TBT Nguyễn Phú Trọng đang "sốt ruột" theo kiểu gì? - Dân Làm Báo

TBT Nguyễn Phú Trọng đang "sốt ruột" theo kiểu gì?

Lê Anh HùngTrong cuộc tiếp xúc cử tri ngày 29/6 tại Hà Nội vừa rồi, TBT Nguyễn Phú Trọng lại khiến dư luận bàn tán rôm rả khi công khai bày tỏ thái độ “sốt ruột” trước tệ nạn tham nhũng tràn lan khắp cả nước. Ông còn phát biểu: “Tinh thần chống tham nhũng trong Đảng quyết tâm rất cao, song phải dựa vào nhân dân, dựa vào đảng viên”!?

Theo lẽ thường tình, khi một người “sốt ruột” trước hành vi của người khác thì hoặc là vì anh ta thấy hành vi đó nguy hại và nôn nóng ngăn chặn, hoặc là vì anh ta muốn làm như người ta mà không được. Vậy nên để xem ngài TBT “sốt ruột” theo kiểu gì, thiết tưởng chúng ta cũng cần phải xem Đảng và Nhà nước vẫn đang “dựa vào nhân dân” để “chống tham nhũng” như thế nào đã.

Người Việt Nam vốn có truyền thống “kính lão”, đặc biệt là những bậc “cây cao bóng cả” có nhiều đóng góp cho cộng đồng và xã hội. Các triều đại phong kiến ở Việt Nam trước đây rất coi trọng tiếng nói của tầng lớp phụ lão, mà Hội nghị Diên Hồng năm 1284 (do Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các phụ lão trong cả nước để trưng cầu dân ý về chủ trương hòa hay chiến khi quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ 2) là một minh chứng điển hình.

Trong lớp người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay, có một bộ phận mà xã hội cũng như các cấp chính quyền xưa nay vẫn dành cho họ một vị trí đặc biệt. Đó chính là các vị “lão thành cách mạng” – những người đã cống hiến phần lớn cuộc đời của mình cho “sự nghiệp cách mạng” do Đảng CSVN khởi xướng và dẫn dắt, với những thành tích đáng nể trọng theo quan niệm chính thống của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trước thực trạng tham nhũng, tiêu cực đang ngày càng tác oai tác quái hiện nay, nhiều vị đã khảng khái lên tiếng đòi hỏi lãnh đạo Đảng và Nhà nước phải có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.

Không dừng lại ở đó, mới đây một số vị lão thành cách mạng đã tập hợp lại nhằm đi đến thành lập “Câu lạc bộ Học và làm theo tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh” tại Hà Nội. Theo lời của một thành viên sáng lập thì “thành phần là những người đã có quá trình hoạt động trong Đảng, Nhà nước, quân đội, các đoàn thể cách mạng. Một số người gần như suốt cuộc đời hoạt động, cả lúc đã nghỉ hưu. Ba bốn người đã có những lúc gặp hoặc đã trực tiếp làm việc với Bác Hồ; có người đã tham gia những khóa của Ban Chấp hành Trung ương Đảng hay Quốc hội; có người đã từng có mặt trong Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ở Việt Bắc”. Rõ ràng, họ đều là những “công dân đặc biệt” trong cái chế độ vẫn suốt ngày ra rả là “của dân, do dân và vì dân” này. Tưởng như đây sẽ là một chỗ dựa đáng tin cậy cho Đảng và Nhà nước trong công cuộc phòng chống tham nhũng và xứng đáng được khuyến khích, thậm chí nhận được sự hỗ trợ từ hệ thống chính trị. Ấy vậy nhưng, trớ trêu thay, câu lạc bộ lại bị trấn áp ngay từ khi còn trong trứng nước. Vẫn theo lời của thành viên sáng lập câu lạc bộ nói trên thì người ta đã “trấn áp việc tìm các cách sao cho có hiệu quả để góp sức với Đảng, Nhà nước trước thực trạng hiện nay của Dân, của Nước, của Đảng” với đủ trò bẩn thỉu như (i) tung tin thất thiệt, (ii) doạ dẫm, tạo áp lực vào kinh tế của con cái, (iii) gây áp lực từ hệ thống Đảng, (iv) gây áp lực từ tổ chức cựu chiến binh, và (v) diễu võ dương oai.

Trong hệ cơ chế chính trị hiện hành ở Việt Nam, việc trấn áp bài bản với đủ mọi chiêu thức đối với một câu lạc bộ mà thành viên của nó toàn là những bậc “đức cao vọng trọng” như thế chắc chắn phải bắt nguồn từ “quyết tâm rất cao” của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ông cha ta vẫn có câu “miệng quan trôn trẻ”. Thực tế này hẳn không khỏi khiến người ta nghĩ rằng thái độ “sốt ruột” của ngài TBT dường như thể hiện tâm lý “trâu buộc ghét trâu ăn” hơn là tâm trạng của một nhà lãnh đạo đang “trăn trở” vì vận mệnh của nước nhà.

Lê Anh Hùng


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo