David Thiên Ngọc (Danlambao) - Tôi nghe nói dân xứ nào, ở đâu nuôi chó làm cảnh và yêu thương như con trẻ thì tôi không biết chứ dân xứ tôi thì nuôi chó trước hết là để giữ nhà, sủa "kẻ lạ" nhập gia tùy tiện, làm khách không mời mà đến. Và cùng lắm là sủa những tên đêm hôm rình mò trộm cắp.
Thường thì kẻ ngay hay sợ chó! vì lỡ rủi nó cào cấu bậy thì nguy. Nguy nhất là những ngày tháng hè oi bức xứ nhiệt đới thì nóng vô kể... người cũng phát điên chứ đừng nói chi là chó. Nhằm phải chó điên, chó dại cắn vào thì ôi thôi có nước mà về với "Các Bác". Người dân quê xứ tôi thường gọi "Các Bác" là "Cô Hồn, Các Đảng" chứ không phải "Bác Hồ, Bác Mao" đâu. Các bạn đừng có nghĩ vẩn mà đắc tội với"Doanh nhân thế giới" đó nha!
Nói về cái nóng thì duy chỉ có loài "Sâu" là vô tư. Suốt ngày chui rúc trong hoa thơm trái ngọt, hơi mát điều hòa quanh năm. Mà tôi nghĩ cũng lạ sao ông trời lại ưu ái cho loài sâu có "Trí tuệ đỉnh cao" nên chúng trông xa hiểu rộng và biết trước nơi nào béo bở mà chui. Vì thế chúng thường chui rúc đục khoét những quả nào chín mọng, ngon ngọt nhất, hoa nào thơm mát nhất, rau dưa nào tươi non nhất là chúng xơi khi chủ vườn chưa kịp hái. Thật là trên trước ưu đãi cho chúng ăn trên ngồi trốc. Do đó con sâu nào cũng mập tròn, ú na ú nần... mình căng đầy nhựa sống của hoa quả, nguyên khí của ruộng vườn!!!
Trở lại chủ đề con chó. Các bạn cũng nên nhớ rằng "Quê tôi nghèo lắm ai ơi... mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn...". Mà ngặt nỗi hoa màu lên được bao nhiêu chưa kịp thu hoạch thì sâu đã xơi tái. Do đó cái ăn của dân tôi bữa đói, bữa no cũng là điều dễ hiểu. Cho nên cơm gạo ăn suông không độn vào mì (sắn) xắt lát phơi khô là điều xa xỉ. Một lát mì cỏng 2,3 hột cơm là thường. Duy chỉ có các Thái Thú trên Tổng trên Phủ gốc gác bên Tề, bên Sở là ăn uống hơi nghịch đời, mà nhất là nghịch với dân tôi, họ không độn vào cơm bằng những lát mì mà họ độn vào đó một con gà mái dầu hay một cái giò heo. Một con gà mà cỏng mấy hột cơm thấy thật tội nghiệp. Chắc có lẽ là do khẩu vị của họ như thế chứ dân tôi mà ăn như vậy thì có ngày cũng qui tiên vì bội thực.
Đó! tình cảnh xứ tôi là vậy. Cho nên cơm gạo, mì sắn cho người còn thiếu lên hụt xuống thì lấy đâu cho chó?. Bởi vậy Chó xứ tôi chỉ biết ăn c... thôi và mang vóc dáng hình hài ốm đói. Mà ốm đói thì thể lực không có lấy gì tiếng sủa cho vang, cho dội? Có kẻ trộm đạo thì nó ẳng ẳng lên vài tiếng rồi lại tắt lịm nằm ở hàng hiên, ở ba cái đình làng. Nhưng gặp buổi vận xui nhằm kẻ trộm đạo cao cấp thuộc loại "Đạo văn, đạo thơ" thì chó quê tôi đầu hàng bốn chân vô điều kiện. Thế nên ở xứ đại đồng thần tiên nọ có một tên tù già ốm đói ăn cắp thơ, đạo văn của người ta ở tận bên Liêu bên Tống nào đó nên chó quê đành "quê cơ" không biết đâu mà sủa!
Ở xứ nghèo khổ hay sinh ra lắm chuyện. Thường thì "Bần cùng sinh đạo tặc", trộm cướp nhiều, nếu ai có một chút của hộ thân thì hay lo nơm nớp. Chỉ việc lo đóng kín cửa cố thủ bên trong. Nhà thì đóng cửa nhà, đình làng có chút đồ thờ thành hoàng hương khói thì cũng đóng kín cửa cho an toàn. Mà Đình là chỗ tụ họp của các quan nghị hương xã nên rộng có đến ba cái cửa gọi là tam quan hay "Ba cửa Đình". Vì thế để bảo toàn lư hương bát nước trước nạn cướp giật "Ba cửa Đình" đóng kín chỉ để một con chó ốm đói canh giữ bên ngoài sủa lên vài ba tiếng khi có cướp manh động mà thôi.
Kể ra thì hơi dài dòng, mà không nói lên thì đâu có ai thấu mà cảm thông nỗi niềm cho làng nước xứ tôi. Nói thật mấy ông chức sắc làng nước xứ tôi cũng chẳng có tốt lành gì. Có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Bởi các vị chức sắc này ngày trước cũng là phường trộm đạo, cũng đi cướp giật của người ta nên bây giờ nghe cướp là "mừng xanh mặt" d... muốn chạy lên cổ rồi. Cũng giống như chuyện "Mạc cưa, mướp đắng" vậy. Thật là kẻ cắp gặp bà già! Các vị chức sắc xứ tôi chuyên cướp kẻ chân yếu tay mềm trong tay không một tấc sắt rồi cuối cùng cũng gặp kẻ mạnh hơn cướp lại. Do đó làng nước tôi đất ruộng, rừng núi, biển đảo bao nhiêu, tài sản của nổi của chìm dần dà cũng bị cướp sạch. Duy chỉ còn có hai bãi cát hoang sơ còn sót lại để trồng dưa. Bãi cát thì chỉ trồng dưa là tốt mà ông tổ dân tôi - An Tiêm-ngày xưa truyền kinh nghiệm lại. Hai cái bãi cát đó một là bãi cát vàng mà các cụ thâm nho xứ tôi nói chữ là "Hoàng Sa" và một bãi cát dài gọi là "Trường Sa". Trời thương trong lúc gia sản bị cướp sạch thì hai bãi Hoàng Sa và Trường Sa canh tác trồng dưa khấm khá. Mà nghe đâu trong lòng hai bãi cát đó có tiềm ẩn, trầm tích một loại nước thần, khí thiêng gì đó quí lắm có thể làm thay đổi xã hội trắng, đen, đen, trắng như trở bàn tay thật là mầu nhiệm...
Thế là tiếng lành đồn xa... đâu đâu cũng mò về xưng hùng xưng bá giành giựt bốn năm thằng to miệng mà rằng ông tổ nhà nó xưa kia sống chết ở nơi này, bỏ công xương máu ra vun bồi nên hai bãi Hoàng sa, Trường Sa cho nên đó là lãnh thổ không tách rời ra được. Trong số đó có một tên bặm trợn, mặt mày hung ác với "Râu hùm hàm én mày ngài" mới trông như hải tặc thảo khấu lục lâm. Nghe đâu ở tận xứ "Bắc cư lô châu" gì đó. Bàng dân thiên hạ xì xào rằng chính tên cướp này ngày xưa là thầy dạy võ và truyền nghề "Sơn Hải tặc" cho các chức sắc xứ mình. Dạy từng đường quyền cho tới những bài "Khẩu quyết" bí kíp của các tuyệt chiêu trong Ma Giáo, tà đạo. Nay nghe trong hai bãi cát xứ mình có nước thần cực quí khác nào nước cam lồ nên cũng giở ngón tung ra bí kíp hư chiêu trong pho "độc cô cửu kiếm". Ai thì không nói chứ tên hung hãn này mà ra tay hành xử thì các chức sắc xứ ta là hàng đệ tử thì phải bó tay, cúi đầu thần phục. Đành phải đóng kín "Ba cửa Đình" im re trốn tiệt để cho con chó ốm đói bên ngoài sủa gì được thì sủa. Bởi chó đói thì sủa gì ra hơi! trộm còn chưa sủa nổi thì nói chi đây là cướp mà là sơn hải tặc thì chó Ba cửa Đình chỉ gâu gâu vài tiếng ra chừng "Phản đối! Phản đối!" rồi im. Nghĩ cho cùng cũng tội cho kiếp chó. Sủa không xong, không lên được tiếng thì đành chịu "Thịt" vậy! Chức sắc làng nước tôi mê thịt chó lắm. Chó không còn sủa được thì thịt để còn vớt vát lại chút c... đã ban cho chó ăn. Trước khi nhắm mắt về với "Các Bác" Cẩu Ba cửa Đình rưng rưng nước mắt mà rằng:
"Kiếp sau van lạy ông trời...
Cho tôi làm chó xứ người nâng niu!".
Ngày 29/7/2012