành phần tư sản mới. Không như nông dân hay công nhân, thành phần này có ảnh hưởng nhất định lên xã hội. Họ làm giàu nhờ chế độ mà họ cũng hoang mang vì chế độ. Họ có tài sản để mất chứ không phải người dân nghèo thành thị không có gì để mất. Thay vì nói với họ những sai lầm về chính trị của đảng CS, hãy tác động họ bằng những phân tích về tác hại của sai lầm kinh tế vĩ mô (của đảng) ảnh hưởng tới tài sản họ thế nào.
Hãy bắt đầu từ ngọn của vấn đề rồi lần xuống gốc. Nếu chưa đến lúc, hãy bắt đầu bằng những điều họ quan tâm chứ không phải những điều mà bạn quan tâm.
Cuộc đấu tranh tại giáo sứ Thái Hà có lẽ là một điển hình hay của đấu tranh bất bạo động. Biểu tượng của họ là Thánh Giá (Đức tin), khẩu hiệu của họ là Kinh Hoà Bình.
Họ chỉ đọc kinh cầu nguyện và không phản ứng gì hết trước sự bao vây của công an và khiêu khích của những thanh niên dân phòng. Nhà cầm quyền không thể lấy cớ gì để đàn áp họ. Họ đã quy tụ được hàng chục ngàn người.
Xin đừng gán cho họ những mỹ từ chính trị như “Đấu Tranh Cho Tự Do Tôn Giáo” mà làm hỏng mục đích của họ.
“....Nhớ vụ Xuống Đường Muối Mặn của Gandhi ? Vấn đề không phải là “Dân Anh cút đi!” – không chính thức. Vấn đề là: “Chúng tôi muốn làm muối”.(Tina Rosenberg, Mai Việt Tú chuyễn ngữ).
Công an CS rất đa nghi, ngoài ra còn một lực lượng hàng ngày len lỏi trong XH để nắm bắt thông tin, đó là thanh niên dân phòng, đây là lực lượng ra tay mạnh nhất.
Với chủ trương bắt lầm hơn tha lầm. Một sự tập họp mà manh nha nghe nói ý đồ chính trị, có tổ chức nào đó đứng sau lưng hay sử dụng các khẩu hiệu sặc mùi chính trị như Tự-do, Dân chủ, Nhân-quyền là dể bị công an dẹp tan nhanh nhất.
“... tự đặt mình vào cái thế của công an, công nhân, đàn bà, và những nhóm khác – họ muốn cái gì ? Những danh sách mà họ lập ra có thể đoán được sở thích của họ:Học sinh muốn trường tư, thương gia muốn một hệthống ngân hàng tin cậy, nông dân muốn nông hẩm được phụ cấp. Cái thú vị là danh sách không thấy“Dân chủ ở đâu?Nhân quyền ở đâu?” Popovic (sáng lập viên nhóm CANVAS - chuyên tổ chức hướng dẩn đấu tranh bất bạo động) nói, chỉ vào những cái danh sách treo trên tường. “Dân chúng chả xem những thứ ấy là cục phân nào cả. Bình thường chính trị gia nói về những thứ mà không ảnh hưởng đến dân chúng”.(Tina Rosenberg, Mai Việt Tú chuyễn ngữ).
Hãy sử dụng quyền lực mềm và khẩu hiệu mềm của bất bạo động để vượt qua sợ hãi: sợ hãi công an và sợ hãi hành động nhạy cảm của mình.
Trước khi xảy ra cuộc diển hành bước qua, làm sụp đổ bức tường Bá Linh ngày thứ Năm lịch sử, 9 tháng 11, 1989, các cuộc tụ họp hoà bình chính trị chống lại chính phủ của Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) tại nhà thờ St. Nicholas Church, Leipzig, Đông Đức, vị Linh mục luôn giảng “Chúa phán: Hãy yêu thương kẻ thù” (Love your enemies) thay vì “cút đi” (Down with your opponents)
Và, “những thay đổi sẽ đến nếu chúng ta giữ cho tinh thần bình tĩnh, hòa bình và khoan dung đi vào lòng chúng ta. Tinh thần hòa bình phải đi xa hơn những bức tường. Hãy cẩn thận, không cần phải là những lời thô lỗ với công an. Hãy cẩn thận, không hát những bài hát hoặc tung hô khẩu hiệu có thể kích động các cơ quan có thẩm quyền”.
Xin minh định là, tất cả các cuộc xuống đường hay biểu tình đều cần có tổ chức. Không có cuộc CM nào mà không cần sự chuẩn bị lâu dài và tỉ mỉ. Tuy nhiên, vì lý do như đã nói ở trên, sẽ là dở nhất nếu các cuộc đấu tranh đó do một cá nhân hay một nhóm đứng ra vận động mà hãy làm sao cho tất cả mọi người cùng vận động. Tất cả mọi người cùng vận động, cùng tổ chức.
Ngoài ra, đấu tranh bất bạo động không chỉ có nghĩa là tập trung một số lượng lớn ở tại một nơi nào đó. Tại Ai-cập trong cách mạng Hoa Lài, các cuộc xuống đường đầu tiên của các nhóm nhỏ, rất bình thường, không bạo động diễn ra rải rác ở các thành phố khác nhau là một thí dụ tốt. Nó đã tạo cho nhà cầm quyền một cảm giác xem thường cho tới khi quá trễ.
Một lần nữa, nên tiếp cận vận động quần chúng (bất cứ thành phần nào trong XH, tại sao không?), hãy bắt đầu từ ngọn của vấn đề rồi lần xuống gốc. Nếu chưa đến lúc, hãy bắt đầu bằng những vấn đề xã hội mà họ quan tâm chứ không phải những vấn đề chính trị mà bạn quan tâm. Hãy làm những điều phức tạp, nguy hiểm thành những điều tầm thường, ai cũng có thể hưởng ứng, ai cũng có thể làm được.
Vận động quần chúng qua phương pháp đấu tranh bất bạo động không chỉ lôi kéo quần chúng về phía mình mà còn gây dựng Ý-Thức-Tổ-Chức cho mỗi người. Đó là ý thức: đoàn kết, phối hợp, kỷ luật bất bạo động và nhất là mục đích rõ ràng. Như thế là có tổ chức mà không có tổ chức.
Sử dụng khẩu hiệu mềm để tránh khiêu khích nhà cầm quyền một cách không cần thiết. Hành động mềm nhưng cương quyết để tránh bị khích động gây ra xung đột, và mục đích rõ ràng là những yếu tố quan trọng để tập họp quần chúng. Lê Diễn Đức trong bài viết của mình đã dùng tựa rất hay Xuống đường làm cách mạng đơn giản là Cool & Sexy.
Xin đừng ngộ nhận rằng sử dụng bất bạo động trong đấu tranh là hình thức thỏa hiệp, nhượng bộ. Thỏa hiệp hay nhượng bộ không phải là mục đích chính và cuối cùng của đấu tranh chống độc tài CS.
Cuối cùng, những ý kiến trên chỉ là ý kiến riêng, người viết xin đón nhận thêm mọi ý kiến đóng góp khác để chúng ta cùng suy nghĩ và làm.
13/07/2012
Trần Duy Huỳnh